“...Câu trả lời không luôn luôn đến khi cần, và câu trả lời khả dĩ duy nhất vẫn thường có là hãy đợi nó.”
“Mù loà” được bắt đầu bởi một người đàn ông đột nhiên hoá mù khi đang lái xe trên đường về nhà, ông sững sờ và tuyệt vọng gào lên, Tôi mù, tôi mù, trong sự xôn xao những lời nhiếc móc, tiếng còi xe inh ỏi từ hàng dài dòng người ở phía sau. Đó chính là khởi đầu cho căn bệnh “mù trắng” - đường đột, bất ngờ và không một lời báo trước. Thế giới “người mù" mà José Saramago xây dựng hỗn mang và đầy thú tính, bao quanh bởi độc một màu trắng xoá cùng mùi xú uế bốc lên nồng nặc, với những người bi quan nhất đó cũng chính là mùi cái chết đang đến gần. 
Sau một thời gian ngắn kể từ khi người đàn ông đầu tiên bị mù, căn bệnh “mù trắng” lây lan nhanh chóng như một loại vi rút mà không ai có thể giải thích được. Chính phủ phải ra sắc lệnh cách ly hoàn toàn những người mù và những người đã từng tiếp xúc với người mù đến một bệnh viện tâm thần bị bỏ hoang, được trông coi nghiêm ngặt bởi lực lượng an ninh. Những người mù bước vào đây với tâm thế hoang mang nhưng đồng thời hoàn toàn tin tưởng chính phủ sẽ nhanh chóng tìm ra loại thuốc nào đó giúp họ thoát khỏi căn bệnh khó hiểu này, họ hoàn toàn không biết được những gì sắp xảy đến với cuộc đời mình ở phía trước. 
“Mù loà” không phải là tiểu thuyết kinh dị nhưng khi đọc nó, tôi không khỏi rùng mình run sợ đến lợn giọng trước cảnh hàng trăm người mù sống cùng nhau từ người già, phụ nữ đến trẻ nhỏ trong tình trạng: không có nước để tắm rửa, thức ăn được cung cấp một cách bị động từ bên ngoài, nhà vệ sinh mất dần chức năng vốn có của nó khi những người mù phóng uế ra bất kỳ đâu họ đang đứng. Dần dần những con người tri thức hiện đại tinh tươm trước đây biến mất, thay vào đó là những “bóng ma” rách rưới, bẩn thỉu cộng với mùi hôi thối của cơ thể sau nhiều ngày liền không tắm rửa. Chưa hết bàng hoàng thì tôi đã hoàn toàn bị đánh gục trước cảnh một lũ đàn ông đói khát nhục dục sờ soạng thô bạo cơ thể của những người phụ nữ trong tiếng hét van lơn tuyệt vọng của họ. Cảnh tượng đó hãi hùng đến mức khi ngồi gõ những dòng này tôi vẫn không khỏi run rẩy và ghê tởm. 
Trong hoàn cảnh đáng sợ đó, có một người phụ nữ đã chứng kiến tất cả. Bà không có tên như toàn bộ các nhân vật khác, mọi người gọi bà là vợ của bác sĩ. Bà bằng một cách lạ lùng nào đó là người duy nhất nằm ngoài phạm vi của căn bệnh “mù trắng”, bà nói dối cơ quan chức năng là bà bị mù để được theo chồng bà đến đây. Có thể ai cũng nghĩ bà là người may mắn khi con quỷ dữ mù loà không tìm đến bà, bà vẫn còn đôi mắt sáng để nhìn đời. Nhưng ai nào biết đó là cơ may hay bất hạnh khi thế giới tận thế đang tới gần. Bà bất lực chứng kiến những con người đồng loại bộc lộ cái thú tính bị giam hãm bấy lâu nay, bà cố gắng gồng mình để kìm hãm những con thú đó nhưng nó quá mạnh mẽ, quá tàn bạo đến nỗi bà ước gì mình cũng hoá mù để không phải chứng kiến tất cả sự kinh tởm đó. 
“Mù loà" khắc hoạ một bức tranh phơi bày toàn bộ bản chất tha hoá xấu xa của con người nhưng đồng thời cũng ca ngợi vẻ đẹp của sự thiện lương, sự yêu thương đùm bọc lẫn nhau qua bộ phận các nhân vật: bác sĩ, vợ bác sĩ, người đàn ông mù đầu tiên, cô gái đeo kính đen,... Họ che chở bảo vệ nhau tìm cách để sinh tồn nhưng vẫn không hề đánh mất đi bản chất tốt đẹp vốn có của họ. Cuốn sách này hoàn toàn không dễ đọc, khi các lời đối thoại của nhân vật không cách xuống dòng mà được phân biệt bằng dấu chấm và phẩy. Các nhân vật hoàn toàn không có tên, thay vào đó họ chỉ được gọi bằng cái danh xưng ban đầu mà họ có. Bạn có thể gặp trúc trắc lúc ban đầu để làm quen với cách viết của tác giả, vì suy cho cùng đây là tác phẩm của tác giả đoạt giải Nobel văn chương nó sẽ khác biệt theo một cách nào đó, nhưng khi vượt qua được rồi tôi cá là bạn sẽ hoàn toàn đắm chìm vào câu chuyện cho đến những trang cuối cùng.