Người lái xe tồi chỉ an toàn chừng nào chưa gặp phải một người lái xe tồi khác.

1. Thông tin chung

- Tên tiếng Việt: Đại gia Gatsby (hoặc Gatsby vĩ đại)
- Tên quốc tế: The Great Gatsby
- Tác giả: F. Scott Fitzgerald
- Thể loại: Tiểu thuyết
Bìa sách
Biết tới The Great Gatsby (phim) cách đây vài năm khi Leonardo DiCaprio (Leo) nhận tượng vàng Oscar đầu tiên, lúc đó xem một loạt phim có Leo đóng (thích Catch Me If You Can nhất), nhưng chưa xem The Great Gatsby 🙂.
Gần đây khi đọc Tôi nói gì khi nói về chạy bộ của Haruki Murakami, tác giả có nhắc tới The Great Gatsby (truyện) như một cuốn tiểu thuyết mẫu mực, là nguyên nhân cho kiểu văn chương hiện nay của ông.
Do yêu thích cả Leo và Murakami, nên quyết định sẽ đọc cả tiểu thuyết và xem phim, để xem ai sẽ làm mình thỏa mãn hơn :))

2. Nội dung và đánh giá

- Câu chuyện về cuộc gặp gỡ của nhân vật chính với một đại gia trẻ tuổi bí ẩn, trong bối cảnh năm 1922, giai đoạn phục hồi sau thế chiến thứ nhất, thời kì thịnh vượng sản sinh ra thế hệ giàu có mới, và cũng là lúc đạo đức xuống cấp trầm trọng.
- Kể theo ngôi thứ nhất, nhưng không phải của nhân vật chính trong câu chuyện. Nếu đã đọc Sherlock Holmes thì bạn sẽ không thấy lạ lẫm gì nữa. Cách kể này vừa đủ gần gũi với tất cả nhân vật, vừa đủ khách quan để không sa đà vào nội tâm của nhân vật chính.
- Văn phong phụ thuộc khá nhiều vào người dịch (mình đọc bản của Hoàng Cường), nhưng vẫn thấy rõ sự mỉa mai, châm biếm mỗi khi người kể chuyện suy ngẫm về những gì xảy ra.
- Xây dựng nhân vật tốt, 2/3 đầu các sự kiện không quá đặc biệt, nhằm dành sự tập trung vào tính cách các nhân vật, rồi biến cố và cao trào xảy ra vào 1/3 cuối, nơi bản chất (có thể đoán được) bị phơi bày.
Truyện dài vừa phải, khá dễ đọc, thông điệp rõ ràng, tình tiết mạch lạc, tóm lại là một cuốn tiêu thuyết chuẩn mực. Nhưng tôi vẫn không cảm thấy “đã”, có thể do bối cảnh và thời kì không gần gũi với người Việt trẻ, hoặc do tôi không phải giới siêu giàu 🙂.
Dù sao vẫn có vài vấn đề về đạo đức và tình yêu mà tôi có thể đồng cảm được.
Hơi tiếc vì Murakami đã ưu ái giới thiệu đến vậy rồi, nhưng không đúng gu cho lắm.

3. Cảm nhận

Dưới đây là một vài cảm nhận về các vấn đề được đặt ra trong tác phẩm, hoàn toàn mang quan điểm cá nhân.
Vật chất và đạo đức
Những bữa tiệc xa hoa, khách tới đông không đếm xuể nhưng hầu như không ai quen biết chủ nhân.
Thoải mái nói xấu, đồn đoán thất thiệt về người mà mình không biết mặt.
Khi còn giá trị thì trăm người vây quanh, lúc nằm xuống thì không ai đưa tiễn.

Những thói xấu điển hình của một xã hội “văn minh” về mặt vật chất đều xuất hiện trong tác phẩm này.
“Vật chất quyết định ý thức” vẫn luôn đúng mà, nhất là khi cái vật chất không phải do mình làm ra. Giàu do thừa kế và giàu do thực lực, kiểu nào cũng là giàu, nhưng nhìn vào cách hành xử, ta có thể biết ai là kẻ đáng ngưỡng mộ hơn.
Động lực
Động lực để Gatsby trở thành đại gia là tình yêu, để trở nên “môn đăng hộ đối” với người mình thương nhưng không dám tiến tới khi còn tay trắng.
Tình yêu có thực sự là động lực lớn đến thế không?
Tôi không rõ, động lực để tôi cố gắng trong sự nghiệp là vì bản thân mình trước. Có tài chính trong tay rồi, mới có sự tự tin để tiến xa hơn với người mình thương.
Vẫn là yêu bản thân mình trước thôi, lấy tình yêu ra làm động lực, bản chất vẫn là để thỏa mãn bản thân, nếu là vì người ta, đã không bỏ người ta như vậy.
Biến cố
Các mối quan hệ của các nhân vật trong truyện khá phức tạp, và không ai có thể đưa ra quyết định đúng đắn được. Chỉ khi biến cố xảy ra, mọi chuyện mới đi tới được hồi kết. Thực ra nó không làm thay đổi bản chất của ai cả, nó chỉ đẩy nhanh tốc độ tiến tới một kết cục khó tránh khỏi thôi, vì bản chất khó dời mà. Nhưng éo le thay, biến cố thì luốn có người phải hi sinh, và người thật lòng hơn luôn phải chịu thiệt thòi.
Đời thực không ai mong muốn biến cố xảy đến với mình cả, nhưng vẫn phải chuẩn bị. Tôi luôn tin vào việc: phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, để khi nó xảy ra, ta không mất phương hướng và đưa ra các quyết định cảm tính sai lầm. Không cần chi tiết, chỉ cần hướng giải quyết và chuẩn bị tinh thần là đủ rồi.
Vì tôi cũng sợ, một lúc nào đó, cái bản chất mà tôi cũng không rõ hình hài sẽ lộ ra theo cách không ngờ nhất.

4. Về phiên bản phim

Thông tin chung
Phim ra mắt năm 2013, được khán giả đón nhận rộng rãi, đặc biệt là lời khen tới từ gia đình nhà văn F. Scott Fitzgerald khi nói rằng “Scott hẳn rất tự hào”.
Vậy cũng đủ để thấy phim đã chuyển thể thành công tác phẩm như thế nào. Chắc chắn những ai thích cuốn sách gốc cũng sẽ hài lòng với bộ phim.
Tôi như đã nói ở trên, không “đã” lắm với tiểu thuyết, nhưng lại cực thích bộ phim này, nó sinh ra như để bù đắp cho những ý tứ sâu xa của tiểu thuyết mà tôi không ngấm kịp chỉ qua 1 lần đọc vậy.
Poster phim
Những điểm thích
Hình ảnh, chắc chắn rồi.
Phim đã thắng giải Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc nhấtThiết kế trang phục đẹp nhất của Oscar lần thứ 86, nên đương nhiên phim có thể thỏa mãn thị giác bất kì ai, nhất là những kẻ thích ngắm cái đẹp như tôi. Phim đẹp lộng lẫy, mọi khung cảnh đều được “làm lố” hết mức, nhưng đẹp nín thở. Có đọc tiểu thuyết bao nhiêu lần đi nữa tôi cũng không thể tưởng tượng ra khung cảnh như trong phim được, sự xa hoa của New York những năm 1920 là điều quá xa vời với tôi, nên thực sự, hình ảnh của phim đem cho tôi ấn tượng mạnh nhất.
Gatsby (Leo)
Tiếp theo là diễn xuất.
Leo thì khỏi khen đi, vai nào anh cũng làm được hết, hỉ nộ ái ố trên gương mặt anh chưa bao giờ kém thuyết phục cả, nên vai Gatsby không có gì để chê. 2 vai khác cũng đáng để khen là Daisy và Tom, những gì tôi hình dung về họ khi đọc truyện đều được 2 diễn viên Carey MulliganJoel Edgerton thể hiện tốt, đặc biệt là Daisy, vẻ đẹp mong manh, giọng nói thì thầm, xứng đáng là người có thể làm khổ Gatsby (cảnh xuất hiện của Daisy quá đẹp để xem lại nhiều lần).
Daisy (Carey)
… và không thích
Gatsby, Daisy, Tom đều rất thuyết phục, nhưng có một chút gì đó lấn cấn ở vai Nick.
Khi đọc truyện, tôi hình dung ra một Nick điềm tĩnh, ít nói và trưởng thành ở một mức độ nào đó. Nhưng trên phim thì vai Nick của Tobey Maguire bị cho thêm nét “ngố”, có thể đạo diễn nghĩ một Nick ngây thơ sẽ phù hợp hơn cho vai trò một kẻ ngoại đạo dẫn dắt người xem khám phá giới thượng lưu. Nhưng tôi không thích vậy, do cái sự “ngố” đó như được Tobey bê nguyên từ Spider-Man lên vậy, không thấy được cá tính diễn xuất Tobey, và làm bớt đi sự tinh tế của Nick trong truyện.
Nick (Tobey)
Nhưng dù vậy, vai Nick không đến nỗi nhạt nhòa như các vai phụ khác.
Đặc trưng của phim chuyển thể là phải lược bỏ những chi tiết được cho là không cần thiết của tiểu thuyết gốc, để đảm bảo thời lượng phim.
Trong trường hợp này, tôi thấy tiếc cho vai Jordan, khi mà trong truyện cô và Nick cũng được xây dựng một mối quan hệ khá thú vị, nhưng trong phim thì hoàn toàn mất hút, làm có cảm giác bỏ cô đi cũng được.
Tiếp theo là 2 vợ chồng Wilson, đóng vai trò quan trọng cho biến cố của phim (lẫn truyện), nhưng thời lượng xuất hiện là không đủ để khán giả cảm thông và hiểu điều gì dẫn tới những hành động của họ.

5. Tổng kết

Sau 1 lần đọc truyện và 1 lần xem phim, thì tạm kết luận là thích phim hơn.
Cứ cái gì đã mắt là thích mà, tôi xôi thịt vậy đấy :))
Phim chu đáo hơn trong việc thể hiện tình tiết có đầu có đuôi, khác với lối văn “đâm ngang” của tiểu thuyết. Giờ thì tôi biết lối viết không đầu không đuôi của Murakami tới từ đâu rồi.
Nhưng vẫn thấy lấn cấn, do Murakami đã nói: “không có bản dịch nào là bất tử, nó luôn cần được làm mới”. Nên có thể bản dịch của Hoàng Cường không thật sự hợp với tôi. Để kiếm bản của Trịnh Lữ đọc lại lần nữa coi sao. Dù sao tiểu thuyết cũng được tạp chí Times bình chọn là “1 trong 10 kiệt tác văn chương vĩ đại nhất mọi thời đại” cơ mà.
Hợp với ai? (truyện)
Không biết nữa, người đã có thành công và trải nghiệm nhất định ư?
Tiếp theo đọc gì?
Đọc lại với bản dịch của Trịnh Lữ 😞