Có lẽ cái bí mật cơ bản nhất mà các nhà khoa học không bao giờ tìm ra được - cái mạch nguồn đầu tiên của sự sống - chính là cái xảy ra khi một ý nghĩ được định hình thành một từ. 

1. Thông tin chung

– Tên tác phẩm: Suối Nguồn (The Fountainhead- 1943)
– Tác giả: Ayn Rand
– Dịch giả: Vũ Lan Anh, Đặng Quang Hiếu, Vũ Hoàng Linh, Nguyễn Kim Ngọc, Trần Thị Hà Thuỷ
- Thể loại: Tiểu thuyết
Suối Nguồn, cuốn sách nối tiếng về độ dày đến nỗi, nhiều người cho rằng, dù không đọc thì mua về để trưng cũng đáng. Và tất nhiên, với kiểu mua sách để đó sẵn, khi nào có hứng thì đọc như tôi, thì nó đã có mặt trong tủ từ khá lâu rồi. Và lý do để quyết định đọc lần này là… để có cớ mua tiếp những cuốn khác. Vậy đó, một lý do tầm thường so với sự đồ sộ của cuốn sách, hi vọng không làm ai phải ngán ngẩm.

2. Về tác phẩm

Truyện kể về hành trình tồn tại của một cá nhân “vị kỷ” trong một thế giới tôn vinh sự “vị nhân sinh”. Một bản hùng ca tráng lệ (xin lỗi phải dùng những từ uỷ mị này, nhưng nó thật sự rất phù hợp) về một cá thể với ý chí mạnh mẽ, không chịu thoả hiệp với những gì trái với lý tưởng của mình, mặc kệ dòng chảy của số đông cho dù đó là cách mà thế giới đang vận hành.
1 đối đầu với tất cả.
Không, anh ta không đối đầu, anh ta phớt lờ tất cả, chỉ quan tâm tới bản thân, và yêu bản thân một cách tuyệt đối.
Với cốt truyện như trên, đáng lẽ ra đây phải là một câu truyện thần thoại, cổ tích hay khoa học viễn tưởng mới đúng. Vì như vậy mới phù hợp với nhân vật chính quá sức “phi lý” của chúng ta. Nhưng không, Ayn Rand đã làm được điều phi thường khi kể một câu chuyện trong bối cảnh nước Mỹ hiện đại, nơi những gì đang diễn ra hàng ngày, lại có sức vùi dập vị anh hùng của chúng ta còn kinh khủng hơn đám quái vật trong tưởng tượng.
Về cách kể, sách chia làm 4 chương, tập trung vào 4 nhân vật trung tâm. Một kẻ yếu đuối không có chính kiến, suốt đời phải phụ thuộc vào người khác; một kẻ gian hùng thích ẩn mình giật dây, thằng đều đứng đằng sau những thằng đều; một kẻ mạnh mẽ đến nỗi dám bán linh hồn mình cho thứ mà hắn khinh bỉ nhất; và cuối cùng, là người hùng của chúng ta.
Nói như vậy không có nghĩa là có tới 4 nhân vật chính với 4 câu chuyện khác nhau. Chỉ có 1 câu chuyện xuyên suốt, và chỉ có 1 nhân vật chính mà thôi. 3 kẻ còn lại là đối trọng của nhân vật chính theo nhiều cách, và qua những kẻ đó ta thấy được vị anh hùng vĩ đại tới nhường nào.
Sách rất dài, nên tác giả thoải mái xây dựng nhân vật của mình cực chi tiết, tất cả đều có quá khứ, có cá tính, có lý tưởng. Truyện nhiều miêu tả nội tâm và những đoạn hội thoại siêu dài, nhưng rất may là mạch truyện hấp dẫn đã khiến cho sự “nhiều chữ” kia ít gây cảm giác mệt mỏi. Cảm xúc của người đọc bị cuốn lên xuống sau mỗi sự kiện hay biến cố, mà những thứ này thì xảy ra liên tục không ngơi nghỉ, nên tuy truyện dài, nhưng sự tò mò thì không bao giờ hết.
Truyện lấy chủ đề về kiến trúc sư, những người thiết kế ra mọi công trình bám trên mặt đất này. Kiến trúc là một nghề đặc biệt, nó là sự kết hợp hoàn hảo của nghệ thuật và khoa học, của sự lãng mạn và trí tuệ, của phong lưu và đĩnh đạc. Kiến trúc cũng từng là 1 lựa chọn thời đi học của tôi, tuy không có duyên với nghề nhưng cảm hứng khi thấy các công trình đẹp trong tôi vẫn còn đó. Nên khỏi phải nói, tôi thích mê cuốn sách khi mới ở những trang đầu.
Tuy chỉ là chủ đề nền để truyền tải thông điệp chính, nhưng tác giả đi rất sâu vào các khía cạnh nghề nghiệp này. Ngoài kiến trúc ra, còn có nghề báo chí, một đại diện cho sản xuất, một đại diện cho truyền thông, một thứ định hình thế giới, một thứ dẫn dắt xã hội. Các chủ đề phụ khác cũng rất nhiều, nhưng hầu hết đều phát sinh từ 2 nghề nghiệp này mà ra. Tác giải khai thác triệt để những vẫn đề này, kết nối chúng với nhau, vẽ nên bức tranh xã hội hỗn loạn cả về tư duy và lối sống, từ đó dựng nên một chiến trường để cuộc thánh chiến về tư tưởng nổ ra.
Về thông điệp, rất nhiều thông điệp, cái nào cũng nặng và xứng đáng có bài phân tích riêng. Thông điệp chính của tác phẩm là đề cao chủ nghĩa vị kỷ, hay còn cái tên khác là chủ nghĩa cá nhân. Cụ thể ở đây là về ý tưởng, sự sáng tạo, sự dẫn đầu. Thay vì đi vay mượn, chắp vá những cái có sẵn để làm hài lòng số đông, ta cần trung thực với bản thân, kiên trì với ý tưởng của chính mình và xả thân để bảo vệ chính kiến. 
Có lẽ cái bí mật cơ bản nhất mà các nhà khoa học không bao giờ tìm ra được – cái mạch nguồn đầu tiên của sự sống – chính là cái xảy ra khi một ý nghĩ được định hình thành một từ. 
Tuy có phần bị lãng mạn hoá khi tạo ra một anh hùng kiên định tuyệt đối, sẵn sàng tử vì đạo của bản thân. Nhưng có hề gì, khi chính Ayn Rand đã nói trong lời tựa rằng, việc bà đang làm là “khắc hoạ một mẫu người lý tưởng về đạo đức“, và thông qua một tác phẩm văn học lãng mạn, thì không cần phải quá thực tế làm gì. 
Theo ngôn ngữ của Aristotle thì văn học lãng mạn không quan tâm tới thế-giới-như-nó-đang-là (things as they are), mà tới thế-giới-như-nó-có-thể-là và phải-là (things as they might be and ought ti be).
Cuối cùng, xin được kết lại về tác phẩm này như sau.
Tuy có bối cảnh và chủ đề về một giai đoạn, một ngành nghề cụ thể, nhưng vấn đề đặt ra trong tác phẩm sẽ còn sống tiếp qua nhiều thời kỳ. Chừng nào xã hội còn vận hành để chiều theo đám đông thì tác phẩm này còn được nhắc đến. Các vấn đề nó đặt ra rất gây tranh cãi, nhưng đó là sự tranh cãi cần thiết, để chứng tỏ rằng, chúng ta vẫn còn tư duy. Một tác phẩm lớn, hấp dẫn và đáng giá từng phút mà bạn bỏ ra để đọc, để suy nghĩ về nó. 

3. Tản mạn

Xin lỗi vì có quá nhiều điều có thể tản mạn được ở tác phẩm này, nên xin phép để dành sang một bài viết khác (nếu có) nhé :))
Phúc
2020.05.02