Mỗi người có một cuộc đời của riêng mình, đời ai chỉ thuộc về người đó. Cậu không thể nào có trách nhiệm với một người khác. Chuyện đó giống như là sa mạc ấy: mỗi người phải quen nó theo cách của mình, không có cách nào khác…

1. Thông tin chung

– Tên tác phẩm: Phía Nam Biên Giới Phía Tây Mặt Trời (国境の南、太陽の西 – 1992)
– Tác giả: Murakami Haruki
– Dịch giả: Cao Việt Dũng
– Thể loại: Tiểu thuyết tình yêu, tâm lý
Hơn 3 tháng mới quay lại với bác già, dù đã mua gần đủ các tác phẩm của bác. Nói sao nhỉ, truyện của bác hợp gu lắm lắm dù hiểu không hết, nhưng cái dư vị sau mỗi cuốn đều lưu lại khá dai dẳng, và không được tươi sáng cho lắm, nên không thể đọc dồn dập được. Không phải cái dư vị của thông điệp sâu sắc hay của những câu hỏi không lời đáp như mọi người vẫn nói đâu, mà là một lý do cá nhân, khiến tôi vừa bị thôi thúc lại vừa ngần ngại mỗi khi liếc thấy tên bác lúc chọn cuốn sách tiếp theo để đọc. Lý do ấy là gì, hãy đọc tiếp nhé!

2. Về tác phẩm

Truyện kể về một nam chính điển hình kiểu Murakami (nói thêm ở phần sau), sau khi để lạc mất cô gái tri kỉ ở tuổi 12, đã bị ám ảnh bởi hình bóng ấy suốt tuổi niên thiếu cho tới khi vào độ tuổi trung niên như thế nào. Diễn ra trong bối cảnh nước Nhật của những thập kỉ cuối thế kỉ 20, nam chính là con trong một gia đình cơ bản, không thiếu thốn vật chất, khi anh ta trưởng thành và lập gia đình cũng vậy. Với bối cảnh bình yên, không chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, biến cố hay cái gì đó đại loại như nghịch cảnh thế này, mọi vấn đề của nam chính đều xuất phát từ chính bản mình. 
Và anh ta có giải quyết được không? Xin spoil luôn là không, nhưng với ai đã đọc truyện của bác rồi, thì spoil vậy cũng như không, vì bác nổi tiếng là thích đặt vẫn đề nhưng không thèm giải quyết mà. Cuốn này cũng vậy, mọi chuyện sẽ đi về đâu, có trời mới biết, nhưng không quan trọng, người ta yêu thích bác vì những con đường không đích đến nhưng lại có vô vàn điều thú vị ẩn giấu dọc 2 bên đường mà.
Vậy là, vẫn phong cách quen thuộc, nhưng cốt truyện và bối cảnh đơn giản, vẫn có sự bí ẩn nhưng không có yếu tố kì ảo nào, có thể coi đây là cuốn nhẹ đô phù hợp với những ai muốn làm quen với thế giới của Murakami. Vậy tôi có thích nó không?
Rất thích!
Và lý do thì rất cá nhân: giống tôi quá!
Nhiều người cho rằng dù có phong cách kể chuyện đầy ma lực, cốt truyện và bối cảnh độc đáo, các nhân vật phụ rất cá tính và đa dạng, nhưng các nhân vật chính của bác già lại quá một màu. Nam chính nội tâm, ít nói, khó chia sẻ, quen và biết tận hưởng sự cô đơn, lối sống khoa học, có năng lực trong một chuyên môn nào đó… là điểm chung của các tiểu thuyết dán mác Murakami. Qua cuốn “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ”, ta có thể thấy các tính cách đó phản chiếu khá nhiều hình ảnh của tác giả, và cuốn sách này đã một lẫn nữa khẳng định lại điều đó, khi thông tin trên bìa sách có ghi: rất nhiều chi tiết trong đó thuộc về “Tiểu sử ngoài đời” của Murakami.
Vốn khâm phục lối sống lành mạnh và tự thấy có chút quen thuộc trong tính cách với tác giả khi đọc Tôi nói gì khi nói về chạy bộ, nhưng phải đến cuốn này, tôi mới được thoả mãn khi được thấy bác già như thế nào trong tình yêu. Và, thật đáng ngạc nhiên – và hơi đáng lo lắng – khi tôi thấy mình trong đó. Tuy những trải nghiệm không giống 100%, và chưa đi tới đoạn kết như nam chính, nhưng với kiểu tính cách đó, với tình huống đó, tôi biết, nếu là tôi, tôi cũng hành xử như vậy.
Vậy đó, một cuốn sách khá “thường” khi so với chính các tác phẩm khác của Murakami, nhưng riêng với tôi, đây là cuốn tôi hài lòng nhất. Vì sự đồng điệu tôi may mắn có được với nam chính, đã giải đáp được kha khá thắc mắc giùm tôi, và đồng thời cho tôi những cảnh báo về những gì nên trân trọng.

3. Tản mạn

Như mọi khi, đây là phần lan man về một vài ý được nhặt ra trong cuốn sách, không phải đánh giá nội dung.
Khi người ta bắt đầu yêu một người, thì là như thế đấy, không thể làm gì cả. Người ta yêu người mà người ta yêu.
_Yukiko
Không thể tính toán, không thể đề phòng, cũng chẳng có “vì sao” gì hết, yêu là yêu thôi. Khi còn chưa vướng bận, chưa phải chịu trách nhiệm với ai, ta có thể vui vẻ với ý nghĩ đó. Nhưng khi đã kí vào giấy kết hôn, ta lại chẳng thể hồn nhiên như vậy được nữa. Cứ như thể tờ giấy đó không gắn kết 2 tâm hồn với nhau, mà chỉ đang trói chúng lại chung một nơi thôi vậy. Nó đóng chặt cánh cửa sau, nơi “quay đầu” sau những phép thử kém may mắn. Nó khoác lên người chúng ta vẻ điềm đạm giải tạo, ép chúng ta phải thừa nhận và sống theo phong cách chung của nhóm “đã có gia đình”… Và trên hết, ta không dám hồn nhiên thả lòng trôi trên dòng sông của xúc cảm nữa, vì chỉ lơ là một chút thôi, trái tim sẽ đập chệch nhịp, và tất cả những gì ta đang có, sẽ lật nhào như đoàn tàu chệch đường ray….
Đó, đó là cách mà mấy đứa vừa đểu vừa hèn biện hộ một cách văn hoa cho thói lăng nhăng của mình. Đổ tại cảm xúc, nghe cũng hợp lý đúng không :))))
Phúc
2020.03.16