Lí do mình đọc quyển sách này

Mình là người hướng nội, mình đã từng luôn tự ti và suy nghĩ rằng tại sao mình lại không thể giỏi giao tiếp, tại sao mình lại không biết cách nói chuyện, không biết cách mở lòng như các bạn hướng ngoại khác. Và rồi khi bé con đầu lòng của mình ra đời, mình đã luôn lo sợ con sẽ trở nên ‘’hướng nội” giống mình, mình muốn nuôi con trở thành một em bé tự tin, vui vẻ, mình không muốn con trở nên giống mình. Đó chính là những lí do ban đầu khiến mình tìm mua sách “Nuôi dạy trẻ hướng nội” của tác giả Luo YiJun.

Con có thực sự là trẻ hướng nội?

Mình đã có tận hơn 30 năm kinh nghiệm nằm trong “Nghề hướng nội” nên tất cả các mô tả về người hướng nội của tác giả đều phù hợp với mình, nhưng liệu con mình, một em bé chỉ mới 2 -3 tuổi có phải là người hướng nội ? Cuốn sách đã chỉ ra cho mình thấy rằng để lí giải và kết luật xu hướng của trẻ mầm non là không đơn giản. Nếu vô tình mình đưa ra những từ nhận xét, đánh giá trẻ như “nhút nhát”, “hướng nội” thì có thể trẻ sẽ thực sự nghĩ rằng mình là người như thế và con sẽ trở thành người như thế.
“Nhút nhát” và “hướng nội” vốn không thể gộp chung làm một, trẻ hướng ngoại cũng sẽ có lúc nhút nhát.

Hướng nội có phải là nhược điểm?

Sống trong 1 xã hội ngày nay, khi mà chúng ta luôn bận bịu với những lo toan của cơm áo gạo tiền, đi làm thì áp lực phải hoàn thành công việc sớm, về nhà thì phải áp lực với những việc ăn uống, giặt giũ, thì thời gian lại thứ chúng ta luôn cảm thấy thiếu. Vậy mà về nhà chúng ta lại phải đối mặt với một đứa con mà chúng ta nghĩ rằng chúng làm việc chậm chạp, ít nói, chúng ta liền trút hết áp lực lên đầu con. Chúng ta luôn bảo con phải làm cái này nhanh lên, phải làm cái kia nhanh lên, phải nói nhiều lên. Thế nhưng khái niệm “nhanh hay chậm”, “ít hay nhiều” căn cứ vào cái gì? Bản thân những từ đó chỉ mang tính chất tương đối mà thôi. Khi tác giả cùng con gái ghi chép lại thời gian mà cô con gái hướng nội của mình làm những việc hàng ngày, chẳng phải tác giả đã buộc phải công nhận rằng mọi việc con làm rất hợp lí hay sao.
Nếu bạn chịu khó lắng nghe bản thân, bạn cũng sẽ thấy lời cô con gái cực kì là đúng: Có phải khi tâm trạng bạn không tốt, con bạn sẽ trở nên rất chậm, khi bạn đang vội đi làm mà con bạn vẫn còn đang từ từ đánh răng thì con bạn cũng trở nên rất chậm chạp… Vậy lỗi là do con bạn chậm quá hay là bạn quá nhanh?

Ưu điểm của trẻ hướng nội là gì?

Tác giả đã làm bản khảo sát tại hội thảo với các phụ huynh có con hướng nội. “Kiên nhẫn, sức tập trung tốt, năng lực quan sát tốt, chu đáo, có trách nhiệm, không nổi cáu bừa bãi” là những ưu điểm của các mà các phụ huynh đã nêu.
Liên hệ với chính bản thân mình, mình thấy mình cũng có mình cũng có những đặc điểm tương tự như vậy. Đây chẳng phải là nhưng đức tính tuyệt vời cần có ở một người hay sao? Vậy tại sao mình lại lo lắng về bản thân, lo lắng rằng con sẽ trở nên hướng nội giống như thế? Phải chăng chính bản thân mình cũng không hiểu rõ chính mình và phát huy được ưu điểm của chính mình.

Cách để nuôi dưỡng 1 đứa trẻ hướng nội.

Đại đa số mỗi người để mang trong mình cả đặc điểm hướng nội và hướng ngoại, chỉ là tỉ lệ khác nhau mà thôi. Hơn thế nữa, những sự việc, sự kiện xảy ra trong cuộc đời trẻ sẽ có ảnh hướng sâu rộng đến tính cách của trẻ. Dù trẻ hướng nội, hay hướng ngoại, hay nuôi dưỡng để trẻ có thể “phát triển năng lực tư duy hướng và trong và khả năng hoạt động hướng ra ngoài”. Tác giả có đề cập đến nhiều cách và nhiều tình huống cụ thể để nuôi dưỡng phát huy ưu điểm của trẻ hướng nội, cũng như khuyến khích trẻ mở rộng khả năng của mình. Có một số cách mà chính bản thân mình đã trải qua và thấy rất hay như sau.

