[Review sách] Kitchen - Nơi bếp ấm ta vực dậy
Mình biết đến Kitchen qua một người chị khá nổi tiếng trong cộng đồng chụp ảnh film mà theo dõi trên Instagram. Chị là người con...
Mình biết đến Kitchen qua một người chị khá nổi tiếng trong cộng đồng chụp ảnh film mà theo dõi trên Instagram. Chị là người con gái của Đà Lạt, tâm hồn mộng mơ, yêu những điều giản dị như chăm sóc gia đình, làm bánh, dọn dẹp nhà cửa, makeup,... Trong một Storyask, chị đã nói rằng Kitchen là một cuốn sách chị thích nhất. Lúc ấy mình đã chụp ảnh màn hình story ấy lại, định bụng ra hiệu sách mua nhưng đợt đó không có nhiều tiền nên cũng quên luôn. Vài tháng sau, mình có đi Hội Sách của Nhã Nam ở Đại học Thanh Thiếu Niên. Khi mình đi về phía chồng sách giảm giá ở phía góc của hội sách, đập vào mắt mình chính là cuốn Kitchen duy nhất đang nằm lọt thỏm giữa các chồng sách khuyến mại, thế là mình tiến lại gần, cầm nó lên và mua mang về.
Kitchen ra đời vào năm 1987, là tác phẩm đầu tay của nữ nhà văn Banana Yoshimoto. Sau khi cuốn truyện được ra mắt, nó đã tạo nên một cơn sốt gọi là "hiện tượng Banana" giữa những người yêu thích thứ văn chương nghiêng về nội tâm của cô. Nhân vật trong các câu chuyện của Banana là những người trẻ như chúng ta, những người đang vật lộn trong cuộc sống để tìm cho mình một chỗ đứng trong vũ trụ. Dẫu mệt mỏi, cô đơn, nhưng họ không bi lụy mà ở họ vẫn le lói những niềm tin về cuộc sống tốt đẹp. Đây là điểm khác biệt lớn nhất trong bầu khí văn chương giữa Banana Yoshimoto và Haruki Murakami, cha của những nỗi buồn Nhật Bản.
Chuyện kể về một căn bếp. Một cô gái vừa mất đi người bà. Một chàng trai. Một người mẹ từng là đàn ông. Tất cả họ kết nối với nhau qua hơi ấm nóng từ những món ăn sôi sùng sục trong căn bếp mà bất kỳ những món đồ gia dụng kỳ quặc nào cũng có thể tìm thấy.
Kitchen là câu chuyện về cô gái yêu bếp. Bếp là sự phản chiếu của con mèo đi tìm hơi ấm trong cô.
Ai cùng cần sự sẻ chia...
Điều nổi bật nhất của Kitchen chính là hơi ấm tình người giữa những người tưởng chừng như chẳng còn chút động lực sống. Mikage là cô gái chỉ quanh quẩn trong ngôi nhà với những thói quen bình thường, tưởng chừng như rất nhàm chán. Để rồi khi bà cô qua đời, Mikage đã hoàn toàn gục ngã. Những thứ nhàm chán tầm thường đó lại là những thứ những giây phút hết sức quý báu trong ý ức của cô với người bà của mình. Yuichi cũng giống như Yuichi, cuộc sống của cậu cũng chỉ luẩn quẩn trong việc đi học, đi làm thêm và về nhà với mẹ. Hai mẹ con cũng chẳng có nhiều thời gian dành cho nhau do lịch làm việc khác nhau. Vậy mà khi biến cố xảy ra, Yuichi đã sợ hãi đến mức chẳng có đủ dũng khí mà gọi điện cho Mikage báo tin. Trong liên tục một tháng trời, ngày nào cũng vậy, cứ cầm ống nghe trên tay định gọi Mikage, rồi lại buông ra vì không dám đối diện với sự thật.
Có một mối liên hệ trực tiếp giữa triết lý về nhân sinh, sự sống và căn bếp. Trong những thời khắc tăm tối, với hàng ngàn khối đen đặc bủa vây, những lúc cô đơn nhất thì căn bếp đã ở bên và vực dậy tinh thần cho Mikage cũng như Yuichi và cả cô Eriko. Chỉ cần được đứng trong căn bếp, cho dù là phải làm những việc mà mọi bà nội trợ ghét nhất như việc cọ rửa bồn rửa bát hay lau chùi sàn bếp, thì Mikage cũng rất thỏa mãn.
để căn bếp là sự khởi đầu...
Trong bộ phim tài liệu The Creative Brain mà mình xem trên Netflix, Kelis Rogers, sau khi thành công rực rỡ với sự nghiệp ca hát, bỗng quyết định chuyển hướng sáng tạo sang đi học nấu ăn và quyết tâm trở thành một đầu bếp chuyên nghiệp. Cô kể lại rằng, việc nấu ăn thực sự đã giúp cô nhìn nhận lại cuộc sống của mình, mang lại cho cô những nguồn cảm hứng mới.
Nếu bạn đủ dũng cảm để bước ra vùng an toàn của bạn, thoát khỏi những gì bạn đã biết, chắc chắn bạn sẽ bất ngờ vì những thứ nó mang lại. (Kelis Rogers)
Mikage không phải là người đã giỏi nấu ăn từ sẵn. Cô chỉ đơn giản là yêu thích căn bếp vì nó gắn với những kỹ ức về bà. Sau khi chuyển đến ăn nhờ ở đậu tại nhà Yuichi, trong suốt mùa hè tại đây, cô đã dốc hết tâm sức để bắt đầu học nấu ăn một cách nghiêm túc. Từ căn bếp nhà Yuichi, biết bao công thức nấu ăn được thử nghiệm. Có những công thức thành công ngay lần đầu, nhưng có những công thức cũng hỏng bét từ lần này sang lần khác. Và cô đã quyết tâm làm cho tới mức món ăn đấy phải có màu sắc giống hệt như trong sách in mới chịu dừng lại. Chính từ căn bếp ấy, Mikage bé nhỏ đã tìm lại được tia sáng của sự sống.
Cả Yuichi nữa, cuộc sống của cậu cũng được sưởi ấm nhờ những món ăn hỏng bét của Mikage.
- Tại sao món gì ăn cùng Mikage lại ngon thế nhỉ?- Không phải là cơn đói lòng và cơn đói tình cùng một lúc được thỏa mãn hay sao.
Thực ra là cả mình nữa. Mình đã không học nấu ăn cho đến khi vào đại học và bắt buộc phải tự nấu. Và mình cũng không lấy làm thích thú và cảm nhận được niềm vui của nấu ăn cho đến khi mình đọc cuốn sách này. Mình nghĩ là việc nấu nướng có liên hệ mật thiết với. Bởi rõ ràng là khi ta còn muốn rửa rau, muốn trộn thịt, muốn cuộn trứng là ta còn ham muốn với cuộc sống.
Thêm một điều nữa, mình đã luôn nghĩ là mình thích tự do, thích một mình cho đến khi mình rơi vào nó. Ồ hóa ra một mình lại khiến bản thân khó chịu đến như vậy. Đi học không ai đi cùng, đi về không ai đi cùng và hàng ngày lên youtube coi các video của idol. Mình luôn biết rằng bản thân thật tệ trong việc níu giữ các mối quan hệ. Đôi lúc, mình tưởng rằng mình đã tìm ra người bạn, cạ cứng tuyệt vời nhất thì chẳng mấy lâu sau, mình lại cảm thấy không thể tiếp tục nói chuyện được với người ấy, vì họ quá khác biệt, họ không thấu hiểu mình. Sau khi rơi vào thời gian khủng hoảng cùng các mối quan hệ bạn bè luôn kết thúc, mình lại tự nhủ "If you can not change the people around you, you can change the people around you". Mình đã luôn tìm cách tránh để không phải đối mặt với vấn đề khi mọi chuyện xảy ra.
Nhưng rồi mình nhận ra, dũng cảm đối diện với vấn đề mới là cách giải quyết tốt nhất chứ không phải chạy trốn khỏi nó.
Mình sẽ không chạy trốn nữa.
Phải đối mặt thôi.
Học nấu một món ăn thì thật dễ dàng nhưng ta cần học cách giữ niềm vui vẻ ấy cho đến tận cuối bữa ăn, khi mà thứ còn lại là việc dọn dẹp sau khi bày bừa.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất