Tựa gốc: Where the Crawdads Sing
Xa ngoài kia nơi loài tôm hát của Delia Owens là thể loại fiction hay nhất mình đọc trong năm 2024. Một áng văn thật chạm, thật thơ, thật trữ tình, thật đẹp và cũng thật dịu nhẹ ấm áp làm sao.
Phải đọc Xa ngoài kia nơi loài tôm hát bạn mới hiểu được hết ý nghĩa của tiêu đề này. Tác phẩm này như một sự gửi gắm, một niềm đau đáu của tác giả về thế giới tự nhiên, nơi công việc trở thành một phần cuộc sống của bà.
<i>Sách Xa ngoài kia nơi loài tôm hát. Ảnh: Lê Diễm Diễm</i>
Sách Xa ngoài kia nơi loài tôm hát. Ảnh: Lê Diễm Diễm

Tóm tắt:

Câu chuyện xoay quanh nhân vật chính là Kya Clark bị những người thân bỏ rơi từ lúc chỉ mới sáu tuổi, từ đó một mình đơn độc ở chiếc lán giữa đồng lầy phía Bắc California. Tại đây, cô lớn lên trong sự xa lánh bởi người dân vùng thị trấn với tên gọi hết sức kỳ thị là “cô gái đồng lầy”. Tình thế ấy buộc cô phải học cách tự sinh tồn giữa chốn thiên nhiên hoang dã.
Khi trở thành một thiếu nữ, Kya vướng vào mối quan hệ với hai chàng trai trong vùng. Một là Tate Walker, người luôn điềm tĩnh, tinh tế, luôn dịu dàng với Kya, dạy cô học chữ và khuyến khích cô kết nối với thiên nhiên, đồng thời cũng là người làm thay đổi cuộc đời lẫn sự nghiệp của Kya sau này. Hai là Chase Andrews, một anh chàng đẹp trai và giàu có nổi tiếng trong vùng, người tạo ra mối tình đầy tai tiếng với cô gái nhỏ. Sau này, người ta phát hiện cái xác của Chase trong đầm lầy và cô gái nhỏ Kya bỗng nhiên trở thành nghi phạm chính. 
Cuốn sách là lời kể đan xem giữa hai dòng thời gian của quá khứ và hiện tại, khắc họa rõ ràng từ hành trình lớn lên đầy cô độc của Kya đến lúc ra tòa xét xử và cho đến những ngày cuối đời bình yên của cô. 
<i>Sách Xa ngoài kia nơi loài tôm hát. Ảnh: Lê Diễm Diễm</i>
Sách Xa ngoài kia nơi loài tôm hát. Ảnh: Lê Diễm Diễm

Lý do mình đọc sách này?

Lần đầu tiên biết đến Xa ngoài kia nơi loài tôm hát khi phim rục rịch ra mắt và được truyền thông rầm rộ năm 2022. Lúc ấy tác phẩm được giới thiệu với các cụm từ như “vụ án mạng”, “giết người”, “tình tay ba”. Mình không phải fan thể loại kinh dị giật gân nên mình đã bỏ qua nó.
Đến năm 2024 mình tình cờ xem một review ở đâu đó có đề cập rằng “bản dịch rất mượt” và điều đó đã lôi cuốn mình – một con người mê văn chương chữ nghĩa. Mình đọc thử vài trang đầu tiên và rồi đọc luôn một mạch không dừng lại được. Câu văn mướt mườn mượt cứ thế đẩy mình chạy vèo vèo, cùng xuýt xoa trước bối cảnh thiên nhiên rộng lớn, cùng cười, cùng thổn thức với những chi tiết thật chạm, thật thương.

Điều mình tâm đắc trong áng văn này:

1. Câu chữ được họa nên từ tình yêu thiên nhiên

Xa ngoài kia nơi loài tôm hát là những lời ca tụng thiên nhiên tráng lệ và hoang dã. Mọi thứ hiện lên thật đẹp đẽ và nguyên sơ như chính bản chất thuần túy của Kya. Đó chính là Kya hay tác giả đang viết về chính bi kịch cuộc đời mình? Hãy để người đọc tự cảm nhận và phỏng đoán nhé.
Không biết mình đang đọc sách hay đang chảy theo dòng điệu văn chương bất tận ấy nữa. Ngôn ngữ hiện lên trong cuốn sách này thật trữ tình làm sao. Tác giả đã lột tả hết được vẻ đẹp bi tráng của đồng lầy, len lỏi cả những nơi sâu thẳm, nơi chứa đầy vết thương lòng của cô bé Kya và những nhân vật phụ. Những lát cắt thật đẹp mà cũng thật bi thương! 
<i>Áng văn mượt mà với tình yêu thiên nhiên thấm đẫm từng trang sách</i>
Áng văn mượt mà với tình yêu thiên nhiên thấm đẫm từng trang sách

2. Con người nối tiếp thiên nhiên

Với một đứa luôn đam mê thế giới tự nhiên thì những kiến thức về sinh vật trong sách này đã rất thu hút mình. Ở quyển này, những thông tin về sinh học dưới góc nhìn của một nhà động vật học và nhà bảo tồn thiên nhiên đã mang đến thật nhiều góc nhìn mới lạ. Đó là mô tả  thú vị về các đặc tính của động vật như đi kiếm ăn, săn mồi, tìm kiếm bạn tình, mối liên hệ giữa con mẹ và con con, giao phối giữa động vật,… Những chi tiết đó tưởng chừng ngẫu nhiên nhưng Delia Owens đã rất khéo léo lồng ghép để chúng trở thành tình tiết ẩn dụ tinh tế xuyên suốt toàn bộ tác phẩm. 
“Đom đóm cái dụ con đực khác loài bằng tín hiệu giả rồi xơi tái chúng; bọ ngựa cái nuốt chửng bạn tình. Những cô côn trùng, Kya nghĩ, biết cách đối phó với người tình của chúng.”
Bài học sâu sắc từ thiên nhiên cũng thể hiện ở chính những hành vi của con người. Phải chăng vì con người cũng là một phần của tự nhiên? Để rồi, cô bé Kya của chúng ta tự ôm ấp chính mình:
“Kya biết ở đây không có chỗ cho sự phán xét. Không có cái ác, chỉ là sự sống đập tiếp nhịp điệu của nó, bất kể một vài “người chơi” phải chịu tổn hại. Sinh học coi đúng và sai là cùng một màu sắc dưới ánh sáng khác nhau.”
<i>Thiên nhiên và con người luôn dung hòa với nhau</i>
Thiên nhiên và con người luôn dung hòa với nhau

3. Câu chuyện gia đình

Câu chuyện về gia đình của Kya khiến mình sụt sùi mãi. Mình thấy thương cô bé như thương chính bản thân mình vậy. Cả nhà sống trong một chiếc lán giữa đồng lầy không thể nào tồi tàn và thiếu thốn hơn. Nhờ anh trai Jodie mà cô nhóc “biết bài hát của lũ chim, tên gọi những vì sao và cách lái thuyền qua đám cỏ răng cưa”. 
Trước khi tình cảnh quá đỗi thảm thương thì gia đình cô bé cũng đã từng hạnh phúc hoặc ít ra trong khoảng khắc chóng vánh nào đó cô đã hạnh phúc bên ba mẹ và các anh chị em. Thế nhưng ai lại nỡ để cô nhóc con bé xíu mới sáu tuổi bơ vơ giữa đồng lầy mà không có kiến thức xã hội và vốn liếng ít ỏi của bản năng sinh tồn?
Có những thứ nhìn vậy nhưng không phải vậy. Đôi khi ta cần nhìn nhận mọi điều ở một góc nhìn khác hơn để thông cảm cho hoàn cảnh và cảm nhận của người khác nữa, như má của Kya vậy. Khi hiểu ra, có thể chúng ta sẽ khóc rất nhiều, vì tình yêu thương mà người mẹ dành cho những đứa con bé bỏng của mình.
Thêm nữa, mẫu hình cha mẹ như vậy cũng ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của một đứa trẻ. Gia đình không hạnh phúc khiến đứa bé trở nên co cụm lại với thế giới, khiến chúng khao khát tình yêu thương, một khát khao tự nhiên và vô tình trở thành miếng mồi cho những kẻ lợi dụng điều đó. Vì thiếu thốn tình cảm nên ai đối tốt với chúng thì chúng vô thức trở nên thèm muốn tình cảm không chân thật đó như những đứa trẻ đói ăn mà không hề có sự đề phòng. Có lẽ chúng tin tưởng người đã cho chúng thức ăn chăng?
<i>Kya phải tự kiếm sống</i>
Kya phải tự kiếm sống

4. Tình người ấm áp

Kya đã sinh tồn, đúng rồi, không phải sống mà là sinh tồn theo bản năng của tự nhiên. Vì thế, cô nhìn tự nhiên để học hỏi, để hành xử, để lớn lên. Thế nhưng, bên cạnh sự cô độc trần trụi ấy vẫn còn rất nhiều tình người ấm áp luôn hiện diện và giúp đỡ Kya vô điều kiện. 
Tình yêu thương của vợ chồng Jumpin’: Họ là những người da màu khiêm tốn và ấm áp. Những hành động xuất phát từ tình thương thuần khiết của họ đối với Kya khiến mình bật khóc bởi xúc động. Thật mừng vì họ đã chở che Kya, ôm ấp cô bé và giúp cô về lương thực, quần áo và cả những rắc rối trong quá trình lớn lên của cô bé.
Tình yêu chân thành của Tate: Từ lúc nhỏ, Tate đã luôn bảo vệ Kya và điều đó vẫn tiếp diễn khi cô bé lớn lên. Tate đã nhận ra tiềm năng của cô và khuyến khích cô theo đuổi đam mê nghiên cứu thiên nhiên của mình. Dù có lúc khiến Kya đau buồn nhưng Tate vẫn luôn dành tình cảm đặc biệt cho cô và quay lại bên cạnh cô. 
Hay là Tom Milton, vị luật sư đã giúp cô bào chữa cho vụ án mạng chấn động đó mà chẳng cần một sự hàm ơn nào. 
Chính tình thương ấy đã sưởi ấm cô qua những tháng ngày đơn côi tại đồng lầy, dù nhỏ bé thôi nhưng chúng bền bỉ và neo giữ, giúp cô vững vàng hơn để sống. “Sống” chứ không phải là “tồn tại” nữa. 
<i>Tình cảm chân thành và tinh tế đến từ nhà trai Tate</i>
Tình cảm chân thành và tinh tế đến từ nhà trai Tate
<i>Tate dạy Kya học chữ</i>
Tate dạy Kya học chữ

5. Bản dịch mượt nhất mình từng đọc

Với một người khá kén sách như mình thì đây là cuốn mình đọc thử vài trang và bị cuốn vào dòng văn chương lãng mạn bất tận và đọc một mạch cho đến hết. Mình phải khen người dịch vì có bản chuyển ngữ hay nhất mình từng đọc. Phải nói là hay nhất từ trước đến nay!
Có một chi tiết mình đánh giá rất cao và nó chạm vào tim mình, đó là trong bản dịch tiếng Việt, người dịch sử dụng từ “má” thay vì từ “mẹ”. Từ “má” mình thấy nó hợp hoàn cảnh của câu chuyện, đặc biệt phù hợp với ngôn ngữ miền Nam và văn phong của cả cuốn sách. 
Khi đối chiếu với bản tiếng Anh, mình thấy thắc mắc khi tác giả dùng từ “Ma” để chỉ “mẹ” và “Pa” để chỉ “ba”, có lẽ là “mama” hoặc “mamy”. Tự nhiên mình nghĩ, từ “Má” và “Ba” trong tiếng Việt có mượn từ tiếng Anh (Papa và Mama) không nhỉ hay trong tiếng Trung (爸爸, 妈妈)?
Lời khen cho tác giả và dịch giả
Mình đã xem qua bản gốc Where the Crawdads Sing và xác nhận ngôn từ mà Delia Owens sử dụng rất có tính chọn lọc, rất thi vị như một học sinh giỏi Văn thực thụ chứ không phải của một nhà nghiên cứu sinh vật học. 
Bên cạnh đó, dịch giả Trương Hoàng Uyên Phương mang đến cho mình một trải nghiệm đọc suôn mượt vô cùng tuyệt vời. Nếu ai biết chị ở đâu xin hãy gửi lời khen ngợi này đến chị, thật sự rất xuất sắc.

6. Bản chuyển thể phim

<i>Cái lán nơi Kya ở</i>
Cái lán nơi Kya ở
Phiên bản phim cùng tên của cuốn sách này thực sự rất đẹp: diễn viên đẹp, khung cảnh thiên nhiên tráng lệ, thời trang đẹp và những thứ đẹp đẽ khác. Nhưng có lẽ nó quá đẹp và quá “Pinterest” nên mình cảm thấy hơi lệch với mô tả gốc của sách. Bởi “cái lán” cũ kỹ nơi Kya ở bỗng chốc hóa “ngôi nhà trên mạng” bởi nó chẳng xấu xí xập xệ chút nào mà rất phong cách là đằng khác. 
Cùng với đó, có lẽ vì là phim điện ảnh với thời lượng hạn chế nên nhịp phim có phần hơi nhanh và một số chi tiết nếu không đọc sách sẽ không theo kịp câu chuyện. Thêm nữa, một số chi tiết mình thấy khá vô lý. Ví dụ như trong sách thì Kya lén nhìn nhóm bốn người bạn chơi bóng trên biển, còn trên phim thì Kya ngồi đó vẽ tranh ngay bên cạnh đó. Chi tiết này đối nghịch với tính cách rụt rè và sợ hãi con người của Kya nên khiến phim trở nên lệch pha một chút.
Nhân vật Kya Clark được diễn viên trẻ với lối diễn xuất tự nhiên là Daisy Edgar-Jones đảm nhận. Cô nàng đã khắc họa hoàn hảo nhân vật Kya bởi nét bơ vơ ngây thơ khi diện kiến trước loài người nhưng lại rất thông minh với quan sát vô cùng tinh tế trong thế giới tự nhiên. Sau đó mình mới biết nữ diễn viên đầy triển vọng này cũng đã thể hiện xuất sắc nhân vật Marianne với tâm hồn nhạy cảm trong Normal People.
Một điểm thú vị nữa là chính tác giả Delia Owens đóng vai Kya về già. Chỉ một phân cảnh nhỏ thôi nhưng cũng giúp bộ phim thêm chi tiết đặc biệt, khi chính tác giả trở thành nhân vật của mình. 
img_0
img_1
<i>Ngôi nhà nơi nuôi dưỡng niềm đam mê nghiên cứu thiên nhiên của Kya</i>
Ngôi nhà nơi nuôi dưỡng niềm đam mê nghiên cứu thiên nhiên của Kya

Tạm kết

Có rất nhiều lời khen ở cuốn sách này, không chỉ về khung cảnh thiên nhiên tráng lệ, các kiến thức sinh vật học kỳ thú, tình người ấm áp, câu chuyện gia đình lắt léo nhưng cảm động, hành trình lớn lên của cô bé Kya, mà còn cả ngôn từ đẹp đẽ thơ mộng và bản dịch siêu mượt nữa. Mình đã rơi nước mắt rất nhiều, bởi những sự tổn thương, những tình yêu không cách nào biểu lộ, những sự hiểu lầm, những tình cảm ấm áp của những người xa lạ. Tất cả khiến cuốn sách trở nên rất riêng và rất rất hay. Đây cũng là quyển nằm trong danh sách đọc lại của mình. 
Với tất cả những điều tuyệt vời đó, Xa ngoài kia nơi loài tôm hát xứng đáng được 5 sao và mình sẽ còn đọc lại vài lần nữa. 
Lê Diễm Diễm