Có những tuổi trẻ gắn liền với hoài bão, với cống hiến, với khát khao. Cũng có những tuổi trẻ leo lắt như ngọn nến chưa kịp sáng đã vội tắt. Nếu bạn là một người trẻ đang loay hoay hay vô định trong những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời, hãy đọc Nhật ký Đặng Thùy Trâm.
review-sach-nhat-ky-dang-thuy-tram


Đọc để hiểu về cuộc đời ngắn ngủi của một cô gái đã sống và chết rồi để lại một bức tượng đài cho thế hệ về sau. Dù có hàng chục, hay hàng trăm năm nữa, người ta vẫn nhắc về bác sĩ Đặng Thùy Trâm nơi tuyến đầu chống giặc như biểu tượng của tuổi trẻ anh dũng, kiên cường.

Về cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm

Nhật ký Đặng Thùy Trâm là cuốn sách tổng hợp lại ghi chép trong những cuốn nhật ký viết tay của nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, khi nghe tiếng gọi của Tổ Quốc, Thùy Trâm đã đăng ký vào Đức Phổ, Quảng Ngãi làm bác sĩ cứu thương. Giữa mưa bom bão đạn và những trận càn quét của địch, Thùy Trâm vẫn hàng ngày viết nhật ký để lưu lại những kí ức chiến tranh và cũng là những lời tự thoại với chính bản thân mình. Chị bộc bạch hết suy nghĩ, nhớ thương, mong chờ của mình ra những trang giấy trắng.

Cuối cùng, Đặng Thùy Trâm cũng như bao chàng trai, cô gái Việt Nam trong thời chiến, đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do. Cuốn nhật ký được nhặt bên thi hài của Thùy Trâm đã suýt bị người lính Mỹ ném vào lửa, nhưng một người phiên dịch đã khuyên anh ta nên giữ lại vì “trong đó có lửa”. Trải qua bao nhiêu năm lưu lạc, cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm đã tìm về đất mẹ và trở thành những dòng văn lay động trái tim của hàng triệu con người.

Nhật ký Đặng Thùy Trâm - cuốn nhật ký của một bông hồng thép

Cuốn nhật ký đã phơi bày thực tế tàn khốc của cuộc chiến tranh chống Mỹ. Cuốn sách giống như một thước phim đen trắng nhưng vô cùng sống động kể lại những trận đánh ác liệt của quân và dân ta.

Có những trang sách khiến người đọc phải rùng mình căm thù tội ác của giặc. Nếu đã đọc sách, bạn sẽ không thể quên được hình ảnh những người lính bị bom dội cụt tay, mất cả đôi chân hay bỏng toàn cơ thể.

Trên con đường giải phóng đất nước, Thùy Trâm đã tiếp xúc với anh em bộ đội và cả người thân của họ nữa. Có những người mẹ Việt Nam anh hùng tiễn con đi không có ngày trở lại, có những người vợ đã mất chồng và 3, 4 đứa con.

Những hy sinh trong chiến tranh hẳn người Việt Nam nào cũng đã từng được nghe qua các phương tiện đại chúng. Nhưng chỉ khi đọc Nhật ký Đặng Thùy Trâm, nghe những lời tâm sự của người con gái ngày đêm đối mặt với bom đạn, ta mới thấu được những khắc nghiệt đến kinh người của cuộc chiến tranh độc ác.

Đời sống nội tâm của cô bác sĩ trong Nhật ký Đặng Thùy Trâm

Cuộc chiến càng khốc liệt thì nội tâm người lính càng biến động phong phú. Cách xa gia đình hàng ngàn cây số, suốt mấy năm trời chẳng được đón giao thừa cùng mẹ cha. Là những lúc lòng hoang hoải khi chỉ sau một đêm thức giấc, các đồng chí đã vĩnh viễn ra đi, cả công sự đã bị giặc giã đến tiêu điều.

“..nhưng sao lúc này đây mình cảm thấy thèm khát đến vô cùng bàn tay chăm sóc của một người mẹ mà thực ra là một bàn tay của người thân hay tệ hơn chỉ là một người quen cũng được. Hãy đến với mình, nắm chặt bàn tay mình trong lúc cô đơn, truyền cho mình tình thương, sức mạnh để vượt qua những chặn đường gian khổ trước mắt”

Thùy Trâm vẫn thường tự nhận mình là cô gái tiểu tư sản với những tình cảm rất đỗi đời thường. Cuốn nhật ký đã làm sống lại những tâm tư của một cô gái đang trong độ tuổi đẹp nhất.

Càng tâm huyết với nghề bao nhiêu thì tình cảm Thùy Trâm dành cho bệnh nhân lại càng lớn bấy nhiêu. Giữa nơi núi rừng heo hút, Thùy Trâm vẫn dành tình cảm sâu sắc cho người em nuôi, đó chẳng phải tình cảm nam nữ thông thường mà còn là tình người, tình cách mạnh trao cho nhau trong những ngày gian khổ nhất.

Thùy luôn yêu Tổ Quốc, yêu Đức Phổ và nhớ về Hà Nội thân yêu. Đi đến nơi nào, Thùy cũng dành cho người dân những tình yêu nồng đượm, thứ tình cảm giản dị mà quả là xa xỉ trong cuộc sống hiện đại ngày nay.

Những con chữ lay động trái tim người đọc

Càng đọc đến cuối cuốn sách, tôi càng cảm thấy nặng lòng vì cuộc chiến đang vào hồi gay cấn và điều ấy có nghĩa cuộc đời Thùy Trâm sắp kết thúc. Cuốn nhật ký khép lại vào ngày 20.6.1970, những dòng chữ cuối cùng…

Chưa một lần run sợ, chưa một lần trốn chạy, Thùy Trâm cũng như bao thanh niên Việt Nam thời ấy, họ hy sinh khi chẳng ai biết mặt đặt tên.

Có một câu nói của bác sĩ Đặng Thùy Trâm mà đến nay vẫn đang truyền cảm hứng cho biết bao người “Đời người phải trải qua giông tố, nhưng không được cúi đầu trước giông tố”. Mỗi khi đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống này, hãy nhớ tới cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm để tiếp thêm cho mình động lực đứng dậy.

Lời kết

Thật khó để có thể kể lại cuốn nhật ký của một người khác. Hãy đọc Nhật ký Đặng Thùy Trâm để đưa mình sống lại quá khứ đau thương mà anh hùng, cứng rắn nhưng cũng không kém phần lãng mạn của người bác sĩ trẻ. Thùy Trâm ra đi khi mới 27 tuổi - cái tuổi đáng lẽ được tận hưởng trọn vẹn nhất những ngọt ngào của tình yêu và hạnh phúc. Thùy Trâm đã ra đi, nhưng ngọn lửa trong tim cô thì còn sống mãi. Cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm đã có một cuộc hành trình kì diệu, vượt qua không gian và thời gian để đến với người đọc chúng ta ngày hôm nay.

Xin mượn những câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm để thay cho lời kết:

Nhưng em biết không

Có biết bao người con gái, con trai

Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi

Họ đã sống và chết

Giản dị và bình tâm

Không ai nhớ mặt, đặt tên

Nhưng họ đã làm ra Đất Nước.