“Óc sáng suốt” đã ra mắt độc giả tới nay đã hơn nửa thập kỷ, nhưng dù là độc giả có cái nhìn sâu sắc đa chiều cũng rất khó để hiểu hết cái hồn của cuốn sách trong lần đọc đầu tiên bởi vì lượng kiến thức và giá trị quá lớn mà cuốn sách mang lại. “Óc sáng suốt” mang đến cho độc giả những phương pháp suy nghĩ, lựa chọn và đưa ra quyết định đúng đắn trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Sống một cách khôn ngoan như câu nói của người xưa “Một thân thể không đau, một tinh thần không loạn, đó là chân hạnh phúc của con người.”
review-cuon-sach-oc-sang-suot-revisach.com


Tác giả cuốn sách “Óc sáng suốt”

“Óc sáng suốt” được viết bởi Thu Giang Nguyễn Duy Cần. Cụ Nguyễn Duy Cần (1907 – 1998) là một trong những học giả nổi tiếng nhất Việt Nam những năm 50-60 của thế kỷ XX. Sinh ra tại vùng đất Tiền Giang, với bút hiệu Thu Giang, cả đời cụ đều dành tâm huyết “viết sách vì đạo”, không dựa trên tư lợi mà viết sách, cụ đều viết dựa trên những điều mà độc giả đang thiếu thốn và bức thiết trong cuộc sống hay những cống hiến mà cuốn sách có thể mang lại cho xã hội.

Bên cạnh việt viết sách, cụ còn dạy học, nghiên cứu Đạo học cũng như Kinh dịch, cụ còn có hiểu biết sâu rộng về thuật châm cứu và y học phương Đông. Tuy không phải là người có bằng cấp cao, nhưng với khả năng tự học hiếm có và tư duy hơn người của mình, cụ Thu Giang Nguyễn Duy Cần đã để lại cho đời nhiều tác phẩm giá trị, tỉ mỉ như một công trình nghệ thuật kết hợp những kiến thức Đông - Tây, Kim - Cổ. Một trong những tác phẩm tiêu biểu của cụ bao gồm “Óc sáng suốt”, “Tôi tự học”, “Thuật tư tưởng”, “Thuật xử thế của người xưa”....

Tác phẩm “Óc sáng suốt”

“Óc sáng suốt” được ra đời vào năm 1952, cách đây khá lâu về trước. Là tác phẩm mang đậm chất văn học phương Đông, “Óc sáng suốt” chắt lọc những tinh hoa, cốt lõi của người xưa, của đạo học từ ngàn đời để chỉ dẫn phương pháp rèn luyện và hoàn thiện về giác quan và tư duy để có một trí óc sáng suốt và minh mẫn.

Đối mặt với cuộc sống nhiều biến động và dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh, hơn 200 trang sách trong “Óc sáng suốt” sẽ không khiến độc giả thất vọng bởi giọng văn mạch lạc, tri thức uyên bác của tác giả giải thích cặn kẽ tận gốc rễ mọi nguyên nhân và nguyên lý của từng phương pháp để phát triển tư duy độc lập, nhờ đó cải thiện cuộc sống.

Các chương trong cuốn sách “Óc sáng suốt”

Tiểu dẫn

Chương I: Tư tưởng - Tinh thần

Chương II: Thuật quan sát

Chương III: Thuật tập trung tinh thần

Chương IV: Phép tưởng tượng?

Chương V: Tổ chức tư tưởng

Chương VI: Thuật nhớ lâu

Chương VII: Kết luận

Nội dung nổi bật trong cuốn sách “Óc sáng suốt”

Mở đầu, tác giả nêu ra một số định nghĩa, giải thích nguyên nhân về tư tưởng và tinh thần. Sau đó, “Óc sáng suốt” tập trung mô tả 5 phần chính hướng dẫn người đọc từng bước thay đổi lối tư duy chậm chạp và thiếu tinh tế của chính mình từ trước đến nay.

Thuật quan sát

Quan sát trong quan niệm của tác giả chính là xem xét mọi sự vật sự kiện bằng chính giác quan và khả năng suy nghĩ của bản thân trước mà không phụ thuộc vào bất kỳ ai cả. Học cách không dựa dẫm vào những nguồn trí thức bên ngoài như sách vở, kinh điển hay để những suy nghĩ phớt qua hoặc quá tập trung vào tiểu tiết mà ảnh hưởng đến khả năng quan sát của bạn. Biết quan sát không chỉ bằng cách giữ cho giác quan luôn tỉnh táo, mà điều quan trọng hơn là khả năng khám phá kiến thức mới từ những thói quen và thành kiến hàng ngày.

