Review sách: Đi tìm thời gian bị mất (P1: Bên phía nhà Swann) - Marcel Proust
“Tuy nhiên, kể từ khi tôi học được trò hồi tưởng mọi việc, tôi không còn thấy chán nữa. Thỉnh thoảng, tôi cố nhớ về phòng ngủ của tôi,...
“Tuy nhiên, kể từ khi tôi học được trò hồi tưởng mọi việc, tôi không còn thấy chán nữa. Thỉnh thoảng, tôi cố nhớ về phòng ngủ của tôi, bắt đầu từ một góc, nhìn quanh, ghi nhớ mọi đồ vật tôi thấy. Ban đầu, việc này chỉ kéo dài một hai phút. Nhưng mỗi lần tôi lặp lại những trải nghiệm, nó lại kéo dài thêm một chút. Tôi hình dung lại mọi món đồ nội thất, rồi mọi món đồ để trên hay trong chúng, rồi chi tiếng của mỗi món đồ, rồi chi tiết của từng chi tiết, như là: vết lõm hay một chỗ khảm, màu sắc hay hạt mịn của nước sơn gỗ. Đồng thời tôi buộc bản thân mình giữ đầu óc tỉnh táo từ đầu đến cuối, sắp đặt mọi thứ theo đúng thứ tự và không bỏ sót vật gì. Như vậy, sau vài tuần, tôi có thể dành hàng giờ chỉ đơn giản để liệt kê những đồ vật trong phòng ngủ của mình. Tôi nhận ra rằng mình càng nghĩ, càng nhiều những chi tiết, bị lãng quên hay không để ý đến, nay nổi lên từ trong trí nhớ. Cứ thế mãi không dứt. Vì vậy, tôi đã hiểu rằng chỉ với một ngày sống ở thế giới ngoài kia, một người đàn ông có thể dễ dàng sống một trăm năm trong tù.”
Đoạn văn trên trong Người xa lạ của Albert Camus đặt ra cho chúng ta một câu hỏi về tương quan giữa thời gian và kí ức của một con người. Liệu có thực kí ức chỉ tồn tại cố định trong quá khứ của chúng ta? Và trong cuốn sách mình muốn giới thiệu hôm nay, Bên phía nhà Swan - cuốn đầu tiên trong bộ sách dài 7 phần Đi tìm thời gian bị mất, đã sử dụng sự nghi hoặc này như một thủ pháp để tái hiện lại khoảng thời gian thơ ấu đã quên của nhân vật chính, qua phân cảnh rất nổi tiếng trong văn học, khi người kể chuyện đã lớn tuổi được đưa trở lại về quá khứ sau khi nếm miếng bánh madeleine nhúng trà:
“Và ngay khi tôi nhận ra vị của mẩu bánh madeleine chấm trong nước lá bồ đề mà cô tôi thường đưa cho tôi [...] giống như trong cái trò chơi của người Nhật, họ thường đem những mẩu giấy bé tí thả vào một bát sứ đựng đầy nước, những mẩu giấy không hình hài, vừa nhúng vào nước đã dãn ra, vặn vẹo đi, trở nên có màu sắc và hình hài đa dạng, rồi chúng thành hoa, thành nhà cửa, thành những nhân vật rõ ràng và dễ nhận; bây giờ thì cũng vậy, tất cả hoa trong vườn chúng tôi và vườn ông Swann, hoa súng trên sông Vivonne và dân lành trong làng với các ngôi nhà nhỏ của họ, và nhà thờ, và toàn bộ Combray với vùng lân cận, mọi thứ hiển hiện lên và rắn chắc lại, cả thành phố lẫn các vườn hoa, đều từ chén trà của tôi đi ra.”
Và sự gợi mở này sẽ còn được tác giả sử dụng nhiều lần nữa, mà trong phần 1, một nhân vật khác, khi mà ngài Swann mỗi lần nghe thấy bản sonata của Vinteuil luôn nhớ về thuở mới yêu Odette.
Nhưng đó chỉ mới là khởi đầu, khi gợi nhớ về quá khứ chỉ là một giọt màu nhỏ vào nước. Nhưng sự kiện, cảm xúc và suy nghĩ như một vết màu loang trên nước, biến chuyển và nở rộ lên trên các trang giấy, qua góc nhìn và miêu tả của một đứa trẻ. Những phản ứng đầu đời của người kể chuyện, đối với căn phòng, nụ hôn của mẹ, khu vườn, người giúp việc, sách vở hay mối tình đầu tiên, đều được khắc họa tỉ mỉ một cách đáng kinh ngạc. Bên phía nhà Swann cho ta thấy một tác phẩm văn học “thường nhật”. Vì sao? Bởi vì nó không có một mạch truyện thống nhất thường thấy, mà lại được gầy dựng bởi thế giới quan của người kể chuyện, ý thức và những tia nhìn tò mò xuất phát từ anh tỏa ra xung quanh, va chạm với mọi sự vật và sự việc để cho ta một cái nhìn rất “thường nhật” của khoảng thời gian thơ ấu đã quên. Trong những bọt nước kí ức nổi lên từ thẳm sâu quá khứ, người ta thấy được những suy tư và cảm nhận của người kể chuyện về những vấn đề vốn dĩ đã rất khó nắm bắt: tình yêu, nghệ thuật, hận thù, khoái cảm,v.v. Rồi từ những khái niệm cơ bản đấy đâm sâu và bám rễ vào mấy trăm trang giấy, xoắn xít với nhau, khiến người đọc không thể đúc kết một bài học rõ ràng, hay một chủ đề chính cho tác phẩm. Nhưng có lẽ chính điều đó lại khiến tác phẩm trở nên hấp dẫn, bởi cái tính miên man, trùng điệp và day dứt của một tâm trí trằn trọc" của nhiều đêm không ngủ.
Ngoài ra, theo những gì tôi tìm hiểu được từ cuốn “Phê bình văn học thế kỷ XX” của Thụy Khuê, bộ sách này một phần dựa trên việc Proust cảm thấy cần phải viết một cuốn tiểu thuyết chứng minh niềm tin của mình rằng cuộc đời của một tác giả không ảnh hưởng đến cách diễn giải thẩm mỹ và phong cách của tác phẩm. Một trong những ấn phẩm đầu tiên của Proust, một bài tiểu luận mở rộng có tựa đề Chống lại Saint-Beuve, đã tấn công nhà phê bình văn học Saint-Beuve vì cho rằng bất kỳ văn bản nào cũng có thể được nghiên cứu liên quan đến tiểu sử của tác giả. Để nhấn mạnh quan điểm của mình hơn nữa, Proust đã lấy cuộc sống của chính mình làm hình mẫu cho nhân vật chính. Sử dụng cuộc sống và gia đình của chính mình làm điểm khởi đầu cho tác phẩm, ông cố gắng chứng minh sự không liên quan của tiểu sử tác giả đối với việc tìm hiểu nội tâm nhân vật.
Một điểm khác khiến mình rất thích cuốn sách này chính là bởi tác phẩm này khiến mình cảm nhận được sự rạng rỡ của văn chương. Điều này một phần đến từ chất hội họa trong tác phẩm. Proust là một chuyên gia phê bình nghệ thuật và rõ ràng ông đã lựa chọn những phong cách cụ thể của các họa sĩ nổi tiếng để tự tạo ảnh hưởng và xây dựng nên bút pháp của mình. Chẳng hạn, niềm đam mê của Marcel với kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên ở Combray và vùng lân cận làm ta nhớ lại các tác phẩm củaClaude Monet, cũng như những bức về hoa súng và cánh đồng hoa, mà ví dụ rõ ràng nhất là bức Water Lilies, Setting Sun:
"Nhưng ở phía xa hơn, dòng nước chậm lại, chảy qua một điền trang được người chủ sở hữu mở cửa cho công chúng, người chủ này thích nuôi trồng các loài thảo mộc thủy sinh, và đã làm cho các hồ nước nhỏ do sông Vivonne tạo nên thành những vườn hoa súng trắng thực thụ [...]. Đó đây, trên mặt nước, ửng hồng tựa trái dâu, là một bông súng lòng đỏ thắm, vành hoa màu trắng. Xa hơn, hoa nhiều hơn và nhạt màu hơn, bớt nhẵn mịn, nổi cát hơn, nhiều nếp hơn, và được sắp đặt tình cờ thành những vòng quấn quýt thật duyên dáng thành thử ta ngỡ thấy, như sau tàn cuộc u buồn của một hội vui phong tình, bập bềnh trôi dạt những đóa hồng nhung kết thành những tràng hoa đã xổ ra lơi lỏng. Ở chỗ khác, một góc dường như dành cho những loài thông thường đang phô bày sắc trắng sắc hồng tinh sạch của cây nhu hoa, tựa đồ sứ gia dụng được chăm nom lau rửa, còn xa hơn một chút, chen chúc cây nọ sát cây kia thành một luống hoa nổi thực sự, cứ như thể những bông tử la lan trong vườn, tựa những chú bướm, đến đậu đôi cánh lam nhạt và láng bóng lên mặt nghiêng trong suốt của hoa viên dưới nước này; cũng là hoa viên trên trời nữa: vì vườn tặng cho hoa cái nền mang một sắc màu còn quý giá hơn, còn cảm động hơn sắc màu của bản thân hoa; và, hoặc vì ban chiều vườn làm lấp lánh dưới những bông súng những đổi thay liên tiếp – như kính vạn hoa – của một hạnh phúc chăm chú, lặng lẽ và biến động, hoặc vì tối đến, như một bến cảng xa xôi nào đó, vườn đầy ắp sắc hồng và nỗi mơ màng của buổi tịch dương, không ngừng biến chuyển đế mình luôn luôn hòa hợp, quanh những vành cánh hoa mang sắc màu cố định hơn, với những gì sâu xa nhất, phù du nhất, huyền bí nhất – với những gì là vô tận – trong giờ khắc, dường như vườn đã làm cho hoa nở giữa bầu trời."
Swann cũng chia sẻ sự ngưỡng mộ của Proust đối với Botticelli, đặc biệt là những bức tranh của ông có những người phụ nữ tóc vàng nổi bật mà Odette hơi giống. Swann so sánh Odette với con gái của Jethro trong Zipporrah của Botticelli, thậm chí sử dụng một bản sao thu nhỏ của bức tranh như một bức tranh của Odette. Sau đó, khi Swann nghi ngờ rằng Odette đang nói dối anh ta, anh ta so sánh biểu cảm của cô với khuôn mặt của một nhân vật trong một trong những bức bích họa của Botticelli. Điều này cho phép anh ta nhớ lại một lần khác khi cô ấy có cùng một biểu cảm - "một bằng chứng cho thấy cô đang nói dối."
Tuy vậy, để hoàn thành việc đọc cuốn sách này thật không dễ. Những câu văn dài có khi đến nửa trang, chỉ để miêu tả một hay hai sự việc. Nhiều đoạn phải đọc lại nhiều lần mới có thể hiểu và cảm được ý. Như dịch giả Đặng Anh Đào chia sẻ vui: “Ông Proust thì đi tìm thời gian đã mất, còn tôi thì cứ mải miết đi tìm chủ từ đã mất.” Sự phức tạp trong câu chữ đòi hỏi người đọc phải có tính kiên nhẫn và tập trung, thậm chí thời gian và sức khỏe nữa. Nhưng chìm đắm vào thế giới Bên phía nhà Swann đương nhiên là một trải nghiệm xứng đáng. Một thế giới nội tâm đồ sộ được xây dựng lớp lang cùng thứ văn chương màu sắc và đẹp đẽ, khiến Bên phía nhà Swann suốt 100 năm qua vẫn là một tượng đài của văn học Pháp, nơi vốn dĩ đã có vô vàn những tài năng xuất chúng.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất