Tôi đã thấy quá nhiều đứa có miếng đất trong đầu tụi nó. Nhưng tụi nó chả bao giờ có cái gì trong tay.

1. Thông tin chung

– Tên tác phẩm: Của Chuột Và Người (Of Mice and Men- 1937)
– Tác giả: John Steinbeck
– Dịch giả: Phạm Văn
– Thể loại: Tiểu thuyết xã hội
Cuốn thứ 2 của Steinbeck, sau khi khá thích thú với cuốn Phố Cannery Row vì cốt truyện rất “thường” nhưng văn phong nhẹ nhàng, đẹp và chỉn chu, đem lại cảm giác khá dễ chịu và tích cực sau khi đọc. So với lần trước, cuốn này nổi tiếng và được đánh giá cao hơn, nên cũng khá kì vọng.

2. Về tác phẩm

Truyện kể về cuộc đồng hành của 2 kẻ làm thuê với tính cách và ngoại hình trái ngược, nhưng được gắn kết với nhau bởi một thứ tình cảm kì lạ. Bối cảnh trong một nông trại, nơi những kẻ lao động cùng sinh hoạt, cùng làm và cùng bấu víu vào những ước mơ nhỏ nhoi để cố gắng lạc quan trong thế giới mà họ đang bị xếp dưới đáy. Số lượng nhân vật không nhiều, đếm chưa đủ 2 bàn tay, nhưng ai cũng có cá tính riêng, dù họ đều có điểm chung là bị cái nghèo vây chặt, không có được sự tự do, biết ngày nào hay ngày đó.
Truyện khá mỏng, nhưng câu truyện được kể lại rất trọn vẹn, từ giới thiệu bối cảnh, phát triển nhân vật đến tạo mâu thuẫn, kịch tính rồi giải quyết vấn đề, và được kết lại bằng một nỗi cảm thương, nhưng dễ chấp nhận vì sự hợp lý của nó. Đan xen câu truyện là những đoạn miêu tả rất “thường”, chỉ đơn giản là cái gì diễn ra thì tả lại cái đó, không màu mè văn vở, nhưng cái “thường” ấy hợp với câu truyện một cách lạ kì.
Điểm đặc sắc nhất có lẽ đến từ cá tính của 2 nhân vật chính. Sự gắn kết khó giải thích, sự trớ trêu của tạo hoá, cái khổ trong cái khổ, oái oăm trong oái oăm, như một quả bom nổ chậm, ai cũng biết rằng nó sẽ phải nổ, nhưng khi chuyện đó diễn ra, ta vẫn đau xót và xúc động. Như một sự sắp đặt của số phận, sự sắp đặt mà không ai làm khác được.
Tóm lại, vẫn là phong cách bình thản, bối cảnh và và văn phong rất “thường”, nhẹ nhàng và từ tốn, nhưng cấu trúc chặt chẽ, nhân vật thú vị đã tạo nên một câu truyện “như văn mẫu”, tròn trịa, khó mà tìm ra điểm để chê. Tuy ngắn nhưng sẽ khiến bạn phải dừng lại thường xuyên để ngẫm nghĩ, để xúc động và để cảm thông.

3. Tản mạn

Nó là đứa tử tế. Người ta đâu có cần khôn khéo mới là đứa tử tế. Tao thấy hình như nhiều khi còn ngược lại là khác. Cứ thử coi một thằng thật láu cá thì khó khi nào nó là đứa tử tế.
Đúng rồi, mấy đứa láu cá thích tính toán nọ kia, hay xài cái sở trường đó để phục vụ bản thân lắm. Mà để thoả mãn thói ích kỉ của bản thân, thì ít nhiều sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới người khác, và thế là, mất đi sự tử tế.
Buồn thay, càng học nhiều, càng biết nhiều thì càng dễ bị cám dỗ, do khi có quá nhiều kĩ năng, ta sẽ cần có chỗ để xài chúng. Như mua một con dao vậy, dao bén, có thể giúp ta tạo ra những món ăn đẹp mắt, và cũng có thể dùng làm hung khí tấn công. Kĩ năng cũng như công cụ, càng tối tân hiện đại thì càng đòi hỏi sự sáng suốt khi sử dụng, năng lực càng cao thì trách nhiệm càng lớn. Nên những kẻ vô tư, đầu óc đơn giản sẽ ít sân si và họ tử tế một cách tự nhiên.
Nhưng, họ lại chính là đối tượng ưa thích để những kẻ láu cá có đầu óc lợi dụng, lừa lọc và gây tổn thương.
Bảo sao người ta vẫn khoái làm kẻ láu cá hơn.
Phúc
2020.4.9