(Review sách) Hai Cuốn Nhật Ký - Tanizaki Junichiro
Vừa ân ái với người mình yêu, rồi lại gối chăn với kẻ mình ghét, người bình thường sẽ lấy làm khó chịu vô cùng, nhưng vợ tôi là ngoại...
Vừa ân ái với người mình yêu, rồi lại gối chăn với kẻ mình ghét, người bình thường sẽ lấy làm khó chịu vô cùng, nhưng vợ tôi là ngoại lệ.
1. Thông tin chung
– Tên tác phẩm: Hai Cuốn Nhật Ký (Kagi – 1956)
– Tác giả: Tanizaki Junichiro
– Dịch giả: Thanh Điền
– Thể loại: Tiểu thuyết
– Tác giả: Tanizaki Junichiro
– Dịch giả: Thanh Điền
– Thể loại: Tiểu thuyết
Từ ngày tham gia mấy group đọc sách trên facebook, chỉ riêng tiểu thuyết thôi, đã thấy mình thiếu hụt kiến thức vô cùng về các tác giả, tác phẩm nổi tiếng. Và đề bù đắp cho thiếu hụt đó, tiền đã vơi đi khá nhiều…
Trong số các tác giả mới biết, có Tanizaki Junichiro gây ấn tượng vì… chuyên viết về sex, một đề tài được cho là cấm kị vào thời của ông (đầu thế kỉ 20). Nói tới đây lại liên tưởng tới Vũ Trọng Phụng, người cũng gây xôn xao văn đàn Việt khi viết những cuốn như Làm Đĩ, Lục Xì vào thời điểm tương tự. Và đã thích các chủ đề của Vũ Trọng Phụng rồi, thì chẳng thể nào bỏ qua Tanizaki Junichiro được đúng không.
2. Về tác phẩm
Truyện kể về cuộc đấu trí, lừa lọc nhau của 4 con người trong một gia đình, dưới hình thức 2 cuốn nhật ký của cặp vợ chồng trong cuộc. Và chủ đề của cuốn sách, cũng như công cụ của các âm mưu trong truyện, là tình dục.
Thứ tình dục được nhắc tới ở đây, không phải thứ tình dục lãng mạn của tuổi trẻ, hay cuồng nhiệt của tuổi trưởng thành, mà là thứ tình dục khó nói, khó chia sẻ của tuổi trung niên và xế chiều. Cái độ tuổi mà con cái đã trưởng thành, sự nghiệp vững chắc, xã hội nể trọng, người ta thường hướng tới sự an nhàn, những thú vui tao nhã. Nhưng không, đó chỉ là những gì người ta dám thể hiện, còn những nhu cầu, nhưng khao khát rất “tầm thường” mang tên tình dục vẫn hừng hực như tuổi 20. Nó không hề già đi theo năm tháng, có chăng chỉ là sự chống đối của sức khỏe, nhưng tinh thần thì vẫn đầy năng lượng, đầy ham muốn.
Bên cạnh tình dục là các âm mưu. Âm mưu để thỏa mãn nhu cầu bản thân, âm mưu để tránh tai tiếng, âm mưu đề chiếm đoạt, âm mưu để lợi dụng… Có quá nhiều âm mưu so với lượng nhân vật chỉ là 4. Tất nhiên, đã có âm mưu thì sẽ có kẻ thắng, người thua, và cho tới cuối cùng, tôi dám cá là người đọc ai cũng có suy nghĩ về cái kết của riêng mình.
Truyện không dài, nên 4 nhân vật là hợp lý. Đây cũng là lý do tôi thích truyện Nhật hơn Âu Mỹ, nhân vật ít sẽ có đủ thời gian để xây dựng tình cách, người đọc sẽ dễ đồng cảm hơn. 4 người 4 cá tính, tuy được kể qua nhật ký của 2 nhân vật thôi, nhưng 2 người còn lại vẫn đủ sống động, đủ gây hứng thú. Một thiếu nữ hiểm độc, một chàng trai hám lợi danh, một ông chồng bệnh hoạn và một bà vợ dâm đãng. Cứ thế, họ tương tác và gây ảnh hưởng lẫn nhau, tạo nên một trận chiến không ồn ào, nhưng đầy mùi duc vọng.
Lần đầu tới với Tanizaki, lại là câu chuyện được kể dưới dạng nhật ký, nhưng không thể phủ nhận cách dẫn dắt lôi cuốn và ngôn từ gợi cảm là điểm mạnh của nhà văn này. Bao nhiêu hư ảo của cuộc ái ân, vốn dĩ rất khó miêu tả thành lời, nay qua con chữ của ông hiện lên vô cùng rõ nét và rực rỡ, đem lại trải nghiệm độc đáo cho người đọc là tôi.
Tóm lại, tác phẩm là kết hợp của cốt truyện thú vị, chủ đề nhạy cảm, lối kể độc đáo, nhân vật có cá tính, lời văn gợi cảm, dẫn dắt lôi cuốn. Từng đó lý do là quá đủ để ai yêu thích văn chương Nhật và không ngại các chủ đề “nhạy cảm” nên tìm đọc.
3. Tản mạn
Nhưng kì lạ nhất là bốn con người thủ đoạn này chung sống hoà thuận cùng nhau. Bốn kẻ mỗi người một ý này, lừa lọc nhau, phản bội nhau, lại cùng chung sức vì một mục tiêu duy nhất, đó là làm cho vợ tôi ngày càng trở nên đồi bại, truỵ lạc hết mức có thể…
Chà, éo le thay phận đàn bà. Khi ham muốn tình dục cũng mạnh mẽ không kém gì đàn ông, nhưng vì rào cản định kiến xã hội mà không dám thể hiện. Sự kìm nén đó khiến cho cán cân chi phối luôn nghiêng về phía đàn ông, và cuộc thăng hoa đáng lẽ là của cả 2 người, nay phải trở thành một màn diễn của sự chịu đựng và thất vọng.
Trong câu truyện có 2 nhân vật nữ, và cả 2 đều bị chi phối bởi đàn ông theo những cách và lý do khác nhau. Sự phụ thuộc này từ đâu mà có vậy? Liệu có trên đời một xã hội mà phụ nữ hoàn toàn độc lập khỏi đàn ông không? Đó dường như vẫn quá xa vời, xa vời tới nỗi người ta phải hiện thực hóa bằng cách tạo ra chúng qua các tác phẩm nghệ thuật, như Nữ Nhi Quốc trong Tây Du Ký, hay vương quốc các nữ chiến binh Amazon trong Thần Thoại Hi Lạp. Nhưng hỡi ôi, dù chỉ tồn tại trong tưởng tượng, nhưng những xã hội đó, lại được sinh ra và tàn lụi vì những lý do liên quan tới đàn ông.
Có vẻ như ngày độc lập của phụ nữ còn xa lắm, nhưng thật sự họ có muốn tự do không? Và họ có trở nên hoàn thiện hơn khi thiếu đàn ông không? Hiện tại thì chưa đâu, vì đâu đó, tôi vẫn thấy các chị em vui vẻ nói với nhau rằng “thành công của phụ nữ là tìm thấy người đàn ông của mình” mà…
Phúc
2020.04.29
2020.04.29
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất