ĐIỂM BÙNG PHÁT là một khoảnh khắc kỳ ảo khi một ý tưởng, một xu thế, hay một hành vi xã hội vượt qua một ngưỡng nhất định – những điểm bùng phát – và lan ra như một ngọn lửa hoang.

1. Thông tin chung

– Tên tác phẩm: Điểm bùng phát (The Tipping Point – 2000)
– Tác giả: Malcolm Gladwell
– Dịch giả: Nguyễn Văn Tân, Nguyễn Trang
– Thể loại: Khoa Học
Vẫn biết là phải cân bằng thể loại sách, nhưng từ đầu năm tới giờ nuốt 18 cuốn Fiction rồi mà chưa sờ tới cuốn Non-Fiction nào, thấy hơi có lỗi, mặc dù mua sẵn cũng nhiều lắm. Thôi thì bắt đầu cũng chưa muộn, lần này tôi chọn Malcolm Gladwell.
Mặc dù biết tới tác giả qua cuốn “Những Kẻ Xuất Chúng”, nhưng quyết định đọc theo trình tự thời gian ra mắt, hi vọng chất lượng cuốn sau sẽ tốt hơn cuốn trước.

2. Về tác phẩm

“ĐIỂM BÙNG PHÁT là một khoảnh khắc kỳ ảo khi một ý tưởng, một xu thế, hay một hành vi xã hội vượt qua một ngưỡng nhất định – những điểm bùng phát – và lan ra như một ngọn lửa hoang”
Đó là tóm tắt khái niệm về Điểm Bùng Phát được ghi ngay bìa sau của cuốn sách, và tôi thấy nó đủ trọn vẹn để không cần phải chỉnh sửa gì nữa.
Chương đầu, cuốn sách giới thiệu về khái niệm “Đại Dịch” – bối cảnh của khái niệm Điểm Bùng Phát – và theo tác giả, có thể khái quát một Đại Dịch bởi 3 yếu tố cấu thành như sau:
– Tính lây lan
– Động thái nhỏ nhưng tác động lớn
– Thay đổi không diễn ra từng bước mà bùng phát ở một điểm quan trọng nào đó
và điểm quan trọng đó, chính là Điểm Bùng Phát.
(Chú thích: Đại Dịch ở đây không chỉ mang ý nghĩa là dịch bệnh hay một cái gì đó tiêu cực, mà đại diện cho tất cả những gì mang tính lây lan nhanh như một xu hướng hay một ý tưởng)
Cuối chương, tác giả kết bằng 2 câu hỏi:
– Tại sao chỉ có một số ý tưởng, một số hành vi hay một số sản phẩm có thể khởi phát thành đại dịch còn một số khác thì không?
– Và chúng ta có thể làm gì để có thể tự mình khởi phát và kiểm soát các đại dịch vị mục đích riêng?
Tiếp theo là nội dung chính, giải thích về 3 quy luật của Đại Dịch:
1. Quy tắc thiểu số
Một số cá nhân đặc biệt có khả năng khởi phát Đại Dịch
– Người kết nối
– Nhà thông thái
– Người bán hàng
2. Yếu tố kết dính
Bản chất của vấn đề có sẵn tính lây lan
3. Sức mạnh của hoàn cảnh
Những yếu tố bên ngoài nhưng là tác nhân giúp Đại Dịch bùng phát
Theo quan điểm của tác giả, thì Điểm Bùng Phát của mọi Đại Dịch đều có thể tìm thấy nếu phân tích qua 3 quy luật này, và khi đã nắm được rồi, ngoài việc có thể tự tạo ra một Đại Dịch tương tự, ta còn có thể làm một điều thú vị hơn, là NGĂN CHẶN Đại Dịch đó, rất hấp dẫn phải không!
Đó, phía trên là những gì tóm lược nhất mà bạn cần biết về nội dung cuốn sách.
Tiếp theo là về cách truyền đạt.
Xuyên suốt cuốn sách là các ví dụ thực tiễn để giải thích khác khái niệm và giải thuyết mà tác giả đặt ra, cái này thì cuốn sách về khoa học nào cũng phải có.
Vậy những ví dụ của Malcolm có thực tế không?
Có!
Có gần gũi không?
Ừm, với tôi thì không!
Nó không hề dở, nhưng do chủ đề cần những ví dụ mang tính thời đại cao, mà cuốn sách đã ra đời cách đây gần 20 năm, nên không được cập nhật những yếu tố truyền thông hiện đại, thứ đang kiểm soát cuộc sống chúng ta hàng ngày. Tất nhiên, có những ví dụ không bao giờ lỗi thời như dịch HIV hay thói quen hút thuốc lá, nhưng “giá mà”…
Nói thêm về các ví dụ, tuy không hề dở, nhưng tôi cảm thấy tác giả đi quá sâu tới mức không cần thiết, nhiều ví dụ quá chi tiết và nhiều thông tin tới nỗi, thỉnh thoảng gây cảm giác quá tải và khiến tôi quên mất các con số dày đặc này đang nhằm giải thích cho vấn đề gì. Nếu các ví dụ mang tính thời đại hơn và ngắn gọn hơn, thì cuốn sách này hoàn hảo!
Tóm lại, chủ đề hay, thiết thực, cấu trúc rành mạch, rõ ràng, ví dụ chi tiết tuy hơi nhiều thông tin. Đây là một cuốn sách tốt, cung cấp cho người đọc cách để phân tích một Đại Dịch.
Lý thuyết thì thuyết phục rồi đó, còn có áp dụng được hay không, thì chính người đọc phải kiểm nghiệm thôi.

3. Thực hành

Nói về Đại Dịch thì ngay lúc này, áp dụng vào dịch bệnh Corona là thực tế nhất, nhưng khó quá, tôi cũng không đủ chuyên môn để phân tích những vấn đề lớn như vậy, nên sẽ chọn một Đại Dịch gần gũi hơn với tôi, đó là hiện tượng Flappy Bird.
Về Quy tắc thiểu số, thì cho tới nay, vì sao game vươn lên top 1 App Store của Apple vẫn còn là bí mật. Mọi sự chia sẻ của các cá nhân nổi tiếng đều tới sau, nên tạm thời bỏ qua yếu tố này 😞
Về Yếu tố kết dính, thì game hội tụ đủ những yếu tố sau:
  • Siêu khó, nhưng tạo cảm giác “có thể làm tốt hơn”
  • Gameplay đơn giản
    • Có thể chơi bằng 1 tay
    • Thời gian 1 lần chơi ngắn
  • Dễ share kết quả, kích thích ganh đua
  • Miễn phí
  • Phá vỡ các khuôn mẫu, là người tiên phong
Về Sức mạnh của hoàn cảnh, có thể nói thời đại mà game ra mắt là bổ trợ hoàn hảo cho những yếu tố kết dính phía trên, hay ngược lại, Nguyễn Hà Đông rất biết game cần gì để những con người thời đại này phải say mê nó
  • Tính ganh đua
    Xã hội ta đang sống so bì nhau từng chút một, nên sự ganh đua xuất hiện trên mọi lĩnh vực, ngay cả việc chơi game giỏi hơn thằng bạn thân cũng giúp ta tự tin hơn vài phần. Cảm giác “có thể làm tốt hơn” và tính năng chia sẻ của game làm rất tốt vai trò này.
  • Bận rộn
    Nhắc tới game ta thường nghĩ tời việc phải dành nhiều thời gian cày cuốc, và hầu hết game thủ sinh viên khi đi làm đều phải gác lại niềm đam mê này. Nên khi có một tựa game dễ chơi, một lần chơi rất ngắn và có thể chơi bằng 1 tay, đã giúp những kẻ bận rộn lấp đầy những khoảng trống hiếm hoi trong ngày. Và như vậy, khách hàng tiềm năng của tựa game này có thể nói là “bất kì ai” sở hữu smartphone
Chỉ 2 điều trên thôi, cộng với bản tính hiếu kì đã khiến Flappy Bird trở thành hiện tượng toàn cầu, một lần hiếm hoi mà người Việt được nhắc đến đáng tự hào như vậy.
Có vẻ phương pháp này khá hiệu quả nhỉ. Đủ thuyết phục để đọc tiếp những cuốn khác rồi đấy! 
Phúc
2020.4.5