Come to your senses The fences inside are not for real - Jonathan Larson

1. Về tick, tick,... BOOM!

Một trong những thể loại phim cuốn hút nhất với mình là phim tiểu sử chân dung (biographical drama movies). Đặc biệt là phim có nhân vật chính là người nghệ sĩ. Có lẽ vì họ mộng mơ, khác biệt, không thuộc về số đông nhưng được số đông ngưỡng mộ. Mình nghĩ chắc ai cũng muốn thử sống một cuộc đời như thế.
Một cuộc đời giống như Jonathan Larson. Dù nó ngắn ngủi biết chừng nào.
tick, tick,... BOOM! là bộ phim nói về cuộc đời của Jonathan Larson - nhà soạn nhạc và viết kịch nổi tiếng tại Broadway. Ông được công nhận bởi góc nhìn sâu sắc và đa chiều về các vấn đề xã hội như chính trị, đa sắc tộc, quyền bình đẳng của cộng đồng LGBTQ+,... Người ta cho rằng các tác phẩm của ông đã góp phần định nghĩa lại nhạc kịch Broadway vào thập niên 1990. 
Bộ phim sử dụng mạch chính là vở kịch tick, tick,... BOOM! - một tác phẩm tự sự của Jonathan, kể về chính cuộc đời ông những năm cuối độ tuổi 20. Ở thời điểm đó, ông chưa nhận 3 giải Tony, 1 giải Pulitzer hay được công nhận là một hiện tượng hiếm có của Broadway. Jonathan những năm 20 tuổi vẫn phải vật lộn giữa thế giới sáng tạo nghệ thuật và các mối quan hệ trong thế giới thực; giữa theo đuổi ước mơ và hiện thực tàn khốc của thành phố New York. Trước khi được chứng kiến bất kỳ thành công nào của mình, nhà soạn kịch tài năng qua đời do tắc thành động mạch chủ ở tuổi 35.
Jonathan Larson (trái) - Andrew Garfield, diễn viên trong vai Jonathan (phải)
Jonathan Larson (trái) - Andrew Garfield, diễn viên trong vai Jonathan (phải)
Trong một bài phân tích về Em và Trịnh, nhà báo, nhà nghiên cứu độc lập Lê Hồng Lâm cho rằng một trong những vấn đề lớn nhất của bộ phim là ôm đồm quá nhiều tình tiết về cuộc đời của Trịnh Công Sơn. Chú nói:
“Điện ảnh thế giới có nhiều cách để tiếp cận và kể về những nhân vật huyền thoại, và một trong những cách tiếp cận dễ thành công nhất, đó là chọn những khoảng hẹp, những cột mốc ngắn, hay tập trung vào một mối quan hệ sóng gió nào đó, để xây dựng tính cách và khía cạnh con người của những biểu tượng này. [...] Chọn "khoảng hẹp" và tập trung vào một mối quan hệ đặc biệt nào đó là cách để biên kịch và đạo diễn có thể tái hiện được chân dung một biểu tượng/một huyền thoại theo một góc nhìn khác biệt nhất mà cũng dễ "chạm" được vào khán giả nhất.”
Mình nghĩ đây là cách giải thích chính xác nhất cho sự thành công của tick, tick,... BOOM!
Khi ta chỉ biết đến Jonathan Larson như chính con người ông ấy - không tiếng tăm, không thành tựu, không được ai ngưỡng mộ và mong chờ, không có… tiền - ta dễ hiểu ông ấy hơn. Dưới nhân dạng là một người trẻ, một người bạn, một người yêu, một người đang theo đuổi ước mơ, rồi sau cùng mới là một người nghệ sĩ.
Mình nghĩ nếu chỉ nhìn những người nghệ sĩ dưới sự hào nhoáng và mơ mộng của nghệ thuật, thì sẽ vĩnh viễn là không đủ. Và không đúng nữa. 
Thế nên là, hãy xem tick, tick,... BOOM! Vì nó đúng, và đủ với một bộ phim chân dung tiểu sử. Với mình là như vậy.
Ngoài ra, phim chuyển thể trực tiếp từ vở nhạc kịch cùng tên của Jonathan Larson nên âm nhạc sẽ xuyên suốt cả bộ phim. Hãy chuẩn bị tinh thần cho việc đó – việc phải cảm thụ và trầm trồ trước những “giai điệu và ca từ hoàn hảo”. Bên cạnh đó thì diễn xuất của Alexandra Shipp, Robin de Jesús và Andrew Garfield (yep, anh người nhện ấy, mình không ngờ là ảnh biết hát, và hát mạnh luôn) cũng rất tuyệt vời. Theo như một review trên iMDB có nói, “Jonathan hẳn sẽ vô cùng tự hào khi thấy tác phẩm của mình được trình diễn bởi những ngôi sao xuất sắc như vậy.”

2. Về việc review một cách nghiêm túc.

Bình thường mình không review cái gì nghiêm túc như thế này.
Mình từng bỏ qua rất nhiều bài viết “Review sách”, “Review phim”. Vì với mình, những thông tin như giới thiệu nhân vật, nhận xét cốt truyện, diễn xuất, giọng văn,… trong các bài viết như vậy là không cần thiết. Mấy cái đó ở đâu cũng có mà. Điều mình muốn biết qua một bài chia sẻ/ review là – Tác phẩm đó khiến bạn cảm thấy điều gì? Nó có khiến bạn cảm thấy chấn động tâm can? Nó có khiến bạn ngẫm ra một điều gì trân quý? Bạn thay đổi, hay không thay đổi bản thân ra sao khi đọc xong cuốn sách đó, xem xong bộ phim nọ?
Vậy nên ở những bài “review” của mình, mình thường huyên thuyên rất nhiều về những điều mình nghĩ. Mình liệt kê từng suy nghĩ vu vơ nhảy ra trong đầu trong quá trình mình xem hay đọc, và nghĩ chúng to tát vô cùng.
Nhưng mà, sao nhỉ. Chỉ là dạo gần đây có rất nhiều lúc mình tự hỏi, 
Những điều trước nay mình luôn cho là đúng, chúng có thực sự đúng không?
Mình không nghi ngờ bản thân (Mình cố gắng không làm thế.) Mình chỉ thực sự, đơn thuần đặt câu hỏi. Thử phản biện lại chính mình.
Vì chắc chắn là không thể lúc nào mình cũng đúng được. Phải không?
Thế nên gần đây mình đang thử làm và nghĩ khác đi những suy nghĩ bình thường của mình. Và mình thấy kết quả khá rõ ràng là chẳng có đúng sai gì ở đây cả. Chỉ là trước đây, mình hơi cứng đầu trong việc tiếp nhận những luồng suy nghĩ không giống mình thôi.
Đâu phải ai cũng đọc sách, xem phim để cảm nhận một điều gì đó. Nhiều khi sách vở và điện ảnh chỉ là một phương tiện để người ta giải trí, học tập, hay giết thời gian thôi. Cảm xúc chỉ là một thứ quà tặng kèm mà đôi khi ta không ngờ tới.
Vậy thôi. Mình nghĩ đó là tất cả những gì mình muốn nói.
Mình sẽ kết thúc bằng Come to your sense – bài hát quan trọng nhất trong vở tick, tick,… Boom! của Jonathan Larson.
Một ngày (ở thời điểm mình đăng bài viết này thì là một đêm) nhẹ nhàng nữa, lại đang trôi qua.
Quỳnh.