1. Viết: Tớ thành thành tri kỉ của chính mình.

Gần đây, mình mới hiểu được rằng viết là một công cụ cực kì hiệu quả để tự mình đối thoại với chính mình và những người xunh quanh. Mình khó tin tưởng và không biết cách trò chuyện với mọi người xung quanh nhưng khi viết ra, mình có thời gian sắp xếp lại hết các từ ngữ, lời nói ở trong đầu. Nó làm cho các suy nghĩ mông lung trong đầu mình trở nên rõ ràng hơn. Mình cũng viết lại các mẩu hội thoại đã nói chuyện trong ngày để từ đó nhìn lại xem lúc đó mình đáng lẽ ra nên nói gì và không nên nói gì từ đó rút ra được kinh nghiệm cho những lần sau.
Bé nhà mình còn rất nhỏ, con chưa thể tự viết được thì mình luôn dành thời gian mỗi tối trước khi đi ngủ để trò chuyện với con về 1 ngày, về các hoạt động xảy ra, về cảm giác của con, về những việc khiến con hạnh phúc trong ngày và cả những việc làm con buồn. Thông qua hoạt động đó, mình thấy mình ngày càng hiểu con nhiều hơn, vốn từ của con cũng ngày càng phong phú hơn. Và quan trọng nhất là con ngày càng hiểu chính mình hơn và vui vẻ hơn.

2. Đọc sách

Mình từng nghe nói rằng “Cuộc đời chúng ta thay đổi qua hai cách: qua những con người chúng ta gặp và qua những cuốn sách chúng ta đọc”. Tuy nhiên, là một người hướng nội, thực sự những người mình tiếp xúc, gặp gỡ không có nhiều. Và kể từ khi mình yêu thích việc đọc sách, sách đã mở ra cho mình một chân trời kiến thức mới. Không cần đi đâu, không cần tiếp xúc với mọi người, mình đã có thể hiểu được nhiều điều trong cuộc sống này. Đọc sách cũng giúp mình có được nguồn kiến thức nền để mình tự tin hơn khi giao tiếp với người khác.
Hiện nay mình cũng đang giúp con bằng cách đọc sách hàng ngày cho con nghe. Con vui vẻ mỗi khi được đọc, vui mừng mỗi khi gặp được 1 sự vật, sự việc giống như ở trong sách: 1 chiếc xe tải chở hàng, 1 bông hoa mới nở hay 1 người bạn đang chơi đá bóng…Vì những sự vật, sự việc đó con đều đã gặp khi đọc sách rồi nên con không còn ngại ngùng hay nhút nhát khi gặp nó ngoài đời thật nữa.

3. Để bản sao trên mạng giúp đỡ bản chính trong cuộc sống.

Có rất nhiều lí do khiến người hướng nội có thể trở nên hoạt bát, tự tin hơn khi hoạt động ở trên mạng vì trẻ có thể nghĩ kĩ trước khi viết, không bị ngắt lời khi trình bày í kiến,… Tuy nhiên, trước đây mình rất ít khi comment hay thể hiện bản thân trên mạng vì mình sợ mọi người sẽ đánh giá rằng tại sao trên mạng mình lại nói chuyện thế kia mà ngoài đời như thế này. Tuy nhiên, đọc sách khiến mình hiểu được rằng, môi trường trên mạng là môi trường rất thích hợp để trẻ thể hiện bản thân. Mình có thể duy trì “cảm giác cuộc sống thực” bằng cách gặp mặt những người bạn trên mạng có cùng sở thích để nói chuyện hay ngược lại, mời những người bạn mà mình không dám làm quen ở ngoài để cùng lập nhóm, cùng chia sẻ với nhau. Mạng là ảo nhưng con người trên mạng vẫn là thật. Bằng cách trao đổi những gì mình làm thật ngoài đời và nói những gì mình tương tác trên mạng, phạm vi hoạt động của những người hướng nội sẽ ngày càng mở rộng.

KẾT LUẬN

Và cuối cùng mình xin tặng tất cả các bạn 1 câu nói mình rất ấn tượng với cô con gái nhỏ của tác giả và cũng là một câu nói mình đã sử dụng biết bao năm qua đó là “Khi nghĩ thì đáng sợ hơn khi làm”. Câu nói đó đã đồng hành mình khi mình lần đầu trượt đại học, lần đầu phát biểu trước đám đông, lần đầu sinh con…Dù suy nghĩ của mình có phức tạp thế nào, cứ mạnh dạn đi tiếp về phía trước và mình đã thấy tương lai sáng ngời.