_Câu chuyện về hai người phụ nữ, một đã chết và có tên, một còn sống nhưng lại không có được tên riêng của mình_

Sau Chị họ Rachel, đây là một tác phẩm miêu tả tâm lý cực kỳ xuất sắc của tác giả Daphne du Maurier. Cũng như Chị họ Rachel, tác phẩm này kể theo ngôi thứ nhất, lần này là dưới góc nhìn của một phụ nữ. Một cô gái đối với tôi là nhạt nhòa, và không thể có được cái tên riêng cho mình suốt hơn năm trăm trang tiểu thuyết.
Nữ chính, 21 tuổi, không nghề nghiệp, và vì thế đang làm công việc "bạn tâm giao" có nhận lương, hay nói dễ hiểu theo ngôn ngữ hiện đại, là một dạng "trợ lý" đi theo một phụ nữ già giàu có, tính tình cũng không dễ ưa. Trong một lần tình cờ, cô và bà chủ của mình ở cùng một khách sạn với nam chính – quý ông Maxim de Winter, người nổi danh chủ yếu vì dinh thự Manderley của mình. Nhờ cơ may bà chủ bị ốm liệt giường, cô có thời gian đi thăm thú khắp nơi cùng ngài de Winter, và trái tim non nớt của cô thiếu nữ đã rung động trước người đàn ông gấp đôi tuổi cô. Khi sắp phải cùng chủ rời đi, cô đau khổ nói lời chia tay với ông ta, và điều đó đã khiến ông ta đột ngột đưa ra quyết định sẽ cưới cô về làm vợ. Rành mạch, đơn giản, không một lời cầu hôn hay một đám cưới mỹ miều, chỉ ngắn gọn là, em muốn theo bà ta sang Mỹ hay theo anh về Manderley. Có lẽ, đây chính là dự cảm cho một tương lai không mấy sáng sủa của cô gái. Về đến Manderley, cô như lọt thỏm trong dinh thự, trong một thế giới khác, nơi cô cảm thấy mình quê mùa và không có học thức. Cô sợ sệt cả đám người hầu, sợ bọn họ đánh giá quần áo trên người cô, cách cư xử của cô, và sợ nhất chính là Rebecca. Rebecca, Rebecca, lúc nào cũng là Rebecca. Rebecca là người vợ trước đã qua đời của ngài de Winter. Rebecca ám ảnh cả dinh thự, ám ảnh cả cô. Cô nghĩ mọi người ngầm so sánh cô với Rebecca, và tự cô cũng làm điều đó. Rebecca xinh đẹp, giỏi thể thao, giỏi quản lý dinh thự, giỏi tổ chức tiệc tùng, lại quảng giao và được mọi người yêu quý. Cô chẳng có điều nào trong những điều đó. Càng ở tại Manderley lâu, cô càng khám phá ra những điều kỳ lạ ở đây, và đi đến tận cùng của sự thật chính là bí ẩn về cái chết của Rebecca một năm về trước.
So với Chị họ Rachel, tác phẩm này dài dòng hơn và vì thế cũng khó đọc hơn. Trong chị họ Rachel, tôi đồng cảm được với anh nam chính, và rất thích anh ta, còn quyển này, tôi chẳng yêu thích được ai trong dàn nhân vật chính. Cô nữ chính từ đầu chí cuối luôn mang thái độ tự ti, đến cuối cùng chỉ thoát ra được không phải vì chính cô mà bởi vì biết rằng "anh ấy không yêu Rebecca". Đến thế là cùng, giá trị của con người cô không lẽ chỉ phụ thuộc vào yếu tố là chồng mình có yêu mình hay không? Rebecca là người phụ nữ thông minh, giỏi giang, tự tin nhưng lại tàn nhẫn, ích kỷ và quỷ quyệt. Còn ngài de Winter kia, cũng tự mình gây ra bi kịch cho bản thân và cho cả hai người phụ nữ bên cạnh mình. Vì cái gọi là thanh danh, vì cái gọi là bảo vệ Manderley, ông ta chẳng thể quyết định dứt khoát, chìm sâu vào cuộc hôn nhân không tình yêu, và để tất cả kết thúc trong bi kịch. Điểm sáng nhất trong tác phẩm này có lẽ là anh chàng quản lý Frank kiêm bạn thân của ngài de Winter. Tôi thật sự thích anh nhân vật phụ này. Anh hết lòng vì bạn, vì dinh thự, đặt lợi ích của mình dưới lợi ích của ngài de Winter (không hiểu ngài đã làm gì mà xứng đáng có người bạn tốt đến thế này), lại còn hay khéo léo giúp đỡ cô nữ chính.
Đây là một tác phẩm mô tả tâm lý quá xuất sắc và đáng đọc. Tâm lý của nữ chính được khắc họa rõ nét, nỗi ám ảnh về Rebecca của cô có thể ngấm qua đến cả người đọc. Nói chung, trong bối cảnh ra đời của tác phẩm, khi phụ thuộc vào đàn ông và biết nghe lời là phẩm chất tốt của một người vợ, thì mẫu người nổi loạn như Rebecca tất nhiên trở thành phản diện. Nhưng sâu xa trong đó, phải chăng mỗi người phụ nữ ở thời ấy, khi đọc cuốn tiểu thuyết này, lại thầm ủng hộ, và ngấm ngầm ước mong mình có phần nào đó như cô nàng Rebecca? 
---[Ad S]---
Các bạn xem thêm các bài review khác tại page Gặm Sách hoặc tại đây nhé.