Câu chuyện về bi kịch của một gia đình, trong một xã hội nơi đồng tiền lên ngôi
Eugénie Grandet là một lớp đặc sắc trong Tấn trò đời của nhà văn Honoré de Balzac, một vở bi hài kịch rộng lớn có đến ba bốn nghìn nhân vật, mô tả xã hội nước Pháp thời bấy giờ. Bối cảnh câu chuyện diễn ra ở vùng Sammur tỉnh lẻ, nơi mọi người đều biết đến nhau và những câu chuyện ngồi lê đôi mách dễ dàng lan truyền với tốc độ nhanh chóng. Nhân vật chính trong câu chuyện là gia đình ông Grandet, bao gồm ông ta, bà vợ, cô con gái Eugénie, và mụ Nanon giúp việc tin cẩn. Grandet là một người đàn ông tham tiền giàu nứt đổ vách, nhưng cực kỳ, cực kỳ bủn xỉn, keo kiệt, và chính sự keo kiệt này về sau đã đẩy cả gia đình ông ta vào bi kịch. Ông là người chủ gia đình, vì thế mặc dù rất giàu có, cả nhà ông phải sống trong kỷ luật đến mức hà khắc và tằn tiện đến không thể tưởng tượng: lò sưởi chỉ được nhóm vào một khoảng thời gian nhất định, buổi tối cả nhà tụ tập quanh một cây nến duy nhất (vì chỉ thắp mỗi một cây để tiết kiệm), thức ăn mỗi ngày chia theo khẩu phần (nếu nhiều quá ông sẽ yêu cầu bớt lại ngay), mỗi lần đưa tiền cho vợ thì lại tìm cách xin xỏ lấy lại dần dần… Ấy thế mà, bà vợ và con gái ông lại hoàn toàn hài lòng với cảnh sống đó, có thể vì họ chưa bao giờ trải qua một cảnh sống nào khác như vậy, và mụ Nanon thì cực kỳ trung thành với chủ nhân dù ngay từ đầu ông ta đem mụ về cũng chỉ vì sự tính toán chi li của mình. Bà vợ và cô con gái như hai thiên sứ sống trong cảnh nghèo hèn, với tâm hồn thiện lương, không hề vẩn đục và không hề nghĩ xấu về ông Grandet. Cuộc sống ấy có lẽ sẽ êm đềm trôi qua mãi, nếu không phải vào một ngày, chàng Charles xinh trai cháu ông, từ Paris xuất hiện sau khi cha chàng tự tử, và khuấy động tâm hồn cô chị họ Eugénie, cái tâm hồn trong trắng chưa từng vướng bụi trần ấy. Cô gái Eugénie, người được đảm bảo về của hồi môn nếu ông Grandet mất, hiện đang là một mối quá hời, một cuộc cạnh tranh cho hai gia đình nơi đây, giờ đây, cô lại yêu chàng Charles, vì chàng thật thanh tao, chẳng hề giống bất cứ con người quê mùa nào nơi tỉnh lẻ. Vì chàng, liệu cô gái sẽ dám chống lại cha mình đến mức nào, khi ông Grandet chỉ mong tống người cháu của nợ này đi thật xa. Và liệu, chàng có xứng đáng với tấm chân tình mà nàng Eugénie dành cho, hay chẳng hề có người nào có thể xứng đáng với tâm hồn thuần khiết ấy?
Ở ông Grandet, có lẽ điểm tốt nhất của ông là đầu óc tính toán đến khôn lường, nhờ vậy ông đã tạo dựng nên cả một gia sản nhiều đến mức bọn hàng xóm xung quanh không thể thống kê hết được. Ngoài điểm đó ra, ông là một người chồng, người cha tệ hại. Một người chồng có thể tệ hại đến mức nào khi vợ mình bị bệnh lại chỉ lo đến việc tốn tiền chạy chữa? Một người cha có thể tệ hại đến mức nào khi chỉ chăm chăm mong con mình từ chối quyền thừa kế từ vợ mình? Có thể ông vẫn thương con, vẫn đau xót khi trừng phạt con, nhưng tình yêu ấy không đủ lớn để chiến thắng cái thói cố chấp keo kiệt kia. Mọi bi kịch trong truyện đều khơi nguồn từ tiền bạc. Bi kịch của gia đình Grandet. Bi kịch của cô Eugénie, khi cô chẳng thể tìm thấy tình yêu đích thực, vì mọi người chỉ chăm chăm vào sự sản của cô, hoặc ngược lại, nghĩ cô quá nghèo.
 Giọng văn của Balzac vừa châm biếm mỉa mai, vừa sâu cay chua xót. Tôi ấn tượng với khá nhiều đoạn tả - kể của nhà văn trong tác phẩm này, đặc biệt là về ông Grandet, ví dụ như đoạn ông gần chết rồi mà nhìn thấy mấy món dụng cụ bằng vàng, mắt lại rực sáng. Con người tham tiền, sống nhất quán với sự tham tiền ấy đến phút cuối cùng, vừa đáng ghét lại vừa đáng tội nghiệp, vì ông ta chưa bao giờ thấy được những thứ đáng giá hơn tiền. Không thể phủ nhận rằng tiền mua được rất nhiều thứ, có thể nói là hầu hết mọi thứ. Nhưng, dĩ nhiên vẫn còn một số ít những thứ mà tiền không thể mua được, hay chỉ mua được thứ gần giống nó mà thôi, và cho đến tận lúc chết, có lẽ ông Grandet cũng chẳng biết được điều này.
---[Ad S]---
Các bạn xem thêm các review khác của mình tại page Gặm Sách nhé. Hoặc theo dõi các bài review khác trên Spiderum của mình tại đây