A little life: Cuối đường hầm không một tia sáng
-
 
A little life (Một chút sức sống) - Hanya Yanagihara
 
“I have become lost to the world 
In which I otherwise wasted so much time 
It means nothing to me 
Whether the world believes me dead 
I can hardly say anything to refute it 
For truly, I am no longer a part of the world.”
 
Tôi đã dần lạc lối trong cuộc đời này
Chỉ phí hoài thời gian vô ích
Cũng chẳng sao đâu
Dù người ta tin tôi còn sống hay đã chết
Tôi biết nói gì bắt bẻ lại đây
Bởi thực sự, cuộc đời này đã chẳng còn chừa một chỗ cho tôi
(Tạm dịch)
Đọc khoảng 2/3 cuốn sách, mình vẫn luôn tự dịch tên sách trong đầu là “Đời mọn/Cuộc đời bé nhỏ” - cảm thấy cũng hợp lý đấy chứ, ở trong cái suy nghĩ mình không xứng được sống của nhân vật chính. Nhưng hóa ra life này không phải cuộc đời mà là sức sống (energy or enthusiasm), thế nên tiêu đề cuốn sách này dịch chính xác phải là “Một chút sức sống”. Vì cái “title drop” này mà mình khóc lụt phòng vào lúc một giờ sáng.
Cuốn này mình đọc trong một tuần mới xong, nó dày 720 trang và xuất hiện đúng vào lúc mà mình đang bận. Thật ra nó đã bùng nổ từ hồi 2015 rồi, nhưng đến giờ mình mới tình cờ biết đến qua một kênh booktube (paperbackdreams), bạn này cũng mới chỉ vớ đến nó trong một tháng gần đây thôi và bạn ấy ghi lại quá trình đọc cuốn sách, tâm trạng lên lên xuống xuống nhìn rõ khổ. A little life là cuốn sách mà nếu bạn tìm trên Goodreads, sẽ thấy có những review 5 sao và những review 1 sao; có những review khen hết lời, có những review chửi hết nước.
Mục đích của Hanya Yanagihara là viết về một nhân vật có quá nhiều chấn thương tâm lý tuổi thơ, và kết cục của nhân vật đó là không bao giờ vượt qua được những năm tháng tăm tối ấy (create a protagonist who never got better). Bà cho rằng ngoài đời có những người bị chấn thương và không bao giờ phục hồi và vượt qua được, cớ gì văn chương lại cứ phải có ánh sáng cuối đường hầm? Nghĩ sao làm vậy, bả bèn chặn luôn đường hầm.
Thế là thiên hạ ném đá lẫn nhau loạn xạ: một bên chửi hết lời, như bạn mình nói: “Tôi biết thực tế đôi khi nó là như thế, nhưng thật ra văn học nghệ thuật vẫn nên cho người ta một chút hy vọng, an ủi tâm hồn.” Những người phe ủng hộ thì lại làm hẳn video list những ưu điểm vân vân của tác phẩm. Vấn đề ở chỗ không ai phủ nhận được sự thật là nó buồn sầu bi kịch thật sự. Nhiều review gọi tác phẩm này là “torture porn” - hay như cách nói quen thuộc của dân tình bên mình là “máu chó”.
-
 
Vấn đề của tác phẩm này là gì?
Thực ra lúc đầu (lúc chưa đọc) lượn nghe review trên YouTube và xem interview tác giả - mình đã thiên về tác giả hơn: sự thật là luôn có những tình huống bế tắc trên đời chứ, đúng không?
Chị Dậu lao vào màn đêm tối như cái tiền đồ của chị?
Chí Phèo chết cùng Bá Kiến?
Holden Caulfield ở trong bệnh viện tâm thần kể chuyện cho chúng ta nghe?
Naoko và Kizuki?
Giết con chim nhại?
Giã từ vũ khí?
Thậm chí, Romeo và Juliet?
Vân vân và mây mây.
Thế giới này có mặt xấu cũng có mặt đẹp; có những những cuộc đời sáng sủa may mắn, cũng có những cuộc đời không lối thoát. Một khi đã chọn một hướng đi hẹp, việc dùng tác-giả-no-jutsu để nhấc nhân vật ra khỏi bế tắc một cách không logic là một việc không nên làm. Bởi vì nó ảnh hưởng đến sự hoàn mỹ/trọn vẹn của một tác phẩm nghệ thuật, bởi vì nó không chân thật cũng không chân thành. Nếu cuối cùng chị Dậu bước ra dưới ánh sáng mùa Hè chói lọi thanh mát nhằm tạo ra một cái kết tươi sáng, truyền đi năng lượng tích cực, giúp người đọc thanh thản trong lòng thì ý nghĩa của tác phẩm đã hoàn toàn mất đi và có lẽ người đọc thời nay, hay thậm chí thời trước, sẽ quên phứt sự tồn tại của Tắt đèn ngay sau khi dứt mắt khỏi chữ cuối cùng. Giá trị của một tác phẩm, có chút đáng buồn, đôi khi nằm ở chỗ nó phản ánh chính xác một khía cạnh be bét nào đó của cuộc sống, cho dù khía cạnh đó khó nhìn thẳng đến mức nào.
Thế là mình cảm thấy, Hanya Yanagihara cũng có lý của bà ấy đấy chứ?
Nhưng không.
Sau khi tự mình đọc xong thì mình hiểu ra tại sao người ta lại ức chế: hình như tác giả này đã không đạt được mục đích ban đầu. Hay nói đúng hơn là: mục đích vẫn đạt được, nhưng con đường đi đến đích có vẻ hơi sai.
Sai như nào cơ?
Sai ở chỗ tác giả dường như đã tưởng tượng ra một món ăn mọi người đều biết đến, nhưng cách chế biến lại tạo ra vị hơi khác. Không đủ thỏa mãn (mình), bởi vì có vài chỗ bà ấy thích bỏ thêm muối, dặm thêm đường, nhưng trong nhà lại thiếu dấm chua, không có ớt/tiêu sẵn để dùng...
Yanagihara là một biên tập viên. Một biên tập viên thường sẽ biết cấu trúc một câu chuyện, biết tạo điểm nhấn, biết thao túng cảm xúc độc giả... bà ấy biết làm như thế nào, cũng biết mình muốn viết cái gì, mình sẽ không nói đây là một tác phẩm có văn phong hoàn mỹ kiểu Nabokov nhưng mình đánh giá cao kỹ năng viết của người này. Vấn đề là: có sự khác biệt giữa tác giả và người biên tập/người đọc ở chỗ tác giả có sự gắn bó mật thiết với cảm xúc nhân vật. Dường như Yanagihara đã gặp khúc mắc ở chính chỗ này: sự thương cảm dành cho nhân vật mâu thuẫn với quyết tâm phản ánh một sự thật đã khiến bà không thành công lắm (chứ không phải thất bại). Ngòi bút của bà chiều theo cảm xúc: chỗ thì quá angst, chỗ lại quá nương tay. Và theo như phỏng vấn thì bà nhận ra những chỗ này, nhưng quyết định không sửa.
Jude (nhân vật chính) đã trải qua một tuổi thơ thảm khốc thực sự, đủ các loại: bị bạo hành, bị tẩy não, bị lạm dụng tình dục, bị tấn công tình dục, bị hành hạ thể xác, bị bỏ bê... như kiểu tất cả những gì tồi tệ nhất có thể xảy ra với một con người đều đã xảy ra với đứa trẻ này. Để đi đến sự bế tắc thì con đường đi cũng phải hẹp, mình chấp nhận.
Nhưng từ khi Jude còn nhỏ, là một đứa trẻ (một đứa trẻ), đã có rất ít người (đếm không đủ một bàn tay) nâng cậu dậy. Mình biết trên đời thực sự có rất nhiều mặt tối, nhưng không lẽ nào lại thực sự có một đứa trẻ đi mãi trên đường đời mà không gặp được một người lớn tốt bụng nào sao? Cả từng đó chiếc xe tải cho Jude đi nhờ trên đường cao tốc trong từng đó tháng trời, chẳng lẽ không có một ông tài xế nào tử tế và không phải là kẻ ấu dâm?
Và đến đây lại bắt đầu bất nhất: Jude 16 tuổi, được cứu thoát khỏi cuộc đời đó. Hồ sơ bị niêm phong. Bắt đầu lại từ đầu. Và đột nhiên từ đây cậu gặp toàn người tốt. Toàn người hiểu chuyện. Toàn người yêu thương cậu, bao bọc cho cậu. Không xâm phạm riêng tư của cậu. Bốn đứa bạn cùng phòng thành bốn đứa bạn thân (chuyện này không có vẻ thường xuyên và tất yếu sẽ xảy ra như vậy): một Malcolm rich kid biết giữ ý; JB phổi bò ích kỷ nhưng cũng biết giữ ý nốt (?); và một Willem dịu dàng tốt đẹp như một vị Thánh. Tình bạn của họ khiến cho mình cảm thấy tốt đến mức không chân thực. Thực ra trong giai đoạn này cũng vẫn có một thằng cặn bã nhưng mà vẫn có rất nhiều người ở bên Jude.
Trước đó bà ấy làm mình nhăn mày vì cuộc đời của Jude sao mà tất cả mọi người (tất cả) đều cặn bã vậy? Giờ mình lại thắc mắc tại sao Jude lại toàn gặp người tốt? Tại sao mọi chuyện từ đây lại suôn sẻ quá mức?
Như kiểu, dù ở giai đoạn nào câu chuyện đều đi hơi quá đà một chút. Làm cho mình tiếc, tiếc rằng nếu có một chút tiết chế, một chút cân bằng, câu chuyện này sẽ thật sự hoàn mỹ.
Tác giả muốn phản ánh một khía cạnh thực rằng không phải nạn nhân bạo hành nào cũng sẽ có cái kết HE như trong phim - thế nhưng bà ấy cũng lại quá mềm lòng, không đủ tàn nhẫn để thực sự phản ánh thực tế. Để biến Jude thành một kẻ nghiện ngập, bốc đồng, thiếu khả năng gắn kết với con người... như rất nhiều những đứa trẻ bị xâm hại có kết cục bi kịch khác; nhất là khi Jude đã trải qua từng đó chuyện.
Cuộc đời của Jude, dẫu bi thảm đến vậy, phần nào vẫn có yếu tố lãng mạn hơi sai chỗ.
Kết cục của Jude, dẫu là một sự thật trong đời, lại không khiến mình cảm thấy nó là thực tế đáng buồn, mà có vẻ khiên cưỡng.
Đây là một cuốn sách có những nhân vật đáng nhớ và những đoạn văn bi thảm đẹp đẽ như thế này:
“Đằng nào thì anh cũng chẳng tốt lành gì cho họ; anh chỉ là một bộ sưu tập đồ sộ toàn những rắc rối, không hơn. Trừ khi anh tự ngăn bản thân mình, bằng không anh sẽ chỉ làm họ choáng ngợp với những đòi hỏi. Anh sẽ cứ chiếm lấy chiếm lấy và ngốn ngấu từng mẩu máu thịt của họ; họ sẽ giải quyết mọi khó khăn anh mang đến, thế nhưng anh sẽ vẫn tìm ra những cách khác để hủy hoại họ. Trong một thời gian, họ sẽ thương tiếc anh, bởi vì họ là người tốt, những người tốt nhất, và anh rất lấy làm tiếc - nhưng rồi cuối cùng họ sẽ nhận ra rằng cuộc đời này tốt đẹp hơn nhiều khi không còn anh nữa. Họ sẽ nhận ra anh đã đánh cắp bao nhiêu thời gian của mình; họ sẽ hiểu rằng anh là một kẻ trộm, một kẻ đã hút sạch năng lượng và sự chú ý của họ, hút máu họ. Anh hy vọng họ sẽ tha thứ cho mình; anh hy vọng họ sẽ nhận ra đây là cách anh chuộc lỗi. Anh đang thả tự do cho họ - anh yêu họ hơn tất thảy, và đây là việc ta làm cho những người ta yêu: ta trả họ tự do.”
"He was no good for them, anyway; he was only an extravagant collection of problems, nothing more. Unless he stopped himself, he would consume them with his needs. He would take and take and take from them until he had chewed away their every bit of flesh; they could answer every difficulty he posed to them and he would still find new ways to destroy them. For a while, they would mourn him, because they were good people, the best, and he was sorry for that — but eventually they would see that their lives were better without him in it. They would see how much time he had stolen from them; they would understand what a thief he had been, how he had suckled away all their energy and attention, how he had exsanguinated them. He hoped they would forgive him; he hoped they would see that this was his apology to them. He was releasing them — he loved them most of all, and this was what you did for people you loved: you gave them their freedom."



Bây giờ em vẫn chưa hiểu được ý anh, nhưng rồi sẽ có ngày em hiểu: anh nghĩ bí quyết duy nhất đối với tình bạn là tìm những người tốt đẹp hơn em - không phải thông minh hơn, không phải ngầu hơn, mà là tốt bụng hơn, rộng rãi hơn, bao dung hơn - và rồi trân trọng những điều mà họ có thể dạy cho em, và cố lắng nghe họ khi họ bảo với em điều gì đó về bản thân, dù cho điều đó có thể khó nghe hay dễ nghe - và hãy tin họ, điều này là khó nhất. Nhưng cũng là điều tốt đẹp nhất.
“You won’t understand what I mean now, but someday you will: the only trick of friendship, I think, is to find people who are better than you are — not smarter, not cooler, but kinder, and more generous, and more forgiving — and then to appreciate them for what they can teach you, and to try to listen to them when they tell you something about yourself, no matter how bad — or good — it might be, and to trust them, which is the hardest thing of all. But the best, as well.”
Sự... chưa đủ làm người đọc hài lòng của A little life, mình nghĩ, không phải vì nó không có tia sáng cuối đường hầm, mà vì tác giả đã để cảm xúc cuốn đi mà nương tay nặng tay đều không đúng chỗ. Nương tay nên để cho Jude có một gia đình, có những người thương yêu; nhưng cố chấp với ý định ban đầu nên phải tạo ra một khúc ngoặt đột ngột thiếu thuyết phục để đạt được mục đích ban đầu.
A little life vẫn là một tác phẩm mà mình cảm thấy đủ xuất sắc. Là một cuốn sách mình sẽ đọc lại nhiều lần, cũng hy vọng nó sẽ được chuyển thể thành phim như The Goldfinch. Dù yêu thích (hoặc chính vì yêu thích) lòng mình vẫn tiếc vì đáng ra nó đã có thể hoàn mỹ hơn.

- Tử Dương