“Vẫn ổn thôi kể cả khi bạn không có ước mơ” không phải là cuốn sách khuyến khích bạn không cần có ước mơ trong cuộc sống cũng không sao, mà chỉ ra cho bạn cách chọn được ước mơ thật sự của cuộc đời mình. Sự gò bó, áp lực của xã hội, cũng như sự kỳ vọng của bậc cha mẹ có thể làm thay đổi và lệch lạc những điều mà chúng ta coi là “ước mơ”, liệu sau một hành trình dài trên đường đời, khi đối diện với chính mình và hỏi rằng “Mình có đang sống đúng với ước mơ?”, bạn sẽ tự tin vào câu trả lời “Có” của mình?
review-sach-van-on-thoi-ke-ca-khi-ban-khong-co-uoc-mo-revisach.com


Tác giả cuốn sách “Vẫn ổn thôi kể cả khi bạn không có ước mơ”

“Vẫn ổn thôi kể cả khi bạn không có ước mơ” được viết bởi hai nhà văn người Hàn Quốc vô cùng giàu kiến thức và kinh nghiệm sống, đó là Park Seung Oh và Kim Young Gwang. Hai tác giả không cùng tuổi tác, không cùng còn đường sự nghiệp cũng như khác biệt về tài năng mơ ước, nhưng đều có cùng một khoảng thời gian mông lung vô định, không tìm thấy ước mơ thật sự của mình, để rồi hai tác giả đã cùng gặp nhau và chia sẻ những điều mình đã từng trải qua và đưa ra lời khuyên trong cuốn sách “Vẫn ổn thôi kể cả khi không có ước mơ”.

Park Seung Oh đã từng đột nhiên bị mất thị lực khi đang học tại đại học KAIST, áp lực của việc thức thâu đêm học bài đã vượt qua sức chịu đựng của đôi mắt, khiến tác giả sống trong những ngày tháng mờ mịt. Nhưng lúc đó, việc gặp người thầy của mình đã giúp tác giả tìm ra giá trị của bản thân, bắt đầu lại hành trình cuộc đời với vai trò là một người thầy. Tác giả Park Seung Oh cũng từng làm việc tại hãng điện tử LG, Midasit và viện nghiên cứu Carnegie, và vẫn đang tiếp tục cống hiến để chia sẻ nhận thức của mình qua những cuốn sách.

Tác giả Kim Young Gwang có một khởi đầu hoàn toàn khác với vị trí nhân viên tại một doanh nghiệp lớn, nhưng vẫn luôn băn khoăn về ước mơ thật sự của mình. Trong quá trình tìm ra những trăn trở, anh bắt đầu nghỉ việc tại công ty, thành lập tổ chức quyên góp tài năng Kkichin và với vai trò là một người thầy và nhà văn, Kim Young Gwang vẫn đang từng ngày nỗ lực để giúp thanh thiếu niên tìm ra được ước mơ của mình.

Về cuốn sách “Vẫn ổn thôi kể cả khi bạn không có ước mơ”

“Vẫn ổn thôi kể cả khi bạn không có ước mơ” được xuất bản tại Hàn Quốc vào năm 2015 và được chọn là một trong những cuốn sách mà ai cũng nên đọc, cũng như dành được rất nhiều sự tin tưởng từ các bậc phụ huynh tại Hàn Quốc, cuốn sách được đến với độc giả Việt Nam vào đầu năm 2020 và dành được nhiều sự quan tâm của độc giả.

Được chia làm 4 phần, mỗi phần được phân tích sâu hơn qua các chương, cuốn sách là câu hỏi và phần trả lời của hai tác giả với vai trò là hai người cậu, giống như người thân trong gia đình, chia sẻ tất cả những điều mà hai cậu đã học và rút ra được trong quá trình tìm lại ước mơ rằng: không cần ám ảnh phải ngay lập tức tìm ra nghề nghiệp và mục tiêu sống của bản thân, mà qua những phương pháp, dần dần tìm ra được mục đích sống của mình, cũng như chủ động học hỏi và quan sát thế giới xung quanh.

“Vẫn ổn thôi kể cả khi bạn không có ước mơ” đặc biệt dành cho giới trẻ, những thanh thiếu niên đang cảm thấy hoang mang, mất phương hương, cũng như chia sẻ cho những bậc phụ huynh và giáo viên, những người đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời học sinh và con cái mình một góc nhìn mới để có thể hiểu hơn những băn khoăn, những trở ngại mà con em mình đang gặp phải.

Các chương trong cuốn sách “Vẫn ổn thôi kể cả khi bạn không có ước mơ”

Lời nói đầu

Lời nhắn gửi từ những người cậu đã từng lạc đường đến các cháu còn đang mất phương hướng

Phần 1: Tại sao phương hướng lại quan trọng?

Phần 2: Ước mơ, làm thế nào để tìm ra?

Phần 3: Tài năng, làm thế nào để vun đắp?

Phần 4: Làm thế nào để tiến bước trong cuộc đời?

Lời kết

Nội dung nổi bật trong cuốn sách “Vẫn ổn thôi kể cả khi bạn không có ước mơ”
Tại sao phương hướng lại quan trọng?

Trong cuốn sách “Vẫn ổn thôi kể cả khi bạn không có ước mơ”, tác giả chỉ ra rằng, tuổi trẻ luôn băn khoăn về thành công, bố mẹ luôn nói rằng cần học hỏi những người thành công, nhưng thành công đối với các em thực sự là gì? Đơn giản đó là cách tìm hiểu bản thân mà thôi, công nhận các em là ai và đi tìm những điều mà em yêu thích. Hiện tại, nếu chưa biết mình thích gì cũng không sao, nhưng đừng đưa ra những quyết định vội vàng, khi quyết định dựa trên những trải nghiệm hạn hẹp của chúng ta về thế giới, ta thường sẽ hối hận sau này.

Đối với tác giả, phương hướng thực sự rất quan trọng, dù không có ước mơ, cũng hãy cố gắng để tìm ra điều ta thích nhất và phù hợp nhất với năng lực của mình, và cách tốt nhất là hãy thực hiện phép thử mà không sợ thất bại, khi còn trẻ, ta thường có nhiều cơ hội và thời gian hơn, vì sau này khi bước vào đời, mọi sai lầm của bạn đều phải trả giá.

Ước mơ, làm thế nào để tìm ra?

“Vẫn ổn thôi kể cả khi không có ước mơ” cũng nói rằng ta thường đánh đồng ước mơ với nghề nghiệp, trong khi quan niệm đó là sai lầm. Tìm ra được điều mình thích, rồi tạo ra công việc và kiếm sống bằng điều mình thích mới là phương hướng tự nhiên nhất. Có những ước mơ của ta chỉ là “ước mơ giả” mà thôi, vì ta thường có xu hướng bắt chước thành công của người khác. “Vẫn ổn thôi kể cả khi bạn không có ước mơ” dạy bạn cách lọc ra “ước mơ thật” trong hàng vạn ước mơ của mình.

Những ước mơ được vẽ nên bởi danh tiếng và tiền bạc sẽ không đi cùng với ta lâu dài, hãy xóa bớt đi, thay vì sống để không phải hối hận, tìm ra cách sống để hạnh phúc còn tuyệt vời hơn rất nhiều lần. Đừng bất mãn và đổ lỗi, thay vào đó hãy luôn cần mẫn và chân thành kể cả trong những việc mà mình không thích, dần dần chúng ta sẽ có đủ năng lực để biến ước mơ thành sự thật.

Tài năng, làm thế nào để vun đắp?

Bước đầu tiên mà “Vẫn ổn thôi kể cả khi không có ước mơ” khẳng định là “điều mình thích khác với điều mình giỏi”. Không phải ta cứ thích gì thì sẽ làm giỏi cái đó, nhưng ta lại có thể tìm ra được cái mình làm giỏi liên quan đến điều mình thích. Điều quan trọng là phải tin rằng mỗi người đều có tài năng của riêng mình và mở rộng tầm nhìn. Tài năng đôi khi không dễ dàng được nhìn thấy vì nó ẩn sau rất nhiều lớp, những hành động được lặp đi lặp lại nhiều lần, rất có thể là tài năng của mình, vì vậy hãy quan sát.

Điều ngạc nhiên mà “Vẫn ổn thôi kể cả khi không có ước mơ” đề cập đến chính là: nỗi sợ là người bạn đồng hành giúp ta phát huy tài năng.  Không ngừng trải nghiệm,không ngừng quan sát chính mình, kiên trì luyện tập và tập trung, đến một ngày tài năng của bạn sẽ trở thành viên ngọc sáng lấp lánh. Tài năng trước khi trở thành những viên ngọc đều là những viên đá thô sơ cần mài giũa.

Làm thế nào để tiến bước trong cuộc đời?

“Vẫn ổn thôi kể cả khi không có ước mơ” lần nữa chỉ ra tầm quan trọng của việc có phương hướng. Ước mơ, nếu không trở thành hiện thực thì cũng không còn ý nghĩa, khi sở thích và cuộc đời mong muốn được suy nghĩ một cách cụ thể, thì mỗi người sẽ có cho mình một hướng đi riêng. Hơn nữa, nếu có công việc nào phù hợp với sở thích và định hướng, hãy làm công việc đó, dù có thể không kiếm được nhiều tiền, cũng đủ khiến ta thỏa mãn, vì có thể sau này, khi trưởng thành và lập gia đình, sở thích không còn là điều mà ta ưu tiên hàng đầu.

Cuốn sách “Vẫn ổn thôi kể cả khi bạn không có ước mơ” cũng chỉ ra cho độc giả một số hướng dẫn để tìm ra công việc phù hợp, gặp gỡ, chia sẻ, tìm hiểu tường tận công việc, và hiểu rõ tính cách và sở thích của mình, sau cùng những bạn trẻ sẽ tìm ra được công việc xứng đáng với khả năng và niềm yêu thích của bản thân.

Trích dẫn hay trong cuốn sách “Vẫn ổn thôi kể cả khi không có ước mơ”

“Tiêu chuẩn về thành công của mỗi người là khác nhau và theo đuổi sự khác biệt ấy chính là ý nghĩa thực sự của thành công”

“Biết được điều gì mình thích và làm tốt nhất chính là điều kiện tiên quyết của thành công”

“Mọi điều vĩ đại đều được tạo ra hai lần. Lần thứ nhất hình thành trong trái tim, lần thứ hai hình thành trong hiện thực.”

“Ước mơ vì sợ hãi không thể kéo dài”

“Trên thế gian này, không ai hoàn hảo. Ngay cả những vĩ nhân được kính nể cũng có, thậm chí có nhiều điểm yếu”

“Chúng ta vẫn hay nghĩ rằng phải khắc phục điểm yếu thì mới có thể phát triển được bản thân. Nhưng điều quan trọng hơn cả chính là điểm mạnh của chúng ta.”

“Muốn nhìn thấy những vì sao, cần có bóng tối và màn đêm phải buông xuống thì những vì sao mới lấp lánh”

“Đừng buồn vì mình không có khả năng của một thiên tài từ khi cha sinh mẹ đẻ. Không thể tìm ra tài năng có sẵn trong con người mình mới là điều thực sự đáng buồn.”

“Nếu muốn trở nên giỏi giang trong lĩnh vực nào đó, thì ta cần phải có ba điều. Một là tài năng, hai là kiến thức và cuối cùng là luyện tập để tích lũy kinh nghiệm cho mình.”

Lời kết

Với chỉ vỏn vẹn 244 trang, “Vẫn ổn thôi kể cả khi bạn không có ước mơ” thực sự là niềm an ủi lớn lao và cổ vũ tinh thần mạnh mẽ cho nhiều bạn trẻ tiếp tục hành trình của mình. Trước áp lực cuộc sống, mong rằng bạn đừng đưa ra những quyết định vội vàng mà không tìm hiểu rõ bản thân mình, vì dù sau này, bạn có thể đáp ứng được kỳ vọng của cha mẹ, của xã hội nhưng bản thân lại thấy không thỏa mãn, thì cuộc đời sẽ rất trống trải.

Mong rằng cuốn sách sẽ trở thành người bạn nâng đỡ và giúp bạn thoát khỏi những băn khoăn lo lắng, tìm thấy “ước mơ thật” của bản thân mình.

#Revisach
#review_sách_vẫn_ổn_thôi_kể_cả_khi_bạn_không_có_ước_mơ