Robin van Persie và câu chuyện dang dở giữa hai màu đỏ…
Đại chiến MU-Arsenal đã trở thành một phần đẹp đẽ trong tâm trí mỗi fan Premier League, người ta sẽ nhớ đến khí thế hừng hực trong...
Đại chiến MU-Arsenal đã trở thành một phần đẹp đẽ trong tâm trí mỗi fan Premier League, người ta sẽ nhớ đến khí thế hừng hực trong huyết quản từng cầu thủ, những lần đối đầu đầy cảm xúc của Vieira và Keane, nhớ tới quả penalty không thể nào quên của Van Nistelrooy và còn nhiếu điều nữa. Ngày hôm qua, một đêm London đầy sương mù, Arsenal gục ngã trước Man United theo cách rất “Arsenal”, và Manchester United mang về 3 điểm theo cách rất “Mourinho”. Trong suốt 90 phút trên sân Emirates, các cầu thủ chủ nhà có số cơ hội, số lần dứt điểm nhiều hơn hẳn đối thủ nhưng trong một đêm thăng hoa, de Gea đã từ chối tất cả, các fan Arsenal nhận ra 1 bàn của Lacazette là chưa đủ, trong khi Iwobi vẫn chỉ ở dạng tiềm năng, còn Welbeck thì chưa bao giờ là cầu thủ xuất sắc, chắc hẳn, người các Gooners nhớ nhất, là Robin van Persie…
8/8/2004, Robin có trận đấu ra mắt cđv Arsenal khi vào sân ở đầu hiệp hai trong chiến thắng 3-1 trước Manchester United tại trận tranh Siêu cup Anh. Giáo sư Arsene Wenger hi vọng, Persie có thể trở thành tương lai cho hàng công của The Gunners, ông cũng hi vọng anh sẽ là sự thay thế hoàn hảo cho Henry khi tiền đạo người Pháp rời CLB. Những ấn tượng đầu tiên mà van Persie để lại trong tâm trí mọi fan hâm mộ Premier League là hình ảnh chàng trai mảnh khảnh với khả năng dứt điểm một chạm tuyệt vời, sử dụng hai chân khéo léo cùng với khả năng chuyền bong chính xác, cũng như một Persie nóng tính với những thẻ phạt không đáng có. Sau chức vô địch Premier League 2004, Arsenal bỗng sa sút kì lạ, họ dần mất đi những cầu thủ quan trọng của mình, Henry đến Barcelona, Vieira tới Juventus, đó cũng là thời điểm Wenger quyết tâm xây dựng một Arsenal mới, dựa trên những cầu thủ trẻ, những cầu thủ dạng tiềm năng như Fabregas ở tuyến giữa, Theo Walcott đầy tốc độ ở biên phải và van Persie ở hàng công. Van Persie đáp lại sự kì vọng ấy bằng 132 bàn sau 8 năm với 227 trận chơi cho Arsenal để rồi số danh hiệu cao quý anh có chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Đời cầu thủ ngắn lắm, ai chẳng ra sân với mong muốn thể hiện hết mình và giành lấy những danh hiệu và muốn thành công, bạn phải chấp nhận và đánh đổi nhiều thứ. Robin van Persie đã chấp nhận đánh đổi thứ gọi là “trung thành” để gia nhập kình địch Man United, nơi anh tin rằng chức vô địch Premier League đang chờ anh ở đó. Persie biết rằng bản hợp đồng với Manchester United sẽ biến anh trở thành judas, là kẻ bội phản xấu xí trong mắt fan Arsenal, nhưng rồi Robin chấp nhận đánh đổi, vì ai cũng hiểu rằng, chẳng thể nào vô địch mãi trong lòng người hâm mộ được. 29 tuổi, anh đến với Old Trafford, có lẽ để cháy một lần cuối trước khi bước qua bên kia sườn dốc sự nghiệp, và anh đã làm được. Chiếc áo số 20 là lời hứa khi anh đến Man United, và là lời khẳng định khi mùa giải 2012/2013 khép lại. Tiếc thay, đó cũng là lần mà anh rực sáng cuối cùng trong màu áo đỏ
Nhiều fan Arsenal vẫn không chấp nhận việc Robin gia nhập kình địch vùng Tây Bắc, họ đốt áo, chửi rủa, thậm chí ngay cả khi anh không ăn mừng khi ghi bàn vào lưới đội bóng cũ. Bong đá là vậy, luôn khắc nghiệt, ta phải biết chấp nhận và bước tiếp. Một khi người không cho ta niềm vui, niềm hạnh phúc, hãy ra đi, đặc biệt, khi người đã không còn tôn trọng ta, ta cũng chẳng cần tôn trọng người, đó là lời giải thích hợp lí cho cách Robin ăn mừng mãnh liệt khi ghi bàn vào lưới Arsenal năm 2013, hay lời phát biểu: “tôi không tiếc khi rời Arsenal, tôi chỉ tiếc vì không đến MU sớm hơn”. Phải, anh đã ở London quá lâu, đã đóng góp cho Arsenal quá nhiều để khi anh rời đi, khoảng trống anh để lại quá lớn, không chỉ là khoảng trống trên hàng công của The Gunners, đó còn là khoảng trống đầy đau xót khi nhắc lại trong tim mỗi người hâm mộ Arsenal. Từ khi van Persie đến Man United, Arsenal vẫn luôn chật vật lộn cuộc đua vô địch khi họ luôn đuối sức vào thời điểm quyết định, thêm vào đó, kể từ lúc Persie rời Arsenal, đội bóng này chưa thể nào mua được một tiền đạo đủ xuất sắc để thay thế anh. Giroud ư? Còn lâu Giroud mới có được khả năng dứt điểm một chạm và di chuyển thông minh được như Persie. Sanchez ư? Có thể đấy, nhưng Sanchez chủ yếu thi đấu như một tiền đạo cánh mà. Podolski luôn chơi hay khi lên tuyển Đức nhưng rồi nhưng đóng góp của Poldi cho Arsenal được bao nhiêu? Còn lại những cái tên như Sanogo, Nicklas “LORD” Bendtner hay Welbeck chỉ là những nỗi thất vọng dài. Vậy đấy, nếu ta nhìn cái cách Persie đi xuống phong độ sau mùa giải 2012-2013, nhìn vào màn trình diễn và thành tích của Arsenal những mùa giải gần đây, ta mới thấy được lựa chọn ra đi của Robin van Persie là đúng đắn. Anh chấp nhận tai tiếng, để ra đi và nhận lại chức vô địch, liệu rằng, nếu ngày ấy, van Persie chùn bước, vẫn cố ở lại London thì khi kết thúc sự nghiệp, anh có được gì? 1, 2 chiếc cup F. A an ủi? Hay một sự tôn vinh “trung thành” nhạt nhẽo, xa thực tế từ các Gooners?
Lí do bóng đá trở thành môn thể thao được yêu thích nhất thế giới, có lẽ là vì nó phản ánh rất rõ ràng những mặt khác nhau của cuộc sống, đó là những cảm xúc vui-buồn-bất ngờ. Để đạt được thành công, mỗi người đều phải cố gắng hết mình cũng như phải chấp nhận đánh đổi, cũng như thay đổi. Robin van Persie đã có quyết định đúng đắn cho riêng mình, dẫu cho nó có hơi muộn màng, nhưng vẫn chưa quá muộn. Có thể anh chơi chưa đủ lâu, đóng góp chưa đủ lớn để trở thành huyền thoại ở Man United, anh cũng đã chịu đủ sự chỉ trích nặng nề nhất từ các fan Arsenal dẫu cho 132 bàn thắng của anh cho đội bóng thành London là một chiến công quá sức lẫy lừng, là thử thách cho những cầu thủ sau này. Nhưng khi gạt bỏ đi tất cả những điều đó, những năm tháng chơi bóng tại Anh của Robin đã để lại một dấu ấn chẳng thể nào phải trong tâm trí mọi fan Premier League, về một câu chuyện tình dang dở giữa 2 màu đỏ…
Thể thao
/the-thao
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất