Review sách Rừng Na Uy – bản nhạc buồn của tuổi trẻ cô đơn
Nghệ thuật xây dựng tâm lý nhân vật trong Rừng Na Uy Thực sự Murakami là bậc thầy trong việc xây dựng tâm lý nhân vật. Ông dựng lên...
Nghệ thuật xây dựng tâm lý nhân vật trong Rừng Na Uy
Thực sự Murakami là bậc thầy trong việc xây dựng tâm lý nhân vật. Ông dựng lên những người trẻ như đang sống trong trang sách. Đó là những người trẻ rất thật mà rất lạ. Kizuki tốt tính, sống chân thành, cư xử tinh tế nhưng lại chọn tử tự vào tuổi 17. Nagasawa giỏi giang trong mọi thứ đến mức khiến người khác phải nể sợ nhưng lại chẳng sống với những chân giá trị, cuộc sống chỉ là cuộc chơi thiếu đi tình yêu và những ý nghĩa đích thực.
Midori phóng khoáng, bạo dạn và điên vừa đủ. Nhân vật này có thể nói là sống thật nhất, khi những nhân vật xung quanh cứ như đang trôi trong một thế giới ảo nào đó của riêng họ. Sách không giới thiệu những nhân vật theo kiểu stereotype như nam chính thì phải đẹp trai lạnh lùng, tình tay ba không nhất thiết phải có rắc rối hay hờn ghen. Mọi thứ trôi qua nhẹ nhàng, âm ỉ nhưng có lúc cuồn cuộn như những đợt sóng tâm lý biến động khiến ai cũng phải suy nghĩ.
“Không có chân lí nào có thể làm dịu được nỗi đau buồn khi chúng ta mất một người yêu dấu. Không một chân lí nào, một tấm lòng trung thực nào, một sức mạnh nào, một tấm lòng từ ái nào, có thể làm dịu được nỗi đau buồn ấy. Chúng ta chỉ có thể chịu đựng nỗi đau ấy cho đến tận cùng và cố học được một điều gì đó, nhưng bài học ấy cũng lại chẳng có ích gì nữa khi chúng ta phải đối mặt với một nỗi đau buồn mới sẽ ập đến không biết lúc nào.”
Sự chết không phải là đối nghịch của sự sống
Có một tư tưởng được Murakami thể hiện xuyên suốt câu chuyện: sự chết không phải là đối nghịch của sự sống, mà là một phần của sự sống. Đó là lí do mà tôi nói câu chuyện này không hề bi lụy, nó chỉ thực, vì cái chết là là điều tất yếu và sự sống dường như chỉ là khởi đầu của sự chết mà thôi. Nỗi buồn trong Rừng Na Uy rất đỗi đời thường. Ai đã từng trải qua những năm tháng của tuổi trẻ thì đâu đó đều sẽ tìm thấy một mảnh của mình trong những nhân vật của Murakami. Nỗi buồn ở đây thật đẹp, rất đời thường cũng đầy mê hoặc.
Sức cuốn hút của Rừng Na Uy
Tôi đã đọc kha khá những cuốn tiểu thuyết Nhật Bản nhưng phải thừa nhận sức cuốn hút khó cưỡng của Rừng Na Uy. Tôi đọc cuốn sách trong một kì nghỉ dài ngày bảy ngày và đôi lúc tôi cảm thấy não mình như được lập trình. Tôi không đọc Rừng Na Uy ngấu nghiến trong một ngày như những quyển sách khác nhưng nhất định nhất định sẽ đọc nó vào mỗi buổi sáng, như một thứ morning ritual không thể bỏ trong những ngày nghỉ ấy vậy.
Một điều đặc biệt của văn học Murakami là tôi sẽ đọc trọn vẹn sách của ông mà không hề xen vào bằng một cuốn sách nào khác. Giống như kiểu tôi đi lạc và bị cuốn vào thế giới tâm lý của ông và tự mình muốn ở trong đó rồi chẳng cần tìm đến một thế giới khác. Đọc Rừng Na Uy của Murakami xong tự nhiên thấy bài Rừng Na Uy của The Beastles lại tình hơn một chút…
Lời kết
Có người nói Rừng Na Uy như một đám tang bất tận, có người lại nói đây đích thị là một cuốn “dâm thư”, vì thú thật cảnh nóng trong truyện không phải ít. Nhưng điều tuyệt vời ở đây là cảnh nóng trong truyện cũng được miêu tả rất nghệ. Nhiều fan hâm mô của bộ chuyện thậm chí còn thất vọng vì những cảnh như vậy lên phim trông thật chán.
Khi người khác hỏi tôi về Rừng Na Uy, rằng có nên đọc cuốn sách này không, câu trả lời của tôi đương nhiên sẽ là Có! Đọc để bị cuốn theo đời sống nội tâm của các nhân vật, đọc để hiểu thêm những trải nghiệm của tuổi trẻ lạc lối…
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất