[Review sách] Cảm ơn người lớn
“Tôi viết cuốn sách này không dành cho trẻ em. Tôi viết cho những ai đã từng là trẻ em.”
"Khi trời giông bão, làm người lớn
Nắng vàng, hoa nở, làm trẻ thơ"
|Sưu tầm|
Cảm ơn người lớn là tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh gần đây mình chọn đọc. Với mình, đây là cuốn sách dễ đọc, thú vị, chứa đựng góc nhìn sâu sắc về một vài vấn đề trong cuộc sống.
Sơ lược nội dung
Cám ơn người lớn là hồi ức về tuổi thơ của 4 cô cậu nhỏ tuổi có tên Mùi, Tủn, Tí Sún, Hải Cò sống tại miền quê nọ.
Thời gian trôi qua, cu Mùi ngày nào đã trở thành ông Mùi có nhiều chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời đã dành thời gian viết lại những năm tháng tuổi thơ của bên cạnh đám bạn nhí nhố, đáng yêu của mình.
Nào là chuyện làm đôi cánh tập bay khiến cho Hài Cò té gãy tay. Trò chơi ghép đôi đóng giả vợ chồng, chuyện vẽ bản đồ khu phố nhỏ xíu, khu phố ai cùng thuộc làu như lòng bàn tay, cả những tháng ngày miệt mài vẽ bộ truyện tranh về tình cảm đẹp đẽ giữ bạn dê Tuyết Trắng và bạn cọp Tai Tròn. Ký ức tuổi thơ tái hiện thật hồn nhiên, ngộ nghĩnh thông qua giọng kể hóm hỉnh, vui tươi của Ông Mùi
Trong hồi ức được kể, nơi đó có trẻ em, có người lớn. Trẻ con dường như luôn có nguồn năng lượng dồi dào, phấn khởi, vui vẻ, hay thích bày trò để tinh nghịch. Còn người lớn ngược lại trầm tĩnh, im ắng và khó hiểu.
Những người lớn kỳ lạ
Có những người lớn - mối bận tâm chính trong đời họ luôn xoay quanh việc kiếm tiền. “Làm gì cũng phải có mục đích cụ thể". Hễ “ chơi” là không được. “ Người lớn thích nghĩ đến tiền thậm chí đo giá trị của người khác bằng tiền bạc. Người lớn hay hỏi nhau: “ Cái xe bà A mới tậu bao nhiêu vậy? Ông B mua căn nhà đó mấy trăm triệu, Mấy đứa con ông C đi làm trên thành phố Tết này gửi về cho vợ chồng ông được bao nhiêu? Ngay cả chuyện tình yêu tưởng chừng như không dính dáng đến tiền bạc cũng không tránh khỏi bị vạ lây: Con nhỏ đó đi làm lương tháng bao nhiêu? Thằng boyfriend của mày thu nhập khá hơn.”
Nhưng vẫn có những người lớn cực kỳ dễ thương. Như Ba của Lý dù gia đình còn nhiều khó khăn nhưng món nợ hàng xóm láng giềng ghi trên bảng, ông xóa sạch, mẹ nhỏ Lý khi biết được, đã đuổi ông vòng vòng nhưng không đánh ông cái nào. Sau này chính bà cũng chẳng ghi nợ nữa, thế nhưng những người có nợ cứ lần lượt kéo đến trả từng món nợ họ có.
Người lớn và chuyện kiếm tiền
“Để giúp đỡ người khác, chỉ lòng tốt suông không đủ. Đứng trước một người thiếu ăn, nếu bạn chỉ ôm vai họ an ủi: “ Ôi, tội nghiệp bạn quá” mà không tặng họ một ổ bánh mì thì câu nói chân thành của bạn có thể làm họ ấm lòng trong giây lát nhưng suốt đêm đó họ vẫn không ngủ được vì đói. Nói chung, lòng tốt rất cần được cụ thể bằng những giúp đỡ vật chất, nếu không sẽ rơi vào chỗ bất lực. Có tiền, chúng ta sẽ cơ hội làm người tốt nhiều hơn là không có tiền.”
“Thật ra điều cốt lõi không nằm ở tiền bạc mà nằm ở thái độ của chúng ta đối với đồng tiền và cách chúng ta sử dụng nó.”
Đọc đến đây, mình hoàn toàn đồng tình với quan điểm về giá trị đồng tiền của tác giả. Rằng việc mong muốn kiếm tiền không hề xấu, vấn đề năm ở thái độ và cách chúng ta sử dụng đồng tiền.
Bản thân mình từng rơi vào cảm giác bất lực khi thấy người bạn xung quanh gặp khó khăn về vật chất, nhưng lại không có tiền để giúp đỡ họ, cảm thấy buồn và bất lực khủng khiếp. Và rồi mình cũng được trải qua việc số tiền kiếm được đã giúp được bản thân, giúp cả những người mình quý mến có được niềm vui, hạnh phúc trong nhiều khoảnh khắc. Điều đó càng giúp mình hiểu và trân trọng giá trị đồng tiền kiếm được.
Một người bạn của mình từng nói, bọn mình đừng biến tiền trở thành thước đo cho mọi giá trị trong cuộc sống, nhắc đến điều gì cũng quy đổi ra tiền, nhưng chúng mình cũng cần chăm chỉ kiếm tiền để có được cuộc sống đầy đủ và thoải mái hơn.
Ừ, đúng là vậy, mong muốn kiếm tiền của người lớn đâu phải xấu. Chung quy lại tốt xấu ở thái độ và cách chúng ta kiếm tiền và sử dụng đồng tiền thế nào, có hợp lý, chính đáng. Bạn có nghĩ vậy không?
Nên nếu bạn là người lớn, bạn muốn kiếm nhiều tiền, đừng xấu hổ nhé, mình cũng đang nỗ lực chăm chỉ kiếm tiền. Kiếm tiền và sau đó hãy sử dụng đồng tiền thật giá trị và đúng đắn. Thì điều đó chẳng có gì xấu.
Nhờ vào nội dung cuốn sách Cám ơn người lớn, thông qua giọng kể sinh động của ông Mùi, nhiều chi tiết khiến mình bật cười về sự trong sáng hồn nhiên của bốn bạn nhỏ, đồng thời cũng gật gù tán thành trước những đúc kết của nhân vật sau mỗi sự kiện.
Giống như tựa đề đầu cuốn sách, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nhắn gửi: “Tôi viết cuốn sách này không dành cho trẻ em. Tôi viết cho những ai đã từng là trẻ em.”
Nếu bạn đã từng là trẻ em, cuốn sách này ở đây, dành cho bạn.
Một chút suy ngẫm
Chúng ta - những người từng là trẻ em khi đọc được những suy nghĩ, những trò nghịch dại của Hài Cò, Cu Mùi, Tủn, Tí Sún có sẽ thốt lên: “ Ừ mình cũng từng như thế đấy, từng giấu diếm sự hà khắc, bày trò biết bao trò, cũng lãnh đủ biết bao trận đòn roi từ mẹ cha. Nhưng chính trò nghịch dại ngày ấy đã tạo nên một tuổi thơ nhiều kỷ niệm đẹp. Bây giờ nhìn lại mới thầm biết ơn vì sự vô tư của ngày tháng trẻ con từng có.”
Chính vì thế,trở thành người lớn, khi nhìn những trẻ em xung quanh, mong chúng ta đừng quá khắt khe, hà khắc, hãy cho phép các em được tự do lớn lên khám phá cuộc sống, để tuổi thơ của các em có những ký ức sống động và tươi đẹp.
Không chỉ người lớn, trong câu chuyện cũng có bài học dành cho trẻ em. Đôi khi trẻ em cũng cần bao dung và cảm thông với người lớn. Sự kỳ lạ của người lớn không phải ngẫu nhiên, đằng sau mỗi vấn đề đều có lý do: “Đôi khi là vì họ phải nuôi trong lòng những người nỗi niềm riêng như nuôi gánh nặng.” Và “điều đáng kể nhất mà người lớn đóng góp cho cuộc đời chính là họ làm ra trẻ con một cách hồn nhiên.” Nếu không có sự vất vả, lao tâm khổ tứ của người lớn, liệu trẻ em có thể vô tư lớn lên?
Người lớn và trẻ con không chỉ cần tình yêu thương, lòng vị tha, trái tim ấm áp, sự bao dung, chúng ta có thể học từ nhau nhiều thứ. Tất nhiên việc học hỏi cần có chọn lọc.
Người lớn đôi khi cần có chút tình thần hồn nhiên, thả lỏng của một đứa trẻ để nhìn nhận và bước đi với cuộc sống bằng trái tim nhẹ nhàng và giản đơn.
Trẻ con cũng vậy, đôi khi trẻ con cũng cần học cách cảm thông, bao dung với khó khăn của người lớn, bởi đời sống thực tế khắc nghiệt, nên không phải lúc nào người lớn cũng sẽ là một người lý tưởng như ta mong đợi.
Trích dẫn hay trong cuốn sách
“Con phải biết rằng yêu ai và nói với người đó là mình yêu họ, đó là giây phút hạnh phúc nhất đời.”
“Sau này tôi nghe nhiều người bảo rằng họ thích những câu chuyện có cái kết vui nhưng họ lại nhớ lâu hơn những câu chuyện có cái kết buồn. [...] Một kết thúc viên mãn đem lại sự hài lòng, nhưng như vẫn thường xảy ra, khi bạn đã hài lòng với điều gì thì bạn không còn phải lăn tăn suy nghĩ về nó nữa."
“ Một cuộc chia ly, một cảnh tan vỡ, một sự mất mát sẽ khiến tâm hồn bạn cảm thấy thiếu hụt và nhói đau, để lại trong tim bạn một vết cắt và bạn sẽ tự tìm cách chữa lành nó bằng những phút giây trăn trở và dày vò.”
“ Tình yêu cũng vậy thôi, con người ta hay mơ màng nghĩ về mối tình đầu bởi vì đó là mối tình bị đứt đoạn, nó giống như một cuốn sách bị ai xé mất mấy trang cuối, và chính vì ta mãi mãi không bao giờ biết được phần sau của nó mà ta nuối tiếc hơn mối tình bây giờ, tức là mối tình mà ta biết chắc nó đang bắt ta kiếm tiền, giặt đồ, đi chợ, rửa chén, dỗ con và thỉnh thoảng dọa ra tòa ly dị.”
Lời kết
Cám ơn người lớn là một câu chuyện dễ thương, hóm hỉnh, chứa đựng những bài học giá trị.
Đọc sách, một lần nữa bạn sẽ được trải nghiệm ký ức tuổi thơ cùng Tí Sún, Tủn, Hải Cò, Cu Mùi. Cùng với đó, là những suy nghĩ chiêm nghiệm sâu về cuộc sống.
Và biết đâu đó, khi gấp lại cuốn sách, bạn sẽ đặt ra câu hỏi: “Làm thế nào để mình trở thành một người lớn dễ thương hơn trong cuộc đời?
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất