Sức mạnh của việc nghĩ mà không cần suy nghĩ.

1. Thông tin chung

– Tên tác phẩm: Trong Chớp Mắt (Blink – 2005)
– Tác giả: Malcolm Gladwell
– Dịch giả: Hà Minh Hoàng, Tú Anh
– Thể loại: Khoa Học
Lỡ tay mua tới 4 cuốn của Malcolm Gladwell lận, trước khi mua đã hứa với vợ là sẽ đọc rồi, nên ráng. 

2. Về tác phẩm

Cách duy nhất để con người có thể tồn tại cho đến ngày nay là chúng ta đã hình thành và phát triển một cơ chế đưa ra quyết định để có những điều chỉnh rất nhanh dựa trên một lượng thông tin rất nhỏ.
Đầu tiên phải khen luôn, rằng tác giả mở đề rất tốt. Từ cuốn trước cũng vậy, trước khi vào chương chính thức đầu tiên, luôn là phần dẫn dắt rất hấp dẫn và chốt lại bằng khái lược tư tưởng chính của cả cuốn. Lối triển khai theo kiểu diễn dịch như vậy, đòi hỏi khả năng tóm lược sao cho xúc tích mà vẫn đủ ý. Đương cử như câu trên, đã tóm gọn chủ đề xuyên suốt tác phẩm.
Ngoài việc nêu ra được chủ đề, phần này còn đưa ra 3 mục đích của cuốn sách:
  • Thuyết phục bạn tin vào một hiện thực đơn giản rằng: những quyết định nhanh, xuất thần cũng hữu dụng như những quyết định thận trọng, được xem xét kĩ lưỡng vậy.
  • Khi nào chúng ta nên tin tưởng vào bản năng và khi nào thì thận trọng, cảnh giác với nó. 
  • Thuyết phục bạn tin rằng bạn hoàn toàn có thể học và điều khiển các cách để đưa ra được một đánh giá tức thời cũng như cách để cảm nhận sự việc ngay từ những ấn tượng ban đầu, dẫu rầng điều này nghe có vẻ khó tin.
Nghe đã chưa, có vẻ rất hứa hẹn đúng không? Nhất là mục đích cuối cùng, hấp dẫn thật sự.
Nhưng hơi thất vọng.
Vì cấu trúc cuốn sách không theo 1 sườn bài nào cả, thứ rất quan trọng của một cuốn sách khoa học, vì nó là thứ để độc giả bám vào khi mất phương hướng vì lượng thông tin khổng lồ. Thiếu đi sườn bài giống như thiếu đi mỏ neo vậy, nó khiến con tàu chứa nhiều kiến thức quý giá nhưng dễ bị dàng bị lật nhào bởi sóng biển. Khi nhìn vào tên các chương ở phần mục lục, tôi đã khá hoang mang khi tác giả đặt tên cho các chương như thể một tập truyện ngắn vậy. Nó không hợp lý chút nào, khi thứ tôi cần là một hệ thống các chương ứng với các khái niệm hay vấn đề mà sách sẽ diễn giải, để khi cần đọc lại về một chủ đề nào đó, ta có thể dễ dàng lần hồi, hoặc giả như có quá buồn ngủ vì các ví dụ lan man, ta có thể đọc lại tên chương để biết thứ rối rắm đang đọc nhằm giải thích cho điều gì. Thật tiếc, điều này đã được làm rất tốt ở cuốn “Điểm Bùng Phát”, vậy mà…
Nhân nói tới việc buồn ngủ, thì… đúng là buồn ngủ thật. Vẫn biết đặc trưng của thể loại này là phải có các ví dụ kèm số liệu chi tiết, nhưng cũng vì vậy mà nó thực sự hên xui. Vì chủ đề của các ví dụ là vô cùng đa dạng, nên nếu trúng ngay lĩnh vực bạn biết hoặc quan tâm, thì cuốn sách sẽ rất hấp dẫn. Trái lại, nếu đụng trúng chủ đề mà bạn không hứng thú, thì thôi, xác định ngáp ngắn ngáp dài lê cho hết vài chục trang, hi vọng ví dụ tiếp theo sẽ khá khẩm hơn. 
Chê vậy nhưng không hẳn là sách dở đâu. Tuy bị lan man ở các ví dụ và ở cả cấu trúc cuốn sách, khiến việc nắm bắt ý đồ của tác giả khá trúc trắc, nhưng không thể phủ nhận sự tâm huyết của Malcolm. Ví dụ rất chi tiết và thực tế, cung cấp rất nhiều kiến thức về não bộ, về cách tư duy. Cuốn sách là nguồn tư liệu quý giá về những quyết định mang tính bản năng, giải thích về bản chất, mặt lợi, mặt hại, và cách để có được kĩ năng này.
Tóm lại, tuy hơi có vấn đề về cách diễn đạt, nhưng chất lượng của kiến thức trong cuốn sách là không phải bàn cãi. Bạn tưởng bạn làm chủ hoàn toàn mọi suy nghĩ của mình ư? Không hề! Cuốn sách sẽ chứng minh phần lớn chúng ta hời hợt và thiếu khách quan đến thế nào. Khá thú vị đấy!

3. Thực hành

Xin lỗi, chẳng có gì để thực hành lần này cả =))
Do chủ đề lần này là về tiềm thức, thứ được tạo nên bởi kinh nghiệm và rèn luyện nghiêm túc, thứ không thể có ngay khi đọc xong cuốn sách. Nên thôi, khỏi thực hành chi cho mệt…
Phúc
2020/04/16