"TÔI NÓI GÌ KHI NÓI VỀ CHẠY BỘ" của Haruki Murakami không hoàn toàn là một tiểu luận về chạy bộ. Nó giống như một cuốn tự truyện về cuộc đời và nghiệp viết thông qua những trang ghi chép về việc chạy bộ thì đúng hơn.
Haruki Murakami
Thông qua cuốn sách này bạn sẽ học được nhiều thứ về hành trình chạy bộ của một tiểu thuyết gia kiêm người chạy. Nhưng quan trọng hơn nữa là rất nhiều suy tư và chiêm nghiệm về lối sống tập trung vào những điều quan trọng nhất theo giá trị quan của chính mình, về sự kỷ luật, tập trung và bền bỉ để duy trì được phong độ viết trong suốt mấy chục năm.
Tôi nói gì khi nói về chạy bộ
Đây là cuốn sách mà bạn không thể nào đọc vội, hãy dành cho nó vài chục phút mỗi ngày để thong thả cảm nhận. Và biết đâu bạn sẽ có thêm cảm hứng để xỏ chân vào đôi giày, thức dậy sớm, theo đuổi những gì mình khao khát và sống một cuộc đời không chỉ là qua ngày đoạn tháng!
Một số trích dẫn hay từ sách:
[TRIẾT LÝ SỐNG]
1. Tôi chỉ tính rằng, dù sao, vì thất bại không phải là cái mình muốn chọn, nên tôi phải làm hết sức mình.
2. Tôi là kiểu người phải tận tâm tận lực với bất cứ cái gì mình làm. Tôi không thể làm một việc khôn ngoan như kiểu mình thì viết tiểu thuyết trong khi ai khác lo việc kinh doanh. Tôi phàm đã làm gì là cống hiến hết mình. Nếu thất bại, tôi có thể chấp nhận. Nhưng tôi biết rằng nếu mình làm mọi việc nửa vời và rồi chẳng đi tới đâu, tôi sẽ luôn luôn hối tiếc.
3. “Anh chỉ muốn được tự do trong hai năm để viết,” tôi phân trần với vợ. “Nếu chẳng tới đâu thì lúc nào tụi mình cũng có thể mở một quán rượu khác nho nhỏ ở đâu đó. Anh vẫn còn trẻ và tụi mình luôn có thể làm lại từ đầu.” “Được thôi”, nàng nói. Lúc đó là năm 1981 và chúng tôi vẫn còn một khoản nợ đáng kể, nhưng tôi nghĩ mình cứ làm hết sức đi, rồi xem mọi chuyện sẽ ra sao.
4. Tôi không hề chịu nổi nếu bị buộc phải làm điều gì tôi không muốn làm, và theo cách tôi muốn làm vào lúc tôi không muốn làm. Thế nhưng, mỗi khi tôi có thể làm gì đấy theo cách tôi muốn làm, thì tôi sẽ làm hết sức mình.
5. Tôi dậy trước năm giờ sáng và đi ngủ trước mười giờ tối. Người ta sung sức nhất vào những thời gian khác nhau trong ngày, nhưng tôi thì dứt khoát là người của buổi sáng. Đó là khi tôi có thể tập trung và hoàn tất công việc quan trọng tôi phải làm. Sau đó tôi tập luyện hay làm mấy việc lặt vặt khác không cần tập trung nhiều. Cuối ngày tôi thư giãn và không làm việc gì nữa cả. Tôi đọc sách, nghe nhạc, thư thả, và cố đi ngủ sớm. Đây là khuôn mẫu chủ yếu tôi đã theo cho đến ngày hôm nay. Nhờ thế, tôi đã có thể làm việc hiệu quả suốt hai mươi bốn năm qua.
6. Tôi cho rằng trừ khi ta còn trẻ, nếu không ta thực sự cần phải biết cái gì là ưu tiên trong đời, xem nên phân chia thời gian và sức lực của mình theo thứ tự nào. Nếu đến một độ tuổi nào đó ta không đặt ra được kiểu tính trật tự ấy, ta sẽ thiếu trọng tâm và cuộc sống của ta sẽ mất cân bằng.
7. Nói cách khác, ta không thể làm vừa lòng tất cả mọi người. Có rất nhiều khách đến quán. Nếu như một mười người thích quán và nói y sẽ trở lại, vậy là đủ. Nếu một trong mười người khách là khách quen thì quán sẽ tồn tại. Nói cách khác, nếu như hết chín trong mười khách không thích quán rượu của tôi thì cũng không quan trọng. Dù vậy, tôi phải chắc chắn là cái người nhận là mình thích đó, họ thích thực sự. Để chắc chắn là họ thích thực sự, tôi phải có thái độ sống và quan điểm rõ ràng, và kiên quyết giữ vững quan điểm đó trong mọi tình huống. Đây là cái tôi đã học được trong quá trình kinh doanh.
8. Nói cách khác, hãy cùng nhìn thẳng: đời cơ bản là không công bằng. Nhưng ngay cả trong một tình huống bất công, tôi nghĩ vẫn có thể tìm thấy một kiểu công bằng nào đó. Dĩ nhiên, điều này đòi hỏi thời gian và công sức. Và có lẽ xem ra cũng không đáng vậy. Tùy mỗi người quyết định xem nó có đáng hay không.
9. Phải thú nhận rằng, cái gì đó gần với ý chí quả cũng đóng một vai trò nhỏ trong đó. Nhưng một người dù có ý chí mạnh thế nào chăng nữa, dù y có ghét thất bại bao nhiêu chăng nữa, song nếu đó là một hoạt động y không thật sự để tâm, y sẽ không duy trì nó được lâu. Cho dù y có làm, điều đó cũng sẽ không có lợi cho y.
10. Trong chừng mực nào đó, tôi nghĩ đôi khi khó mà tránh được thất bại. Không ai thắng mãi. Trên đường đời, ta không thể lúc nào cũng chạy trên làn xe chạy nhanh. Dẫu vậy, dứt khoát là tôi không muốn cứ lặp lại sai lầm mãi. Tốt nhất là học hỏi từ sai lầm của mình và áp dụng bài học đó lần tới đây. Khi mà tôi vẫn còn có khả năng để làm điều đó.
11. Một cách tự nhiên, ta sẽ học được cả tập trung lẫn bền bỉ khi ta ngồi xuống bàn làm việc mỗi ngày và luyện tập mình tập trung vào một điểm.
12. Khi ta già đi ta học được cách thậm chí là bằng lòng với cái ta có. Đó là một trong ít ưu điểm của chuyện già đi.
13. Đích cuộc đua chỉ là một cái mốc tạm thời không có ý nghĩa gì nhiều. Cũng hệt như đời sống của chúng ta. Chẳng phải vì có một cái kết thúc mà tồn tại là có ý nghĩa. Một điểm kết thúc chẳng qua là được dựng lên như một cột mốc tạm thời, hay có lẽ như một ẩn dụ gián tiếp cho bản chất trôi chảy của sự tồn tại.
14. Khi các phần vào đúng vị trí, ta có thể thấy toàn thể bức tranh và cuối cùng cũng hiểu ra vai trò của từng phần riêng lẻ.
[CHẠY BỘ]

1. Đua tranh với người khác, dù là trong đời sống hàng ngày hay trong lĩnh vực nghề nghiệp của mình, đơn giản không phải là lối sống tôi theo đuổi. Hãy thứ lỗi cho tôi khi nói điều hiển nhiên, nhưng thế giới này hình thành từ đủ mọi hạng người. Người khác có giá trị riêng của họ để sống theo, điều đó cũng đúng đối với tôi. Những khác biệt ấy làm nảy sinh bất đồng, và sự kết hợp các bất đồng này lại có thể làm nảy sinh những ngộ nhận còn lớn hơn. Kết quả là, đôi khi người ta bị chỉ trích sai. Dĩ nhiên rồi. Bị hiểu lầm hay chỉ trích thì chẳng mấy vui vẻ, mà đúng hơn là một kinh nghiệm cay đắng làm người ta bị tổn thương sâu sắc
2. Khi chạy tôi tự nhủ mình hãy nghĩ đến một dòng sông. Và mây. Nhưng cơ bản thì tôi không nghĩ đến một cái gì cả. Tất cả những gì tôi làm là cứ chạy trong cái rỗng không tự tạo, ấm cúng, sự tĩnh lặng hoài niệm của riêng mình. Và đây là một thứ khá tuyệt vời. Dù bất cứ ai khác có nói gì đi nữa.
3. Chạy bộ có rất nhiều ưu điểm. Trước hết, ta không cần có thêm ai mới được, và không cần thiết bị đặc biệt. Ta không phải đến một nơi đặc biệt nào để chạy cả. Chỉ cần có giày chạy bộ và một con đường tốt là ta có thể chạy tùy thích.
4. Không lâu sau đó tôi cũng bỏ hút thuốc lá. Bỏ hút thuốc lá một kiểu kết quả tự nhiên có được nhờ chạy bộ mỗi ngày. Chẳng dễ mà bỏ được, nhưng tôi không thể cứ vừa hút thuốc vừa chạy. Cái mong muốn tự nhiên được chạy còn nhiều hơn nữa ấy trở thành động cơ mạnh mẽ giúp tôi không hút thuốc trở lại, và rất hữu ích để vượt qua các triệu chứng khi cai nghiện. Bỏ hút giống như một cử chỉ tượng trưng giã từ cuộc sống trước kia.
5. Cái chính không phải là tốc độ hay cự ly mà là chạy mỗi ngày, không nghỉ.
6. Khi tôi nói với mọi người là mình chạy mỗi ngày, một số người thấy rất ấn tượng. “Anh chắc phải là người có ý chí mạnh mẽ lắm,” đôi khi họ bảo tôi vậy. Nhưng tôi không nghĩ chỉ mỗi mình sức mạnh ý chí giúp ta làm được điều gì. Cuộc đời không đơn giản đến vậy. Phải nói thật, tôi thậm chí còn không cho là có tương quan gì mấy giữa việc tôi chạy bộ mỗi ngày và tôi có ý chí mạnh mẽ hay không. Tôi cho rằng mình đã có thể chạy trong hơn hai mươi năm là bởi một lý do đơn giản: nó hợp với tôi.
7. Tôi chưa hề khuyên ai chạy bộ. Tôi đ~ cố hết sức để không bao giờ nói điều gì như, Chạy bộ rất tốt. Ai cũng nên thế. Nếu một số người thích chạy cự ly dài, cứ để họ thích, tự họ sẽ bắt đầu chạy. Nếu họ không có hứng thú thì thuyết phục nhiều hay ít cũng vậy thôi.
8. Một người không trở thành người chạy bộ vì có ai đó khuyên. Cơ bản là người ta chạy bộ vì họ đã được đặt định như thế.
9. Vận động mỗi ngày giúp ta nghe thấy tiếng nói bên trong cơ thể dễ dàng hơn.
10. Có ba lý do khiến tôi thất bại. Tập luyện không đủ. Và tập luyện không đủ.
11. Tôi không bao giờ nghỉ hai ngày liền. Cơ bắp, cũng như lũ gia súc, vốn rất sáng dạ. Nếu ta thận trọng tăng công việc, từng bước một, chúng sẽ học được cách chịu đựng nó. Miễn là ta giải thích cho chúng biết những mong đợi của ta bằng cách thực sự cho chúng thấy các ví dụ về khối lượng công việc chúng ta phải chịu đựng thì các cơ của ta sẽ tuân phục và dần dà trở nên mạnh hơn.
12. Chạy mỗi ngày với tôi là một nguyên tắc sống, vậy nên tôi sẽ không hoãn lại hay bỏ chỉ vì tôi bận. Nếu tôi lấy bận bịu làm cái cớ để không chạy, tôi sẽ không bao giờ chạy lại được nữa. Tôi chỉ có một ít lý do để tiếp tục chạy, và vô số lý do để bỏ. Tất cả những gì tôi có thể làm là giữ cho một ít lý do đó được đánh bóng đẹp đẽ.
13. Hầu hết những người chạy bộ chạy không phải vì họ muốn sống lâu hơn, mà vì họ muốn sống trọn vẹn. Ngay cả khi ta chỉ định sống cho qua ngày đoạn tháng thì vẫn sẽ tốt hơn nhiều nếu sống qua những năm tháng ấy với những mục đích rõ ràng và sống động trọn vẹn thay vì bối rối hoang mang, và tôi tin rằng chạy bộ giúp ta làm được điều đó.
14. Dù có chạy chậm thế nào chăng nữa, tôi cũng nhất định không đi bộ. Đó là nguyên tắc. Vi phạm nguyên tắc dù chỉ một lần thôi, tôi chắc chắn sẽ vi phạm nhiều lần nữa. Và nếu tôi đã làm thế, hoàn thành cuộc đua này sẽ gần như là bất khả.
Mình luôn cố gắng duy trì thói quen chạy bộ
— — -
Đọc thêm các bài viết khác tại Blog của mình: leejieun06.wordpress.com
Kết nối với mình tại Facebook: https://www.facebook.com/thuhien0694