Những bà mẹ tỏ ra là mình hết lòng chăm sóc con cái nhưng thật ra cũng là một kiểu dựa dẫm vào con cái… Và nhìn ở góc độ nào đó, họ bị phán vào vai bà mẹ độc ác.

1. Thông tin chung

– Tên tác phẩm: Những Đứa Trẻ Bị Mắc Kẹt
– Tác giả: Kanae Minato
– Thể loại: Tập truyện ngắn – Iyamisu
Cuốn này mua khi đi gom một loạt sách trinh thám.
Thực ra đang nhắm một cuốn khác của Kanae là Thú Tội (đã được dựng thành phim và được đánh giá khá cao), nhưng gặp cuốn này trước, nên mua để đó đã.
Rồi cách đây vài hôm, tình cờ biết tới buổi gặp gỡ trao đổi về cuốn sách này do I Love Books tổ chức, đang rảnh rỗi và tò mò muốn đi, nên tranh thủ đọc để lỡ có bị hỏi đến cũng đỡ quê :))

2. Đánh giá tổng quan

Phải nói luôn, đây không phải thể loại trinh thám.
Sách gồm 6 truyện ngắn, mượn bối cảnh là các vụ án để nói về tâm lý của những người liên quan.
Chủ đề là những uẩn ức ngày bé, bị kìm nén lâu ngày đã giam hãm một phần tâm hồn ta ra sao, để khi đã lớn rồi, vẫn còn một phần nào đó trong chúng ta bị mắc kẹt lại, không thể thoát ra và trở nên hết sức nguy hiểm khi có một sự tác động nào đó khiến giọt nước tràn ly.
Cả 6 truyện đều kể theo ngôi thứ nhất, là những lời tự sự của các nhân vật liên quan tới các vụ án. Tôi khá thích cách kể này, khi giao vai trò dẫn chuyện cho các nhân vật tâm lý không được ổn định lắm, có thể thấy rõ sự bất ổn của họ qua từng lời kể, sự rời rạc khi diễn giải, nhưng đem lại cảm giác rất thật, như họ đang ngồi trước mặt và tâm sự với chúng ta vậy. Nhờ đó mà từng lời của họ phản ánh tâm lý một cách rõ nét, dễ dàng gây được sự đồng cảm với tôi.
Đi sâu vào nội dung một chút, tình tiết các câu chuyện xoay quanh các mối quan hệ gần gũi trong gia đình, cụ thể là phụ huynh và con cái. Các truyện đầu làm nổi bật lên khái niệm “phụ huynh độc hại” – những kiểu phụ huynh gây ra tác động tiêu cực cho con cái của mình. Và rất thú vị khi truyện cuối lại là một lời giải thích đứng từ góc độ phụ huynh, khiến cho vấn đề được nhìn nhận một cách công bằng và người đọc cũng không bị cuốn theo cảm xúc day dứt của các nạn nhận.
Phải công nhận Kanae rất giỏi trong việc tạo ra một bầu không khí rờn rợn, ám ảnh khi kể những câu truyện mà ai cũng cảm thấy có phần thân thuộc, quả không hổ danh “Nữ hoàng của Iyamisu”.
Tóm lại, nếu đâu đó trong bạn đã-đang bị mắc kẹt, thì đây là một cuốn sách cực dễ đồng cảm. Còn nếu bạn đang-sắp là một phụ huynh trẻ, thì hãy đọc ngay nó đi, để biết rằng dù xuất phát điểm là từ tình yêu thương, nhưng nếu hành động sai cách, thì hậu quả để lại cho con cái chúng ta sẽ  sẽ rất khôn lường và dai dẳng.
* Chú thích:
Iyamisu là một từ ghép, được tạo thành bởi hai từ: “iya” – trong tiếng Nhật có nghĩa là ghê sợ, chán ghét và “misu” hay “mystery” có nghĩa là kì bí. Điều khác biệt của các tác phẩm thuộc dòng “Iyamisu” so với những cuốn sách trinh thám thông thường nằm ở chỗ nội dung của chúng nặng nề, u ám, đi vào khai thác, vạch trần những mặt tối xấu xa, không theo chuẩn mực đạo lí của xã hội, và thường để lại dư vị không lấy làm dễ chịu cho người đọc kể cả sau khi câu chuyện đã khép lại.
(nguồn tve-4u.org)

3. Tản mạn

Như mọi khi, đây là phần lan man về một vài ý được nhặt ra trong cuốn sách, không phải đánh giá nội dung.
“Vì không muốn xây dựng một mối quan hệ sâu đậm với bất kì ai nên em có thể thân thiện được với tất cả mọi người.”
Trong truyện “Người tốt bụng”, Asumi, một cô gái tốt bụng, không muốn làm tổn thương ai, không biết cách từ chối khéo léo, nên luôn bị hiểu nhầm. Cộng thêm sự nín nhịn, chịu đựng và không biết cách thanh minh, nên tiếng xấu luôn bám lấy cô. Và khi sự kìm nén không giữ được nữa, chuyện tồi tệ phải xảy ra.
Đọc truyện này tôi liên tưởng tới vợ tôi. Em xinh xắn, lại vui vẻ, hòa đồng và luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người (dù có lúc không thoải mái), nên theo lẽ dĩ nhiên, em có nhiều người thích (và không thích). Việc đó đem lại cho em đôi chút phiền toái do hiểu nhầm, em cũng ít khi giải thích, cứ để vậy và… về hỏi tôi. 
Tôi thì ít khi gặp những chuyện như vậy, nhưng gần đây tôi nhận ra, mình cũng có gặp đấy, nhưng do tính tôi vô tư với những thứ không quan trọng, nên không cảm thấy phiền toái. Vậy sự khác nhau ở đây là cách nhìn nhận vấn đề.
Không biết do bản chất hay được rèn luyện nữa, mà tôi có thể quyết định rất nhanh cái gì đáng để tâm, cái gì thì không. Có lẽ do tôi lười, sợ phiền toái mà đầu tôi luôn có thể nghĩ ra lý do để không quan tâm, nhờ vậy mà tôi nhẹ đầu, có thời gian để mơ mơ màng màng, hay làm vài chuyện khùng điên càng khiến vợ thêm bực :))
Một mặt nào đó, tôi hi vọng em có thể giống tôi, vứt bớt vài gánh lo đi mà vui sống, nhưng mặt còn lại, sợ nếu em giống tôi, thì cái gia đình này loạn mất =))
“Chỉ cần phải sống chung với mẹ chồng trong vòng một tuần thôi, cậu sẽ thấy mẹ đẻ của mình tuyệt vời biết bao! Nhiều người đã như thế và tốt nghiệp khỏi vai trò con gái để trở thành mẹ và hiểu mẹ mình hơn đấy!”
Riho, cô gái đã trở thành phụ huynh, trải qua cuộc sống với mẹ đẻ và mẹ chồng đã nói như vậy. Quả thật, khi ta có cơ hội thực sự đứng vào vị trí của đối phương, ta mới thấu hiểu.
“Phụ huynh độc hại” và “Phụ huynh độc ác” không giống nhau, độc ác là cái ác thuần túy, với động cơ xấu xa, ví dụ như người mẹ bắt con gái phải bán thân kiếm tiền. Còn độc hại thì khác, khi nó xuất phát từ tình thương con, nhưng do cách thể hiện thiếu tinh tế mà dẫn tới hiểu nhầm và mâu thuẫn.
Độc ác thì có vẻ ít, nhưng độc hại thì ai cũng có thể trở thành, nếu không biết cách chia sẻ và làm bạn với con. Cuốn sách đặt ra các tình huống rất thực thế và gần gũi, nhưng tiếc thay, không chỉ cho ta cách để giải quyết nó. Cũng đúng thôi, khi đây là vấn đề chung của hầu hết các gia đình, và phải ở trong từng gia đình cụ thể, mới biết cần phải làm gì. Nhưng tôi biết phải bắt đầu từ đâu, đó là học cách lắng nghe.
Hãy học cách lắng nghe ngay từ bây giờ, vì nếu bạn không thể, bạn sẽ đánh mất sợi dây kết nối với con, và khi bạn nhận ra, con đã qua cái tuổi cần bạn, lúc đó, có cố gắng cũng không kịp nữa rồi.
2020.01.18
Phúc