Con người sinh ra thường dễ bị nội tâm chi phối, từ đó ảnh hưởng đến những quyết định của mình. Vì thế, khi quan sát, khi nhìn nhận một sự vật, hiện tượng ta nên đứng ở vị trí khách quan mà nhìn, theo những nguyên tắc và thứ tự không thay đổi để nhìn thấu được bản chất của sự vật cũng như nhìn thấu được nội tâm của mình và làm chủ được nó, có như vậy, thì nhận thức và quyết định của ta mới trở nên đúng đắn.

“Óc sáng suốt” cũng nêu ra tầm quan trọng của việc so sánh và mối quan hệ nhân quả. “So sánh mà nông nổi, rất nguy hiểm”, khi thấy bất kỳ một vật nào giống nhau ta cần tìm điểm khác nhau giữa chúng. Cũng giống như vậy, khi nhận một kết quả, học cách tìm ra nguyên nhân chứ không chấp nhận một cách hời hợt, tiếp tục rèn luyện như thế, trí óc ngày càng tinh tường và phán đoán của ta càng trở nên có giá trị.

Thuật tập trung tinh thần

Trong “Óc sáng suốt”, cụ Nguyễn Duy Cần khẳng định rằng: phải lấy khả năng tập trung tinh thần hay sự chú ý làm gốc để tạo nên sự quan sát tinh vi. Để giữ được sự chú ý luôn mạnh mẽ và lâu bền, sự hứng thú, thói quen và ý chí là ba động lực cơ bản.

Ta có hứng thú với việc gì hoặc sự vật nào đó khi ta cảm thấy tò mò, thấy điều đó cần thiết, mang lại lợi ích sau này hoặc sự nguy hiểm có thể xảy ra khi ta mất tập trung, nhờ đó khả năng chú ý của mỗi người được nâng lên. Hơn nữa, khi làm đi làm lại một việc gì nhiều lần, dần dần ta sẽ tìm thấy hứng thú trong việc mình đang làm, cho dù là công việc ta không thích đi chăng nữa.

Ngoài ra, “Óc sáng suốt” cũng nói lên tầm quan trọng của việc kiên nhẫn, sức khỏe, kỷ luật và tập trung vào một việc duy nhất. Não bộ làm việc cần tiêu tốn rất nhiều năng lượng, khi sức khỏe ở trạng thái tốt nhất thì tâm trí của bạn mới làm việc một cách minh mẫn, giữ lòng kiên nhẫn và tuân theo những kỷ luật cũng như phương pháp đề ra, giống như phương pháp “bản đồ” trong cuốn sách sẽ giúp bạn tránh khỏi sa đà vào những việc khác mà đánh mất sự tập trung.

Phép tưởng tượng

Trí tưởng tượng đối với nhiều người thường nguy hại và không mang lại hiệu quả bởi vì đó là những phán đoán theo chủ ý của ta mà không dựa trên sự thật. Nhưng trong “Óc sáng suốt”, tác giả vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của trí tưởng tượng, nếu khéo léo dùng nó, biến những cái hại thành cái lợi thì trí tưởng tượng sẽ giống như người ta nói “Trí tưởng tượng thống trị thế gian.”.

Quá phụ thuộc vào những điều đã biết bằng sách vở, không tin vào bản thân mình hay sự thờ ơ lãnh đạm sẽ không bao giờ tạo ra được trí tưởng tượng. Phép tưởng tượng được tạo ra bằng trí tò mò, bằng tư duy hoàn thiện những cái mới để trở nên tốt hơn, hay hơn. Dù là những thứ có sẵn, hãy học cách suy nghĩ theo cách của mình, tránh xa những thành kiến và rèn luyện tư duy phản biện, từ đó, bạn sẽ nắm được sức mạnh mà trí tưởng tượng có thể đem lại.

Tổ chức tư tưởng

Trong cuộc sống hàng ngày, ta thường dùng tư tưởng theo lối trật tự tự nhiên, tức là không theo một sự chỉnh đốn cụ thể, chỉ là ngẫu nhiên mà có, những lối suy nghĩ như vậy sẽ khiến ta không thể suy nghĩ một cách đúng đắn và hành động vững vàng được. Trái lại, khi rèn luyện một cách có tổ chức, tức là biết phán đoán, phản biện, so sánh để liên tưởng, tư tưởng sẽ trở nên dồi dào.

“Óc sáng suốt” chỉ ra rằng muốn tổ chức được tư tưởng một cách rõ ràng, thì trước hết ta cần biết phân loại và sắp xếp những học hỏi, hiểu biết và kinh nghiệm của mình, từ đó có những phán đoán sáng suốt, người bán sách cũng cần phải biết phân loại từng loại sách báo để khi được hỏi, có thể tìm kiếm một cách dễ dàng. Đối với ta cũng vậy, cái gọi là “trực giác” luôn đúng của những người thông minh không phải là trực giác mơ hồ, mà đến từ lý trí tinh vi của những suy nghĩ lâu ngày đã đi sâu vào tiềm thức.

Mọi sự vật, sự việc nếu ta biết bóc tách và định nghĩa một cách rõ ràng chính xác, thì tư tưởng và nhận định cũng sáng suốt theo.

Thuật nhớ lâu

Cho đến phần cuối, “Óc sáng suốt” đề cập đến sự cần thiết của trí nhớ. Nếu không có trí nhớ, thì về cơ bản, bạn sẽ không làm được điều gì dù là lý luận hay tư tưởng. Tất cả những yếu tố trước đó: tập trung, quan sát, tưởng tượng, tổ chức đều nhằm mục đích rèn luyện một trí nhớ dẻo dai. Trí nhớ cuối cùng tạo nên cơ sở, một nền tảng tri thức sâu rộng, đủ để đưa ra một nhận định sáng suốt.

“Óc sáng suốt” tóm tắt lại các giai đoạn để rèn luyện một trí nhớ tốt, khởi đầu bằng sự chú ý và quan sát, sau đó xem xét lợi ích, so sánh với tư tưởng của bản thân, phân tích những chi tiết càng cụ thể càng rõ ràng càng hay và quy về một quy luật nhất định, phân loại trong não bộ của bạn. Đó chính là sức mạnh của sự kết hợp giữa cảm xúc và tư duy trong việc tạo nên thuật nhớ lâu.

Sách hay cùng tác giả:

Những trích dẫn hay trong cuốn sách “Óc sáng suốt”

“Phải mở rộng giác quan, cho rộng đường nhận thức”

“Quan sát, tức là biết lựa chọn những cảm giác nào có ích cho ta, những cái vô ích đều phải biết bỏ ra ngoài vòng của trí thức. Nếu bất kỳ cảm giác nào cũng nhận thức cả, thì chỉ làm cho tâm trí ta càng thêm hỗn độn mịt mờ.”

“Muốn tuyển chọn trong mớ giác cảm lung tung những thứ cần dùng cho bạn, trước hết phải hiểu nó cho thật rành.”

“Thấy được toàn cảnh, là để nhận thấy cái “đơn nhất trong cái phức tạp”.”

“Cái đặc điểm của những bậc vĩ nhân là nơi sức mạnh của sự tập trung tư tưởng của họ”

“Chú ý chính là cả đời sống của tinh thần: Trí nhớ, Lý luận, Phán đoán chẳng qua là những kết quả hết sức tự nhiên của Chú ý.”

“Có kẻ học nhiều nhưng không làm được một công việc gì về sáng tạo cả. Là tại họ chỉ học nhiều bằng cách nhớ cho nhiều sách vở mà không biết tiêu hoá nó, không biết phê bình nó”

“Bất cứ là làm một việc gì, hãy bắt từ chỗ dễ đi vào chỗ khó, từ chỗ đã biết đi lần vào chỗ chưa có thể biết được, từ chỗ đơn sơ đến chỗ phiền phức hơn.”

Lời kết

Không có cuốn sách nào mang lại hiệu quả tức thì, nhưng “Óc sáng suốt” giống như tấm bản đồ tư duy vẽ ra cho bạn từng kỹ năng chính, từng nhánh nhỏ liên quan là những phương pháp để bạn phát triển kỹ năng phán đoán. Hóa ra, cách đây hơn nửa thập kỷ, đã có cuốn sách chỉ dẫn cho bạn một cách chi tiết cách mở khóa năng lực não bộ của bản thân, thoát khỏi những mộng mị, tăm tối, và tư duy theo lối mòn. Mong rằng, “Óc sáng suốt” sẽ trở thành cuốn sách đầu giường để bạn suy ngẫm mỗi ngày.