Khéo ăn nói sẽ có được thiên hạ - có lẽ là một cái tên không mấy xa lạ với những người ham đọc sách và đặc biệt với những ai quan tâm đến vấn đề giao tiếp. Tác phẩm được viết bởi Nhà hùng biện nổi tiếng, Chuyên gia giáo dục người Trung Quốc – Lí Yên Kiệt, được chủ biên bởi Trác Nhã.

Tóm tắt nội dung: “Khéo ăn nói sẽ có được thiên hạ” được chia làm ba phần lớn:

Phần 1: Dám nói chuyện – Nắm vững kĩ năng giao tiếp. Khuyến khích việc dám mở lời mới biết cách nói sao cho đúng, cho hay. Để có thể giao tiếp tốt, trước tiên bạn phải là người có hiểu biết, vận dụng vốn kiến thức của bản thân và nắm vững một số quy tắc để đưa vào lời nói. Kèm thêm một số mẹo để lời nói thêm thú vị, dễ dàng đạt được mục đích giao tiếp.
Phần 2: Kỹ năm giao tiếp với mỗi hoàn cảnh và đối tượng khác nhau. Tác giả liệt kê những tình huống thường gặp và cách xử lý khéo léo bằng câu từ để có thể dễ dàng giải quyết vấn đề.
Phần 3: Nói năng khéo léo trong những tình huống khó xử.Phần này dạy ta những mẹo hay dùng trong những tình huống có độ khó cao hơn phần hai. Như cách từ chối khéo léo, cách phê bình người khác mà không bị mất lòng, cách kêu gọi sự giúp đỡ của người khác…
Sau khi đọc xong cuốn sách, trong đầu mình phát sinh một số mâu thuẫn và tạo cho mình động lực để viết bài review này. Mình xin tóm gọn lại thành những ý sau:
1. Lầm tưởng thứ nhất: Tựa đề “Khéo ăn nói sẽ có được thiên hạ” khiến mình kỳ vọng quá nhiều.
Khi biết đến tên của cuốn sách, cụm từ “có được thiên hạ” khiến mình rất phấn khích vì nó quá to lớn. Mình đã nghĩ sách sẽ là một cuốn “bí kíp võ công” tuyệt hảo về kỹ năng giao tiếp mà ít người biết. Mình đã mang một kỳ vọng rất lớn rằng sau khi đọc xong, mình sẽ cải thiện được khả năng giao tiếp của bản thân và bí quyết để thành công bằng cách sử dụng lời nói.
Có lẽ vì đã kỳ vọng quá nhiều nên sau khi đọc xong, mình cảm thấy tương đối hụt hẫng. Do có đọc một số cuốn sách có nói đến kỹ năng giao tiếp nên những điều trong sách hầu như mình đều đã biết. Tựa đề “Khéo ăn nói sẽ có được thiên hạ” nghe thì đao to búa lớn, nhưng đa phần là những điều khá đơn giản, là cách đối nhân xử thế thông thường được tác giả liệt kê và tổng hợp lại kèm một số ví dụ mà ai đọc xong cũng có thể vận dụng được. Và nếu ai cũng làm được thì lấy đâu ra thiên hạ cho tất cả?
2. Lầm tưởng thứ hai: Để có được thiên hạ, trước phải có thực lực. Chỉ khéo ăn nói thôi là chưa đủ.
Người có được thiên hạ ắt là người tài giỏi và cần đến tài ăn nói. Nhưng chỉ khéo ăn nói thôi đôi khi cũng chỉ là dạng ba hoa chích choè.
Nhiều người sẽ lầm tưởng rằng chỉ cần khéo ăn khéo nói thôi thì sẽ lấy lòng được nhiều người. Từ đó việc nặng thì từ chối, việc nhẹ thì nhận làm. Rồi dùng tài ăn nói, nịnh hót để leo lên chức này chức kia.
Với mình, yếu tố quan trọng nhất của một người thành công là ở nội lực, khả năng, kiến thức của người đó chứ không nằm hết ở tài ăn nói. Dẫu biết để điều hành một công ty, một tổ chức hoặc để có một bài diễn thuyết hay rất cần đến tài ăn nói. Nhưng trước tiên bản thân người nói phải là người xuất trúng, có thực lực thì mới leo lên được vị trí lãnh đạo, mới có cơ hội đứng trước cả trăm con người để thuyết trình và tạo được lòng tin với người khác.
3. Sách có đáng đọc hay không và mình rút ra được những bài học gì.
Về nội dung của sách, mình thấy tác giả viết tương đối chi tiết và logic, theo trình tự từ thấp đến nâng cao. Từ cách làm sao để chủ động giao tiếp đến cách cư xử sao cho đúng mực với từng người, từng hoàn cảnh, thậm trí là trong những tình huống khó xử. Những kiến thức trong sách dễ tiếp thu, dễ vận dụng. Là một cuốn sách đáng đọc, nhất là với những ai còn tự ti vào khả năng giao tiếp của bản thân và những người còn chưa biết vận dụng hết tác dụng của lời nói.
Sau khi đọc hết cuốn sách và thực hiện được hầu hết những gì trong sách có viết, mình không chắc bạn sẽ nắm trong tay được thiên hạ, nhưng mình chắc chắn rằng mọi người xung quanh đều sẽ yêu quý bạn, công việc cũng sẽ trôi chảy hơn và bạn sẽ cảm thấy yêu cuộc sống này hơn.