“Lối sống tối giản của người Nhật” là cuốn sách được tặng từ một người bạn thân, và tôi rất biết ơn cậu ấy vì đã tặng tôi cuốn sách này. Đọc tựa đề của cuốn sách, tôi nghĩ cuốn sách đơn giản nói về lối sống tối giản của những con người tại đất nước Nhật Bản và cách họ sắp xếp lối sống như thế nào. Nhưng khi thực sự cầm lên và đọc hết cuốn sách, tôi mới nhận ra nó không chỉ giúp bản thân biết lược bớt và sử dụng đồ đạc một cách hợp lý, mà còn tối giản trong cách suy nghĩ và cảm nhận được niềm vui thực sự trong cuộc sống.
review-cuon-loi-song-toi-gian-cua-nguoi-nhat-revisach.com


Tác giả cuốn sách “Lối sống tối giản của người Nhật”

“Lối sống tối giản của người Nhật” được viết bởi tác giả Fumio Sasaki. Tác giả sinh năm 1979 tại tỉnh Kagawa, hiện đang sống tại Tokyo, Nhật Bản. Fumio Sasaki là một biên tập viên của một nhà xuất bản, anh không phải là một chuyên gia về lối sống tối giản, chỉ là một người thường xuyên bị căng thẳng và liên tục so sánh mình với người khác khi sống trong căn hộ bừa bộn và chất đầy đồ đạc của mình. cho đến một ngày vào năm 2010, anh quyết định thay đổi cuộc sống của mình bằng cách nói lời tạm biệt với mọi thứ mà không hoàn toàn cần đến.

Về cuốn sách “Lối sống tối giản của người Nhật”

Cuốn sách “Lối sống tối giản của người Nhật” có tựa đề tiếng Anh: Goodbye, Things là một trong những cuốn sách bán chạy nhất tại Nhật Bản khi được xuất bản. Lối sống tối giản đang được rất nhiều người trẻ Nhật áp dụng và mang lại nhiều lợi ích cho cuộc sống của họ. Bên cạnh việc chỉ ra tác dụng của việc sống tối giản, Sasaki cũng chia sẻ kinh nghiệm tối giản cá nhân của mình, đưa ra các mẹo cụ thể về cách tối giản cuộc sống.

Thông qua "Lối sống tối giản của người Nhật", tác giả cũng chỉ ra rằng lối sống tối giản không chỉ biến đổi không gian sống mà còn thực sự làm phong phú thêm cuộc sống của bạn. Bất cứ ai cũng có thể nhận ra những lợi ích của cuộc sống tối giản và cảm nhận về hạnh phúc thực sự khi thực hiện nó.

Các chương trong cuốn sách “Lối sống tối giản của người Nhật”

Cấu trúc cuốn sách

Lời mở đầu

Chương 1: Tại sao lại có những người sống tối giản?

Chương 2: Tại sao đồ đạc lại chất nhiều đến vậy?

Chương 3: 55 quy tắc vứt bỏ

Chương 4: Vứt bớt đồ đạc, 12 điều thay đổi trong tôi

Chương 5: Không phải trở nên hạnh phúc mà là cảm nhận hạnh phúc

Lời kết - Lời cảm ơn chân thành


Nội dung nổi bật trong cuốn sách “Lối sống tối giản của người Nhật”
Tại sao lại có những người sống tối giản?

Trong chương đầu của cuốn sách “Lối sống tối giản của người Nhật” tác giả chỉ ra bản chất của con người sinh ra đã là người tối giản, ta đến với thế giới mà không có gì trong tay, cũng không có nhiều của cải vật chất bên mình. Giá trị của con người thực sự không thể hiện qua việc bạn sở hữu bao nhiêu món đồ, đó chỉ mang lại hạnh phúc nhất thời.

Bạn có thể đã từng trải qua cảm giác thoải mái khi để mọi đồ trong nhà nghỉ và ra ngoài tản mát ngắm cảnh, nhưng cũng từng trải qua cảm giác mệt mỏi khi đồ đạc để lung tung nhét trong vali sau một chuyến du lịch. Cũng giống như câu trích dẫn trong cuốn sách “Rốt cuộc, chúng ta lại trở thành nô lệ cho chính những món đồ mà ta sở hữu.”

