Rì-viu Phía Nam Biên Giới, Phía Tây Mặt Trời
Có bao nhiêu người đàn ông trên đời đau đớn hơn Hajime? Và có bao nhiêu người đàn ông trên đời hạnh phúc như Hajime? Tại sao có những...
Có bao nhiêu người đàn ông trên đời đau đớn hơn Hajime? Và có bao nhiêu người đàn ông trên đời hạnh phúc như Hajime? Tại sao có những cơn khát và cơn đói vẫn đến khi chăn ấm nệm êm? Vợ đẹp? Con ngoan?
Tại sao khi người đàn ông vượt qua lằn ranh trách nhiệm để sống đời mình, thì bỗng nhiên nhận ra đời mình chỉ là cô đơn?
Tôi chỉ là một người đàn ông bình thường, không bình thường kiểu Hajime, càng không có được sự hoà nhã và tinh tế của nhân vật mà Haruki Murakami đã xây dựng. Nhưng thú thật, bốn tiếng chìm đắm trong Phía Nam Biên Giới, Phía Tây Mặt Trời đã đủ cho tôi chửi thằng cha này hàng trăm lần. Phải chăng tôi quá huyễn hoặc về bản thân? Rằng tôi thanh cao hơn hắn? Rằng tôi, sẽ không bao giờ phản bội người phụ nữ mình yêu, thương?
Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc lừa dối một người phụ nữ cả đời. Rằng tôi yêu cô ấy, nhưng tôi cũng yêu người khác nữa. Tôi chưa bao giờ tin việc có thể yêu cùng lúc cả hai người, hoặc hơn, trong cùng một thời điểm. Nhưng tôi cũng không thể phủ nhận những phản ứng sinh lý thuộc phạm trù tính dục hoàn toàn bình thường của mình. Thú thật, chuyện nghĩ về việc luồn tay dưới váy phụ nữ, thằng đàn ông nào chưa bao giờ nghĩ qua?
Mà thôi, đó là Haruki Murakami, đó là những tác phẩm không phải chỉ đọc một lần là có thể cảm được hết. Mà nhân tiện, tôi vẫn chưa đọc quá 100 trang của ‘Rừng Na Uy”. Những thế giới mà tác giả này tạo ra vẫn mập mờ, huyền ảo như vậy, vẫn là những mạch truyện đang xen, tầng tầng ý nghĩa ẩn sau từng câu từng chữ, quá sâu để chạm đến mà lại quá cạn để nghiền ngẫm thêm.

Một lúc nào đó, trong lúc bơi giữa biển ngôn từ của Phía Nam Biên Giới, Phía Tây Mặt Trời, tôi đã chợt nhớ đến vài dòng thơ:
“Trên con đường tôi đi
“Trên con đường tôi đi
có hai người đã tới:
Một người rất yêu tôi,
còn tôi yêu người khác.
Người sống trong khao khát,
trong những giấc tôi mơ.
Người kia đứng sững sờ
trước cửa lòng khép chặt.
Người cho tôi hạnh phúc
luôn như gió vội bay.
Người dâng tôi cả đời,
không được gì đền đáp.
Người bắt máu tôi hát
tình phóng khoáng trắng trong.
Người như cuộc đời thường
bóp mộng lòng tôi nát”
Nhưng điểm khác biệt đó là trong tác phẩm này có nhiều hơn hai nhân vật nữ bên cạnh nhân vật nam chính. Và dường như theo cảm nhận của riêng tôi, hình ảnh của mỗi nhân vật nữ đều là biểu trưng cho mỗi niềm cảm xúc riêng. Hối hận có, say mê có và yên bình – cũng có. Bỗng dưng tôi thấy cuộc đời này chẳng khác nào cuộn len rối, và ta chỉ là con mèo ngu ngốc mà thôi, con mèo ngu ngốc vờn cuộn len, càng vờn len lại càng rối. Ngỡ là hạnh phúc, ngỡ là vui, đâu biết sự thể đã ngu ngốc lắm rồi.

Nếu nói đây là một cuốn tiểu thuyết diễm tình thì không hẳn, lãng mạn – cũng có đó, nhưng phức tạp và quá nhiều đau khổ. Quá nhiều góc khuất tâm lý của đàn ông, đàn bà bị soi sáng nơi đây, nơi Phía Nam Biên Giới, Phía Tây Mặt Trời. Với một góc nhìn nào đó, bạn có thể thấy như tôi, rằng tác phẩm này ẩn chứa nhiều hơn một triết lý, nhiều hơn một phong cách sống, càng nhiều hơn cách để chúng ta cảm nhận tình yêu, cảm nhận cuộc đời.
Khung cảnh ấn tượng nhất trong não tôi lúc đóng những trang cuối cùng. Là sa mạc. Là khuôn mặt phụ nữ vô hồn. Là dây treo cổ.
Vì rằng: “"Có nhiều cách sống, và nhiều cách chết. Nhưng có gì quan trọng đâu. Điều duy nhất còn lại là sa mạc.“
- Phía Nam biên giới, Phía Tây mặt trời

Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất

Hoang Vu Truong
cuốn này là quyển thứ 2 của murakami sau kafka bên bờ biển mà tui đọc. Phải công nhận là sau khi đọc xong cuốn này tui đã tìm đọc nhiều tác phẩm khác cùng tác giả như người tình spunik, 1q84, biên niên ký chim vặn day cót, cuộc săn cừu hoang... Có vẻ như truyện của murakami có màu u ám và huyền ảo, phía nam biên giới phía tây mặt trời cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên với tui cuốn này khá là ấn tượng, đọc xong, nghe bản south of the border và đọc lại lần nữa cảm giác khá là tự kỷ.
// Nếu thế giới của câu chuyện là that, tui chỉ mong một lần được nhìn thấy shimamoto

- Báo cáo

Samsa in Love
"Trái tim con người giống như những cái giếng sâu", đó là điều mà mình học được khi đọc những tác phẩm của Haruki và cả khi trải nghiệm những câu chuyện thực tế của chính mình nữa. Có những chuyện bản thân cho rằng sẽ không bao giờ làm thế, nhưng đến khi thực sự rơi vào hoàn cảnh đó rồi, cậu mới thốt ra rằng à thì ra mình cũng chỉ đến vậy mà thôi.
Nếu cậu để ý, có chi tiết Yukiko nói với Hajime đại loại rằng không phải chỉ mình anh mới như vậy đâu. Có thể cá chắc rằng, Yukiko cũng luôn bị ám ảnh với mối tình đã cũ của mình, cái người con trai đã khiến cô suýt nữa kết liễu mạng sống. Giữa ảo mộng và thực tế, chắc chắn, Yukiko cũng luôn bị giằng xé, thế nên mới có thể thấu hiểu và bao dung với Hajime tới nhường ấy. Là những tâm hồn gắn kết chặt chẽ bởi tổn thương và tổn thương, kiểu vậy (đọc Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương cậu sẽ hiểu rõ hơn). Dù sao, mình cũng mong rằng cậu sẽ không còn quá ghét Hajime nữa :')).
Btw, mình cũng rất thích cái chi tiết nói về sa mạc.
- Báo cáo