Sau khi các làn sóng của chủ nghĩa nữ quyền [1] dần đi qua, một bộ phận những người đấu tranh cho quyền phụ nữ ở Mỹ dường như chẳng còn nhiều thứ để làm, nên đành phải ngồi xét lại các tiêu chuẩn kép như “đàn ông hay phụ nữ nên là người chi trả cho buổi hẹn đầu tiên” [2], thậm chí là tranh cãi về những chi tiết rất nhỏ nhặt của đời thường như “đàn ông có nên hạ nắp ngồi bồn vệ sinh xuống sau khi sử dụng”[3]. Trong công cuộc nối dài chủ nghĩa nữ quyền không ngừng nghỉ ấy, dường như họ quên mất rằng từ phía bên kia chiến tuyến, có nhiều đấng mày râu đang trải qua những vấn đề nghiêm trọng thực sự, mà nguyên nhân của những vấn đề này không đâu xa lạ – chính là “tác dụng phụ” từ chiến thắng của chủ nghĩa nữ quyền.
Đã có những thống kê chỉ ra rằng, ở Mỹ, song song với sự gia tăng về mức độ hài lòng của phụ nữ trong hôn nhân là sự suy giảm về số lượng đàn ông kết hôn [4]; và trong khi số lượng sinh viên nữ ở các trường đại học tăng dần thì số lượng nam sinh lại không ngừng giảm [5].
Mặt khác, ghi chép về những vụ tố tụng tư pháp liên quan đến hiếp dâm, quấy rối tình dục hay nghĩa vụ làm cha đã làm hé lộ những bất cập của hệ thống pháp lý Hoa Kỳ trong việc đảm bảo những quyền lợi cơ bản cho người đàn ông.
Truyền thông không ngừng nuôi dưỡng các định kiến cổ hủ về đàn ông trong văn hóa đại chúng bằng cách bịa tạc hoặc đào sâu vào khai thác các mặt xấu như sự gia trưởng, thói bạo lực hay tính dâm dục. So với vấn đề “sau khi sử dụng bồn vệ sinh, đàn ông nên hạ nắp ngồi xuống hay phụ nữ nên nâng nó lên”, thì những gì được nói trên đây hầu như ít giành được sự quan tâm đúng mực từ phía phụ nữ và cả những người vận động cho nữ quyền.
Lúc này, mặc dù đã có những tiếng nói được cất lên như của Warren Farrell, Kay Hymowits, Glenn Sacks, Kathleen Parker, Michael Kimmel, hay Hanna Rosin, nhưng Helen Smith – một nhà tâm lý học pháp y và một blogger viết về nam quyền và các vấn đề của nam giới, lại cho rằng những tiếng nói ấy vẫn chưa tiếp nhận một cách khách quan ý kiến của nam giới và vẫn mang tinh thần cách mạng thiếu triệt để, chưa đủ sức xúc tiến những thay đổi lớn trong xã hội. Và năm 2013, Helen Smith cho xuất bản Men on Strike: Why Men Are Boycotting Marriage, Fatherhood, and the American Dream – and Why It Matters với kì vọng nó sẽ trở thành một tuyên ngôn cách mạng của những người đấu tranh cho nam quyền.
Cuốn sách này gồm 6 chương, nội dung khái lược của mỗi chương như sau:
CHƯƠNG 1: THE MARRIAGE STRIKE – WHY MEN DON’T MARRY
Sau trình bày các số liệu về thực trạng suy giảm số lượng đàn ông tham gia vào đời sống hôn nhân ở Mỹ, Helen Smith lí giải thực trạng này thông qua ý kiến của các chuyên gia lẫn ý kiến của chính những người đàn ông trong cuộc.
CHƯƠNG 2: MY BODY, MY CHOICE – YOUR BODY, NO CHOICE.
Trong chương này, Helen dẫn ra các cứ liệu chứng minh rằng các bất cập của hệ thống pháp lí hiện tại đã tước đoạt quyền tự do lựa chọn của đàn ông trong việc sinh con cũng như trong việc thực hiện các nghĩa vụ của người cha đối với con cái của mình.
CHƯƠNG 3: COLLEGE STRIKE – WHERE THE BOYS AREN’T
Chương này nói về sự thoái lui của nam giới trong môi trường học đường, cụ thể là các trường đại học và chương trình đào tạo sau đại học. Lý giải mà Helen nêu ra là đã và đang có một sự phân biệt đối xử trong nội quy lẫn văn hóa trường học gây bất lợi cho cánh mày râu. Và điều này cũng dẫn đến các hệ lụy như mất căn bằng giới ở thị trường lao động.
CHƯƠNG 4: WHY DOES DAD STAY IN THE BASEMENT
Các thành kiến của xã hội đã khiến nam giới bị hiểu lầm, chịu nhiều áp lực tâm lý và điều này dẫn đến nhiều bi kịch xã hội không đáng có. Tuy nhiên, các không gian sinh hoạt dành riêng cho nam giới – nơi họ giải tỏa áp lực tâm lý – lại bị giải thể, hoặc thu hẹp về phạm vi do vấp phải sự lũng đoạn của các tổ chức về nữ quyền. Điều này khiến các ẩn ức tâm lý của họ không có hướng giải thoát và khiến tình hình càng xấu đi.
CHƯƠNG 5: WHY IT MATTERS?
Trong chương này, Helen giải thích vì sao bà cho rằng sự bất công và phân biệt đối xử hiện nay đang gây ra mất ổn định trong cấu trúc xã hội và dẫn đến sự suy thoái của giống loài.
CHƯƠNG 6: FIGHTNG BACK, GOING GALT OR BOTH?
Cuối cùng, Helen Smith đề xuất các chiến lược và giải pháp để cải thiện tình hình của hiện tại và mang lại quyền lợi cần có cho nam giới.
Một trong những phê bình thường gặp nhất về cuốn sách này là dẫn chứng mà nó đưa ra hầu hết chỉ là các dẫn chứng mang tính giai thoại [6]. Thậm chí, một số còn cho rằng cuốn sách này chỉ là một sự góp nhặt, chắp vá của các nghiên cứu thuộc nhiều nguồn khác nhau nhằm chứng minh quan điểm của cá nhân tác giả. Tuy nhiên, hầu hết đều xem cuốn sách này như là một tín hiệu đáng mừng trong việc hệ thống hóa và làm rõ các vấn đề gây tranh cãi hiện nay của nước Mỹ, một phát súng đầu tiên khơi mào cho các thảo luận công khai, minh bạch về bình đẳng giới giai đoạn hậu nữ quyền.
Bản thân Helen Smith cũng đã thừa nhận thẳng thắn rằng cuốn sách này không phải là một nghiên cứu học thuật, mà là một luận văn kêu gọi hành động. [7]
Và với tư cách là lực đẩy tiến bước trên chặng đường còn chưa hoàn tất hướng đến bình đẳng con người, bất kể là về chủng tộc hay phái tính, cuốn sách này của Helen Smith là một cuốn sách thực sự nên đọc.


Link sách: https://www.amazon.com/Men-Strike-Boycotting-Marriage-Fatherhood/dp/1594037620 (Các bạn nếu muốn đọc có thể liên hệ mình gửi file.)
TƯ LIỆU THAM KHẢO:
[1] Hầu hết các tài liệu thống nhất việc phân chia các giai đoạn của chủ nghĩa nữ quyền thành ba giai đoạn, gọi là ba làn sóng của chủ nghĩa nữ quyền (The three waves of feminism)
[2] Từ bài Chivalry but equality: the feminist double-standard trên trang A voice for men: https://www.avoiceformen.com/…/chivalry-but-equality-the-f…/
[3] Từ bài Should men put the toilet seat down when they’re finished? trên trang The Telegraph: http://www.telegraph.co.uk/…/Should-men-put-the-toilet-seat…
[4] Helen Smith, Men on strike, Chương 1: The marriage strike – why men don’t marry, trang 2-3.
[5] Helen Smith, Men on strike, Chương 3: College strike – where the boys aren’t, trang 66-67
[6] Từ bài Review của trang Publishers Weekly: http://www.publishersweekly.com/978-1-59403-675-0
[7] Từ bài Review của Masha Rifkin trên trang The American Interest: https://www.the-american-interest.com/…/why-men-are-going-…/