Chào các bạn, lại là mình Dory đây. Có bạn nào bắt đầu đọc một cuốn sách vì một sự nhầm lẫn. Nhưng rồi chính sự nhầm lẫn đó lại đưa đến cho bạn một trải nghiệm thực sự tuyệt vời không? Với mình, thì đó là Những Người Đẹp Say Ngủ của cố nhà văn Kawabata Yasunari. 
Là một trong những tác gia lớn nhất của văn học Nhật Bản thế kỷ XX, Kawabata Yasunari là nhà văn Nhật Bản đầu tiên đoạt giải Nobel Văn Học. Các tác phẩm nổi bật của ông có thể kể đến như Hồ, Xứ Tuyết, Ngàn Cánh Hạc Bay, Tiếng Rền Của Núi… Văn chương của ông ngập tràn nỗi cô đơn, sự mất mát và mong manh của cuộc sống. Có lẽ một phần cũng bởi vì tuổi thơ bất hạnh và đầy đau thương mà ông đã phải trải qua khi mồ côi cả cha lẫn mẹ khi mới lên 2. Ông chuyển đến sống cùng ông bà ngoại và chị gái. Nhưng khi ông lên 7 thì bà mất, lên 9 thì chị ông qua đời và đến năm 14 tuổi thì mất cả ông ngoại. 
"Không bao giờ tôi trút được ám ảnh rằng mình là một người lang thang ưu sầu. Luôn luôn mơ mộng tuy rằng chẳng bao giờ chìm đắm hoàn toàn trong mơ, mà vẫn luôn tỉnh thức giữa khi mơ..."
Ban đầu, lúc nhìn trên giá sách mình bị nhầm với một cuốn tên gần giống mà mình không nhớ rõ của bác Keigo. Đến lúc cầm trên tay thì mới biết là không phải. Nhưng rồi lỡ cầm lên mà lại đặt xuống thì có lỗi với cuốn sách quá. Bìa sách của Nhã Nam có khác, cực kỳ ấn tượng, và chất lượng giấy thì không chê vào đâu được. Thế là mình bắt đầu đọc, rồi chìm hẳn vào đó. Dịch giả Uyên Thiểm thực sự đã thành công khi chuyển ngữ một tác phẩm - mà chính bản thân nó cũng gây không ít điều tiếng cho tác giả - trở nên tinh tế và đầy tính nghệ thuật như thế. 
Những Người Đẹp Say Ngủ là tác phẩm kể về ông lão Eguchi đã ngoài 60 tuổi - độ tuổi bước vào phía bên kia của cuộc đời. Ban đầu, vì tò mò nên mình đã theo lời giới thiệu của người bạn mà tới ghé thăm ngôi nhà của “những người đẹp say ngủ”- nơi các cô gái khỏa thân đang ngủ li bì để ngủ lại một đêm bên những cô gái ấy. Tự nhủ chỉ ghé một lần duy nhất. Nhưng rồi lần thứ nhất, lần thứ hai, rồi lần thứ ba và những lần sau đó nữa, Eguchi đã bị cuốn vào trong một “ma trận” của những ký ức và những nỗi niềm cô đơn sâu thẳm mà chẳng cách nào ông có thể thoát ra.
Mình biết là nhiều bạn khi đọc đến đây sẽ cảm thấy hơi “gai gai”. Gì cơ? Ông già? Nằm cạnh những cô gái khỏa thân, lại còn bị làm cho ngủ li bì? thật luôn? Đúng là kinh tởm và bệnh hoạn. Nhưng gượm đã, nhẫn nại chút nào, bình tĩnh chút thôi. Đâu phải tự nhiên mà tác phẩm này được mệnh danh là kiệt tác tiêu biểu cho thời kỳ sau của Kawabata đâu.
Ai trong chúng ta chẳng có một thời son trẻ? Và ai trong chúng ta theo thời gian mà chẳng già đi? Đắm mình trong cái quá khứ huy hoàng và rồi tự nhìn lại bản thân, nuối tiếc vì những gì mình từng bỏ lỡ?
Eguchi cũng vậy. Ông cũng từng có những năm tháng trẻ trung tràn đầy nhựa sống. Nhưng rồi năm tháng trôi qua, ông của hiện tại đã trở thành một ông già gần bước đến tuổi 70, ngày ngày sống trong những hoài niệm về quá khứ.
Điều khiến mình gần như ngay lập tức thích Những Người Đàn Bà Say Ngủ chắc là phần nào đồng cảm về những nỗi cô đơn. Và nhất là thứ giọng văn nhẹ nhàng, mềm mỏng như một cơn gió nhưng đầy xúc cảm và có thể luồn tới nơi thẳm sâu nhất nội tâm con người của Kawabata. Chẳng có ngôn từ nào đao to búa lớn, chỉ là những dòng tâm tình thủ thỉ tự sự nhưng lại có một lực “sát thương” đến không ngờ.
Phải cô đơn đến mức nào để một ông già như Eguchi chấp nhận trả tiền chỉ để được ngủ một đêm bên cạnh những cô gái đang ngủ li bì như chết? Phải khát khao được chuyện trò, được bộc bạch nỗi lòng của mình đến mức nào để ông hết lần này đến lần khác trở lại ngôi nhà ấy? Và rằng ông đã sợ hãi cái chết đến bao nhiêu để luôn mang một nỗi hoài nghi mơ hồ rằng cô gái bên cạnh mình không còn hơi thở?
5 lần ngủ bên cạnh các cô gái, là 5 lần ông soi chiếu bản thân mình qua những cô gái ấy, là 5 nhát cắt của một cuộc đời dài đằng đẵng, là dịp ông nhớ lại những người phụ nữ đã bước qua đời mình. Là mẹ, là người phụ nữ ông từng yêu, là cả người phụ nữ mà ông đã bỏ lỡ. Tất cả cứ như những cuốn phim của quá khứ chầm chậm được phát lại mỗi đêm. Nhưng lại đang nhắc ông về một thực tại không thể chối cãi: rằng ông đã đứng ở phía bên kia con dốc của cuộc đời.
Nằm cạnh các cô gái đang ngủ say tưởng như là để tìm lại khoái cảm. Nhưng thực ra lại chỉ là cái cớ để ông tìm lại chút hơi ấm, tìm lại cảm giác có người cạnh bên. Và nhất là để nhìn lại bản thân mình trong quá khứ. Phải chăng, tất cả những gì ông đang muốn kiếm tìm chỉ là được lắng nghe, được trò chuyện, được tôn trọng, để được biết rằng bản thân mình vẫn còn tồn tại, chứ không đơn giản chỉ là thứ thèm muốn thể xác tầm thường? 
"Phải chăng đối với những ông già không còn được đàn bà coi là đàn ông nữa, thì một cô gái ngủ li bì, miệng không nói, tai không nghe lại dường như là kẻ sẵn sàng chuyện trò và lắng nghe mọi thứ?"
Vậy thì có oan ức hay không khi chúng ta vội đánh giá mọi chuyện chỉ qua cái lớp vỏ bề ngoài của nó? Hãy tự đọc để cảm nhận một nỗi cô đơn đến cùng cực của những người già. Để biết rằng rồi một ngày nào đó thôi, chính mình cũng sẽ già đi, đôi mắt này không còn rực sáng, làn da này không còn căng mịn. Và tất cả những gì mà mình có thể làm là hoài niệm quá khứ.
___________
Tác phẩm: Những Người Đẹp Say Ngủ
Tác giả: Kawabata Yasunari
Dịch giả: Uyên Thiểm
Đánh giá cá nhân: 9,5/10