Khi được 1 người bạn giới thiệu đọc quyển này thì thật ra ngay từ tên quyển sách, mình cũng muốn mua 1 quyển để đọc. Bản thân mình làm sản xuất từ lúc về nước tình đến bây giờ là non non già già 10 năm. Nhưng so với tác giả thì quy mô và sự va chạm của mình nhỏ hơn nhiều. Nhưng mình tin rằng, mình vẫn đủ hiểu tất cả những gì tác giả trình bày trong quyển sách gồm 2 phần và 10 chương này.
Phần 1 của quyển sách: sẽ giúp bạn định hình rõ vị trí của công ty bạn, tóm lại là nên chấp nhận “thân phận” đi làm outsourcing hay làm brand riêng cho mình. Thực tế công ty sản xuất đèn Led bé như cái lỗ mũi của mình là 1 chiếc cầu giúp mình băng qua rất nhiều công ty sản xuất tại Bình Dương, Đồng Nai,…Có những công ty cũng là khách hàng của mình, họ chấp nhận làm outsourcing mà chủ yếu là đồ nội thất và nhựa. Công ty nội thất đó hàng tuần xuất mấy chục container sang Mỹ và không tiếp xúc với báo chí và truyền thông (VTV đến tận nơi quay phim về DN tiêu biểu tỉnh Bình Dương, chủ tịch tập đoàn ra chào và phát lì xì mời họ quay về lại nhà đài), họ âm thầm lặng lẽ chăm chỉ làm mấy chục năm. Không 1 cái bàn hay ghế nào bán tại VN cả. Hay công ty làm túi nhựa cho các túi xách MK, Coach,… chỉ tập trung làm cái bì nhựa mỏng dính gói mấy cái túi mà 1 năm ông chủ lẹt xẹt bỏ túi hơn chục tỉ (nên đổi xe hơi liên tục). Mà nhìn rõ cái xưởng vừa tối, vừa nóng và tỉ lệ sai hỏng cứ 1 tiếng là cái máy cán & in nhựa sai phải 2-3 lần cùng tỉ lệ nhựa bỏ dư phải 50/50..(biết được chính xác là vì đứng ngay đó lắp đèn Led cho họ) vì mỗi khi kéo màn bị sau hay in sai thì công nhân phải cắt bỏ. (Được cái chịu chi mua đèn Led Nhật).

Ngoài ra, trong phần này có chương 4 là “Tìm kiếm khách hàng quốc tế” là mình chiêm nghiệm rõ kinh nghiệm của tác giả nhất, thông qua vị trí mình là người đi mua hàng ở nước ngoài và nhìn thấy những công ty nước ngoài làm khá đúng như tác giả trình bày.
Và có 1 điều tác giả cho thấy là cho dù là trước đây, bây giờ hay về sau này thì chất lượng sản phẩm (dĩ nhiên là tương ứng với giá thành) thì luôn được người tiêu dùng quan tâm hàng đầu.

Phần 2 của quyển sách : sẽ giúp bạn vạch trần bộ mặt chi phí của 1 món hàng mà cụ thể là giầy dép. Và khi đọc xong, tóm lại bạn hãy quẳng ra khỏi đầu vì sao chi phí sản xuất đôi Adidas có 21$ mà giá bán lẻ là 100$ hay Iphone X sản xuất có 412.75$ mà giá bán lẻ trên đến 999$. Tóm lại từ khi có sản phẩm hoàn thiện đến lúc sản phẩm đó đến tay bạn, các công ty còn chi ti tỉ thứ nữa các bạn ah. Ah, còn 1 điều nữa, nhà bán lẻ sẽ cầm trên tay 6$ lợi nhuận nếu bạn cầm đôi giầy ấy ra khỏi cửa hàng. Vẫn 1 câu hỏi muôn đời “nên làm nhà sản xuất hay nhà thương mại?”. Mình cũng từng phân tích vấn đề này với mảng nông nghiệp ngay sau khi kết thúc khóa đào tạo của APEC 2018.
Tóm lại hãy bớt ngây thơ về giá sản phẩm các bạn ah. Và câu này cũng áp dụng được luôn cho cả nhà sản xuất định giá sản phẩm của mình. Giá sản phẩm là 1 cái gì đó mà cá nhân mình cho thấy rất là flexible.
Trong sách cũng có khá nhiều biểu đồ và số liệu cùng những trăn trở của tác giả về SME Việt Nam, về chính sách, công nghiệp phụ trợ…

Tuy nhiên, nếu được góp ý cho quyển sách này thêm 1 Chương, mình xin phép gợi ý tác giả hãy viết thêm về trình độ của các ông/bà chủ VN của các công ty SME. Đây là 1 trong các rào cản để VN chưa thể vươn mình ra thế giới mà có khi chúng ta đang phải nói tránh, nói giảm về việc này.
Tóm lại, mình nói thẳng luôn là đa phần các người chủ SME VN đều không có trình độ nhiều, tiếng Anh không phải ai cũng sử dụng được và ngại va chạm cái mới. So với Trung Quốc thì hiện nay thế hệ của họ đã được đi du học khá nhiều và khắc phục nhiều yếu điểm của thể hệ 70 mà tác giả có trình bày trong sách.
Trung quốc hàng năm trung bình đưa hơn 300,000 sinh viên mới sang Mỹ du học lần đầu (nghĩa là không tính các bạn đã sang năm trước đó) và có 5 ngành sinh viên Trung quốc học nhiều nhất cụ thể là Business management, computer science, finance, math & economic.

Chỉ cần nhìn con số này cũng cho thấy nền tảng trading của Trung Quốc chắc chắn mạnh hơn vì đội ngũ kết thừa của họ không những có tri thức đào tạo bài bản mà còn kỹ năng ngoại ngữ kèm mối quan hệ.

>> VIỆT NAM CHÚNG TA CHƯA CÓ ĐIỀU NÀY, NẾU CÓ THÌ LÀ RẤT ÍT NHỮNG GIA ĐÌNH DOANH NHÂN & TRI THỨC NHƯ VẬY.
Cuối cùng, nếu bạn đang làm bất kì vị trí nào liên quan đến sản xuất hoặc công ty bạn là công ty sản xuất bất kì sản phẩm nào, mình nghĩ đây là quyển sách nên đọc để dần định hình được lĩnh vực & tiềm năng cũng như những hiểu nhầm trước giờ của bạn đối với sản xuất. Và trong đó, người làm lâu lâu như mình cũng thấy mình có vài lầm tưởng. Nhờ quyển sách nhỏ này, mình cũng dần dần thấy rõ hơn.
Xin cảm ơn tác giả đã dành thời gian viết sách và mong có nhiều dòng sách chia sẻ kinh nghiệm thức tế như thế này cho cộng đồng SME Việt Nam.
P.S.: cũng không hiểu sao người viết Preface cho sách bảo là mong sách sẽ lan tỏa đến 500,000 doanh nghiệp VN mà nhìn rõ là chỉ in có 2000 bảng? Chắc mượn nhau đọc quá!
Source: Sony Hoai Tran - Deputy Director Potech Co.Ltd