[Review sách] Tiny Habits - Thói quen tí hon - tiềm năng khổng lồ
Thay đổi là một quá trình, giống như trồng một cây hoa trong vườn hoặc chữa lành các vết cắt trên ngón tay của bạn.
Tiny Habits - đây là cuốn sách một trong số cuốn sách dày nhất trong những cuốn sách mình đọc gần đây.
Vì thấy nội dung trong cuốn sách có nhiều giá trị hữu ích, nên mình muốn chia sẻ đến một chút cảm nhận, đánh giá của mình về cuốn sách này.
Tiny Habits sẽ đặc biệt dành cho những ai giống mình đang trên con đường nỗ lực trong việc từ bỏ thói quen xấu, thiết lập hành vi mới, nhưng còn đã bỏ dở, gặp nhiều thất bại.
Tiny Habits được viết bởi Tiến sĩ BJ Fogg - nhà khoa học nghiên cứu về hành vi, cuốn sách được viết dựa trên nhiều năm kinh nghiệm, giảng dạy của ông dựa trên cơ sở khoa học, sự nghiên cứu lâu năm, đã kiểm nghiệm thành công với nhiều người trên thực tế.
Nội dung của Tiny Habits hướng đến việc lý giải tâm lý và hành vi con người trong quá trình xây dựng thói quen, phương pháp bài tập giúp bạn loại bỏ thói quen xấu, thiết lập thói quen mới dễ dàng, hiệu quả.
Tiny Habits cuốn sách này sẽ giúp bạn:
- Hiểu về tầm quan trọng của việc thiết lập hành động nhỏ bé, dễ dàng đơn giản không cần quá nhiều nỗ lực, nghe như đang PR sách hay có vẻ đang nói xạo, nhưng khi đọc cuốn sách bạn sẽ hiểu vì sao lại có những nhận định như vậy.
- Bạn sẽ nhận định rõ hơn về các yếu tố cấu thành một hành vi, mô hình thiết lập hành vi mới hiệu quả, đúng đắn.
- Khám phá những yếu tố quan trọng khác trong việc kiến tạo hành vi, không chỉ riêng động lực như chúng ta thường biết đến.
- Cách ăn mừng chiến thắng hiệu quả.
- Cách từ bỏ thói quen xấu, thiết lập thói quen mới.
Sau mỗi phần lý giải cuốn sách những bài tập cụ thể, từ đó bạn có thể sử dụng nó như một bài tập mẫu để thực hành thay đổi thói quen của mình.
Ba điều giá trị mình nhận được khi đọc Tiny Habits:
- Điều thứ nhất, tác giả giúp mình khám phá ra rằng động lực không phải yếu tố duy nhất như mình lầm tưởng trong câu chuyện thiếp lập, duy trì một hành vi, thói quen nào đó.
Động lực được tác giả phân tích và ví von như con khỉ luôn dao động, khi hăng hái, khi ủ rũ. Hay động lực cũng có nguyên tắc hoạt động riêng, nó như một làn sóng, lúc lên cao, lúc xuống thấp.
“ Tôi chắc chắn bạn đã từng trải qua điều này trước đây: Động lực của bạn tăng cao, sau đó sụp đổ. Và có thể bạn đã tự trách mình vì không duy trì được nó. Bạn không đáng trách. Đây là cách động lực hoạt động trong cuộc sống của chúng ta.
Mỗi năm gần một trăm triệu người đăng ký một khóa học trực tuyến, nhưng phần lớn là bỏ học. Hầu hết các nghiên cứu cho thấy rằng ít hơn 10% vượt qua vạch đích. Nhưng sinh viên này bắt đầu hào hứng và tận tâm, nhưng sau đó động lực của họ suy yếu. Ngay cả viễn cảnh phải trả tiền bất kể kết quả như thế nào cũng không đủ động lực để giúp học sinh hoàn thành khóa học. Bạn sẽ thấy điều tương tự xảy ra xung quanh bạn..
Trong trường hợp này và những trường hợp khác, bạn mắc vào cái bẫy chung của tâm trí con người- bạn đã đánh giá quá cao động lực trong tương lai. Nó xảy ra với hầu hết chúng ta. Bạn không ngốc nghếch, phù phiếm hay dễ bị lừa dối. Bạn là con người.”
Khi biết hiểu rõ ràng nguyên tắc hoạt động của động lực, thông tin này đã giúp mình dần rũ bỏ cảm giác tội lỗi khi gặp thất bại trong việc thiết lập một thói quen mới trong cuộc sống.
Hai yếu tố quan trọng khác bên cạnh động lực, tác giả đề cập đến trong việc thiết lập hành vi mới thành công, là lời nhắc và khả năng.
Mô hình hành vi Fogg sẽ trình bày ngắn gọn về cách để một hành vi mới được thiết lập.
B = MAP
Trong đó:
Behavior - Hành vi
Motivation - Động lực
Ability - Khả năng
Prompt - Lời nhắc
Chắc chắn bạn cảm thấy hơi khó tin khi quan sát mô hình này, nhưng khi bạn đọc bài tập ví dụ có trong sách, kết hợp việc áp dụng thực tế vào cuộc sống, bạn sẽ thấy được tính chân thực hiệu quả của bộ ba động lực, khả năng, lời nhắc trong việc thiếp lập hành vi.
- Điều thứ hai, mình thích ý tưởng về việc thiết lập hành vi thật nhỏ bé dễ dàng mà tác giả gợi ý, nó có vẻ hiệu quả, không yêu cầu ý chí, cũng như không ép não bộ phải làm việc quá sức, nhưng chính điều này mang lại hiệu quả.
Bạn có thể xây dựng thói quen nhỏ nhắn từ những ngày đầu tiên và chọn duy trì nó.
Như khi bắt đầu bạn đừng ép mình phải ngồi thiền ngay lập tức 30 phút mỗi ngày thay vào đó, bạn có thể nhắc và thiết lập thói quen hít thở sâu 5 lần/ mỗi ngày. Điều này có vẻ dễ dàng và bạn sẽ thích thực hiện hơn đúng không.
Mình cũng áp dụng thấy hiệu quả phương pháp này, thay vì ép mình 30 phút thiền, mình từ bỏ, chẳng làm được. Gần đây mình chỉ thiền 2 phút/ mỗi ngày (2 phút với mình là số thời gian đơn giản, mình có tập trung hít thở sâu, não bộ mình cảm thấy nó hành động mình không quá nhọc công và đúng là mình đã duy trì được hơn hai tuần, giờ đây đều đặn duy trì thói quen này vào mỗi sáng, hay mỗi lúc làm việc căng thẳng quá mức)
- Điều thứ ba, luôn nhớ ăn mừng, dù là những thắng lợi nhỏ bé nhất. Việc ăn mừng là yếu tố quan trọng giúp bạn gắn chặt hành vi, thói quen vào não bộ.
Theo tác giả, có ba thời điểm để ăn mừng:
+ Thời điểm bạn nhớ thực hiện thói quen
+ Khi bạn thực hiện thói quen
+ Ngay sau khi hoàn thành thói quen
Trải nghiệm thực tế có trong việc thiết lập thói quen tập thể sau với ba điều mình thấy có ích khi đọc Tiny Habits
Mình có ý định sẽ thiết lập thói quen tập thể dục để giảm cân.
Mình đã đề ra mục tiêu sẽ tập thể dục 1h vào buổi sáng lúc 5h. Lúc ban đầu khi chưa biết đến cuốn sách, thì đúng động lực là yếu tố duy nhất mình biết để cố gắng thực hiện mục tiêu.
Động lực của mình là giảm cân để mặc đồ đẹp hơn.
Nhưng được một tuần mình đã từ bỏ.. một tháng sau mình cũng không tập lại, viện cớ là do bản thân quá bận, không thể dậy sớm, đó hoàn toàn là lý do đúng đắn. Vì dạo gần đây mình bận thiệt, công việc mình cần khoảng thời gian yên lặng nên mình làm việc tới khuya sau đó ngủ trễ.
Mình tin vào động lực và đúng động lực đã không giúp được mình trong chuyện này. Bây giờ khi ngẫm nghĩ thì mình không hề có hai yếu tố quan trọng mà tác giả đề cập đến là lời nhắc và khả năng.
Nhưng sau khi dành thời nghiền ngẫm cuốn sách, khi đọc kỹ về mô hình hành vi của Tiến Sĩ Fogg, lúc đầu mình chưa tin lắm, nhưng sau đó cũng muốn nghiêm túc thực hành thử xem sao.
Nên mình bắt đầu phân tích về yếu tố khả năng.
Tự hỏi bản thân bây giờ có khả năng để tập thể dục trong 1h vào lúc 5 giờ sáng không. Câu trả lời đáng buồn là không, bây giờ mình làm việc nhiều, việc mình buổi tối giúp mình tập trung hơn, nên với mình khoảng thời gian 11 giờ đi ngủ là hợp lý. Nhưng điều đó đồng nghĩa việc dậy 5h có vẻ là sự nặng nề với mình
Vậy thì khoảng thời gian nào hợp lý? Mình nghĩ 6h15 sáng.
Tập bao lâu thì ổn? Thay vì 1 giờ, (10 đến 20 phút) sẽ thích hợp.
Đây là quãng thời gian giúp tâm trí mình cảm thấy sự nhẹ nhàng và thoải mái (nhiệm vụ nhỏ, dễ dàng)
Về lời nhắc, thì mỗi tối trước khi ngủ mình đều nối lại trong cuốn sổ nhiệm vụ, về thời gian và việc cần làm.
Mình đã thử tiến hành, thì đúng là theo phương pháp này, việc duy trì tập thể dục phát huy tác dụng, mình duy trì với cảm giác với nhiệm vụ đơn giản và thoải mái vào mỗi sáng. Sau khi tập xong mình vừa thấy khỏe khoắn, vừa cảm thấy hài lòng vì đã thực hiện nhiệm vụ do bản thân đề ra.
Dĩ nhiên có những ngày mình bận quá thì mình cũng bỏ không tập, nhưng nó không quá kéo dài, mình sớm quay trở lại.
Điều khiến mình thích phương pháp này mình dẫn loại bỏ việc dằn vặt trách móc bản thân vì những điều mình đã không làm được, đồng thời ngừng ép bản thân phải làm những điều vượt quá khả năng như mình đã từng.
Với những thói quen lành mạnh khác như ăn rau củ, uống nước, luyện viết, thiền 1,2 phút của mình cũng được thiết lập như thế, từ từ bắt đầu nhiệm vụ nhỏ, xem xét yếu tố động lực, khả năng và lời nhắc. Dù chưa đặt được thành tựu lớn lao nhưng mình cũng dần bổ sung được những nhiều mình muốn làm trong cuộc sống, những nhiệm vụ thật nhỏ đều đặn và hiểu quả.
Không uổng công chút nào cho việc dành thời gian đọc đi đọc lại, ngồi phân tích lại những sai lầm và thiếu sót trong suốt quãng thời gian vừa qua.
Một số gợi ý giúp bạn có điều chỉnh hành vi tốt hơn (Trích dẫn trong sách)
- Tập trung vào những gì bạn quan tâm
Một số thích trau dồi nhiều thói quen tí hon dễ dàng. Những người khác thích thử thách với những thói quen khó khăn hơn một chút. Cách nào thú vị và hấp dẫn nhất đối với bạn? Đó là những gì bạn nên làm.
- Bắt đầu với ba thói quen siêu dễ
Đây là những điều mà hầu hết những nhà thực hành thói quen bắt đầu - và thêm ba thói quen mới vào mỗi tháng.
- Đón nhận sự đa dạng
Bắt đầu càng đa dạng, bạn sẽ học được nhiều kỹ năng thay đổi càng nhanh.
Chọn một số thói quen mới bắt đầu như là các bước khởi động - mang giày đi bộ vào. Chọn các thói quen là phiên bản thu nhỏ - dùng chỉ nha khoa cho chiếc răng. Cũng tốt khi kết hợp chủ đề chung - thói quen tập thể dục, thói quen liên quan đến thức ăn - thói quen năng suất. Sự đa dạng giúp bạn tìm thấy nhanh hơn những gì phù hợp với bạn nhất.
- Luôn linh hoạt
Nếu bạn muốn tạo một danh sách những thói quen mà bạn muốn thực hiện, đừng quá cứng nhắc với danh sách của bạn. Sở thích và nhu cầu của bạn sẽ thay đổi.
Hôm nay, bạn có thể đưa việc tập trồng cây cuối mỗi sáng vào danh sách của mình, nhưng sáu tuần nữa, bạn có thể không quan tâm đến việc trồng cây chuối. Hãy linh hoạt khi bạn tiến bộ và dành chỗ cho điều gì đó mới.
Ưu điểm cuốn sách
Những giá trị cuốn sách hướng đến thì có thể mình liệt kê ở trên, mình nghĩ điểm giá trị cuốn sách không phải là những lời khuyên chung chung, đại trà.
Ở mỗi chương tác giả đều có bài tập ví dụ cụ thể từ chính những người đã trải nghiệm, thực hành, phương pháp của Tiến sĩ. Điều đó sẽ tạo nên sự khách quan trong trải nghiệm.
Cuốn sách có giá trị thực tiễn, dễ đọc, dễ hiểu và dễ áp dụng.
Điểm hạn chế cuốn sách
Điểm hạn chế với mình là mình không hiểu ngày cuốn sách khi lần đầu tiên đọc, dù ngôn ngữ tác giả viết rất đơn giản nhưng mình đã phải đọc đi đọc lại rất nhiều lần mới hiểu và chỉ khi quyết định thực hành thì mình mới cảm nhận được sự hiệu quả của phương pháp.
Hơn nữa cuốn sách dày gần 500 trang nên sẽ mất nhiều thời gian sẽ đọc.
Kết lại
Với cá nhân mình, mình vẫn đánh giá cáo tính thực tế và hiệu quả của Tiny Habits, cuốn sách giống người thầy giỏi giúp đỡ mình rất nhiều trong quá trình tự học, tự cải thiện bản thân.
Mình nghĩ rằng với những ai đang muốn tìm kiếm cho mình thông tin hữu ích liên quan tâm lý đằng sau động cơ thiết lập hành vi, cũng như phương pháp thực hành, Tiny Habits ít nhiều sẽ có hữu ích với bạn.
Riêng mình, chắc chắn mình sẽ dành thời gian đọc lại, nghiên cứu nhiều hơn để có thể tận dụng những giá trị hữu ích mà cuốn sách mang đến.
Tặng bạn một lời nhắn trong cuốn sách:
“Thay đổi là một quá trình, giống như trồng một cây hoa trong vườn hoặc chữa lành các vết cắt trên ngón tay của bạn. Và giống như bất cứ quy trình nào, có những điều chúng ta có thể làm để tối ưu hóa nó - để đẩy nhanh tiến độ và thực hiện các chỉnh sửa trong quá trình triển khai. Bằng cách hiểu những thói quen của chúng ta phát triển như thế nào và vai trò của chúng ta trong quá trình phát triển, chúng ta có thiết kế một thay đổi vững chắc - sự biến đổi- mà chúng ta muốn trong cuộc sống của mình.”
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất