[Review sách] Ngày xưa có một con bò - Camilo Cruz, PhD
Quyển sách tác động rất lớn đến nếp sống, nếp nghĩ của tôi, ít nhất là vào thời điểm hiện tại. Nó gần như định lại các giá trị, quy tắc, chuẩn mực tôi đã theo đuổi bấy lâu.
"Cuốn sách này sẽ cho ta một cái nhìn rõ ràng về những gì có thể thực hiện được khi quyết định vứt bỏ những lí do và những tín điều khiến cuộc sống trở nên gò bó hơn. Nó cung cấp cho ta một kế hoạch từng bước để sống một cuộc đời với mọi giấc mơ đều có thể dễ dàng được thực hiện."
Trong chừng mực nào đó, lời giới thiệu của Mark Victor Hansen, đồng tác giả của loạt sách CHICKEN SOUP FOR THE SOUL, không quá cường điệu khi nói về cuốn sách này.
Từ cuộc trò chuyện với một người phụ nữ trên một chuyến bay đêm, Camilo Cruz tình cờ biết đến CÂU CHUYỆN VỀ CON BÒ. Nó đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng tác giả và gợi hứng cho ông viết lên cuốn sách thú vị này.
CÂU CHUYỆN VỀ CON BÒ đại ý như sau:
Ngày xưa có một người thầy giáo khôn ngoan muốn truyền cho một trong số các học trò của mình bí quyết để sống một cuộc đời hạnh phúc và thịnh vượng. Ông dẫn người học trò đến một ngôi làng nghèo khổ trong vùng và đề nghị anh tìm đến gia đình nghèo nhất làng là nơi họ sẽ tá túc qua đêm.
Gia đình này nằm ở rìa ngôi làng. Tám con người chen chúc trong một cái lều xập xệ và chật chội chỉ mười lăm thước vuông, đầy rác thải và có thể đổ bất kỳ lúc nào. Những thân hình nhếch nhác và gầy còm, ăn mặc rách rưới phô bày sự thiếu thốn của cuộc sống hằng ngày. Thêm vào đó, gương mặt của họ bộc lộ rõ vẻ buồn bã cộng với dáng vẻ lòm khòm cho thấy rõ sự bần cùng không chỉ đã chiếm lĩnh cơ thể họ mà còn ăn sâu vào tâm hồn của những người tội nghiệp.
Thế nhưng gia đình ấy lại sở hữu một con bò, một tài sản bất thường trong hoàn cảnh hiện tại. Con bò khiến cả những người hàng xóm có điều kiện tốt hơn cũng cảm thấy ngưỡng mộ, nếu không muốn nói là ganh tị. Cuộc sống của họ xoay quanh con bò, nó dường như là thứ duy nhất giữ họ khỏi rơi vào đường cùng mặc dù chút sữa ít ỏi mà nó cung cấp chỉ để cho họ sống vật vã qua ngày. Hai thầy trò đặt lưng xuống nghỉ qua đêm trong căn lều nhếch nhác và bẩn thỉu đó.
Sáng hôm sau, trước khi bình minh kịp ló dạng, hai thầy trò lặng lẽ lên đường khi những người khác vẫn còn say giấc. Ngạc nhiên thay, người thầy tiến chầm chậm về phía con bò, rút dao găm và giết chết nó. Người học trò như chết điếng, không hiểu chuyện gì vừa xảy ra. Anh đau đớn hỏi thầy giáo nhiều câu hỏi bằng một giọng thì thầm vì sợ mọi người thức giấc. Người thầy không nói nửa lời, thản nhiên bỏ đi. Người học trò bước theo sau, hoang mang tột độ. Gia đình đó liệu sẽ như thế nào? Bài học thầy muốn dạy mình là gì? Nhiều tháng sau, người học trò vẫn không thôi bị ám ảnh khi nghĩ đến cảnh tượng đau lòng hôm đó.
Một năm trôi qua, người thầy giáo đề nghị cả hai quay lại thăm gia đình nọ để tìm hiểu chuyện gì sẽ xảy ra khi họ mất con bò. Cảnh vật vẫn như xưa nhưng trên nền đất cũ, một ngôi nhà xinh xắn được dựng nên thay thế cho túp lều cũ nát.
Họ gõ cửa ngôi nhà, nghe kể lại mọi thứ và cảm thấy ngạc nhiên xen lẫn vui mừng khi nghe những gì được kể lại. Khi con bò, nguồn sống duy nhất không còn nữa, gia đình nghèo khổ bắt buộc phải làm một điều gì đó nếu không muốn rơi vào tình huống tệ hơn. Họ khai hoang miếng đất sau nhà, gieo vài hạt rau củ. Đó là cách họ tồn tại trong vài tháng đầu. Một thời gian sau, hoa lợi của mảnh vườn đó không chỉ nuôi sống gia đình mà còn có thể đem bán để mua thực phẩm và quần áo. Cuộc sống của họ khá giả hơn. Họ thậm chí còn có thể xây cho mình một căn nhà. Có vẻ như chuyện mất con bò đã mở mắt cho họ thấy một cuộc sống có triển vọng hơn.
Sau khi ngủ lại một đêm và tiếp tục cuộc hành trình vào sáng hôm sau, người thầy vốn đã lặng thinh từ trước đến giờ bắt đầu giảng giải cho học trò ý nghĩa của những việc mình làm. Con bò chính là sợi dây xích trói buộc cuộc đời gia đình nọ với cuộc đời khổ cực. Những tưởng con bò đó là ơn phước khi nó cho họ cảm giác không phải đang sống trong sự bần cùng. Nhưng thực ra cuộc sống của họ rất thảm hại. Khi tin rằng những thứ ít ỏi mình đang có là đủ lắm rồi thì chỉ riêng ý nghĩ đó thôi đã kìm hãm không cho chúng ta tìm kiếm những gì khác tốt hơn.
"Khi con có một công việc mà con không thích, cái công việc mà thậm chí chẳng đáp ứng được những nhu cầu tối thiểu và cũng chẳng mang lại cho con bất cứ sự thỏa mãn cá nhân nào hoặc cho con cuộc đời mà con muốn, thì quyết định bỏ đi và tìm công việc khác là điều dễ dàng. Nhưng khi cái công việc mà con không thích đó giúp con trả được nợ, sống sót, và cũng tận hưởng được vài tiện nghi nho nhỏ, thì con dễ dàng rơi vào cái bẫy hài lòng với suy nghĩ rằng ít nhất thì mình cũng có được một cái gì đó. Cuối cùng, con biện minh rằng khối người muốn cái công việc đó mà có được đâu."
"Cũng giống như con bò, thái độ đó luôn luôn kìm hãm con. Nếu không gạt bỏ nó đi, mãi mãi con sẽ không thế thấy được gì ngoài những thứ con đã biết lâu nay. Con sẽ trở thành một nạn nhân chung thân của những giới hạn mà con tự đặt ra trong cuộc sống của mình. Điều đó cũng giống như con tự bịt mắt mình ở vạch xuất phát và cầu nguyện cho mình được thắng cuộc."
Người học trò bắt đầu hiểu ra vấn đề và tự nhủ: "Chúng ta ai cũng có những con bò trong đời mình. Chúng ta mang trên mình gánh nặng của những niềm tin sai lầm, những lời biện bạch, những nỗi sợ hãi và những định kiến. Bi đát thay, tất cả những hạn chế đó do ta tự áp đặt cho mình đã trói buộc chúng ta vào một cuộc sống tầm thường."
"Không chỉ có vậy", người thầy tiếp lời, "nhiều người ngoan cố giữ lại cái lí do họ không thể sống cuộc đời mà họ luôn mơ ước. Họ tạo nên những lời bào chữa hầu như rất đáng tin để biện hộ với chính mình và với người khác, và tiếp tục sống với những xáo động nội tâm khi họ nhận ra rằng những lý lẽ đó có thể đánh lừa được người khác chứ không lừa được bản thân mình."
Người học trò trầm ngâm, hướng về những con bò của mình, anh cẩn thận xem xét tất cả những hạn chế mà anh đã vận vào mình trong cuộc đời. Anh quyết định loại bỏ tất cả những niềm tin đã trói buộc anh vào một cuộc đời làng nhàng và tầm thường, cũng như đã ngăn cản anh thể hiện tiềm năng thật sự của mình. Ngày hôm đó như một cột mốc quan trọng trong cuộc đời người học trò. Từ nay, anh sẽ bắt đầu một cuộc đời mới, một cuộc đời không có bò.
NGÀY XƯA CÓ MỘT CON BÒ đã ra đời như thế đấy.
Bò là gì?