Trước khi thực hiện lối sống tối giản, một ngày của Sasaki bắt đầu với rất nhiều lời biện bạch, bị bó buộc bởi những suy nghĩ tiêu cực và sợ hãi ánh nhìn của người khác. Nhưng cuộc sống của anh đã thay đổi khi bắt đầu vứt bỏ những thứ không cần thiết. Nhưng điều gì đã khiến anh thay đổi? Có người vì tò mò, có người vì thấy mệt mỏi với đồ đạc của mình, có người giảm bớt đồ đạc sau mỗi lần chuyển nhà. Sasaki đã từng không bao giờ cảm thấy thỏa mãn khi tiếp tục giữ đồ đạc của mình, anh muốn thử vứt bỏ để xem có thay đổi gì không.

“Không phải do di truyền, không phải do môi trường, cũng không phải do tính cách, càng không phải là những vết thương trong quá khứ, mà chính vì có quá nhiều đồ đạc đã khiến bạn bị tổn thương.”

Người Nhật trước đây cũng là những người sống tối giản, nhưng cuối cùng lối sống này được du nhập ngược lại nhờ Steve Jobs, người chịu ảnh hướng lớn từ văn hóa thiền của người Nhật. Trong cuốn sách “Lối sống tối giản của người Nhật”, tác giả nói rằng không có tiêu chuẩn nào cho lối sống tối giản, người sống tối giản là người biết những gì cần thiết với mình và giảm bớt đồ đạc vì những thứ quan trọng. Sau cùng, tối giản chỉ là phương tiện giúp ta cảm nhận được điều thực sự quan trọng trong cuộc sống chứ không phải là mục đích sống.

Tại sao đồ đạc lại chất nhiều đến vậy?

"Lối sống tối giản của người Nhật" chỉ ra rằng: con người luôn cảm thấy không thỏa mãn với đồ đạc của mình, dù cho họ có tất cả mọi thứ nhưng vẫn luôn cảm thấy thiếu, bản chất con người luôn thích những cái mới, khi chúng ta lần đầu mua về, chúng ta vẫn luôn thích thú và tự nhủ rằng thế này là đủ rồi, nhưng theo thời gian, bạn sẽ không còn hứng thú với những thứ đó nữa và có hứng thú với những cái khác, những cái mới hơn, đó chính là tác hại của thói quen.

Có những món đồ bạn mua về là để “thể hiện giá trị bản thân”, con người sống theo xã hội, một tập thể và cần sự công nhận từ họ. Nếu một người cảm thấy không có giá trị, họ sẽ có những hành động cực đoan. Vì vậy, để thể hiện giá trị của mình, họ cần có những món đồ bên cạnh, đó là phương pháp truyền đạt giá trị nhanh chóng nhất. Nhưng nếu bạn quá coi trọng, thì lượng đồ đạc sẽ ngày càng tăng lên, những món đồ này sẽ tốn công sức, năng lực và thời gian của bạn, và làm tổn hại đến bản thân bạn.

Trong “Lối sống tối giản của người Nhật”, tác giả kể về việc mua quá nhiều sách, để thể hiện với mọi người mình là người sâu sắc và tri thức, mặc dù không đọc hết, cũng không hiểu hết những nội dung mà cuốn sách truyền tải, anh vẫn tiếp tục mua về. Những đĩa DVD, CD nhiều đồ dùng khác anh chẳng đụng đến một lần, cuối cùng anh cảm thấy quá tải và tìm đến rượu. Từ đó, Sasaki chỉ ra rằng, đồ đạc bản thân không xấu, nhưng việc tăng quá mức sẽ khiến bạn bị tổn hại, hãy dũng cảm vứt bỏ chúng.

55 quy tắc vứt bỏ

Trong cuốn sách “Lối sống tối giản của người Nhật”, tác giả chỉ ra và phân tích 55 quy tắc vứt bỏ cũng như bổ sung thêm 15 quy tắc cho những ai muốn sống tối giản hơn nữa. Vứt bỏ không chỉ là những đồ đạc, mà còn vứt được cả những lo âu và mệt mỏi trong con người bạn. Khi đọc tất cả những quy tắc đó, bạn sẽ nhận ra một điều rằng, những thức quan trọng và cần thiết mới là thứ bạn nên giữ lại, còn những thứ khác, bằng cách này hay cách khác bạn vẫn có thể lưu giữ chúng và có được không gian tối giản theo ý mình.

Ví dụ như dùng công nghệ để lưu trữ những bức ảnh, thư từ, hình kỷ yếu, những món quà mà bạn không dùng đến cũng có thể chụp ảnh lại để lưu trữ những kỉ niệm, hay sách giấy cũng có thể thay thế bằng việc dùng máy đọc sách. Nếu muốn xem lại, bạn chỉ cần mở máy ra, mà không cần phải tốn thời gian lau chùi mà không dùng đến như trước nữa.

“Có những thứ chính vì vứt đi mà bạn sẽ không bao giờ quên”

Vứt bớt đồ đạc, 12 điều thay đổi trong tôi và cảm nhận hạnh phúc

Hai chương cuối cùng của cuốn sách “Lối sống tối giản của người Nhật” tác giả đã chỉ ra những thay đổi mà lối sống tối giản đem lại cho cuộc sống của anh. Tối giản khiến anh có nhiều thời gian, tiết kiệm tiền bạc, bản thân anh thoát khỏi những gánh nặng, những kìm kẹp do núi đồ đạc gây ra, khiến anh cảm thấy tự do, không còn lo lắng về ánh nhìn của những người xung quanh. Hơn thế nữa, anh tạo ra cho mình một lối sống lành mạnh hơn, cải thiện bản thân và mối quan hệ với mọi người, hiểu được bản thân mình muốn gì.

Quan trọng hơn cả là anh biết điều gì quan trọng cho cuộc sống của mình để trở thành người thành công và cảm nhận được hạnh phúc thực sự. Hạnh phúc là cảm nhận của bạn ở hiện tại, bạn không thể biết rằng ngày mai, ngày kia, hay một năm sau nữa bạn có hạnh phúc hay không. Hành động của bạn hiện tại quyết định 40% hạnh phúc, một người trước đây vốn sống nội tâm, ít nói ít cười, mà từ khi vứt bỏ đồ đạc đã sống mỗi ngày thực sự vui vẻ, trọn vẹn và ý nghĩa.

Sau khi cắt giảm đồ đạc, nhưng giây phút ở “hiện tại” được trân trọng và chính tác giả cũng trưởng thành hơn. Anh và người bạn của mình Numahata Naoki đã tạo nên trang web có tên Minimal & ism để chia sẻ và dành cho những người tìm đến lối sống tối giản. Hy vọng những ai đang muốn sống tối giản sẽ tìm được ý nghĩa thực sự của cuộc sống.

Cảm nhận về cuốn sách “Lối sống tối giản của người Nhật”

“Lối sống tối giản của người Nhật” với những câu chữ đơn giản và gần gũi là một cuốn sách rất ý nghĩa. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, giá trị vật chất đang ngày càng được coi trọng và khiến chúng ta dễ dàng lạc lối. Cuốn sách này như một lời nhắc nhở chúng ta nhìn lại lối sống của bản thân và tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống của mình. Từ chính những sự giản đơn mà chúng ta biết được đâu mới là điều quan trọng, đâu là những điều dư thừa không cần thiết.

Lối sống tối giản thực sự có thể giúp bạn thoát khỏi lối sống bị đè nặng bởi những chi tiêu vật chất, khi không còn bị áp lực bởi việc thể hiện giá trị bản thân qua vật chất, không bị ảnh hưởng bởi ánh nhìn của người khác, tâm hồn của bạn cũng được tự do, và bạn có thể mở rộng tâm hồn mình đón nhận ý nghĩa hạnh phúc của hiện tại.

Lời kết

“Lối sống tối giản của người Nhật” không phán xét lối sống và yêu cầu bạn phải sống như thế này hay thế khác, mà hy vọng bạn có thể tìm ra phương pháp tốt nhất để sống trọn vẹn cuộc sống của mình. Sau khi đọc xong cuốn sách, hầu hết mọi người đều nói rằng họ bắt đầu muốn dọn dẹp nhà cửa và vứt bỏ hết những thứ không cần thiết, và điều đó giúp họ cảm thấy nhẹ nhàng hơn, có cảm nhận khác hơn về cuộc sống, mong rằng, bạn cũng sẽ có cảm nhận như vậy sau khi đọc xong "Lối sống tối giản của người Nhật".

#Revisach
#review_sách_lối_sống_tối_giản_của_người_Nhật