Anh phải biến mất, ý nghĩ đó nung nấu trong anh còn mãnh liệt hơn cả em gái mình – nếu như anh có khả năng thực hiện được.

1. Thông tin chung

– Tên tác phẩm: Hoá Thân (Die Verwandlung – 1915)
– Tác giả: Franz Kafka
– Dịch giả: Đức Tài
– Thể loại: Truyện vừa – Hư cấu – Tâm lý
Kafka – thần tượng của thần tượng – hay vô số mỹ từ khác mà chỉ cần google 1 chút về ông là có thể thấy. Tôi thì không am hiểu lịch sử văn chương tới vậy, nên chỉ biết Kafka thông qua tác phẩm “Kafka Bên Bờ Biển” của Haruki Murakami. Khi đọc cuốn đó, biết được Kafka là tên của một nhà văn có thật, được Murakami ưu ái sử dụng làm tên cho cả cuốn sách, nên cũng có chút tò mò. Mãi gần đây mới có dịp mua được sách của ông. Bắt đầu bằng “Hoá Thân”, một câu chuyện với chỉ hơn 100 trang, nhưng được ca ngợi hết lời.

2. Về tác phẩm

Truyện kể về chàng trai Gregor Samsa, là trụ cột về tài chính trong gia đình có bố, mẹ và em gái, rồi một ngày cậu mất đi khả năng lao động, từ đó những biến chuyển trong tâm lý và hành động của các thành viên trong gia đình bắt đầu.
Đầu tiên là về bối cảnh. Câu chuyện chỉ diễn ra trong căn nhà của gia đình nhân vật chính, nên các yếu tố như văn hoá, địa lý hay lịch sử đều không xuất hiện. Toàn bộ tác phẩm chỉ tập trung vào quan hệ giữa người với người, và cũng do gạt bỏ hoàn toàn các yếu tố ngoại cảnh đó, nên câu chuyện này vẫn đúng cho tới tận ngày hôm nay.
Tiếp theo là dàn nhân vật. Bối cảnh là trong một căn nhà, nên dàn nhân vật cũng không thể cơ bản hơn: gồm bố, mẹ, em gái và nam chính. Nên mối quan hệ giữa người và người được nhắc tới ở trên cụ thể là mối quan hệ trong gia đình, nơi hôm nay là mái ấm, ngày mai rất có thể trở thành địa ngục mà ai cũng muốn thoát ra. Ngoài ra còn 1 vài nhân vật phụ nữa, họ đại diện cho các mối quan hệ khác như chủ-tớ, khách-chủ, góp phần tạo tình tiết cho những chuyển biến của gia đình Samsa.
Cái nữa là về yếu tố kỳ ảo (chà, nhớ Murakami ghê). Kafka đã để nam chính bị mất khả năng lao động bằng cách… biến cậu thành một con bọ khổng lồ. Đây cũng chính là cách mà tác giả hình tượng hoá tiêu đề “Hoá thân” của tác phẩm. Chẳng giải thích, chỉ đơn giản là kể ra, coi nó là hiển nhiên và để độc giả tự chấp nhận, giờ thì tôi biết Murakami học từ ai rồi.
Cuối cùng là thông điệp của tác phẩm. Trách nhiệm, đó là điều đầu tiên dễ dàng nhận ra, khi câu chuyện đề cập tới việc mất khả năng lao động. Khi cả một gia đình bị phụ thuộc kinh tế vào 1 người, thì từ những việc cơ bản nhất như cái ăn, chỗ ngủ, nếp sinh hoạt hay to lớn hơn nữa là giấc mơ của bản thân, đều sẽ lật nhào khi lao động chính đó không thể đi làm được nữa. Và nó là tiền đề để những vấn đề và thông điệp khác về bản tính con người xuất hiện. Nhiều lắm, tất cả đều đầy sức nặng, và tuyệt nhất là mọi thứ được gói ghém chỉ trong hơn 100 trang sách.
Tóm lại, Hoá Thân là một tác phẩm chuẩn mực (thể hiện qua 3 chương tương ứng với cấu trúc 3 hồi truyền thống), ngắn gọn, kết hợp với yếu tố kỳ ảo để truyền tải các thông điệp liên quan tới bản chất con người khi đối mặt với biến cố. Truyện kinh điển tới mức được đưa vào nhiều chương trình giảng dạy và được phân tích “nát” ra rồi, nhưng vì nó ngắn và dễ đọc, nên hãy thử nếu có cơ hội nhé!

3. Tản mạn

Ai đã hoá thân?
Tất nhiên là nhân vật chính đã hoá thân rồi, biến hẳn thành một con bọ cơ mà. Ấy thế mà người ta lại dễ quan tâm tới màn hoá thân của 3 thành viên còn lại trong gia đình Samsa hơn.
Gia đình đấy, máu mủ đấy, nhưng để tồn tại trong thực tế đầy khắc nghiệt này, thì ngay cả gia đình hay máu mủ cũng đều có thể quay lưng lại với ta, khi ta không còn là những gì mà họ kỳ vọng hay tin tưởng được nữa, thậm chí, ta cần bị loại bỏ để khỏi làm vướng chân họ. 
Một người cha tưởng như đã có thể phó mặc hoàn toàn việc nuôi sống gia đình cho con trai, nay phải quay trở lại làm việc trong nỗi ấm ức và khinh thường. Một người mẹ tưởng như có thể thương yêu con đẻ của mình trong mọi hoàn cảnh, nhưng cuối cùng cũng không đối mặt được với thực tại để làm tròn bản năng làm mẹ của mình. Một cô em gái có giấc mơ và tương lại bị phụ thuộc vào sự chu cấp của người anh, có cố gắng chăm sóc khi Gregor rơi vào nghịch cảnh, nhưng hoá ra chỉ để níu kéo hi vọng nhỏ nhoi cho giấc mơ của mình, rồi cuối cùng cô là người đầu tiên nói ra rằng phải tống khứ anh trai mình ra khỏi nhà.
3 người thân với 3 mức độ yêu ghét khác nhau, nhưng đều bị cái hiện thực nghiệt ngã ép phải hoá thân, phải sống với bản chất thật. Và rồi sự ra đi của Gregor như một sự giải thoát với họ, và trớ trêu thay, sau đó, có vẻ như cuộc sống của họ đã dễ thở và nhiều hi vọng hơn.
Vậy đó, thật khó (và vô nghĩa) khi phân định ai đúng ai sai, ai cũng có lý do và động cơ của sống theo cách của riêng mình. Liệu có một nơi hay một ai có thể vô tư chấp nhận và yêu thương một người, dù người đó bỗng nhiên không còn như ta kì vọng??
Phúc
2020.04.18