Theo quan điểm của tác giả, bò là một hình ảnh ẩn dụ, tượng trưng cho những điều đã trói buộc chúng ta vào cuộc sống tầm thường và ngăn cản chúng ta sống thật sự xứng đáng.
Bò được phân thành hai nhóm chính:
+ Nhóm các lời biện bạch bao gồm những lời bào chữa, những cái cớ và những lời nói dối đơn thuần.
+ Nhóm các thái độ hạn chế có xu hướng biểu trưng cho những nỗi lo sợ, những sự hợp lý hóa và các niềm tin sai lầm.
Các lời biện bạch:
Những lời biện bạch giải thích những điều chúng ta phải làm hay đáng ra nên làm. Chẳng hạn khi đến trễ bạn thanh minh rằng: "Xin lỗi vì tôi đến trễ. Bạn biết không, đường với sá! Đến là kinh!" Tuy nhiên điều khiến chúng ta đến trễ không phải chuyện giao thông mà là chúng ta đã không cố gắng đến đúng giờ, và để lấp liếm, chúng ta đưa ra lời biện bạch.
Rõ ràng chúng ta đã không thành thật với chính mình và thường không thành thật với người khác. Những lời biện bạch như trên dễ chấp nhận hơn sự thật là chúng ta đến trễ vì không thể dứt ra được mười lăm phút cuối cùng của chương trình ti vi ở nhà.
Có những trường hợp chính chúng ta cũng không tin lời biện bạch của chính mình. Chúng ta thừa biết những chuyện đó không đúng sự thật tí nào, chẳng qua đó chỉ là một cách dễ dàng để biện bạch cho sự tầm thường của chính mình và giữ thể diện cho mình ta thôi.
Nhưng như những con bò, chúng ta đang phải trả giá cho những lời biện bạch dễ nghe này, đó chính là việc chúng ta không dám đối mặt hậu quả của việc dám nói ra sự thật. Chúng ta hèn nhát biết bao.
Biện bạch là một cách nói: "Tôi sai, nhưng đó không thật sự là lỗi của tôi."
+ Tôi không thành công trong công việc vì tôi toàn gặp những ông chủ không đếm xỉa đến năng lực của tôi.
+ Tôi thi rớt vì giáo viên không cho chúng tôi đủ thời gian ôn bài.
+ Cuộc hôn nhân của tôi thất bại vì vợ/chồng tôi chẳng màng đến chuyện hiểu tôi.
Những lời biện bạch như trên cho phép chúng ta chuyền quả bóng trách nhiệm cho người khác, và vì thế, nó khiến chúng ta mất đi cơ hội sửa chữa những khó khăn thực sự mà chúng ta cần giải quyết.
Cuối cùng, đến một lúc nào đó, nó sẽ trở thành hiện thực của chúng ta, khiến chúng ta phải đối mặt với kẻ thù tồi tệ nhất của sự thành công: sự tầm thường.
Thường xuyên biện bạch cho một lỗi lầm chỉ làm cho lỗi lầm đó thêm trầm trọng hơn
Khi được nhiều người chia sẻ và được lặp lại đủ nhiều, những lời biện bạch trở thành thứ được chấp nhận một cách bình thường như một dạng lời khuyên uyên bác. Theo thời gian, nó được tạo thành khuôn mẫu và chuyển dạng thành những câu cách ngôn có vẻ sắc sảo và thâm thúy. Tuy vậy, nó chẳng qua chỉ là những ý kiến sai lầm kìm hãm chúng ta tiến lên. Chẳng hạn:
+ Tre già khó uốn
+ Trèo cao té đau
+ Làm ơn mắc oán
Chúng ta ngây ngô cho rằng được đúc kết từ kinh nghiệm ngàn đời của tổ tiên, những câu nói trên chắc hẳn chứa đựng một khuôn vàng thước ngọc nào đó nhưng thực ra những câu nói này trở nên phổ biến là tại vì chúng là những con bò được nhiều người chấp nhận mà thôi. Chúng có thật sự có giá trị hay chỉ là một lời bao biện phải lúc?
Câu thứ nhất hàm nghĩa đến một độ tuổi nhất định nào đó, chúng ta không thể học thêm được gì nữa. Đây chính là con bò của chúng ta. Những tư tưởng như vậy không chỉ khiến chúng ta cảm thấy bất lực mà còn bịt mắt chúng ta trước khả năng thay đổi, học hỏi và chấp nhận theo hướng tích cực.
Câu thứ hai lại giới hạn những tiềm lực, những khả năng của chúng ta. Theo đó, chúng ta không dám vươn tới những đỉnh cao vì sợ thất bại. Khi bám víu vào tư tưởng này, chúng ta chẳng khác gì đang sống trong ao tù, sẽ chẳng bao giờ vươn ra tới biển lớn để chiêm ngưỡng những điều tuyệt vời, lớn lao.
Câu thứ ba khiến chúng ta trở nên ngớ ngẩn vì tin rằng làm việc tốt chẳng những không được thưởng mà lại còn rước họa vào thân. Thật phi lý biết bao.
Vậy nên trước khi sử dụng những kinh nghiệm dân gian theo quán tính, hãy chắc chắn rằng chúng ta không ôm chặt những con bò như thế và các con khác nữa vốn không có mục đích nào hơn là khiến bạn chấp nhận và chịu đựng một cuộc sống tầm thường
Các thái độ hạn chế
Các thái độ hạn chế khoác trên mình một chiếc áo thực tế đến mức có thể khiến chúng ta an tâm và sống với nó như một người bạn đồng hành đáng tin cậy. Nhưng thực ra, chúng chỉ là những con bò đang kìm hãm chúng ta.
Sự sợ hãi là một trong những thái độ hạn chế mạnh mẽ nhất. Chúng làm tê liệt chúng ta, khiến chúng ta không thể làm gì khác hơn là đứng bất động khi thấy nó. Giải pháp duy nhất để chiến thắng đó là học cách hành động bất chấp nỗi sợ hãi, bất chấp cảm giác mình chưa đủ giỏi, hoặc sự lo lắng bồn chồn mà mình có thể cảm nhận. Hãy nhìn và sờ hai đầu gối của mình thử xem. Bạn có ít nhất vài cái sẹo đúng chứ. Một hoặc nhiều trong số đó là kết quả của việc hồi nhỏ bạn bị té xe đạp. Hãy nghĩ mà xem, nếu sợ té xe thì liệu bây giờ bạn có thể biết chạy xe đạp chưa. Hành động là cách chữa trị duy nhất.
Kẻ thù của "vĩ đại " là "tốt"
Những sự hợp lý hóa thường được sử dụng như một cách tiêu biểu trong nỗ lực thuyết phục người khác và thuyết phục mình rằng chuyện không quá tệ như vậy, mặc dù trong thâm tâm chúng ta biết rõ điều đó tệ hại đến mức nào. Để minh họa cho những con bò như thế này, bạn hãy đọc ĐỜI THỪA hay SỐNG MÒN của Nam Cao để chiêm nghiệm nhé.
Các niềm tin sai lầm về năng lực của chính mình, về người khác hoặc về thế giới mà chúng ta đang sống cũng ngăn cản chúng ta đạt được hoặc nhận ra niềm tin của mình. Trường hợp của Ê-đi-xơn là một ví dụ điển hình. Nếu như không có lời nói dối của người mẹ lúc 7 tuổi, liệu rằng lịch sử nhân loại có làm sao có thể ghi nhận một thiên tài với hơn 1000 bằng sáng chế.
Hiển nhiên, như chúng ta đã thấy, các con bò có những hình dạng và những cách ngụy trang khác nhau khiến chúng ta gặp khó khăn trong việc tìm thấy và nhận dạng chúng. Nhìn chung, mọi ý tưởng nào hạn chế năng lực của bạn và kiểm soát sự việc hoặc dọn đường cho bạn thoái thác trách nhiệm thực hiện công việc thì đó rất có thể là một con bò.
Ở đời có cái khôi hài là nếu bạn nhất định chỉ chọn cái tốt nhất, thì rất nhiều khả năng là bạn sẽ được như ý.
Nguồn gốc: bò ở đâu ra?
Chúng ta không bao giờ có ý định , hoặc ít ra là tự giác, bỏ cả cuộc đời mình để chăm sóc và nuôi dưỡng những con bò được bố mẹ truyền lại hay những con bò tự nhặt lấy trong cuộc sống.
Nghe có vẻ phi lí nhưng đa số lời biện bạch và các thái độ hạn chế mà chúng ta thừa nhận vốn là kết quả của những dụng ý tốt. Đằng sau mỗi hành vi, bất kể nó mang tính tự hủy thế nào, đều chứa đựng một ý định mang tính tích cực. Nói chung, chúng ta không ai lại chấp nhận những thói quen xấu để rồi làm hại chính mình. Chúng ta đơn giản chỉ tin rằng chuyện đó có lợi cho chúng ta theo một khía cạnh nào đó.
Làm sao có thể loại bỏ một con bò?
Hãy xét thử ba phạm trù: hoàn cảnh, giới hạn thể chất và con người.
Ở phạm trù thứ nhất: hoàn cảnh. Chúng ta thường cho rằng sở dĩ mình không thành công và thường xuyên thất bại là vì chúng ta gặp phải những điều kiện hoặc hoàn cảnh không thuận lợi vượt quá khả năng bản thân. Những thảm họa do thiên nhiên, sự xáo trộn của tình hình xã hội và kinh tế, nghịch cảnh của mỗi cá nhân đều có cơ hội để phát triển thành những con bò mập mạp. Nhưng thử nhìn vào đất nước Nhật Bản sau Đệ Nhị Thế Chiến, dân tộc Is-ra-el sau nhiều năm lưu lạc; nhìn vào Nick Vujicic hay gần hơn là thầy giáo Trương Vĩnh Ký, tôi tin rằng chúng ta sẽ có những cảm nhận khác hẳn. Bài học ở đây khá đơn giản: trong cuộc đời này, bạn có thể trở thành nạn nhân của nghịch cảnh. Bạn có quyền lựa chọn chấp nhận chịu đựng nó và sống một cuộc sống tầm thường, hoặc lựa chọn vượt lên trên nghịch cảnh và gặt hái thành công. Tất cả đều do bạn quyết định mà thôi.
Hãy cùng xem xét các giới hạn thể chất. Trong nhiều thập kỷ tranh giải O-lym-pic, cho đến trước năm 1954, người ta cho rằng không vận động viên điền kinh nào có thể chạy hết một dặm trong 4 phút. Với lẽ đó, kỷ lục 4 phút 1 giây 3 của vận động viên Gunder Hagg người Thụy Điển là không thể phá vỡ. Các bác sĩ nói rằng việc chạy một dặm dưới 4 phút là điều bất khả. Các nhà khoa học nói cơ thể con người không thể chịu nổi áp lực sinh ra khi chạy nhanh như vậy. cho đến ngày 6 tháng 5 năm 1954, Roger Bannister đã xô đổ kỷ lục trên và chạy một dặm dưới 4 phút. Sau khi Bannister nghiền nát kỉ lục này, các vận động viên đã nhìn ra được triển vọng. Trong một năm tiếp theo, 37 vận động viên phá vỡ rào cản. Năm tiếp theo nữa có 300 vận động viên khác làm được điều này. Ngày nay, ngay cả các học sinh trung học cũng có thể chạy hết 1 dặm trong vòng 4 phút. Rõ ràng ở đây không phải là những rào cản thể chất mà là những rào cản tinh thần ngăn cản các vận động viên phá vỡ kỉ lục. Trong chúng ta, ai cũng có những rào cản tinh thần. Một số người lựa chọn gỡ bỏ nó và giải phóng năng lực thật sự của mình, và bắt đầu làm được những việc trước đây từng bị coi là những ước mơ bất khả. Tất cả những gì chúng ta cần làm là xác định những niềm tin sai lầm đang kìm hãm mình và thay thế nó với những tư tưởng và niềm tin có thể làm chúng ta mạnh mẽ và tự tin hơn.
Đến phạm trù thứ ba: con người. Nếu bạn cho rằng chính người khác đã ngăn cản không cho bạn thi thố hết khả năng hoặc khiến bạn không đạt được mục đích thì bạn đã lầm. Không phải là người khác hoàn toàn không ảnh hưởng đến thành công hay thất bại của bạn. Có đấy, nhưng họ không bao giờ là nguyên nhân của những nhược điểm của chúng ta. Họ không phải là là người đổ lỗi cho sự tầm thường của mình. " Vì anh ấy mà tôi...", "Nếu tôi nhận được sự giúp đỡ của cô ấy thì..." Chuyện đơn giản thôi, thành công của bạn là 100% trách nhiệm của bạn. Nếu lúc nào cũng có sự ủng hộ và cổ vũ của người khác thì thật tốt, nhưng điều đó không tuyệt đối cần thiết. Liệu có ai đứng về phía Galileo khi ông công khai ủng hộ thuyết Nhật tâm?
Chúng ta phải biết rằng rất có thể mình đã được lập trình để chấp nhận và sống với sự tầm thường, tức là sống chung với những con bò của bạn. Việc nhận ra con bò nào đang ngăn cản bạn trên con đường tiến đến thành công và gạt bỏ nó là bước đầu tiên để kiến tạo một tương lai tốt đẹp, một cuộc sống không có bò. Muốn làm được điều này, chúng ta có thể áp dụng từng bước sau:
- Bước 1: Nhận diện những con bò của mình. Đây là điều khó làm nhất. Khi đối mặt với nhu cầu phải thay đổi, chúng ta thường có xu hướng tự vệ hoặc biện hộ cho tình huống hiện tại của mình để khỏi phải làm gì hết. Có hai lí do cho việc này. Thứ nhất: chúng ta thường có nhiều bò hơn là chúng ta chịu thừa nhận. Thứ hai: Một số người không hề biết đến những số lượng những lời biện hộ, biện bạch hay bênh vực mà họ sử dụng hằng ngày. Theo phần lớn bản tính của họ là họ không bận tâm về sự hiện diện của những con bò đó. Những con bò thường được lẩn trốn dưới những câu đại loại như:
+ Ước gì tôi có thể làm việc đó, nhưng...
+ Xin lỗi vì đã đến trễ, nhưng...
+ Giá như...
+ Thực ra vấn đề là...
+ Chuyện đó có ích gì nếu...
+ Đâu phải tại tôi...
- Bước 2: Xác định niềm tin sai lầm đang lẩn trốn sau mỗi con bò. Những lời biện hộ bạn đã nhận ra trong bước một chỉ là những triệu chứng. Bây giờ phải nhìn kỹ và chỉ ra các niềm tin sai lầm nằm sau mỗi lời biện bạch. Hãy tự vấn hỏi tại sao chúng xuất hiện trong danh mục đàn bò của bạn. Ai đã đưa chúng vào đó? Lần đầu tiên bạn biết chúng là tại đâu? Những niềm tin đó có chính xác không? Chúng có được căn cứ trên kinh nghiệm thực tiễn hay không? Chúng có hợp lý không hay chỉ là những nỗi sợ hãi phi lý?... Ví dụ việc bạn thường xuyên trễ hẹn không phải do kẹt xe hay liên quan gì đến mưa nắng, mà là kết quả của việc bạn bị lôi cuốn quá mức vào một điều gì đó. Mà điều này có thể là do bạn chưa có mục tiêu rõ ràng khiến chúng ta không thể tập trung được. Nếu bạn để đầu óc bị phân tâm, ba phải hay ôm đồn quá nhiều chuyện, bạn sẽ luôn bị trễ. Do đó giải pháp cho vấn đề đi trễ không đơn giản là đi sớm hơn 10 phút đối với các cuộc hẹn của mình, mà là dành thời gian nhận rõ các mục tiêu và ưu tiên thực hiện. Vì lẽ đó, nếu nhận ra một lời biện hộ không phản ánh một sự đánh giá đúng của hiện thực, hãy ngay lập tức loại bỏ nó ra khỏi từ vựng của mình. Bước thứ hai này sẽ giúp bạn, chỉ trong trong một lần thoát khỏi một nửa, hay hơn một nửa số lượng những lời biện bạch bạn đang cất giữ.
- Bước 3: Nghĩ đến việc bạn đang trả giá đắt cho mỗi con bò mà bạn đang bao che. Nhiều khi chúng ta bám víu vào những lời biện hộ hoặc niềm tin sai lầm vì không ý thức được những tác hại lớn lao mà chúng đem lại. Về mặt pháp luật, những lời biện bạch không phải là trọng tội nên chẳng ai trừng phạt bạn cả. Tuy nhiên chắc chắn bạn sẽ bị chúng trừng phạt và hình phạt dành cho bạn đó là bạn phải sống một cuộc sống tầm thường. Bạn hãy lập một danh sách tất cả những hậu quả tiêu cực mà những con bò bạn đang mang trước đây gây ra cho bạn. Bên cạnh đó, hãy viết ra tất cả những cơ hội bạn đã bỏ qua vì những lời biện hộ của mình. Hãy chỉ ra những thất bại bạn đã trải qua như là hậu quả trực tiếp của việc dung túng những lời biện bạch đó. Hãy viết một cách chi tiết những nỗi sợ phi lý đã đeo đẳng suốt cuộc đời bạn và bạn đã cho nó phát triển theo thời gian. Hãy nhớ rằng đau đớn và niềm vui sướng là hai động lực lớn nhất. Các quyết định và hành vi của chúng ta được xác quyết một phần vì những gì chúng ta muốn và những gì chúng ta sợ. Chúng ta luôn theo đuổi những gì làm cho chúng ta vui sướng và tránh né những gì làm cho chúng ta đau khổ.
Hãy đưa ra quyết định sống cuộc sống mà bạn muốn. Những dự định tốt đẹp và những mơ tưởng chỉ che dấu sự tầm thường. Bạn phải đưa ra quyết định và theo đuổi đến cùng.
- Bước 4: hãy lập một danh sách những kết quả tích cực mà bạn sẽ bắt đầu trải nghiệm như hiệu quả của việc bạn đã loại bỏ những con bò. Theo đó, hãy hình dung những cơ hội mới có thể được tạo ra như một kết quả của việc giải phóng tiềm năng thật sự của bạn. Bạn có thể học thêm những kỹ năng mới nào? Những cuộc phiêu lưu nào bạn có thể tham gia khi không còn bị bủa vây bởi những hành vi mang tính hạn chế? Những ước mơ mới mẻ nào bạn sẵn sàng theo đuổi khi không còn bị chối buộc trong sự tầm thường? Từ bỏ một con bò nghe có vẻ đơn giản nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng, cần có sự kỷ luật, toàn tâm và dứt khoát. Đôi lúc bạn sẽ thấy nản lòng và thậm chí có thể quay lại thói quen cũ. Những lúc đó, bạn phải cần đến sức mạnh để đứng lên và làm lại từ đầu bằng cách hãy nghĩ về những quả ngọt mà bạn sẽ gặt hái được khi từ bỏ những con bò.
- Bước 5: Thiết lập những khuôn mẫu hành vi mới. Bên cạnh mỗi con bò mà bạn đã chỉ ra, cần phải ghi ít nhất một việc cụ thể bạn cần làm để loại bỏ nó mãi mãi. Bạn cũng cần ghi chú bên cạnh rằng mình sẽ làm gì nếu nó lại xuất hiện. Ví dụ con bò của bạn là: "Tôi già rồi, tôi không làm được." Từ bây giờ trở đi, bất cứ khi nào muốn nói hoặc nghĩ như vậy, bạn cần chặn suy nghĩ đó ngay lập tức. Hãy nói rằng tôi sẽ tận dụng mọi hiểu biết và nhiều năm kinh nghiệm để nắm bắt vấn đề này thật nhanh và hành động ngay lập tức. Nếu tạo sẵn một phản ứng như vậy cho tất cả những con bò của mình, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra mình có thể loại bỏ hầu hết chúng. Và trong trường hợp tốt nhất, loại bỏ tất cả bọn chúng. VĨNH VIỄN.
Chúng ta trở thành tất cả những gì chúng ta nghĩ đến
Thay lời kết
Khi đọc hết cuốn sách, cảm giác đầu tiên tôi nghĩ đến đó là phải chi mình được biết cuốn sách sớm hơn. (Đấy, lại vừa có một con bò với hai từ "phải chi" rồi đấy). Tương tự như người học trò trong truyện, quyển sách cũng đã đánh một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời tôi. Tôi không nói quá đâu. Nó tác động rất lớn đến nếp sống, nếp nghĩ của tôi, ít nhất là vào thời điểm hiện tại. Nó gần như định lại các giá trị, quy tắc, chuẩn mực tôi đã theo đuổi bấy lâu. E hèm. Nói một cách triết học, tôi đã thường xuyên áp dụng "chủ nghĩa xét lại" sau khi gấp lại cuốn sách này.
Thuộc tủ sách PHÁT TRIỂN BẢN THÂN, quyển sách sẽ là một trải nghiệm thú vị, nếu như không muốn nói là hữu ích cho tất cả mọi người. Tôi dám khẳng định điều này. Bởi vì bất kỳ ai trong chúng ta, chắc chắn, ai cũng có những con bò của riêng mình đúng không?
*** Những hình ảnh được sử dụng trong bài viết được lấy từ internet
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất