Truyện mở đầu với hình ảnh một cặp tình nhân bên nhau, yêu nhau và chỉ có nhau thôi, ấy thế mà sao độc giả cứ cảm thấy “mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi”. Sự chia ly chưa đến, nhưng nó cứ lởn vởn trong không khí, nó như một con ác quỷ trong bóng tối, chỉ chực chờ đến giờ phút được sổ lồng.
Quay trở ngược lại quá khứ, chúng ta bắt gặp Helen, một cô gái trẻ 19 tuổi, ôm chiếc bụng bầu và 17 xu trong túi, cùng với một trái tim vỡ nát vì bị gã người yêu đốn mạt ruồng rẫy, đang trên chuyến xe lửa về quê không khứ hồi. Tình cờ, cô ngồi chung toa với một cặp vợ chồng đang về quê ra mắt gia đình người chồng, và người vợ cũng đang mang thai. Thế rồi tai họa ập đến, tai nạn đường sắt xảy ra, hai vợ chồng kia đều qua đời và Helen tỉnh dậy trong căn phòng hạng sang của một bệnh viện. Đến một ngày, cô chợt nhận ra gia đình người chồng giàu có kia đã nhận nhầm cô là con dâu của họ, và ôm một lương tâm tội lỗi đầy day dứt, cô quyết định nhắm mắt làm ngơ vì tương lai của con mình. Trở về nhà cùng họ, cô những tưởng cuộc đời mình đã sang trang, ấy thế mà đến một ngày, khi bóng ma quá khứ đột ngột xuất hiện, cô đưa ra một quyết định sẽ mãi mãi thay đổi cuộc đời mình.
Nội dung Kết hôn với người chết khá đơn giản và dễ đoán (tất nhiên trừ những trang cuối cùng, tác giả đã dành một món quà bất ngờ cho hai nhân vật chính cũng như cho độc giả). Điều giữ chân độc giả ở lại đến trang cuối cùng đó chính là vì đây là một tác phẩm trinh thám ẩn mình trong lớp vỏ trữ tình, với một văn phong quá đẹp, quá cuốn hút. Woolrich miêu tả tâm lý nhân vật, đào sâu vào nội tâm của Helen rất tuyệt vời. Đầu tiên đó là tâm trạng của một cô gái nghèo khi lần đầu tiên có một mái ấm thuộc về mình, có những người thân thực sự quan tâm đến mình. Tiếp đó là tâm trạng rối bời của cô khi biết em chồng yêu thầm mình, là đoạn mô tả chàng trai không dám vào phòng vì cô gái chỉ có một mình trong đó, rồi cô gái ngỡ ngàng nhận ra đấy là vì anh ta yêu mình nên cô len lén bỏ đi nhưng lại để quên chiếc tẩu, và cuối cùng cô nhận ra nếu anh thấy chiếc tẩu còn hút dở thì sẽ biết ngay mình đã nhìn thấu tâm can anh. Đến lúc này, tôi chỉ biết thán phục tác giả sao có thể kể một câu chuyện tinh tế đến mức ấy trong một tiểu thuyết trinh thám. Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật của Woolrich khiến tôi liên tưởng đến một tác giả khác, đó là Daphne Du Maurier với quyển Chị họ Rachel (một tác phẩm mà tôi cũng rất thích). Tài tình nhất là Woolrich là nam mà miêu tả tâm lý nhân vật nữ quá xuất sắc, ngược lại Daphne Du Maurier là nữ mà miêu tả tâm lý nhân vật nam quá xuất sắc. Nếu bạn đọc cả hai quyển, có lẽ bạn sẽ thấy cái kết khá là tương đồng, còn tương đồng ở điểm nào, thì bạn đọc truyện rồi sẽ rõ.
Đây là tác phẩm thứ hai của Woolrich mà tôi đọc, và sau quyển này thì tôi quyết định mua thêm bốn quyển nữa của ông. Chắc bấy nhiêu đó là đủ cho bạn thấy Woolrich đã mê hoặc tôi đến thế nào, dù hai tác phẩm mà tôi đã đọc của ông đều khá nhẹ đô nếu xét trên phương diện trinh thám. Kết hôn với người chết không phải một tác phẩm thuần trinh thám đậm đặc trong suy luận và plot twist, cũng không phải một tác phẩm đầy hành động và giật gân, nó hay theo cách của riêng nó, một kiểu hay gây nghiện mà nếu bạn cảm được, chắc chắn bạn sẽ không thể dứt ra được.
Các bạn xem thêm các bài review khác tại page Gặm Sách nhé