[Review sách] Chiến Binh Cầu Vồng - Tác phẩm đến từ Indonesia nhất định bạn phải đọc một lần trong đời
Trong suốt chặng đường đọc sách của mình, có cuốn nào khiến bạn đau lòng đến mức chỉ muốn quăng sách đi và không bao giờ động tới nó một lần nào nữa không?
Chào các bạn, lại là mình Dory đây. Trong suốt chặng đường đọc sách của mình, có cuốn nào khiến bạn đau lòng đến mức chỉ muốn quăng sách đi và không bao giờ động tới nó một lần nào nữa không? Chẳng phải vì sách quá tệ, cũng chẳng phải do dịch thuật quá kém. Mà vì chính bản thân nội dung cuốn sách, chính câu chuyện được kể quá trần trụi, quá chân thật. Chân thật đến mức bạn không muốn chấp nhận và tự bảo với mình sẽ chẳng bao giờ động tới nó một lần nào nữa. Với mình, Chiến Binh Cầu Vồng là một tác phẩm như thế.
Là tác phẩm có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất Indonesia, Chiến Binh Cầu Vồng được viết nên bởi nhà văn Andrea Hirata. Sinh ra trong một gia đình nghèo khó trên đảo Belitong (Indonesia). Hirata đã nỗ lực vươn lên hết mình để thay đổi số phận. Nhà văn đã lấy được học bổng Châu Âu, theo học tại những trường đại học danh giá và trở thành một trong những cây bút thành công nhất Indonesia.
Chiến Binh Cầu Vồng được lấy cảm hứng từ chính tuổi thơ của Hirata, cuốn sách kể về khát khao được đi học, đi dạy, khát khao thay đổi vận mệnh của những đứa trẻ nghèo trên hòn đảo Belitong. Nhưng khát khao ấy sẽ đi được đến đâu khi ngôi trường xập xệ không chỉ đứng trước nguy cơ đóng cửa vĩnh viễn nếu không đủ mười học sinh trở lên, mà còn từ lời đe dọa của viên thanh tra giáo dục, của tôn giáo, của những cỗ máy xúc đang chực chờ dò khoáng sản và nhất là của cái nghèo và sự tự ti?
Chiến Binh Cầu Vồng bắt đầu bằng bối cảnh trong ngày khai giảng của trường Muhammadiyah với một tình huống không thể hấp dẫn hơn: ngôi trường có hàng trăm năm tuổi này bắt buộc sẽ phải đóng cửa nếu không đủ từ mười học sinh trở lên. Ngay lập tức, mình bị cuốn vào trong từng trang sách mà không tài nào dứt ra nổi. Với giọng kể chậm rãi nhưng đầy xúc cảm, tác giả Hirata đưa mình đi từ cung bậc cảm xúc này đến cung bậc cảm xúc khác. Lúc lo lắng, lúc vui vẻ, lúc đau thương, lại có lúc tức giận đến mức không nói nên lời.
Nhưng trên hết, là cảm giác bất lực và có lỗi. Bất lực là khi mình nhận ra rằng câu chuyện ấy là có thật, và nó đang xảy ra ngay xung quanh mình. Những em bé vùng cao ngày ngày trèo đèo lội suối tới trường, những em học sinh vùng sông nước vẫn phải bơi qua sông mỗi mùa mưa lũ để tới lớp và hàng ngàn câu chuyện đau lòng khác vẫn cứ thể diễn ra mà mình không thể nào thay đổi được. Có lỗi là khi mình chưa thể giúp được gì. Và có lỗi khi bản thân mình may mắn được tạo điều kiện học hành tối đa nhưng lại đối xử với sự học một cách tối thiểu.
Mình nhớ lần đầu đọc Chiến Binh Cầu Vồng là lúc mình đang ngồi trên ghế nhà trường. Lúc ấy, với vốn kinh nghiệm sống gần như bằng không, khoảnh khắc gấp sách lại là khoảnh khắc mà lòng mình buồn rười rượi. Cảm xúc - thứ vốn được vuốt ve và nuông chiều qua những cuốn sách có cái kết hạnh phúc, nay như bị tạt thẳng gáo nước lạnh. Mình không tin nổi vào mắt mình và những gì đã diễn ra. Mình chối bỏ và không thể chấp nhận nó. Mình ghét cay ghét đắng tác giả vì đã viết ra một cuốn sách khiến mình đau lòng đến thế. Và kết quả là mình nhét Chiến Binh Cầu Vồng vào một góc thật xa, thật cao trên kệ sách như một cách “trả thù” của đứa trẻ con.
Giờ đây, khi đã là một “người lớn”, đã tốt nghiệp, đi làm, đã va vấp, đã bôn ba, đã thấy đủ chuyện trớ trêu trên đời, mình lại lôi Chiến Binh Cầu Vồng ra đọc. Vẫn những cảm xúc ấy, không hề đổi thay. Nhưng đã không còn dữ dội như trước bởi mình dần biết chấp nhận những gì diễn ra là thật. Cay đắng đấy. Nhưng nó là thật. Bởi cuộc đời, đôi khi không công bằng như chúng ta vẫn nghĩ.
Và thật lạ lùng. Điều từng khiến mình ghét cay ghét đắng cuốn sách lúc trước giờ đây lại chính là điều khiến mình biết ơn và trân quý. Bởi nếu câu chuyện cũng có một cái kết viên mãn thì liệu chúng ta có thức tỉnh, nhìn lại và tìm cách giải quyết vấn đề không? Hay cứ tự ru ngủ mình trong cái vỏ bọc ngọt ngào không có thực?
Mình nghĩ, Chiến Binh Cầu Vồng là một cuốn sách tuyệt vời. Và là quà tặng không thể hoàn hảo hơn cho cả học sinh lẫn giáo viên. Bởi sau cùng, đây vẫn là một cuốn sách truyền cảm hứng về tinh thần nỗ lực học tập và cống hiến hết mình cho nền giáo dục. Hãy tìm đọc nó, để cùng vui, cùng buồn, cùng tức giận, cùng đớn đau qua từng trang sách với mình. Để khi khép lại, cùng có cái nhìn nghiêm túc và mở lòng đối với những mảnh đời bất hạnh ngoài kia. Vì mình tin rằng, mọi thay đổi chỉ thực sự bắt đầu khi chúng ta biết cảm thông.
Bạn đã đọc cuốn này chưa? Nếu đọc rồi thì cảm nhận của bạn về Chiến Binh Cầu Vồng như thế nào? Để lại nhận xét bên dưới cho mình biết với nhé.
Chiến Binh Cầu Vồng
Tác giả: Andrea Hirata
Biên Dịch: Dạ Thảo
Đánh giá cá nhân: 10/10
Nguồn bài viết thuộc về group Maybe You Can't Stop Reading It
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất