Review sách văn học cổ điển Thời thơ ngây_Edith Wharton
_Mọi thứ đều được dán nhãn, nhưng con người thì không_ Nhắc tới văn học cổ điển Mỹ, sẽ là một thiếu sót rất lớn nếu chúng ta không...
_Mọi thứ đều được dán nhãn, nhưng con người thì không_
Nhắc tới văn học cổ điển Mỹ, sẽ là một thiếu sót rất lớn nếu chúng ta không nhắc tới Edith Wharton. Bà chính là nữ tác giả đầu tiên đạt giải Pulitzer, ba lần được đề cử Nobel văn học. Nổi bật hơn cả trong những tác phẩm của bà chính là tiểu thuyết Thời thơ ngây, "một trong những tiểu thuyết hay nhất thế kỷ hai mươi" theo như New York Times, hay theo như trang Modern Libraries, đây là một trong một trăm tiểu thuyết xuất sắc nhất mọi thời đại.
Thời thơ ngây kể về mối tình tay ba ngang trái giữa luật sư tài ba Newland Archer, người vợ sắp cưới của anh May Welland và cô chị họ Ellen Olenska. Archer và May sắp kết hôn, đó là chuyện không sớm thì muộn mà mọi người đều tin tưởng. Cuộc hôn nhân của họ ngay từ đầu không được diễn ra sớm theo nguyện vọng của Archer chỉ vì lề thói cũ của xã hội lúc bây giờ, May nên đợi thêm một hai năm nữa. Dù luôn khó chịu với những quy củ, Archer không thể thuyết phục May và phải chấp nhận kết hôn theo thời gian đã định.
Thế nhưng, sự xuất hiện của Ellen khiến tất cả những dự định hoàn toàn bị thay đổi. Ellen không phải một cô gái quá xinh đẹp, ăn mặc phù hợp với thời trang và phong cách xã hội thượng lưu Mỹ lúc đó; nhưng ở cô có một nét quyết rũ đầy hoang dã và tự do khiến cho bao người đổ gục. Trong số đó, có cả chàng luật sư của chúng ta, Newland Archer. Từ đó, ba người họ vướng vào một sợi xích không thể tháo gỡ, khiến mọi chuyện càng thêm phức tạp hơn.
Tất nhiên, nếu chỉ mang theo một câu chuyện tình cảm thông thường, hẳn Edith Wharton đã không làm nên thành công trong giới văn học như vậy. Có thể nói, sự thông minh và tự do của Ellen thu hút bao nhiêu thì văn chương của Edith Wharton khiến người đọc say đắm chừng ấy. Nếu đã đọc qua tác phẩm của Charles Dickens, độc giả sẽ hình dung được phần nào văn phong và cách viết của truyện. Im lặng sẽ không chỉ diễn tả bằng hai tiếng lặng yên, và mọi đồ vật đều có thể diễn tả tâm trạng hay suy nghĩ. Bằng giọng văn có chút giễu cợt, Edith Wharton khéo léo lên án một xã hội thượng lưu cũ nát với hàng loạt định kiến và quy củ vô nghĩa, khiến chính bản thân Archer – người luôn thầm lặng lên án những lề thói đó – dần trở nên mờ nhạt và câm lặng với thời gian. Cái Archer đã luôn chống đối, không phải một người hay hai người, mà là toàn bộ xã hội vận hành theo một sợi dây cót kêu kẽo kẹt, mà chính anh là một bộ phận trong đó.
Hình tượng nhân vật trong truyện xây dựng khá rõ nét, dù Archer là người kể chuyện, ta vẫn hình dung được rõ ràng và đầy màu sắc về Ellen Olenska. Có nhiều người sẽ dễ dàng liên tưởng đến Elizabeth Bennet – một cô gái đi ngược lại lề thói trong văn học của Jane Austen, người đã dũng cảm đấu tranh giành lấy hạnh phúc cho mình. Đã từng có nhiều bài viết so sánh tới hai nhân vật này, nhưng có thể nói, hai người phụ nữ hoàn toàn khác nhau. Elizabeth của Jane Austen có niềm tin và định hướng cho riêng mình, trong khi Ellen Olenska mang theo bản chất hoang dã. Ellen không muốn thay đổi xã hội, thay đổi định kiến, cô vẫn quan tâm đến ánh mắt và suy nghĩ của người khác; nhưng bản chất và tính cách khiến cô luôn trở nên khác biệt và nổi bật. Cô làm theo những gì mình muốn, vì nó phải là như vậy, vì chính cô là như vậy, chứ không mang theo mình lý tưởng gì đặc biệt. Chính điều đó lại làm Ellen mang theo một phong thái rất Edith Wharton mà không phải tác giả nào khác. Dù sẵn sàng sống trong nghèo túng và đấu tranh để được li dị, Ellen vẫn chịu khuất phục và mong muốn được yêu thương bởi những người xung quanh.
Newland Archer là một người đàn ông rất điển hình, nghĩ nhiều đến cảm xúc và dục vọng của mình, một phần nào đó thiếu trách nhiệm với cả hai người phụ nữ xuất hiện trong cuộc đời của anh. Anh đem đến cho May Welland cảm giác bất an, lo sợ, khiến Ellen Olenska trở nên khó xử, và cuối cùng là người duy nhất không thể chủ động quyết định cuộc đời mình trong ba người. Thật đáng buồn cho một người luôn cho rằng mình thông minh, có chủ kiến và có thể vượt lên lề thói xã hội đó.
Một vài lời cho May Welland, cô gái mà Archer đã luôn nghĩ rằng ngây thơ và không quá thông minh. Mỉa mai thay, cô lại chính là người duy nhất hành động và đạt được điều cô mong muốn. Thế mới thấy, phụ nữ luôn là sinh vật nguy hiểm nhất. Chỉ có điều phụ nữ không muốn làm, chứ không có thứ họ không làm được.
Cuối cùng, chú ý nhỏ dành cho những độc giả theo đuổi sự gay cấn, tiết tấu nhanh của dòng văn học lãng mạn hiện đại: bạn không thể tìm thấy thứ bạn muốn ở đây. Nhưng nếu những ai luôn hứng thú với các tác phẩm văn học kinh điển của thế kỷ trước, yêu thích giọng văn đầy sâu sắc, những chi tiết đầy hàm ý, hay bức tranh đầy chi tiết về xã hội thượng lưu Mỹ ngày trước, vậy Thời thơ ngây sẽ là tác phẩm không thể bỏ qua trong những buổi tối ngồi bên trang sách, bởi đây không đơn thuần chỉ là một tiểu thuyết lãng mạn mà thôi.
P/s: để xem thêm các bài review sách khác, các bạn có thể ghé thăm page Gặm Sách của mình.
Hoặc ủng hộ bài review trên trang của mình tại đây nhé.
Hoặc ủng hộ bài review trên trang của mình tại đây nhé.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất