“Muôn kiếp nhân sinh” vẽ nên một bức tranh sinh động và đầy cảm xúc dành cho mọi độc giả khi đọc cuốn sách. Không chứa đựng những triết lý khô khan, cuốn sách là mạch câu chuyện mang lại hứng thú, khơi gợi sự tò mò và gây bất ngờ cho người theo dõi. Trong quá khứ, hiện tại và tương lai, kiếp nhân sinh không vì đi qua một đời người mà dừng lại. Sự ràng buộc giữa vạn vật trong vũ trụ và cuộc sống của con người luôn gắn bó mật thiết với nhau. Hãy cùng xem những thông điệp mà “Muôn kiếp nhân sinh” muốn gửi gắm.
Nội dung nổi bật trong cuốn sách “Muôn kiếp nhân sinh”
Mở đầu “Muôn kiếp nhân sinh” là cuộc đối thoại giữa vị hòa thượng – đại diện cho phía tâm linh và phía khoa học với đại diện là vị giáo sư, phi hành gia, Thomas và chính tác giả, bàn về sự vận động, biến đổi của cuộc sống, cũng như hoài nghi về chính những lý thuyết khoa học được xem là đúng.
Vạn vật đều thay đổi, tùy theo sự cạnh tranh và quá trình vận động mà có sự phát triển hay đi xuống, cuộc sống cũng vậy, khi đối mặt với sự thay đổi, ta thường chọn cách nào đối mặt? Liệu chúng ta có chấp nhận những lý thuyết khoa học ta tin tưởng bấy lâu nay là vô giá trị hay là bám lấy những quan niệm cũ và để bản thân mắc kẹt vào bánh xe thời gian?
Từ cuộc gặp gỡ tiền định đó vào năm 2008 tại Đài Loan, một bộ phim sống động về tiền kiếp của đời người hiện lên sống động trên từng trang giấy được tái hiện lại trong “Muôn kiếp nhân sinh”.
Luật Luân hồi, Luật Nhân quả, và quy luật Thành – Trụ – Hoại – Diệt
Trong “Muôn kiếp nhân sinh”, Thomas kể rằng một trong những tiền kiếp của mình đã từng sống ở lục địa Atlantis, được nuôi dưỡng và bao bọc trong một gia đình quyền quý. Atlantis, một vùng đất cổ xưa ở giữa Đại Tây Dương, cái nôi của nền văn minh được thuật lại như là nơi sống của những á thần, con người có thể lai tạo với các loài dã thú, và sự sáng tạo của họ khác xa và tiến bộ hơn rất nhiều so với bây giờ.
Tuy nhiên, “Muôn kiếp nhân sinh” cũng nêu ra rằng: mặc dù phát triển, nhưng bản chất con người nơi đây ngày càng suy thoái, sống theo bản năng, ích kỷ và bị dục tính chi phối.
Vì đời sống không có tình cảm, các quốc gia gây chiến với nhau, đàn áp và bóc lột một cách tàn bạo. Thomas cũng không thoát khỏi sự cám dỗ và không kiểm soát được chính bản thân mình, tham gia vào những trò man rợ, từng cá thể làm mục rữa cả một nền văn minh, đến cuối cùng, Atlantis bị chôn vùi bởi trận động đất. Thomas chết và ông đã thấy hối hận về những điều mình đã làm với nữ linh mục Kor, ông đã đặt trong tiềm thức của mình bài học về tình thương.
Atlantis bị chôn vùi, tuy nhiên, một số người đã may mắn được chọn để sống sót, tìm vùng đất mới để xây dựng lại nền văn minh của mình, đó là Ai Cập. Thomas tiếp tục câu chuyện về tiền kiếp của mình với vai trò là một vị Pharaoh vươn lên từ con của một nô lệ. Nhưng một lần nữa, Thomas và Ai Cập lại mắc phải những sai lầm như thời Atlantis, theo đuổi chiến tranh, lợi dụng tôn giáo, cưỡng đoạt của cải, xây dựng lăng mộ. Cuối cùng, bị xâm lược, tất cả chỉ còn lại sự đổ nát và nghèo đói, thời đại văn minh huy hoàng ngày xưa nay đã không còn.
Khi đọc “Muôn kiếp nhân sinh”, ta sẽ thấy rõ ràng về sự hiện hữu của Luật Nhân quả, những người ta gặp không phải duyên thì là nợ, những việc ta đã làm, hệ quả nếu không nhận ở kiếp này thì kiếp sau ta sẽ nhận. Nhận thức của ta hiện tại cũng từ kiếp trước mà thành. Nhưng trong quá trình tiến hóa, có người giác ngộ, có người vẫn cứ u mê không học được gì.
“Muôn kiếp nhân sinh” khẳng định Luật Luân hồi tồn tại, những người đã rút ra được những bài học sẽ được tái sinh ở thế giới khác và sống tiếp vai trò của mình ở trình độ cao hơn, những người chưa học được phải trải qua nhiều kiếp ở thế giới này, để học được những gì ta chưa học được, vòng luân hồi không bao giờ kết thúc, kéo dài và liên tục mãi mãi, những người bị lạc lõng bơ vơ tại đây phải trải qua quá trình đau khổ bất tận để chờ dịp tái sinh.
Bất kỳ một cá nhân, xã hội hay nền văn minh nào đều không tránh khỏi quy luật Thành – Trụ – Hoại – Diệt. Sinh ra, phát triển, suy vong và hủy diệt là nỗi sợ của nhiều người, mang nghĩa u ám, nhưng đó lại là vô thường. Điều ta cần qua quá trình Thành – Trụ – Hoại – Diệt chính là học được những gì ta chưa học, gánh những nghiệp ta đã gây ra, để mỗi cuộc đời là một sự tiến bộ, giống như Thomas phải trải qua hai kiếp để có được sự giác ngộ và hạnh phúc.
Bài học lớn lao về tình yêu thương thông qua câu chuyện xưa
Từ câu chuyện của Thomas, “Muôn kiếp nhân sinh” nhấn mạnh đến vai trò và sức mạnh của tình yêu thương. Giá trị cốt yếu của mọi tôn giáo đều đề cao tình yêu thương, trong giáo lý của Thiên Chúa Giáo, kính Chúa và thương người, sống trong sự bác ái và vị tha luôn là điều những điều răn quan trọng nhất, Phật giáo cũng vậy, tình yêu thương là không phân biệt và dành cho tất cả chúng sinh.
Vì sao tình yêu thương lại quan trọng đến vậy?
Câu chuyện luân hồi trong “Muôn kiếp nhân sinh” là câu trả lời thỏa đáng nhất. Ở những giai đoạn quan trọng nhất trong đời, khi lấy yêu thương làm gốc, thì sẽ đem lại một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tình yêu thương có sức mạnh vượt trên cả tri thức, nền văn minh, mọi cấp bậc và trí thông minh. Khi sở hữu trí thông minh và khả năng nhận biết từ chính sức mạnh nội tâm của mình, ta có được trí tuệ và khả năng khám phá, kết nối với vũ trụ và thần linh, điều đó đáng giá hơn là phụ thuộc quá nhiều vào thiết bị công nghệ như ngày nay.
Trong cuốn sách “Muôn kiếp nhân sinh”, tác giả cũng chỉ ra cách phát triển lòng yêu thương thông qua thiền định. Thiền định để tâm được bình an, tự tại, kiềm chế những thói quen độc hại, từ đó xóa bỏ bản ngã của mình. Tất cả đều hướng từ tâm, biết rõ nguồn gốc thiêng liêng của chính mình thì mọi câu hỏi sẽ được giải đáp.
Lời kết
“Muôn kiếp nhân sinh” thực sự đem đến một cái nhìn, một lối sống tốt đẹp hơn cho mỗi người. Ra đời vào dịp cả thế giới và lòng người đều trở nên hỗn loạn vì thiên tai và dịch bệnh, hy vọng rằng cuốn sách sẽ giúp bạn bình tâm lại để chiêm nghiệm về cuộc sống, về những giá trị mà chúng ta có thể mang lại nếu thay đổi cách nhìn nhận và suy nghĩ. Hãy học cách yêu thương nhiều hơn, cho đi nhiều hơn, mong bạn được hạnh phúc ngay trong kiếp này.