Cái sự vô tư của họ dễ gây cảm mến, nhưng thiếu sự đề phòng, rồi đến khi họ bị tổn thương, cái đau đớn của họ có thể khiến ai thấy cũng xót xa theo, ngay cả người gây tổn thương cho họ.

1. Thông tin chung

  • Tên tác phẩm: Cánh đồng bất tận
  • Tác giả: Nguyễn Ngọc Tư
  • Thể loại: Tiểu Thuyết
Không thích cảm xúc buồn, nên không nghĩ sẽ đọc một truyện buồn dữ dội như Cánh đồng bất tận.
Nhưng do được giới thiệu và một vài chuyện xảy ra, nên đã quyết định đọc tác phẩm này.

2. Về cách kể

Mạch truyện đơn giản, dễ đọc, là cái nền để tác giả tập trung vào việc miêu tả cảm xúc nhân vật.
Câu văn đẹp, như vẽ thẳng vào não người đọc, không cần quá cố gắng cũng có thể “nhìn” thấy những gì tác giả đang kể. Tuy ít đọc các tác phẩm văn học trong nước nhưng thật sự nể các câu văn miêu tả của Nguyễn Ngọc Tư.

3. Về nội dung

Về 1 gia đình chăn vịt ở miền Tây sông nước, dưới góc kể của cô con gái lớn.
Nỗi buồn-đau là cảm xúc chính xuyên suốt tác phẩm, được vẽ nên hết sức dữ dội, khi truyện mở đầu bằng một trận đánh ghen, và kết thúc bằng một cảnh còn dữ dội và cay đắng hơn thế.
Mọi nhân vật đều mang một nỗi buồn riêng, niềm đau riêng, cộng với kiểu sống bản năng, khiến cho nỗi đau bị lan truyền, dai dẳng, không lối thoát. Gọi tác phẩm này bằng cái tên “Những nỗi đau bất tận” cũng không sai.

4. Ngoài lề

Ngay sau khi đọc truyện, mình đã xem bộ phim cùng tên của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình.
Phim đẹp, diễn viên cũng đẹp. Đáng tiếc là vai Sương lại nói giọng Bắc (mình là người Bắc nhưng rõ ràng nhân vật Sương không thể nói giọng Bắc được)
Cũng chính vì giọng của Sương nên mình không thích vai này lắm ở 2/3 đầu phim, cuối phim thì đỡ hơn vì mạch phim lên cao trào, vai Sương có đất diễn hơn, và cô làm rất tốt.
Ngoài ra thì các nhân vật khác đều tròn vai, phim đã giảm nhẹ đi khá nhiều tình tiết nhạy cảm, thậm chí thêm hẳn một cái kết không có trong truyện để phim nhẹ nhàng, tích cực hơn (cũng đúng thôi, nếu bê nguyên từ truyện lên thì không ai dám phát hành bộ phim này mất)
Vì sự tiết chế như vậy, nên nỗi buồn-đau dai dẳng của truyện cũng bị giảm đi nhiều, không dữ dội nhưng vẫn đủ làm người xem xúc động.
Tóm lại, nếu ai thích miền Tây, thích Ninh Dương Lan Ngọc thì nên xem :))
Có tìm hiểu thêm các thông tin ngoài lề, thì được biết tác phẩm (truyện) đã gây từng xôn xao và tranh cãi 1 thời gian. Nhiều người cho rằng, tác giả bôi xấu hình ảnh miền Tây.
Nhưng hỡi ôi, một người cả đời gắn bó với miền Tây, viết ra những câu văn đẹp như vậy thì không thể nào ghét miền Tây được. Nực cười.
Còn tại sao không ghét mà lại tả “xấu” như vậy, thì tùy vào cách cảm nhận mỗi người. Riêng tôi, thấy đẹp.
Cảm nhận riêng về người miền Tây, họ sống bản năng, vô tư với cảm xúc. Vui thiệt vui, mà buồn cũng thiệt buồn.
Cái bản năng và vô tư đó, nếu trong một cộng đồng có chung tính cách thì không sao, nhưng khi xa quê nhà, họ dễ bị tổn thương.
Cái sự vô tư của họ dễ gây cảm mến, nhưng thiếu sự đề phòng, rồi đến khi họ bị tổn thương, cái đau đớn của họ có thể khiến ai thấy cũng xót xa theo, ngay cả người gây tổn thương cho họ.

5. Tổng kết

Hợp với ai?
- Yêu miền Tây, hoặc có cảm tình với người miền Tây.
- Thích các câu văn đẹp.
- Muốn trải nghiệm cảm giác buồn.
Tiếp theo đọc gì ?
Các truyện ngắn khác trong cùng tuyển tập "Cánh đồng bất tận".

Phúc.