Nếu bản thân họ không muốn sống tốt, sống hết mình thì dù có nhận được câu trả lời nào cũng thế thôi.

1. Thông tin chung

– Tên tác phẩm: Điều kỳ diệu của tiệm tạp hoá Namiya
– Tác giả: Keigo Higashino
– Thể loại: Tiểu Thuyết – Tâm Lý
Đặt mục tiêu năm 2020 sẽ ráng đọc hết sách của Murakami, vậy mà từ Giáng Sinh tới giờ cứ bị Keigo làm xao lãng. Biết sao được đây, khi văn phong và chủ đề của Keigo dễ đọc và dễ cảm hơn nhiều, gấp một cuốn lại là muốn mở tiếp cuốn khác ra, không như Murakami, cần nghỉ ngơi để tiêu hoá sau mỗi bữa.
Cách đây hơn một năm đã coi qua phim chuyển thể, nhưng được có chút xíu là ngủ gật, nên thôi. Gần đây mới biết là chuyển thể từ tiểu thuyết của Keigo, nên sẵn đợt rồi gom sách của ổng, đã không bỏ qua cuốn này.

2. Đánh giá

Như đã nói ở bài review “Bí mật của Naoko”, Keigo không bị đóng đinh ở 1 thể loại, và đây lại là một tác phẩm nữa không phải Trinh Thám của ông. Lần này là thể loại Tâm Lý Xã Hội kèm yếu tố giả tưởng, với chủ để về tình người, sự sẻ chia, lắng nghe, thấu hiểu và sự chân thành.
Truyện kể về những cuộc trao đổi thư từ hỏi-đáp của những kẻ chẳng quen biết nhau, nhưng vì một sợi dây liên kết ở đâu đó mà mọi thứ lại liên quan một cách kỳ lạ. Nội dung vậy thôi cũng đủ hấp dẫn rồi, nhưng chưa, điểm nhấn của cốt truyện là yếu tố xuyên không. Còn gì hợp lý hơn khi muốn liên tục cho người đọc thấy kết quả của những lời khuyên bằng cách hack thời gian cơ chứ. Mặc dù xuyên không đã được khai thác quá nhiều ở đủ mọi loại hình nghệ thuật, nhưng hầu hết đều sa đà vào lý thuyết và cố gắng làm cho phức tạp để khiến người đọc (xem) phải rối não. Keigo thì khác, yếu tố xuyên không của ông chỉ là vai phụ, được đưa vào một cách nhẹ nhàng và dễ chấp nhận, với mục đích làm cái cớ để kể một câu chuyện lớn với nhiều chi tiết nhân-quả đan xen.
Một Keigo nổi tiếng với các tác phẩm Trinh Thám nên yếu tố logic là không thể thiếu trong tác phẩm của ông. Vẫn là giọng văn gãy gọn pha chút hài hước đó, dù thiếu những án mạng, những kế hoạch tinh vi, những âm mưu đen tối, thì Keigo vẫn biết cách phát huy sở trường của mình. Những câu truyện lẻ, những số phận riêng, bằng một cách nào đó vẫn liên quan với nhau, như những hoạ tiết trên một chiếc áo vậy, là những chi tiết độc lập những được may trên cùng một mảnh vải, đứng đủ xa sẽ thấy một tổng thể hoàn thiện và đầy sự gắn kết.
Yếu tố Xã Hội trong cuốn này không gai góc mà rất ấm áp và nhân văn. Đúng như cái tên của cuốn sách, điều kỳ diệu xuất hiện liên tục, là những bài học về quan hệ giữa người với người, qua rất nhiều khía cạnh khác nhau của sự sẻ chia và cảm thông chân thành. Có vẻ đây là cuốn tươi sáng và tích cực duy nhất của Keigo, tuy vẫn phải dựa trên những hoàn cảnh éo le, nhưng có hề gì, khi nó chỉ là phụ, để khi gấp sách lại, thay vì ám ảnh hoặc day dứt thường thấy, là ấm áp và niềm tin.
Tóm lại, cuốn sách là một sự kết hợp kỳ diệu của logic của nội dung, gãy gọn của lời văn, độc đáo của bối cảnh và ấm áp của thông điệp. Một món quà tươi sáng hiếm hoi trong một rừng sự ám ảnh, u tối, hoang hoải hay mông lung của Keigo nói riêng và các tác giả Nhật khác nói chung. Một cuốn sách truyền cảm hứng xuất sắc trong một câu truyện ly kì và cảm động.

3. Tản mạn

Như mọi khi, đây là phần lan man về một vài ý được nhặt ra trong cuốn sách, không phải đánh giá nội dung.
Trải nghiệm
“Để làm gì thì chính tao cũng không biết. Nhưng tao biết là mình đang có một trải nghiệm tuyệt vời. Chả mấy khi có được cơ hội thế này… Không, có lẽ cả đời sẽ không có nữa. Vì thế tao không muốn bỏ phí cơ hội này…”
(Shota)
Tôi luôn ngưỡng mộ những người nhiều trải nghiệm, vì với tôi, trải nghiệm làm phong phú kinh nghiệm và tâm hồn. Trải nghiệm thì có tốt có xấu, có vui có buồn, nếu chỉ một chiều thôi thì tâm hồn cũng sẽ chỉ một màu. Nên tôi vẫn hay xúi những ai nhận được giấy mời dự đám cưới người yêu cũ, rằng cứ đi đi, vì đó là trải nghiệm mà không phải ai cũng có cơ hội đâu (nói người ta thì hay lắm, là bản thân thì chưa chắc).
Nhân nói về cơ hội, điểm khác biệt của người thành công không phải ở năng lực chuyên môn, mà ở cách nắm bắt cơ hội. Mà sự nhạy bén (và may mắn) đó không thể có ở những người nhát, không dám thay đổi hay sợ thất bại. Hãy biết cách nói “Có” và tiến tới khi đánh hơi thấy cơ hội, bắt đầu từ những chuyện nhỏ nhỏ thôi, như hỏi số điện thoại của một người lạ chẳng hạn, cũng có thể cho bạn những kết quả bất ngờ ngoài mong đợi.
Chân thành
“Nếu có thể, hãy chân thành”
(trích một tác phẩm của Murakami Haruki)
Nếu có một cái tên khác cho tác phẩm này, thì tôi sẽ chọn “Điều kỳ diệu của sự chân thành”. Tuy truyện đã lãng mạn hoá tối đa sự hiệu quả của chân thành, nhưng không thể phủ nhận tác động mạnh mẽ của nó trong thực tế.
“Chân thành là kiểu thông minh cao cấp”. Không rõ ai nói câu này nhưng từ khi biết tới nó, tôi đã gắn chặt vào não và coi đó là châm ngôn ưa thích tới bây giờ. Nhưng đó là sự chân thành có tính toán, dù không phải xấu, nhưng nó xuất phát từ lý trí, khi tôi đã tự kiểm nghiệm sự hiệu quả của chân thành.
Còn sự chân thành thuần khiết xuất phát từ con tim, như của những cô bé đôi mươi khi tin tưởng tuyệt đối mà đem dâng tình cảm cho kẻ mới quen vài ngày, hay của người sẵn sàng trăn trở cho vấn đề của những kẻ lạ, thì tôi không hiểu thấu. Không rõ từ đâu mà họ có thể làm được, những tôi biết, đó là những con người đáng trân quý. Và dù với lý do gì chăng nữa, thì lợi dụng những người như vậy, thật tệ.
Phúc
2020.02.04
Đọc thêm: