Marketing chứng kiến từng bước chuyển dịch từ thời đại 1.0 - tập trung vào sản phẩm sang 4.0 - tập trung vào trải nghiệm khách hàng. Quảng cáo không chỉ dừng lại ở báo giấy hay các đoạn TVC trên truyền hình mà còn đa dạng trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng.
Doanh nghiệp muốn gia tăng lợi nhuận nhưng chưa biết phải thích ứng thế nào trong thời đại số hóa này. Chìa khóa cho việc gia tăng lợi nhuận chính là gia tăng giá trị thương hiệu trong mắt người tiêu dùng. Cuốn Brand Intimacy - Định vị thương hiệu trong thời đại 4.0 sẽ trình bày cho bạn cách để tạo ra mối liên kết giữa thương hiệu của mình với tâm trí khách hàng tiềm năng.
Tác giả sách Brand Intimacy - Định vị thương hiệu trong thời đại 4.0
review-sach-brand-intimacy


Tác giả sách Brand Intimacy - Định vị thương hiệu trong thời đại 4.0 là bộ đôi Mario Natarelli và Rina Plapler. Họ từng là cộng sự tại MBLM và tìm được điểm chung trong đam mê nghiên cứu thương hiệu. Hai tác giả đều có trên 20 năm kinh nghiệm xây dựng thương hiệu. Rina Plapler từng nắm giữ cương vị giám đốc điều hành tại Future Brand và sáng tạo ra chỉ số thương hiệu quốc gia.
Nội dung sách Brand Intimacy - Định vị thương hiệu trong thời đại 4.0
Thông qua các nghiên cứu định tính và định lượng, cuốn sách Brand Intimacy cung cấp các mô hình xây dựng thương hiệu với mục tiêu nhắm tới là gia tăng sự kết nối giữa thương hiệu với người tiêu dùng. Như đã nói ở trên, để thành công trong một thế giới kinh doanh với hàng triệu thương hiệu, các doanh nghiệp phải có những cách kết nối với khách hàng để không bị lãng quên và gặt hái được nhiều thành công.
Cuốn sách Brand Intimacy gồm 3 chương, đi từ gốc đến ngọn của cái cây Thương Hiệu. bắt đầu từ việc phân tích bối cảnh kinh doanh và khách hàng tiềm năng, sách đi đến các mô hình xây dựng thương hiệu và kết thúc bằng bài học đúc rút từ các thương hiệu đi trước. Sách Brand Intimacy còn có phần phụ lục chia sẻ 10 cách đánh giá mức độ thân thiết của một thương hiệu với khách hàng, từ đó giúp các nhà quản trị xây dựng một thang đo cho thương hiệu của mình.
Chương 1: Bối cảnh và sự thấu hiểu
Muốn thực sự kết nối với một con người, chúng ta phải hiểu người đó. Muốn thương hiệu kết nối với khách hàng, đương nhiên doanh nghiệp cũng phải thấu hiểu khách hàng.
Trước khi tìm hiểu khách hàng, hai tác giả cho chúng ta quay ngược thời gian để soi chiếu lại chặng đường phát triển của marketing từ thế kỷ trước. Marketing từ ngày xửa ngày xưa có khác gì ngày nay? Điều gì dẫn đến sự xuất hiện của thương hiệu? Tất cả sẽ được giải đáp trong chương 1 cuốn Brand Intimacy.
Trong phần này, tác giả cũng ghi chép lại sự thăng trầm của một thương hiệu và phân tích nguyên nhân của những khoảng lên xuống đó. Sự thay đổi của thương hiệu phần lớn xuất phát từ những thay đổi trong xã hội. Thương hiệu không chỉ là nghệ thuật hay khoa học đơn thuần mà còn lồng ghép cả những yếu tố tinh thần như tâm lý, tín ngưỡng.
Công nghệ cũng góp phần rất lớn trong sự thay đổi của bất kỳ thương hiệu nào. Công nghệ thay đổi cách chúng ta tạo ra sản phẩm và quảng bá nó tới người tiêu dùng. Công nghệ cũng điều chỉnh hành vi của khách hàng nữa. Vậy nên doanh nghiệp không bao giờ được bỏ qua yếu tố này trong quá trình xây dựng thương hiệu.
Chương 2: Lý thuyết và mô hình
Nếu như phần 1 Brand Intimacy nghiêng khá nhiều về định tính thì phần 2 lại tiếp cận theo hướng định lượng.
Nói về việc tạo nên mối liên kết giữa thương hiệu và người tiêu dùng, tác giả đã cho thấy vai trò quan trọng của cảm xúc khi làm thương hiệu. Sử dụng những nghiên cứu và quan sát trong lĩnh vực tâm lý học, khoa học thần kinh kết hợp với kiến thức marketing sâu rộng, hai tác giả đã trình bày mô hình xây dựng thương hiệu với mấu chốt là sự kết nối với khách hàng.
Trong phần này, cuốn sách đưa ra các giai đoạn mà người tiêu dùng trải qua trước khi hình thành sự kết nối với thương hiệu. Mỗi giai đoạn lại hình thành một sự sâu sắc khác nhau.
Thông qua phần này, người đọc sẽ dễ dàng đánh giá và chấm điểm mức độ thân thiết của khách hàng với thương hiệu của chính mình.
Chương 3: Phương pháp và thực hiện
Thành công sẽ đến từ việc nghiên cứu kĩ càng các thất bại. Để xây dựng một thương hiệu kết nối với khách hàng, chúng ta hãy đi tìm nguyên nhân xem từ đầu mà khách hàng thờ ơ với thương hiệu. Đa phần những sai lầm đến từ việc các thương hiệu đã không linh hoạt trong việc đặt mục tiêu, họ hoạch định quá giới hạn nên không xây dựng được một thương hiệu đúng tầm.
Chương 3 Brand Intimacy sẽ đem đến cho chúng ta rất nhiều bài học về sự thành công và thất bại của các thương hiệu. Biết được lí do họ phải nhận trái đắng từ khách hàng cũng là bàn đạp để chúng ta học thêm cách kết nối với những khách hàng tiềm năng.
Lời kết
Thương hiệu là tài sản của doanh nghiệp, là thứ quyết định sự thành bại của cả một tổ chức. Biết cách xây dựng thương hiệu kết nối với khách hàng sẽ giúp doanh nghiệp tồn tại trong một môi trường kinh doanh biến động và đầy cạnh tranh.
Một điều tôi rất ấn tượng với cuốn sách Brand Intimacy chính là bìa sách hết sức sáng tạo. Thoạt nhìn nó giống như một bài post trên facebook với màu sắc bắt mắt. Hãy để “bài post” công phu này dẫn dắt bạn cách tạo ra những nút like cho thương hiệu của riêng mình.
#Revisach
#review_sach_ Brand_ Intimacy