Thiếu tình thương là thiếu hiểu biết, và khi đã không hiểu biết thì con người không thể cảm thông được với nhau mà chỉ thấy những khác biệt, sai trái.

1. Thông tin chung

– Tên tác phẩm: Dấu Chân Trên Cát
– Tác giả: Nguyên Phong
– Thể loại: Tiểu thuyết – Tâm Linh
 Gần đây, cái tên Nguyên Phong được nhắc đến nhiều qua tác phẩm mới xuất bản “Muôn Kiếp Nhân Sinh” của ông. Một tác giả Việt nổi tiếng với “phóng tác” (sáng tác dựa trên cảm hứng từ một tác phẩm khác). Đã từng đọc cuốn “Hành Trình Về Phương Đông” của ông nhưng không ấn tượng lắm, do chủ đề Tâm Linh không quá hấp dẫn với tôi. Nhưng với bối cảnh về Ai Cập Cổ Đại, thì cuốn này khiến tôi khá tò mò, nên quyết định đọc thử. 

2. Về tác phẩm

 Truyện là lát cắt của triều đại Pharaoh kì lạ nhất Ai Cập, theo chân cuộc đời một y sĩ hiền lành, người được cho là thầy của nhiều triết gia Hy Lạp cổ đại. 
 Dựa trên chất liệu là những nhân vật và địa danh có thật, gắn chúng lên một cốt truyện hư cấu, kết nối chúng lại theo một dòng chảy riêng, đó là cách mà tác giả đã phóng tác nên câu chuyện này.
 Nói tới đây làm tôi phải so sánh với Dan Brown. Cùng một công thức như vậy, Dan Brown đã rất thành công trong việc cho độc giả sự thích thú khi thấy những điều quen thuộc được khoác lên một ý nghĩa, một câu chuyện mới, ly kì và hấp dẫn hơn.
 Về mặt này, Nguyên Phong cũng làm rất tốt. Câu chuyện mà tác giả kể có tình tiết, có bất ngờ, đặc biết là các chi tiết về tranh giành quyền lực.
 Nếu chủ đề thiên về khoa học của Dan Brown luôn đi kèm với phong cách giật gân pha trinh thám, thì với tác phẩm này của Nguyên Phong, ta được đọc một câu chuyện lịch sử với chủ đề Tâm Linh.
 Những kiến thức và khái niệm được nêu ra trong cuốn sách này là rất nhiều, từ khoa học sự sống, khoa học cái chết tới các thể, các cõi, các giới… Tuy không hiểu hết các kiến thức đó, nhưng tôi thấy được tác giả đã cố gắng để đơn giản hoá hết mức có thể những kiến thức này. Nhưng do thường xuyên dồn quá nhiều nội dung vào một đoạn hội thoại, và do tôi không hứng thú với chủ đề này, nên thỉnh thoảng đọc bị mệt.
 Đây cũng là điểm yếu của tác phẩm. Các đoạn hội thoại quá dài. Mỗi lần Pharaoh hay một học giả nào đó lên tiếng, là kéo dài cả mấy trang, khiến tôi quên luôn bối cảnh và tình tiết truyện đang như thế nào.
 Ngoài ra, các tình tiết lại bị vội và hời hợt, nhiều sự kiện quan trọng lướt qua chóng vánh, không giải thích, chỉ đơn giản là kể thôi. Không tả cảnh, cũng không tả nội tâm luôn, nên nếu bạn trông chờ vào một câu chuyện giàu cảm xúc thì xin lỗi, cuốn sách này không đáp ứng được.
 Nhưng nghĩ lại, sự mau lẹ trong tình tiết và đơn giản trong cách kể, có khi lại là chủ đích của tác giả. Làm tinh gọn mọi thứ, chỉ giữ lại cốt truyện giàu tình tiết, và các đoạn hội thoại giàu kiến thức, cốt để tạo ra một trải nghiệm nhẹ nhàng nhất có thể cho những người mới tìm hiểu về chủ đề Tâm Linh chăng?
 Tóm lại, dù quan tâm tới Tâm Linh hay không, thì đây vẫn là một cuốn sách dễ đọc và đáng đọc. Một câu chuyện lịch sử giả tưởng, mang trong mình thông điệp về sự quan trọng của hiểu biết, của tình thương. Về một nền văn minh rực rỡ vì con người, và cũng tàn lụi vì con người. Về những huyền thoại mãi mãi bí ẩn, không thể lần dấu, như những dấu chân trên cát. 
Sài Gòn ngày 11 tháng 7, 2020
Phúc