(Khuyến cáo: Phim không dành cho người dưới 16 tuổi. Reviewer lắm mồm/chữ, rất nhiều spoilers nên nếu bạn có ý định xem thì nên xem trước rồi đọc để tránh lọt hố :v)

Yorgos Lanthimos là đạo diễn người Hy Lạp, được khán giả Việt Nam biết đến qua một số phim như Dogtooth (Kynodontas) hay The Lobster. Phong cách đặc trưng của ông là những thước phim với màu lạnh trên nền nhạc giao hưởng kỳ quái, tiết tấu chậm và hình ảnh mang tính trừu tượng cao, cùng với diễn xuất không biểu cảm một cách có chủ ý của các diễn viên. The Killing of a Sacred Deer cũng không phải là ngoại lệ.

1. Nội dung:
Bộ phim có thể được coi là một phiên bản thời hiện đại của câu chuyện trong thần thoại Hy Lạp về nàng Iphigénie (được gợi ý trong xuyên suốt cả phim). Chuyện là trong cuộc chiến thành Troy, khi vua Agamemnon dẫn quân Hy Lạp tham gia vào cuộc chiến, họ phải dừng ở Aulis do không có gió, thuyền chiến không thể tiếp tục ra khơi bất kể quân sĩ đã hết sức cầu khấn các vị thần. Vua Agamemnon cầu cứu nhà tiên trì Calchas, và nhận được lời phán truyền rằng tai hoạ này là do Agamemnon đã xúc phạm đến thần Artemis. Về việc này, có nhiều dị bản, nhưng theo phim thì vua Agamemnon đã giết chết con nai thần của nữ thần chiến tranh, và để chuộc lại lỗi lầm, ông phải hiến dâng cho nữ thần đứa con gái của mình, nàng Iphigénie, để làm người tháp tùng cho thần Artemis. Cho dù Agamemnon đã cố gắng hết mức để ngăn việc hiến tế, chính nàng Iphigénie đã chấp nhận hy sinh cao cả, và trong thời khắc hiến tế, khi lưỡi giáo đâm nàng, thần Artemis có lẽ đã rủ lòng thương, cứu Iphigénie và thay vào chỗ nàng một con nai cái, còn nàng Iphigénie trở thành người tháp tùng của thần.
Với The Killing of a Sacred Deer, nhân vật Steven - một bác sĩ phẫu thuật tim - do thực hiện phẫu thuật cho dù ông ta đang trong tình trạng không tỉnh táo sau khi vừa uống rượu, đã gây ra cái chết của bố chàng trai trẻ Martin. Martin nắm trong mình sức mạnh siêu nhiên, đã đe doạ Steven rằng cậu ta muốn công lý, và công lý đó theo thế giới quan của Martin là vị bác sĩ phải giết một người trong gia đình mình, nếu không từng người một trong gia đình đó sẽ chết. Cũng như Agamemnon, Steven đã cố gắng tìm mọi cách để không phải “hiến tế” bất kì ai trong gia đình mình. Một mặt ông ta cố gắng xoa dịu nỗi căm thù của Martin bằng vật chất, tặng Martin những món quà đắt tiền và trở thành người cha nửa vời của cậu ta, thậm chí mời cậu đến nhà chơi và gặp gỡ mọi người trong nhà. Mặt khác, ông ta tự trấn an bản thân mình rằng mình không phải là nguyên nhân cái chết của bố Martin, nói dối những người xung quanh mình (nói với vợ rằng bố Martin chết do tai nạn xe hơi) và cả chính bản thân mình (đổ lỗi cho bác sĩ gây mê trong ca phẫu thuật đó).
Tuy nhiên, mọi thứ trở nên tồi tệ hơn khi Martin bắt đầu trù ếm từng người trong gia đình của Steven, bắt đầu từ cậu con trai út, rồi đến đứa con gái lớn. Lúc này, Steven vẫn cố gắng làm mọi cách để cứu gia đình chứ không thoả hiệp với Martin - ông cố gắng tìm mọi lời lý giải từ khoa học để cứu lấy gia đình mình, thậm chí cả bạo lực (thả con xuống đất bắt con tự đi cho dù thằng bé chỉ có thể lết; bắt cóc, đánh đập Martin hòng tìm ra câu trả lời, bới tung đồ đạc trong nhà để gây áp lực với vợ mình). Nhưng rốt cuộc sau bao cố gắng, Steven không còn lựa chọn nào khác ngoài việc hy sinh người thân của mình. Và rồi mọi thứ kết thúc. Hay là chưa? Ánh mắt của cô con gái nhìn Martin trong khi ngấu nghiến chỗ khoai tây chiên với sốt cà chua (món ăn Martin luôn để dành để thưởng thức cuối bữa mỗi khi đi ăn với Steven) lúc cuối phim ngụ ý điều gì? Có khi nào một vòng lặp mới sẽ tiếp tục?

2. Nhân vật:
Với độ dài hai tiếng, phim đã đưa vào những chi tiết ẩn ý để tạo chiều sâu cho các nhân vật kể cả chính hay phụ. Có thể nói là Yorgos Lanthimos đã thành công trong mảng này.

Steven
Ngoài một số thông tin cơ bản như ông ta là một bác sĩ phẫu thuật tim, có một gia đình có thể nói là kiểu mẫu với một vợ hai con, tính cách của Steven được khắc hoạ một cách chấm phá xuyên suốt toàn bộ phim. Có thể nói tuy bề ngoài đạo mạo, được kính trọng (cảnh bữa tiệc) nhưng bên trong Steven lại vô cùng mục ruỗng. Ngoài bí mật về vụ ngộ sát bố của Martin, nhân vật này cũng ẩn chứa nhiều thứ xấu xa: lừa lọc, dối trá (chủ yếu về mối quan hệ mập mờ với Martin) và gia trưởng, thích kiểm soát.
Tính cách cuồng kiểm soát của Steven được thể hiện qua những chi tiết như: chiếc đồng hồ dây kim loại, cố gắng kiểm soát bệnh tật của con mình, ép con cái ăn mặc dù chúng không thể, gây áp lực với vợ. Có thể kể thêm về cảnh ân ái của hai vợ chồng - theo mình thì Steven mắc chứng somnophilia - ông ta chỉ muốn làm chuyện đó khi vợ mình nằm bất động (tư thế nằm của người vợ cũng khá là khó hiểu, giống như một người đang chuẩn bị thành lễ vật hiến tế vậy), cũng một phần cho thấy sự thích kiểm soát ngầm của Steven. Một cảnh khác là khi Steven chơi trò thú tội với con trai và kể về premature ejaculation, cũng có thể là hàm ý cho việc cuồng kiểm soát này.
Với nhiều người thì những nỗ lực cứu lấy gia đình của Steven là do ông quan tâm tới gia đình của mình, nhưng theo suy nghĩ của mình, phần nhiều là do Steven muốn lấy lại sự kiểm soát của mình với tình hình và cố gắng chống lại Martin chứ không hoàn toàn nằm ở tình yêu thương con cái. Ở phân đoạn gần cuối, khi Steven phải đưa ra quyết định hy sinh một thành viên trong gia đình, ông ta lại che mặt mọi người và chính mình trước khi xoay vòng quanh và nổ súng một cách ngẫu nhiên. Rõ ràng Steven chưa học được bài học gì từ sự trả thù của Martin và chưa dám đối mặt với chính lương tâm tội lỗi của mình. Một nhân vật khá méo mó được thể hiện khá ổn qua diễn xuất của Colin Farrell.

Martin
Nhân vật “phản diện” chính của phim với thế giới quan cực đoan của riêng mình. Cậu ta sở hữu năng lực siêu nhiên và gây tai hoạ lên gia đình của Steven để trả thù cho cái chết của bố mình. Tuy nhiên, có vẻ như sự trả thù này xuất phát từ tình phụ tử - chính Martin đã ẩn ý rằng cậu ta và bố không có nhiều điểm chung, và nếu có tình yêu thương giữa hai bố con thì nó cũng khá độc hại. Quay lại thế giới quan của Martin, dễ thấy cậu ta theo chủ nghĩa “An eye for an eye”/”Nợ máu phải trả bằng máu”, rõ ràng nhất là cảnh cậu cắn vào tay Steven ở dưới nhà kho và mỉa mai Steven rằng việc xin lỗi hay vuốt ve vết thương (cũng như việc Steven mua quà đắt tiền tặng cho Martin để cố gắng bưng bít) cũng chỉ làm đau thêm mà thôi. Cách duy nhất mà cậu cho rằng thoả đáng là nỗi đau tương tự xuất hiện ở chính kẻ gây ra nó. Nếu đối chiếu với câu chuyện thần thoại phía trên thì Martin ứng với nữ thần Artemis, nắm trong tay quyền sinh sát.
Một cảnh quay cho thấy năng lực của Martin mà nhiều người cũng chỉ ra là cảnh đứa con trai của Steven cùng mẹ nó đi xuống thang máy sau khi dấu hiệu tê liệt đầu tiên xuất hiện. Cảnh quay được thực hiện từ trên cao, hàm ý rằng Martin đang nhìn xuống hai mẹ con, giống như một vị thần hay một thế lực hắc ám, và gieo lời nguyền lên đứa con. Hay cảnh Martin gọi điện cho đứa con gái của Steven, người vừa bị tê liệt nhưng hoàn toàn có thể đứng dậy được khi Martin yêu cầu cô làm vậy. Một cảnh khác ở dưới tầng hầm, vợ của Steven sau khi băng bó cho Martin đã cúi xuống hôn lên hai chân của cậu ta, giống như tôn thờ một vị thần thánh nào đó vậy. Diễn xuất của Barry Keoghan hoàn toàn lấn át những ngôi sao khác như Colin Farrell và Nicole Kidman, tạo nên một Martin bệnh hoạn, mưu mô và ma mị với dáng đi, giọng nói, ánh mắt ẩn chứa sự điên loạn. Phim không hề cho biết Martin đã ra tay như thế nào nhưng người xem vẫn cảm thấy sợ hãi nhân vật này.

Gia đình của Steven
Nếu coi gia đình của Steven là một nhân vật thì theo mình, nhân vật này cũng mục ruỗng như chính ông ta vậy. Tương tác giữa các thành viên trong gia đình gần như bằng không, họ nói chuyện khiên cưỡng, gượng ép, giao tiếp cũng hạn chế. Hai đứa trẻ bị phụ huynh kiểm soát khiến những nổi loạn trong chúng âm ỉ bùng lên. Hai vợ chồng Steven dường như cũng không có nhiều chemistry theo đúng chủ đích của đạo diễn, họ trái ngược nhau về quan điểm và tính cách. Sự tan vỡ của cái bộ mặt gia đình hạnh phúc ấy ngày càng được thể hiện rõ ở gần cuối của phim: người chị cố tình xúi giục đứa em chết; từng người đều cố gắng làm hài lòng Steven để không phải trở thành vật hiến tế: cậu em nghe lời bố một phép - cắt tóc, muốn làm bác sĩ phẫu thuật tim giống bố, nói về cây đàn piano; cô chị bị bắt về khi cố gắng lết ra khỏi nhà và trốn đi đã cố gắng nịnh bợ bố mình, tỏ ra tôn thờ bố mình; người mẹ cố tình mặc bộ váy đen theo ý thích của chồng, v.v. Thay vì hy sinh vì nhau, họ lại trở nên ích kỷ và yếu đuối.

3. Có lẽ sẽ tốt hơn nếu…:
Mạch phim chậm, muốn nhấn mạnh vào cảm giác ngột ngạt không biết chuyện gì sẽ xảy ra nhưng theo mình đạo diễn đã hơi lạm dụng điều này. Như Alfred Hitchcock từng nói, thay vì cho một quả bom nổ bất thình lình dưới gầm bàn, người xem sẽ hồi hộp hơn nhiều khi biết có một quả bom có thể nổ bất cứ lúc nào dưới gầm bàn vì họ không có khả năng kiểm soát việc nổ hay không nổ. Trong The Killing of a Sacred Deer, quả bom được tung vào khoảng ⅓ phim, khi Martin nói với Steven về các giai đoạn bệnh trước khi chết của từng thành viên trong gia đình, làm người xem lo lắng không biết khi nào chuyển đến giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, khoảng chờ giữa giai đoạn 2 và giai đoạn 3 của căn bệnh hơi bị kéo dài, làm cảm giác hồi hộp căng thẳng nhạt dần, và cao trào không còn tạo nhiều cảm xúc cho người xem nữa. Đây là điểm lớn nhất mà mình thấy khiến phim chưa đủ toàn vẹn. Nhưng có lẽ thế mới là phim chăng?

Lời kết: The Killing of a Sacred Deer là một phim khá tốt, nhưng có lẽ chưa thực sự thoả mãn được người xem sau Kynodontas hay The Lobster. Phim có tiềm năng nhưng chưa được khai thác hết mức. Tuy vậy theo ý kiến chủ quan của mình, phim vẫn đáng để xem ít nhất một lần.

Tham khảo:
2. Thần thoại Hy Lạp, bản Nguyễn Văn Khoả biên soạn