451 độ F là câu chuyện về một thế giới giả tưởng, ở đó những người lính cứu hỏa – firefighter không chống lại ngọn lửa mà lại đi châm lên hơi nóng đó. Trong thế giới mà nhà văn Ray Bradbury tưởng tượng ra cách đây năm mươi năm, thông tin được kiểm soát bởi những tầng cao hơn, và tri thức không còn được tiếp thu từ sách vở. Mỗi người đều sử dụng sản phẩm của công nghệ và tất cả những gì họ nghe được trở thành kiến thức. Tuy nhiên, những thông tin đó đều đã được chọn lọc để đưa đến họ, chính vì vậy tất cả mọi người đều như những bản sao của nhau với từng nếp gấp não giống hệt nhau.
Guy Montag vốn là một bản sao trong thế giới ấy, mang theo mình nhiệm vụ của công việc lính cứu hỏa. Mỗi ngày anh nhận thông báo điểm đen "tàng trữ" sách - vốn bị cấm ở xứ sở này, đến đó và thiêu rụi những quyển sách cùng ngôi nhà và đôi khi là cả chủ nhân của chúng. Anh luôn nghĩ ngọn lửa thật hấp dẫn, và sứ mệnh của anh chính là thiêu rụi toàn bộ số sách còn tồn tại.
Cho đến một ngày, anh gặp Clarisse McClellan, một cô gái trẻ kỳ lạ với hàng vạn ý tưởng mới mẻ và câu hỏi lý thú. Những điều cô chia sẻ khơi gợi trong anh cái gọi là "thắc mắc", là "tò mò", là "muốn hiểu biết", những điều trước đây anh hoàn toàn không hề cảm thấy. Cô khiến cái nhìn của anh trở nên khác biệt, cô kể với anh về một nguồn gốc hoàn toàn khác của lính cứu hỏa, khi bọn họ vốn có công việc là "dập lửa" chứ không phải "thắp lửa". Dần dần, khi Montag chứng kiến những sự việc xung quanh, nghi ngờ nhen nhóm trong lòng anh như một đốm tàn tro, dần lan rộng và bùng cháy một cách mạnh mẽ như những ngọn lửa anh từng thắp lên.
451 độ F là nhiệt độ những trang sách bắt lửa. Ở nhiệt độ này, dường như không chị có những trang sách bị thiêu đốt, mà còn có tri thức của nhân loại, trí tuệ của con người, sự tư duy, khả năng suy nghĩ độc lập... bị tàn phá. Bằng sức sáng tạo và ngòi bút ẩn dụ đầy châm biếm, tác giả đã vẽ nên bức tranh con người ở thế kỷ hai mươi mốt với chất liệu từ sức tưởng tượng của những năm một ngàn chín trăm năm mươi. Con người không còn hành động theo sự suy nghĩ của bản thân, mà hoàn toàn bị định hướng bởi thông tin truyền thông. Sách vở chỉ còn là trong trí nhớ, tri thức bị bóp méo và sai lệch. Khi Montag bắt đầu nhận ra lớp vỏ dày ngu dốt đang bao phủ quanh anh, anh đã dùng hết sức đã phá chúng như con sâu bướm trở mình lột xác. Không có công cuộc phá kén nào là không để lại đau thương, và Montag cũng còn cả một chặng đường dài để tiến về phía trước.
Đây là một tác phẩm ngắn chứa đựng lượng ý nghĩa ẩn dụ đồ sộ và tính cảnh tỉnh sâu sắc. Ở đó, ta sợ hãi khi nhận ra có thể chúng ta đang trở thành chính những Mildred, Beatty... trong truyện với cùng một bộ não, cùng một lượng thông tin tiếp nhận và cùng cách hành xử. Con người trở thành sản phẩm từ cùng một chiếc khuôn, thông tin loạn lạc và bừa bãi, những cảm xúc hỉ nộ ái ố biến thành quái vật,... Nếu xã hội tiếp tục được vận hành theo như lề thói hiện nay, khi người đọc chỉ tiếp nhận lượng tri thức chọn lọc, thì đến một ngày có thể con người sẽ trở thành công cụ, còn máy móc sẽ quản lý chính chúng ta. Ray Bradbury tự nhận, vào thời điểm hoàn thành tác phẩm, ông không hề ý thức những gì mình viết được định nghĩa là ẩn dụ, thế nhưng ông đã hoàn thành xuất sắc một tác phẩm tràn đầy những lớp nghĩa thứ hai. Với những bạn đọc đang tìm kiếm một tiểu thuyết cổ điển sắc sảo và giàu ý nghĩa, 451 độ F là tác phẩm không thể bỏ qua để bổ sung cho tủ sách của bạn.
P/s: để xem thêm các bài review sách khác, các bạn có thể ghé thăm page Gặm Sách của mình.
Hoặc ủng hộ bài review trên trang của mình tại đây nhé.