Nội dung sách Vang bóng một thời
Vang bóng một thời chính là tập tùy bút cô đọng nhất cảm xúc của tác giả trước sự đổi thay của thời cuộc. 12 truyện ngắn và tùy bút đưa người đọc trở về quá khứ vừa thực vừa hư, với những nét đẹp vô cùng đặc sắc của con người biểu trưng cho cả một dân tộc.

Tiếng hát văng vẳng đến rợn mình của lão đao phủ già với ngón nghề chém treo ngành xưa nay hiếm. Chém đầu nhưng nghệ thuật như bứt một nhành hoa, hoa đã rũ xuống vẫn còn dính cọng, đầu đã rơi xuống nhưng vẫn còn dính da.
Nghệ thuật là tiếng đàn giai nhân lay động mặt nước sông Hương trong một buổi trăng sáng  ngây ngất lòng người. Là thú đánh thơ, thả thơ chơi đùa cùng con chữ. Là tình yêu đến mức say mê một ấm trà ngon, người chủ sầu thảm khi phải bán đi ấm trà quý vì miếng cơm manh áo. Trong Vang bóng một thời, cũng có lúc Nguyễn Tuân ngẩn ngơ vì vẻ đẹp tựa chốn bồng lai tiên cảnh trên đỉnh Non Tàn, nơi những kẻ phàm tục một lần đặt chân lên là chẳng muốn quay về.

Biệt tài sử dụng ngôn từ trong Vang bóng một thời
Mỗi người có một cách cảm nhận vẻ đẹp khác nhau và tái hiện lại càng khác nhau. Với biệt tài sử dụng ngôn từ, Nguyễn Tuân giúp tâm trí người đọc hiện lên sống động những thú hoàn mỹ của thời đại trước với một niềm trân quý vô bờ.

Xuyên suốt tác phẩm Vang bóng một thời là giọng văn khoáng đạt như con người vốn có của Nguyễn Tuân, nhưng ẩn sâu trong đó là nỗi hoài cổ, nơi con mắt đau đáu nhìn về quá khứ vàng son một đi không trở lại.

Xã hội thay đổi kéo theo cả sự đổi thay về quy chuẩn thẩm mĩ và đạo đức. Người ta chạy theo những thứ vội vàng, hào nhoáng mà quên đi những nét đẹp cũ của một dân tộc Á Đông. Trong con mắt trông về quá khứ của Nguyễn Tuân, ông luôn một mực tôn vinh cái đức, cái tình của một xã hội trọng nề nếp, được xây dựng bởi tình nghĩa anh em, thầy trò và tình cảm gia đình.

Đêm nay là đêm mười bốn tháng tám. Và là cuộc thả thơ lần thứ hai của cụ Nghè Móm. Lần trước thả vào thượng tuần tháng bảy, trước ngày có mưa Thất tịch; lần này cụ Nghè Móm chọn ngày mười bốn, có người hỏi tại sao không để đến ngày rằm, cụ nói:

– Trăng mười bốn bao giờ cũng khéo hơn trăng rằm. Ngày mười bốn là vầng trăng đi tới chỗ toàn thịnh. Ngắm vầng trăng rằm, người ta tinh ý sẽ nhận thấy cái vẻ sắp tàn của một vật gì đã mãn khai trong có một thì.

Phù thủy ngôn từ Nguyễn Tuân khiến người đọc phải ngã mũ thán phục cách ông sáng tạo với từng con chữ trong Vang bóng một thời. Những tùy bút Báo oán, Trên đỉnh non tàn miêu tả tuy có phần ai oán, rùng rợn nhưng vẫn cuốn người đọc bởi cách sử dụng từ ngữ thần tình đến tuyệt đỉnh.

Nhà văn anh Đức đã từng phải thốt lên rằng “Không biết chừng nào mới lại có một nhà văn như thế, một nhà văn mà khi ta gọi là một bậc thầy của ngôn từ ta không hề thấy ngại miệng; một nhà văn độc đáo, vô song mà mỗi dòng, mỗi chữ tuôn ra đầu ngọn bút đều như có đóng một dấu triện riêng”.

Có thể sử dụng ngôn từ trong Vang bóng một thời một cách xuất sắc như vậy âu cũng bởi Nguyễn Tuân có một tình yêu và niềm trân trọng với con người thời đại đó. Mỗi nhân vật trong Vang bóng một thời đều được ông khắc họa với một nét riêng trong tính cách, tuy tả không nhiều nhưng lại rất gợi hình ảnh.

Trong cảnh trời đất lờ mờ chưa đủ phân rõ phần đêm và phần ngày. ông cụ Ấm có cả phong thái một triết nhân ngồi rình bước đi của thời gian.

Đêm đông dài không cùng. Nó mênh mông và tự hết rất chậm chạp.

Gió bấc thổi qua những kẽ cánh cửa bước vào nơi yên lặng này mươi lăm  tiếng gà không nhẫn nhục được với tối tăm. Từ ngoài phía ngõ râm bụt lượn sát nhà gạch, dội vào những tiếng bước chân người nặng nề. Cuộc đời hồi tỉnh lại dần dần.

Cụ Ấm phẩy quạt mo phành phạch theo nhịp nhanh chóng trước cửa hoả lò. Hòn than tàu lép bép nổ nghe vui tai. Và làm vui cho cả mắt nữa, những tàn lửa không còn trật tự, không bị bó buộc kia còn vẽ lên một khoảng không gian những nét lửa ngang dọc, cong queo ngoằn ngoèo. Những lúc có cháu nhỏ ngồi với mình, Cụ Ấm thường hỏi chúng xem pháo hoa cải như thế có thích không.

Nguyễn Tuân là một người nghệ sĩ nhìn ra chất nghệ sĩ trong những con người đời thường. Qua lăng kính duy mỹ của mình, Nguyễn Tuân ngợi ca chất tài tình của Lý Văn với tài ném bút chì, ông Huấn Cao với tài viết chữ nho hay ông Bát Lê với ngón chém treo ngành,…

Cảm ơn Nguyễn Tuân vì cái tâm luôn tìm về cái đẹp, lưu giữ cái đẹp để người đời sau được cảm thán về hồn thiêng non nước. Nếu không có người tận tình với những giá trị xưa cũ,  nếu không có Vang bóng một thời, chúng ta đâu thể có cái nhìn tách bạch về dân tộc tài hoa trong thời đại giao thoa Đông Tây.

Lời kết
Hãy đọc sách Vang bóng một thời trong một ngày thong thả chậm rãi, để cùng nhìn về quá khứ và nhớ về những điều xưa cũ. Chỉ khi biết trân trọng quá khứ thì chúng ta mới chạm được những góc sâu nhất trong tâm hồn mình. Chầm chậm thướng sách với một tách trà, để tâm mình lắng lại và đẹp tựa như những giọt sương sớm trên chiếc lá sen ngát hương thơm.