Review sách | Khi hơi thở hoá thinh không
Khi bác sĩ Paul Kalanithi viết email cho người bạn thân nhất vào tháng Năm 2013 để thông báo về căn bệnh ung thư của mình, anh viết,...
Khi bác sĩ Paul Kalanithi viết email cho người bạn thân nhất vào tháng Năm 2013 để thông báo về căn bệnh ung thư của mình, anh viết, “Tin vui là tớ đã sống lâu hơn cả Brontës, Keats và Stephen Crane. Tin buồn là tớ vẫn chưa viết được cái gì cả.” Đó là cách đùa của Kalanithi khi anh nói về căn bệnh ung thư bất ngờ ập đến với mình. Bên cạnh đó Kalanithi cũng mong muốn viết một tác phẩm để đời. Anh đã sống một cuộc đời tốt đẹp, dũng cảm và không muốn nó bị lãng quên.
“Khi hơi thở hóa thinh không” là một cuốn sách phi thường về một điều hết sức bình thường: cách chúng ta sống và đối diện với cái chết. Kalanithi là một bác sĩ giải phẫu thần kinh trẻ tuổi, tài năng, người được định sẵn cho những điều tuyệt vời. Anh ấy đưa người đọc vào một cuộc hành trình cực kỳ nhạy cảm, ngoạn mục, và đôi khi rất đau lòng qua cuộc chiến đấu của một chàng trai trẻ với căn bệnh nan y. Nhưng Kalanithi không viết về một bệnh nhân anh ấy đã chữa trị mà anh ấy đang viết về chính mình.
Trước khi đổ bệnh, cuộc sống của Kalanithi là cuộc sống của sự phấn đấu không ngừng nghỉ và những thành tích vượt trội. Anh lớn lên ở Kingman, Arizona, tốt nghiệp từ trường Stanford với bằng cử nhân và thạc sĩ về Văn học Anh. Tuy nhiên anh dần nhận ra niềm đam mê với khoa học của mình không phù hợp lắm với khoa Anh ngữ (Luận văn của anh - “Whitman và sự Y khoa hóa Tính cách” có hàm lượng lịch sử tâm thần học và khoa học thần kinh cũng ngang bằng với hàm lượng phê bình văn học). Hơn thế nữa, Kalanithi cảm thấy mệt mỏi khi chỉ ngồi suy ngẫm về ý nghĩa của cuộc sống, anh muốn hành động và có được trải nghiệm trực tiếp, “cơ hội để tìm thấy câu trả lời không có trong sách vở, để tìm được một hình thức cao siêu khác, để rèn giũa mối quan hệ với những người thống khổ, và để tiếp tục theo đuổi câu hỏi về điều gì khiến cuộc đời có ý nghĩa, thậm chí ngay cả khi đối mặt với cái chết và ruỗng mục.” Vì thế anh quyết định theo học Y khoa tại trường Yale.
Đối với Kalanithi, Y học chưa bao giờ đơn thuần chỉ là một công việc, đó là một cách tiếp cận khác đối với những câu hỏi siêu hình mà anh đã luôn hướng đến trong thời gian học khoa Anh ngữ. Vào năm thứ tư ở Yale, anh cảm thấy bối rối khi nhiều người bạn cùng thời với anh quyết định chuyên về các lĩnh vực đòi hỏi ít áp lực hơn và lương cao hơn, chẳng hạn như X quang hoặc da liễu. Tuy nhiên sau đó anh nhận ra sự nghiệp Y khoa “đem tới cho tôi không chỉ một sân khấu cho những hành động trắc ẩn mà còn là sự nâng cấp về tồn tại của chính bản thân tôi: tránh càng xa càng tốt những vật chất tầm thường, những tự cao tự đại, để mà đi tới nơi đó, trọng tâm của vấn đề, những quyết định và vật lộn thực sự giữa sống-và-chết… sự siêu nghiệm hẳn sẽ được tìm thấy ở đó?”
Thế nhưng, mọi thứ đã thay đổi. Ở độ tuổi 36, khi mà Paul Kalanithi sắp có được những thứ anh đang cố gắng từng ngày để đạt được: anh sắp trở thành một bác sĩ giải phẫu thần kinh chuyên nghiệp sau một thập kỷ đào tạo và đang lên kế hoạch có con với Lucy - vợ của mình. Thay vì mong đợi một tương lai xán lạn, anh nhận ra mình đang đối mặt với không chỉ căn bệnh nan y mà còn là một cuộc khủng hoảng nhân dạng sâu sắc: “Giằng xé trong vai trò của một bác sĩ và một bệnh nhân, đào sâu trong những thông tin y khoa để tìm kiếm câu trả lời, tôi vùng vẫy một cách khó khăn. Cùng lúc đó, tôi phải đối mặt với cái chết của chính mình, để xây lại cuộc đời cũ - hoặc có lẽ tìm ra một cuộc đời mới.”
“Khi hơi thở hóa thinh không” là một câu chuyện không cường điệu cũng chẳng hề ủy mị về việc con người phải đối mặt với một tương lai mà họ biết sẽ không bao giờ xảy ra. Giọng văn của Kalanithi có chút khẩn trương bởi cuộc đối đầu với cái chết của chính mình ở tuổi 36. Trong đó vẫn tràn đầy sự rộng lượng, lòng trắc ẩn và nguyện ước truyền tải với người đọc những hiểu biết sâu sắc một cách đau đớn của anh về tình trạng khó khăn duy nhất mà tất cả chúng ta sẽ phải đối mặt: cái chết. Kalanithi đi sâu vào nỗi sợ lớn nhất của loài người bằng trí tuệ cảm xúc và một sự dũng cảm đáng nể.
Tiêu đề “Khi hơi thở hóa thinh không” được lấy cảm hứng từ bài thơ “Caelica 83” của Fulke Greville:
"Sống là gì anh kiếm tìm trong cái chết Giờ nhận ra khi hơi thở hoá thinh không Tên mới không hay, tên cũ không còn: Cho tới khi thời gian ngừng xác thể, Độc giả! Dành thời gian, khi còn có thể Bước chân nhẹ về cùng với cõi vô ưu."
Như lời đề tựa của bác sĩ Abraham Verghese “ Hãy lắng nghe Paul. Trong những khoảng lặng giữa những câu chữ của anh, hãy lắng nghe những gì bạn muốn đối thoại lại với anh. Ngay tại đó là thông điệp anh muốn nói.”
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất