Cuốn sách được viết nhằm trả lời cho câu hỏi của Yali đặt ra cho chính tác giả - cũng là câu trả lời cho toàn nhân loại: tại sao của cải và quyền lực được phân phối như hiện nay chứ không phải theo một cách khác? Từ thắc mắc đó, tác giả đã viết cuốn sách này, cũng chính là lược sử của nhân loại trong khoảng 13000 năm trở lại đây.
Trong một buổi offline OBook, khi mình giới thiệu cuốn sách này, mình được lắng nghe một nhận xét của Thành Bùi: hiện nay có nhiều cách để lý giải sự phân hoá quyền lực và của cải của thế giới, có công trình chọn lý giải theo góc nhìn kinh tế - chính trị, còn cuốn sách này lý giải bằng địa lý, tự nhiên (thuyết kinh tế - chính trị và thuyết phân bổ địa lý).
Trong gần 700 trang sách, ông đã bóc tách tiến trình lịch sử nhân loại như sau:
Sự phân hoá của cải bắt đầu từ việc con người chuyển từ lối sống du mục sang lối sống tụ cư, thuần hoá cây trồng. Sự khác biệt bắt đầu từ đây: bởi không phải vùng nào trên hành tinh này cũng có những giống cây trồng, vật nuôi có thể thuần hoá, với thổ nhưỡng phù hợp. Một trong những vùng đất thuận lợi nhất cho việc thuần hoá cây trồng là Lưỡi Liềm Phì Nhiêu - chính là "là nơi mà nền nông nghiệp và văn minh sơ khởi của nhân loại phát triển rực rỡ, thuộc các khu vực Lưỡng Hà, Levant, và Ai Cập."
Những nhà nông đầu tiên trở thành cư dân của các đô thị cổ đầu tiên trên thế giới. Khi họ sản xuất lương thực thặng dư, xã hội phân tầng, sẽ có tầng lớp chuyên làm nông để nuôi sống những tầng lớp khác, từ đó những thành tựu của văn minh xuất hiện, như chữ viết để truyền bá kinh nghiệm, công cụ giảm sức người, tăng năng xuất (bánh xe), vũ khí để bảo an và chinh phục, v.v.
Sống tập trung và thuần hoá vật nuôi trở thành điều kiện tuyệt vời để những mầm bệnh chết người xuất hiện. Khi cư dân thành thị khốn đốn vì những căn bệnh có lúc gần quét sạch cả thành phố, họ không biết rằng chính họ đang nuôi dưỡng một vĩ khí tự nhiên sẵn sàng để quét sạch các dân tộc khác về sau: kháng thể và mầm bệnh (vi trùng). Một ví dụ điển hình là người Tây Ban Nha đã chiến thắng đế chế Inca hùng mạnh bằng một nhúm quân ít ỏi, không phải chúa Trời đang đứng phía sau giúp đỡ, mà mầm bệnh họ mang tới đã giết gần hết dân bản địa, những người không có thời gian hình thành kháng thể chống chọi lại căn bệnh đó.
Trục của các châu lục cũng là một yếu tố giúp các phát minh lan toả. Trục của lục địa Á Âu nằm ngang tạo điều kiện cho cây trồng, vật nuôi và phát minh có thể lan toả đến các vùng khác, trong đó trục của châu Phi và châu Mỹ thẳng đứng, trải dài qua các vùng khí hậu khác nhau, trở thành nhân tố chặn đứng sự lan truyền giống cây trồng.
Một số vùng đất như châu Úc quá khắc nghiệt để dân bản địa có thể phát triển như lục địa Á Âu, chính vì thế họ luôn sống theo kiểu săn bắt hái lượm cho đến khi người châu Âu đến chinh phục.
Quyển sách gần 700 trang với nỗ lực tóm gọn tiến trình lịch sử hơn 13000 năm đã cho mình nhiều góc nhìn thú vị. Trên đây chỉ là nỗ lực yếu ớt của mình để chia sẻ những gì mình đã học, còn rất nhiều lý giải thú vị về lịch sử phát triển của nhân loại trong phạm vi trên chờ bạn khám phá. Mình tin là đây là một trong những công trình nghiên cứu đáng đọc nhất về nhân loại.