Nếu cái discourse về thiện-ác từng được đề cập ở Parasite dừng lại ở: "Họ tốt vì họ giàu", thì ở The White Tiger, định nghĩa về thiện-ác, tốt-xấu được trình bày nặng đô hơn: "Họ tốt vì họ giàu, và họ xấu cũng vì họ giàu."
The White Tiger không phải là một bộ phim Ấn Độ điển hình. Nói đến điển hình, bạn sẽ nhớ đến "Cô dâu 8 tuổi" dài mấy ngàn tập, nhảy múa tưng bừng, các vị thần với con mắt thứ ba đang nhìn xuống chúng sinh trong đền thờ. Có thể nói The White Tiger là một bức tranh đa diện về xã hội Ấn Độ, bóc tách một cách tài tình mâu thuẫn tầng lớp giàu - nghèo ở Ấn Độ (một đề tài muôn thuở, hẳn rồi), không có lằn ranh thiện ác, người giàu ác, người nghèo cũng ác. Cái ác của người giàu là sơ cấp (primary source :)), cái ác của người nghèo là thứ cấp (secondary source). Và những cái source đó bắt nguồn từ cái gì - "Văn hóa", "Lịch sử", có lẽ. Cái văn hóa mà nhân vật chính Balram đã cho khán giả thấy từ đầu phim, rằng thực dân Anh đã để lại di sản phân biệt giai cấp khổng lồ cho dân Ấn, biến những người ở giai cấp của anh thành những con gà trong chuồng, chờ bị cắt cổ bởi những người ở tầng lớp quý tộc (chính sách cai trị dựa theo tầng lớp và chủng tộc vốn là một chiêu hiệu quả của người da trắng, rồi khi họ phủi đít đi mất, thảm kịch bắt đầu).

Balram mỉa mai: Ấn Độ, nền dân chủ lớn nhất thế giới ư? Anh ta chở cậu chủ Ashok của mình cùng cái túi đỏ chứa đầy tiền đi hối lộ quan chức. Anh ta an ủi chủ nhân của mình sau thảm kịch tông xe, rằng, gia đình nạn nhân sẽ không tố cáo đâu, bởi họ chắc sẽ bị đuổi cổ trước đồn cảnh sát bởi vì xuất thân thấp kém của họ.  
Ở trong The White Tiger, bạn sẽ thấy các tuyến nhân vật chính sau đây đại diện cho bối cảnh và đặc tính của xã hội Ấn Độ
-Balram: người nghèo thuộc giai cấp Sudra (nghĩa là "tiện dân"). Sinh ra đã nghèo, nghèo từ đời con đời cháu, bởi vì họ phải đời đời cúi mình trước các chủ nhân. Nhưng Balram không muốn như cha anh mình, anh muốn "đổi đời". Cuối phim, anh đúc kết rằng những người nghèo như anh, để đổi đời, thì chỉ có 2 con đường: chính trị hoặc tội phạm. Muốn biết Balram chọn con đường nào, xin mời coi phim luôn nhen.
-Ashok: cậu chủ của Balram, thuộc giai cấp Vaisya (là những hàng thương gia chủ điền, có nhiệm vụ đảm đương về kinh tế trong nước, và ở thời hiện đại, họ cầm cái túi đỏ đi hối lộ để khỏi đóng thuế). Ashok được hưởng giáo dục của Mỹ, anh tin vào bình đẳng giai cấp, anh muốn tạo nên "cải cách". Nhưng càng xem phim khán giả sẽ thấy văn hóa là cái ăn vào máu bạn rồi, trừ khi thay máu, thì có tẩy cũng không sạch hết cái cốt cách của địa chủ.
-Pinky: vợ Ashok, Pinky là đại diện cho tầng lớp Ấn Độ "mới". Cô sang Mỹ từ hổi 12 tuổi cùng cha mẹ. Ở Ấn, cô cùng tầng lớp với Balram, nhưng cô đã "thay máu" khi trở về Ấn Độ. Pinky cất lên tiếng nói của mình, bởi cô thực sự tin vào bình đẳng và quyền con người. Và, Pinky bị vỡ mộng. Pinky cũng là một nhân vật thú vị. Cô lên án cái chế độ phân biệt giai cấp này, nhưng đồng thời cũng hưởng lợi từ nó, cô bị giằng xé. Muốn biết cổ giằng xé ra sao thì xem phim nhen :")
Tôi viết ra cái này và không sợ rằng tôi sẽ spoil phim, bởi tôi tin rằng bộ phim xứng đáng với 2 tiếng đồng hồ của bạn. Phần tôi, xem xong rồi, tôi tự hỏi rằng, thế thì có trụi trần quá thể không - tại sao bộ phim lại thẳng tay gạch xóa lằn ranh thiện ác như thế. Nếu cái discourse về thiện-ác từng được đề cập ở Parasite dừng lại ở: "Họ tốt vì họ giàu", thì ở The White Tiger, định nghĩa về thiện-ác, tốt-xấu được trình bày nặng đô hơn: "Họ tốt vì họ giàu, và họ xấu cũng vì họ giàu."
Bấy nhiêu đó cũng đủ để tôi nhớ về "The White Tiger" đến hết tháng hai này.