Nếu bạn đang cảm thấy bản thân vô cùng lười biếng, luôn cảm thấy uể oải chán chường trước những công việc mới, những bài tập mới được giao, luôn tìm cơ ngụy biện cho sự chây ì của mình, và thậm chí nếu bạn là một người luôn trễ deadline, thì bạn đang dần trở thành, hay tồi tệ hơn, bạn đã trở thành một “ông vua trì hoãn”. Nếu vậy, việc bạn cần làm ngay lúc này đây chính là tìm cách lật đổ thói trì hoãn chây ì của bản thân. Và cuốn sách “Lật đổ ông vua trì hoãn” của nhóm tác giả OOPSY có thể sẽ là một gợi ý không tồi cho bạn đấy!


Cuốn sách “Lật đổ ông vua trì hoãn” là một đứa con tinh thần của nhóm tác giả OOPSY- một cộng đồng những người đam mê tâm lí học và tâm lí trị liệu, dành riêng cho người Việt. Với phong cách sketchnote và những hình ảnh minh họa cùng các nhân vật như đang đọc một cuốn truyện tranh, bạn sẽ không có cảm giác áp lực vì phải “đọc sách” để bỏ được thói trì hoãn của bản thân bởi khi cầm cuốn sách trên tay, bạn sẽ có cảm giác như đang đọc truyện để giải trí vậy. Đây chắc chắn là một điểm cộng khá to cho cuốn “truyện” này phải không?
Ngay khi mở quyển sách ra, bạn sẽ thấy phần giới thiệu nhân vật Thắng- nhân vật chính xuyên suốt toàn bộ câu chuyện và lí do tại sao Thắng lại dần trở thành một ông vua trì hoãn. Thắng được giới thiệu là một nhân viên công sở điển hình sống ở đô thị:
“Thắng thích dùng thì giờ một cách lộn xộn, luôn trễ deadline với đủ lời ngụy biện khuất lấp, và tự trào rất hay ho rằng: “Đây là cách ta chống lại các áp lực ngoài kia”
Anh thường lên mạng lướt facebook, xem những bộ phim vui vẻ, hoặc lên Skype chat với bạn bè,… cho đến khi công việc dồn đống và ứ đọng thành một ngọn sóng cao vút đổ ụp xuống đầu anh. Lúc ấy Thắng lại lặn ngụp một cách chậm chạp và loay hoay trong biển deadline, làm làm một lúc rồi lại nghỉ ngơi ngơi nghỉ”
 Mình nghĩ chắc chắn các bạn sẽ tìm thấy một vài điểm chung giữa bản thân và Thắng nếu các bạn đang bị thói trì hoãn ngự trị. Nếu vậy thì chúng mình ngại gì không đọc tiếp để tìm hiểu xem tại sao Thắng có thể thành công “lật đổ ông vua trì hoãn” để rồi tự tìm cách bắt chước Thắng vượt qua cái tật xấu đó?
Toàn bộ quyển sách bao gồm ba chương lớn:
Chương 1: Vua trì hoãn- Nông nỗi do đâu?
Trong phần giới thiệu của chương một, nhóm tác giả nêu ra ba nhân tố “mấu chốt của mọi mấu chốt”, “nguyên nhân của mọi nguyên nhân” “giúp” cấu thành tính trì hoãn. Đó là Thân thể, Tâm lí và Trí tuệ. 
“Không có gì ngạc nhiên, bởi dường như mọi nguồn cơn bất hạnh và vui sướng của cuộc đời chúng ta đều khởi sinh từ ba nhân tố này, chúng “quấn quít”, ảnh hưởng và kích động lẫn nhau.”

Với ba yếu tố chính như vậy, quyển sách đưa ra bảy lí do của kẻ trì hoãn khi đứng trước công việc để khiến hắn dần trở thành một ông vua trì hoãn.
Về yếu tố thân thể, theo nhóm tác giả, chúng ta thường cảm thấy uể oải trước hàng đống công việc, deadline trước mắt trong khi lại thừa sức đi làm mấy chuyện rảnh rỗi như: lướt mạng xã hội( Facebook), tán dóc hàng giờ với bạn bè ở quán cà phê. Vậy tại sao chúng ta lại cảm thấy như thế? Cuốn sách kết luận nguyên nhân là do sự khó kiên nhẫn của thân thể- kết quả của một quá trình thân thể bị “thiếu rèn luyện” trong một khoảng thời gian dài. “Rèn luyện” ở đây có nghĩa là “thói quen sống lành mạnh”.
Điều làm mình thực sự ưng ý về quyển sách này đó chính là nhóm tác giả đã đưa ra cho mọi người thấy sự cần thiết của lối sống lành mạnh. Đồng thời giải thích cho mọi người thế nào mới là “sống lành mạnh” và điều đó có ích như thế nào đối với cuộc sống của mỗi chúng ta. Có thể bạn sẽ thay đổi cách nhìn của mình về một lối sống tốt hơn cho bản thân với quyển sách này đấy!
Ngoài ra, tâm lí ngại việc cũng đóng một vai trò không hề nhỏ trong sự ‘tha hóa’ của mỗi người. Chúng ta khi sống và làm việc trong môi trường không có sự đổi mới, lúc nào cũng lặp đi lặp lại thì sẽ nảy sinh tâm thế chán nản, mất đi động lực ban đầu và rồi cuối cùng sẽ mất đi khái niệm về sự cống hiến. Dần dà, tâm lí sẽ có xu hướng trì hoãn tất cả mọi thứ, tất cả chỉ bởi vì nó tồn tại mà không có mục đích cao cả nào để hướng tới, nó chỉ tồn tại theo đúng nghĩa đen mà thôi.
Nhóm Oopsy cũng nêu ra những lí lẽ “thiên tài” của kẻ trì hoãn mà có lẽ ai đọc cũng phải tự ngẫm lại bản thân mình xem có những khi nào mình đã sử dụng những cái lí lẽ này chưa.

1.”Tôi không có thời gian”
2. “Để sau cũng được”
3. “Tôi không có hứng”
4. “Việc đó chẳng quan trọng lắm”
 
 Đây có phải là những câu nói bạn tự nhủ thầm khi có một công việc được giao đến tay? Nếu vậy thì bạn cần phải nghiêm túc xem xét lại bản thân mình kẻo có ngày ẵm về tay ngôi “vua trì hoãn” như anh chàng Thắng trong câu chuyện này đấy!

Vậy làm thế nào để có thể đánh bay sự trì hoãn đang ngự trị trên đầu chúng ta đây? Việc đầu tiên cần phải làm đó là :


Chương 2: Lật đổ ông vua trì hoãn
Chương hai của muốn sách gợi ý 16 mẹo nhỏ giúp chúng ta có thể “lật đổ ông vua trì hoãn” cùng những hình ảnh minh họa hết sức sinh động và “dễ thương” giúp chúng ta có động lực để “xách mông lên và đá bay thói trì hoãn” ngay lập tức!!! Hơn thế, sau mỗi mẹo được đưa ra, tác giả còn để một phần tổng kết rất chi ngắn gọn để bạn có thể ghi nhớ và thực hành tốt hơn đấy!
16 tips của Oopsy được phân loại ra thành 5 phần việc mà bạn phải làm để có thể soán ngôi vua trì hoãn.
Điều đầu tiên và cũng là cấp thiết nhất chính là phải “hiểu mình”
“ Những nguyên nhân của thói trì hoãn đều bắt nguồn từ trong chúng ta. Vậy nếu muốn từ bỏ thói trì hoãn một cách căn bản nhất, chúng ta phải bắt đầu cải sửa từ chính mình”

“Có sức khỏe là có tất cả”, ngay từ tips đầu tiên, quyển sách đã đưa ra một vài phương thức ngắn gọn, đơn giản mà chất lượng giúp bạn đọc cải thiện sức khỏe bẻ khóa trì hoãn. Qua đây, bạn sẽ biết được điều gì là tốt và điều gì là không tốt cho lối sống của mình. Lối sống lành mạnh là một điều vô cùng cần thiết giúp cho chúng ta có một nhịp sinh hoạt hợp lí và một cuộc sống tràn trề sức sống.
Tiếp theo đấy chúng ta cần phải học cách sắp xếp công việc một cách hợp lí. Oopsy khuyên chúng ta nên tự tìm cho mình khoảng thời gian mà bản thân cảm thấy tập trung nhất để rồi từ đó lập ra thời gian biểu cho bản thân theo thứ tự ưu tiên công việc quan trọng nhất và thời gian gấp gáp nhất. Sau khi đã có thể lập ra thời gian biểu theo “chuẩn” khung thời gian của bản thân thì bạn cần phải học cách xử lí từng việc một. Quy tắc 40-60 và 1-1-1-1 “thần sầu” của Oopsy chắc chắn sẽ giúp bạn đọc giải quyết được nan đề:”Làm sao để hoàn thành công việc trước deadline mà không tốn nhiều sức lực?”
Hiểu được bản thân mình rồi thì chúng ta cũng cần phải “hiểu công việc” để có thể làm việc một cách trơn tru mà không bị thói trì hoãn cản lại.
Để hiểu công việc thì ta nên bắt đầu từ đâu? Quá đơn giản, chúng ta cần phải bắt tay ngay vào việc lập ra quy trình của riêng mình. Toàn bộ những bước để lập ra một quy trình làm việc đơn giản và hiệu quả đã được giải thích chi tiết và dễ hiểu cùng với những ghi chú nho nhỏ giúp cho việc tạo ra một bản “kế hoạch” cho riêng mình trở nên “dễ ăn” hơn rất nhiều đấy!
Ngoài ra, quyển sách còn đưa ra mô hình nổi tiếng “Ma trận Eisenhower”, cũng đồng thời lấy Eisenhower làm ví dụ cho tính hiệu quả của việc lập quy trình làm việc cho chính mình. Cá nhân mình đã biết đến mô hình này từ trước nhưng thực sự là chỉ sau khi đọc xong những gì Oopsy giải thích thì mình mới biết cách tận dụng tối ưu cách lập kế hoạch rất “hay ho” này. Sau khi đã sắp xếp công việc ở đúng cái “giỏ” của nó thì những gì mình cần làm ngay lúc này chỉ là nhặt từng cái giỏ lên và thực hiện nó. Khá là hay phải không nào?
Những mẹo tiếp theo trong mục này dạy mình cách “ghép nhóm” những công việc có thể làm cùng nhau hoặc gần nhau để tiết kiệm thời gian và sức lực. Đồng thời việc đặt ra những mục tiêu cụ thể cũng như miêu tả lại nó bằng ngôn từ tích cực hơn sẽ là một cách để chúng ta có thể tránh được tâm lí “ngại việc” đang lảng vảng đâu đây đấy!
Để giúp thúc đẩy tinh thần làm việc, chúng ta có thể tự đặt ra những deadline cho bản thân. Từ những gì Oopsy gợi ý, mình có thể tạo ra những deadline nhỏ hơn để dần dần đưa mình đến cái đích cuối cùng là hoàn thành công việc trước cái deadline mà sếp hay thầy cô giao cho mình. Có thể nói là phương pháp giải quyết công việc được đề cập trong quyển sách này hoàn toàn có thể giúp chúng ta vượt qua được những việc mà chúng ta cần làm nhưng không có đủ động lực để mà bắt tay vào.

“Không cần thì thôi nhé” là phần tiếp theo trong chương này.

“Khi leo núi, mang càng ít đồ trong balo thì bước đi càng nhanh và càng đi được xa. Quá trình phá bỏ sự trì hoãn cũng vậy, biết điều gì cần giữ và điều gì cần bỏ là một trong những mấu chốt để sẵn sàng tiến bước tới mục tiêu”
Cũng giống như các phần trước, trong tips thứ 9 này, nhóm tác giả đưa ra những cách loại bỏ những thứ không cần thiết để tối ưu hóa mọi công việc, giúp chúng ta hoàn thành mọi công việc mà không bị phân tâm và tốn thời gian vô ích.
Ngoài việc loại bỏ những việc không cần thiết, chúng ta còn phải tạo ra một không gian làm việc tránh gây xao lãng cho bản thân. Mình rất ấn tượng với cách mà nhóm tác giả Oopsy chia môi trường xung quanh thành hai mảng. Một là môi trường bên trong, hai là môi trường bên ngoài chúng ta. Mỗi một môi trường lại có những cách loại bỏ thứ gây xao lãng khác nhau nhằm giúp bản thân có hiệu suất làm việc cao nhất có thể.
Lại tới một phần mới, cuốn sách đưa ra phương pháp “quả cà chua” hay còn gọi với cái tên quen thuộc Pomodoro- chia thời gian làm việc thành những khoảng thời gian bằng nhau, xem giữa là thời gian nghỉ ngắn giữa các phiên làm việc. Những cách áp dụng Pomodoro được giải thích rất chi tiết trong cuốn sách với hình minh họa thú vị sẽ gây ấn tượng với bạn đấy!
Mọi người ai cũng biết đọc là một kĩ năng quan trọng trong cuộc sống thường ngày và đặc biệt là trong công việc của mỗi người. Mình thấy khá ưng ý cuốn sách này bởi nó đã hướng dẫn rất sinh động và cụ thể làm thế nào để đọc nhanh và đọc hiệu quả, khi nào chúng ta cần đọc nhanh và khi nào thì cần đọc hiệu quả.
Phần cuối cùng của chương hai mang tên “Kế hoạch chiến thắng trì hoãn”

Đây là những chiến thuật để áp dụng một cách lâu dài sau khi đã áp dụng tất cả các tips các mẹo trước để tạm thời đấu tranh với sự trì hoãn.
Một trong những cách được nêu ra đó là tuyên bố với “cả thế giới” rằng mình sẽ chịu trách nhiệm cho những tuyên bố của mình. Điều này giúp bạn có động lực để hoàn thành hết những mục tiêu mà mình đặt ra hay những phần việc mà mình được giao phó. Lí do được đưa ra cho “động lực” vô hình này chính là quy luật bất định của Heisenberg được Oopsy suy ra là:
                                 
                                    “Khi bị quan sát, con người thay đổi”
Tips cuối cùng mà Oopsy đưa ra đó chính là chúng ta phải thực hiện “soán ngôi vua trì hoãn” trong 100 ngày. Cá nhân mình rất thích tips này bởi nó giúp cho việc lật đổ thói trì hoãn thực sự trở thành một thói quen, một “cơ chế tự động” đối với bản thân mình. 100 ngày có vẻ dài thật đấy nhưng mà Oopsy đã làm điều đó giảm bớt một chút với những mẹo mà chúng ta có thể áp dụng mà không hề cảm thấy chán nản.
Chương 3: Trì hoãn tích cực- Động lực bay cao
Chương ba, cũng là chương cuối của cuốn sách, đưa ra một vài khía cạnh tích cực của việc trì hoãn trong cuộc sống thường ngày cũng như một vài lời động viên, khích lệ giúp bạn vượt lên chính mình.
Parkinson đã từng nói:
 “Work expands so as to fill the time available for its completion” (Công việc luôn tự mở rộng ra để chiếm đủ thời gian được ấn định cho nó).
Bởi vậy, sự trì hoãn đôi khi có thể trở thành động lực để giúp chúng ta hoàn thành công việc trong một thời gian ngắn nhưng vẫn đảm bảo đúng chất lượng cần đạt tới. Tuy nhiên làm thế nào để có thể biết đâu là trì hoãn tích cực và đâu là trì hoãn đem lại kết quả tồi tệ? Hãy đọc cuốn sách “Lật đổ ông vua trì hoãn” để trở thành một phiên bản tốt hơn của chính bạn nhé!