Không có gì trên trần gian giống như ngụm bia đầu tiên.

1. Thông tin chung

– Tên tác phẩm: Phố Cannery Row (Cannery Row – 1945)
– Tác giả: John Steinbeck
– Dịch giả: Phạm Văn
– Thể loại: Tiểu thuyết xã hội
Biết tới cuốn này trong đợt gom sách giảm giá trên Tiki, nằm trong tập sách của các tác giả đoạt giải Nobel văn học. Chợt nghĩ, chà, Nobel mà cũng không thoát khỏi cơm áo gạo tiền… Chỉ vài chục ngàn là có được một tác phẩm được nhiều cặp kính và mái tóc bạc khen ngợi, tâm huyết của người cầm bút liệu có bèo quá không?
Thôi không lan man nữa, để coi 28 tuổi đọc sách của tác giả đoạt giải Nobel có bị khớp không nào…

2. Về tác phẩm

Tác phẩm kể về đời sống trong con phố Cannery Row, cạnh bờ biển thuộc bang Cali, Mỹ, nơi ở của đủ mọi hạng người thuộc tầng lớp bình dân, và những cá tính khác nhau ấy tương tác với nhau như thế nào. Truyện tuy có một vài nhân vật nổi bật, nhưng không có nhân vật chính, hay có thể nói, nhân vật chính là cả con phố. Cốt truyện cũng vậy, là những lát cắt ngắn, rải rác thay vì tập trung vô một sự kiện nào đó. Như thể đây là bản ghi chép những kỉ niệm chợt nảy ra của một ông già khi nhớ về một nơi từng sống vậy.
Ấy thế mà truyện không hề rời rạc hay lan man, cũng không gây cảm giác nhàm chán. Có lẽ công lớn là nhờ giọng văn dí dỏm, pha chút châm biếm nhẹ nhàng, hài hước, nếu ai thích Vũ Trọng Phụng, có lẽ sẽ thích lối “khen đểu” khá quen thuộc này. Tiếp theo là dàn nhân vật đa dạng, gần gũi như chính hàng xóm của chúng ta vậy. Tuy số lượng nhân vật đông nhưng nhờ cách miêu tả khéo léo, tô đậm tính cách từng người nên càng về cuối, nỗi thân thuộc càng trở nên rõ nét với người đọc. Chà, chỉ là những câu chuyện hỡi ơi trong một khu phố nhỏ, một tác phẩm đậm tính cá nhân, nhưng sao vẫn lôi kéo cảm xúc đến thế.
Chẳng cần cốt truyện phức tạp, bối cảnh sáng tạo, nhân vật ấn tượng hay thông điệp lớn lao, chỉ là một chút bình dị, hóm hỉnh, lạc quan và tình yêu con người vô hạn, Steinbeck đã tạo nên một tác phẩm đề cao phẩm chất tốt đẹp của con người, dù họ có là những kẻ bên lề xã hội đi chăng nữa.

3. Tản mạn

Doc vẫn yêu sự thật, nhưng ông biết sự thật không phải là mối tình chung mà có thể là tình nhân rất nguy hiểm.
Doc có lẽ là nhân vật nổi bật nhất, khi được xây dựng như một nhà thông thái tốt bụng được tất cả mọi người yêu mến. Tất nhiên, bao gồm cả tôi, vì sự thông thái của ông không đi kèm với sự tròn trịa hoàn hảo của đạo đức. Ông thực tế, và ông hiểu, khi cần ta vẫn phải nói dối. Lời nói dối trong tay kẻ có lương tâm thì không hề đáng sợ. Tôi cũng nói dối, tư lợi cá nhân cũng có mà vì người khác cũng có. Doc biết khi nào cần nói dối để tự bảo vệ mình, và chỉ vậy thôi, không làm hại kẻ khác. Nhưng đó là nhân vật hư cấu, còn tôi thì không được như vậy, tư lợi cá nhân hay vì người khác, suy cho cũng, vẫn để thoả mãn cái tôi ích kỉ của mình, và dù không muốn, vẫn gây ảnh hưởng tới người khác. Bỏ thì không thể rồi, giờ cố gắng nghĩ sâu một chút, xem xét hậu quả có thể gây ra, trước khi quyết định nói dối, hi vọng, sẽ sớm tới ngày không còn dùng tới lời nói dối xấu xí nữa.
Họ có thể kiếm ra tiền. Họ có thể huỷ hoại đời họ và có tiền. Mack có phẩm chất của một thiên tài. Cả bọn họ đều rất lanh lợi nếu họ muốn điều gì. Chỉ có điều là họ biết bản chất sự vật quá rõ để không bị vướng vào cái ham muốn đó.
Lời của Doc khi nói về đám trẻ trâu phá làng xóm đấy mọi người :))
Theo một cách nào đó, ổng đúng. Họ biết sống, biết tiêu xài thời gian và sức lực vào thú vui, luôn vui vẻ và không mắc những bệnh của giới nhiều tiền. Chà, luôn nhìn vào khía cạnh lạc quan của vấn đề, đó cũng là lối sống mà tôi ủng hộ và sử dùng hàng ngày.
Còn nhiều, nhiều lắm những nhận xét sáng suốt của nhân vật Doc về con người trong tác phẩm. Ai cần chút lạc quan thì đọc cuốn này ngay đi nhé!
Phúc
2020.4.4