Và ở cái miền sông ấy, người lỡ đường, nhất là một đứa trẻ, không thể đói lạnh được, nó luôn tìm được miếng ăn, chỗ ngủ ở bất cứ đâu.

1. Thông tin chung

– Tên tác phẩm: Cố định một đám mây
– Tác giả: Nguyễn Ngọc Tư
– Thể loại: Tập truyện ngắn
Sau 3 cuốn của Cô Tư phải vất vả kiếm từng truyện lẻ trên mạng để đọc, ngay khi về Việt Nam tôi đã nhanh chóng mua cho bằng hết các cuốn của cô. Chưa đọc ngay, cứ để sẵn đó chờ cảm xúc gọi tới.
Mấy ngày trước thấy ai đó share post của Trạm Trích về cuốn này, tình cờ thay lại là cuốn duy nhất của tôi có chữ kí của Cô Tư (cô kí sẵn hàng loạt thôi nhưng vậy cũng thích rồi). Nên thôi, chưa sẵn sàng lắm nhưng đọc coi sao.

2. Đánh giá

Cô Tư chưa bao giờ làm tôi thất vọng về mặt cảm xúc. Vẫn biết buồn là thứ dễ đồng cảm, nhiều lúc bị các nghệ sĩ lạm dụng tới mức gượng gạo, nhưng buồn của cô không làm tôi bị mệt, mà khơi gợi được sự… háo hức để buồn. Cuốn này vẫn làm tốt việc đó.
“Cố định một đám mây” – vẫn như các cuốn khác – là tên của một truyện ngắn trong tập truyện, nhưng may quá, nó không phải truyện nổi bật nhất. Cô Tư đã làm được việc giữ một chủ đề xuyên suốt, thứ tôi nghĩ là cần thiết cho một tập truyện, vì nó định hình cảm xúc theo một hướng cụ thể và giữ được sự ổn định về chất lượng cho cả cuốn sách.
Chủ đề lần này, Cô Tư chọn kể về cảm xúc của sự níu giữ. Phần lớn tập truyện là về nỗi hoang mang và vô vọng của kẻ ở lại, khi cố giữ thứ đã không còn muốn là của mình. Ngoài sự nhất quán về tinh thần ra, là điểm xuyết vài phá cách thú vị; như một truyện có góc kể của người ra đi, có sử dụng phương pháp “phá vỡ bức tường thứ 4” để đưa chính tác giả vào câu truyện; một truyện được viết theo lối mộng mị, về một kẻ luôn đứng ở ranh giới giữa thực và hư; hay một truyện khác lại xàm xí nhưng hết sức dễ thương và vui tươi.
Lối kể thì vẫn xuất sắc về mặt ngôn từ, nếu phải chọn một từ để nhận xét về câu chữ của Cô Tư thì đó sẽ là từ “đẹp”. Những cái buồn thật đẹp. Cái đặc trưng nữa là độc giả luôn bị ném thẳng vào giữa một sự kiện gì đó ngay từ đầu, mà không có phần giới thiệu bối cảnh, nên việc trở tới lui đoạn đầu các truyện là việc tôi phải làm thường xuyên để biết được điều gì đang diễn ra. Nhưng tôi chưa bao giờ chán việc phải loay hoay tìm phương hướng đó. 
Tóm lại, tập truyện vẫn đậm chất Cô Tư, thêm điểm cộng về sự thống nhất về nội dung, và xen kẽ vài thủ pháp mới lạ trong cách kể, nên chắc chắn sẽ làm hài lòng những ai đã trót mến những câu chữ của cô.

3. Tản mạn

Và ở cái miền sông ấy, người lỡ đường, nhất là một đứa trẻ, không thể đói lạnh được, nó luôn tìm được miếng ăn, chỗ ngủ ở bất cứ đâu.
Trích “Chuyện của Lụt”, truyện ít buồn-kiểu-Cô-Tư nhất, nhẹ nhàng nhất, đơn giản nhất, mà tôi thích nhất. Vì nó là truyện hiếm hoi của cô kể về những khoảng tươi sáng của xứ ấy. Xứ tôi chưa tới bao giờ nhưng qua những câu chuyện khác của cô thì thấy thiện cảm và thương đến lạ lùng, vì nghe sao mà tội quá. Hi vọng cô viết nhiều hơn theo kiểu này, để tôi đỡ phải cảm thán hoài cái câu: “Sao mà hiền quá thể”.
Phúc
2019.02.02